Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản muốn chinh phục mốc 14 tỷ USD trong quý 2/2023. |
Sau quý đầu năm tăng trưởng âm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chinh phục mốc 14 tỷ USD, cùng đó, tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) toàn ngành đạt 2,9-3%.
Quý I/2023, giống như nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn lớn, như giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước.
Đầu vào phi mã nhưng đầu ra lại hết sức khó khăn do nhu cầu dùng nhiều loại nông sản, thủy sản, lâm sản trên thế giới giảm, nhất là tại các thị trường xuất khẩu chính của nông, thủy sản Việt, như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp trong nước và quốc tế, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022. Điểm sáng xuất khẩu là lúa gạo và rau quả, trong đó xuất khẩu lúa gạo vừa được mùa vừa được giá.
Sản lượng xuất khẩu đạt 1,793 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và tăng hơn 30% về giá so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý 1 năm 2023 lên tới 519 USD/tấn, cao nhất trong một thập kỷ qua.
Nhóm hàng tăng trưởng cao, sau gạo có rau quả, đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó: nông nghiệp tăng 2,43%; lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.
Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung. Trong đó, đến nay đã thu hoạch đạt 1.355,4 nghìn ha lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 2, khi mà dự báo thị trường toàn cầu vẫn khó khăn, sức mua chưa hồi phục đồng đều tại các thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp bao gồm: đảm bảo nguồn cung đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc...