Nhật Bản, thị trường thứ 2 về tiếp nhận lao động Việt Nam
Việt Nam chính thức đưa thực tập sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ năm 1992 trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản” được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO). TQua Chương trình này, Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên Việt Nam nâng cao tay nghề, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại.
Từ cuối năm 2005, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Bản Thỏa thuận với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN). Theo đó, thực tập sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản theo chương trình này hầu như không phải đóng các chi phí trước khi xuất cảnh, ngoại trừ các khoản chi phí khám sức khoẻ, lệ phí làm hộ chiếu và visa, chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo trước phái cử.
. |
Từ năm 2012, trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), 2 bên đã thống nhất triển khai Chương trình Đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Hiện nay, Việt Nam là nước thứ ba, sau Phillipines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản. Việt Nam cũng được đánh giá, là một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực hợp tác chuyển dịch lao động sang Nhật Bản.
Báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, trong số 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2016, Nhật Bản là thị trường thứ 2 về tiếp nhận lao động với con số 39.938 lao động.
Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, trong số 29 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2016, chỉ có 6 thị trường tiếp nhận từ 1.000 lao động trở lên trong đó có Nhật Bản và đây cũng là một trong 3 thị trường chiếm 90% tổng số lao động đưa đi. Quý I/2017, số lượng hợp đồng đăng ký của doanh nghiệp được cho phép tuyển dụng ở Nhật Bản đã là 278 hợp đồng, với trên 10.000 lao động.
Kỳ vọng thay đổi chất cho nguồn nhân lực
Đánh giá về thị trường Nhật Bản, ông Vũ Văn Nam, Tổng giám đốc CTCP Thương mại và Cung ứng Việt Lực cho rằng, thị trường Nhật Bản khó tính từ khâu tuyển chọn tới phỏng vấn, đào tạo. “Nhật Bản đòi hỏi người lao động cả tay nghề cao lẫn kinh nghiệm, do đó, để đáp ứng các đơn hàng của Nhật Bản, doanh nghiệp phải lên kế hoạch lựa chọn và đào tạo tốt nhất”, ông Nam nói.
Trong cuộc họp vào tháng 2 vừa qua giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung với Thứ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Hirofumi Katase, Bộ trưởng Dung đề xuất hướng hợp tác mới là đưa lao động có trình độ cao sang làm việc tại Nhật.
Ông Dung kỳ vọng: “Đây sẽ là cơ hội tốt để những lao động trẻ có trình độ được tiếp cận với môi trường lao động hiện đại, có kỷ luật lao động cao, tích lũy kiến thức để sau này quay trở lại làm việc tại Việt Nam”.
Bên cạnh dó, đội ngũ tu nghiệp sinh tại Nhật Bản cũng đang được đánh giá là góp phần đáng kể vào nguồn nhân lực có chất lượng của Việt Nam thời gian tới. Theo thống kê, hiện có khoảng 72.000 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập, làm việc tại Nhật Bản và khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đang hợp tác với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai viện trợ vốn vay, cung cấp trang thiết bị dạy nghề và hợp tác kỹ thuật trong năm 2017.
Việc đưa lao động sang Nhật Bản làm bước đệm cho phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, không chỉ là kỳ vọng của những người làm quản lý, mà còn là trăn trở của khá nhiều doanh nghiệp đang đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản.