Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy - hải sản đã tận dụng tốt các FTA. Ảnh: Đức Thanh |
Sản xuất phải là gốc rễ
Tại phiên chất vấn chiều ngày 6 và sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận nhiều câu hỏi về việc phát triển thị trường trong nước, hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt và tình hình xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam ký một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Viết Lượng (tỉnh Bình Phước) về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức gì, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với mặt bằng chung của thế giới. Đơn cử, trong 9 tháng năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8,4%, trong khi các nước khác chỉ tăng trưởng ở mức từ 1 - 3%, thậm chí nhiều quốc gia tăng trưởng âm.
Tăng trưởng dù đạt cao, nhưng người đứng đầu ngành công thương thừa nhận: “Con số này chưa nói lên điều gì. Điều mà Việt Nam cần là sự bền vững trong xuất - nhập khẩu, phát triển thị trường”.
Việt Nam đã tham gia nhiều FTA lớn, giúp hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy cải cách để các ngành phát triển đúng đường ray, có chiều sâu để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Việt Nam đã tham gia 14 FTA và 3 FTA đang đàm phán, tạo điều kiện để hàng xuất khẩu có được ưu đãi và cơ hội thị trường tốt hơn, nhưng các FTA mới chỉ là điều kiện cần. Về điều kiện đủ, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp, tôi cho rằng, phải tổ chức sản xuất để đảm bảo vượt qua những hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được những yêu cầu của thương mại quốc tế, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Thách thức lớn nhất khi thực thi FTA không phải là xúc tiến thương mại, tìm thị trường, hay vấn đề xử lý tranh chấp thương mại đơn thuần, mà phải bắt đầu từ sản xuất. “Sản xuất phải là gốc rễ, nếu không đổi phương thức sản xuất thì tự hạn chế mình”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Xuất khẩu 10 tháng tiệm cận mục tiêu
Nguồn: Bộ Công thương
Trong 10 tháng của năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 427,05 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4%, xuất siêu trên 7 tỷ USD.
Với mức tăng 7,4%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đã tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng 7-8% trong năm 2019.
“Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 82,5% mục tiêu xuất khẩu của năm 2019”, Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu 10 tháng của Bộ Công thương chỉ rõ.
2 tháng còn lại của năm 2019 được cho là những tháng cao điểm với khối sản xuất, xuất khẩu. Thông thường, kim ngạch xuất - nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm, do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số nước châu Á. Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Theo chu kỳ, xuất khẩu các mặt hàng như: dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông, thủy sản… thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ tết tăng cao.
Đặc biệt, xuất khẩu cá tra, cá basa sang thị trường Mỹ được dự báo sẽ phục hồi khi mới đây, theo quyết định sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo: mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện là 0 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó. Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để mở rộng xuất khẩu. Cùng với đó, xuất khẩu cũng nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước.