Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn theo Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu.
Quy định này được EC ban hành vào giữa năm 2023 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gây mất rừng và suy thoái rừng trên lãnh thổ châu Âu. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, châu Âu đang dần khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp.
Ảnh minh hoạ |
Đây là một thách thức lớn đối với ngành nông sản Việt Nam, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới để cải thiện chất lượng và tính bền vững của các sản phẩm xuất khẩu.
Trước thách thức này, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía châu Âu. Để tuân thủ quy định EUDR, các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng quá trình sản xuất của họ không liên quan đến việc phá rừng hoặc gây hại đến rừng.
Suốt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực quy hoạch lại vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về canh tác bền vững. Quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, tiền bạc, và công sức. Tuy nhiên, sự chuẩn bị này là cần thiết để đảm bảo rằng các sản phẩm nông sản của Việt Nam không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu mà còn tạo dựng được uy tín và thương hiệu bền vững trên trường quốc tế.
Tại Phú Xuyên (Hà Nội), Hợp tác xã Kim Thông đang tìm hiểu và gửi mẫu sản phẩm dầu chiết xuất từ hạt sa chi sang một số nước châu Âu như Tiệp Khắc, Đức. Để có thể tuân thủ quy định EUDR, doanh nghiệp đã chọn trồng nguyên liệu hoàn toàn trên đất nông nghiệp.
Bà Đỗ Thị Kim Thông, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Du lịch và Xuất nhập khẩu Kim Thông cho biết: "Chúng tôi sẽ lấy vùng nguyên liệu tập trung vào đất nông nghiệp, chúng tôi không quay về đất rừng mà chúng tôi sẽ lấy đất nông nghiệp để trồng demo, trồng liên kết cũng tại các vùng nông nghiệp tại các vùng lân cận như Hoà Bình, Lai Châu và Sơn La".
Có thể thấy, việc tuân thủ quy định EUDR không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu tại châu Âu, mà còn góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Bằng cách chứng minh rằng các sản phẩm của mình được sản xuất một cách bền vững và không gây hại đến môi trường, các doanh nghiệp có thể tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng và các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ EUDR cũng mở ra cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và công nghệ. Khi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào công nghệ hiện đại, cải thiện quy trình sản xuất và quản lý chất lượng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện và khả năng để thích ứng nhanh chóng với quy định mới này. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn lực hạn chế, có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư và quy hoạch lại vùng trồng theo yêu cầu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và các tổ chức liên quan trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật, và hỗ trợ tài chính. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tận dụng cơ hội từ EUDR.
Quy định EUDR của châu Âu là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình và phát triển bền vững hơn. Việc đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu không chỉ giúp bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng của Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao giá trị và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.