Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi giá trị nhập khẩu 3,72 tỷ USD. Như vậy, giá trị nông lâm thủy sản xuất siêu tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao, nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng. Trong đó lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nguồn cung hàng nông sản hiện khá dồi dào, bảo đảm phục vụ tiêu dùng dịp Tết nguyên đán, giá cả không biến động nhiều thậm chí một số mặt hàng giảm do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Cùng đó, nhu cầu năm nay được đánh giá tăng hơn so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Tuy vậy, theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như hạ tầng yếu kém, thiên tai dịch bệnh, khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực của chế biến, truy suất nguồn gốc mới ở bước khởi đầu, chế biến sâu vẫn cần chú trọng,…
Đặc biệt trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh Việt Nam cần nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thủy sản Việt Nam. “Nếu 2024 Việt Nam không gỡ thẻ vàng thành công, mọi chuyện sẽ khó khăn, vì nhiều quốc gia châu Âu tiến hành bầu chính quyền mới trong năm này”, ông Tiến nói.