Hoạt động xuất khẩu vẫn đối diện nhiều rủi ro, thách thức trong năm 2025. |
Xuất khẩu năm 2024 đang trên đà tăng trưởng khá, 10 tháng thu về 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu xuất khẩu của 10 tháng của năm nay hiện chỉ kém xuất khẩu của cả năm ngoái hơn 19 tỷ USD.
Trong 2 tháng còn lại của năm nay, tình hình đơn hàng với nhiều ngành đóng góp kim ngạch lớn vẫn tích cực, dự kiến xuất khẩu có thể về đích với kim ngạch 390 - 400 tỷ USD.
Nhưng, xuất khẩu trong năm tới vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức, khó duy trì được tăng trưởng như năm 2024. Nhất là tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta có thể bị tác động bởi các chính sách mới liên quan tới hàng rào thuế quan, từ chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump.
Chính sách điều hành kinh tế của Tổng thống Mỹ trong năm tới có thể tác động đến dòng chảy thương mại, ảnh hưởng đến trụ cột xuất khẩu của Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề 'Khai thông & Bứt phá' hôm 8/11, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, năm 2024, hai động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Nhưng với xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng khả quan một phần do dựa trên nền thấp của 2023.
Năm 2023, xuất khẩu đã không thể về đích bởi trước tác động từ những yếu tố bất lợi ở cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD.
Do đó, theo Chuyên gia đến từ ADB, trước xu hướng hạ nhiệt của thị trường, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu tốt có thể khó duy trì trong năm tới.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội trong nước và thế giới 10 tháng năm 2024 tác động đến phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương nhận định: "Việt Nam là nền kinh tế mở, nên tác động chung của xu hướng hạ lãi suất của FED sẽ dẫn đến sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu. Khi nền kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt - điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta".
Thương mại toàn cầu tiếp tục chịu tác động bởi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina và tại Trung Đông, trong trường hợp xung đột lan rộng sẽ tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng đối với vận tải toàn cầu.
"Điều này không những làm tăng thêm chi phí logistics mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị hoãn/ hủy các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng", Báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương nêu rõ.
Điểm tựa cho thương mại tăng trưởng trong năm tới, là các doanh nghiệp, ngành hàng cần bám chắc các đối tác nhập khẩu lớn tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN... để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bởi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường tỷ dân vẫn tăng trưởng, bất chấp các quy định, tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao hơn, nhưng đáp ứng được sẽ là con đường để các ngành hàng, nhất là nông sản Việt tăng trưởng bền vững.
Số liệu từ Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc hôm 8/11/2024 tại TP.Trùng Khánh, Trung Quốc ghi nhận, thơn 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD và 9 tháng năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 22%, nếu tính cả tiểu ngạch thì con số này còn cao hơn nhiều.
Động lực cho xuất khẩu trong năm tới là Việt Nam sẽ có thêm 1 FTA đi vào thực thi. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức UAE của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 10/2024.
Theo cam kết trong Hiệp định CEPA, UAE sẽ cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu sang thị trường UAE và từ đó sang các nước Trung Đông.
Để các trụ cột tăng trưởng được duy trì trong năm tới, trong đó xuất khẩu tận dụng được cơ hội thị trường và quy mô ngành sản xuất lớn mạnh nhờ dòng vốn trong nước và FDI, các chuyên gia cho rằng, mấu chốt là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp hạng 70/190 về chỉ số dễ dàng kinh doanh năm 2024, tăng 2 bậc so với năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.