Bà Lê Thị Bích Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đông Nam Á (ngồi giữa) trong vai trò CEO thử sức giải bài toán này |
Xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn ở nhiều thị trường, giá trị xuất khẩu giảm rất mạnh ở các mặt hàng chủ lực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 11 tháng đầu năm 2015 là 27,41 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (30,2%), cao su (15,5%); Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,01 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ (25,21%).
Bên cạnh nguyên nhân về thị trường, việc một số nước điều chỉnh tỷ giá xuống thấp đang gây thêm áp lực lên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tiến trình hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết có thể mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp cần khai thác cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường cho nông sản Việt và là đường ra cho chính sản phẩm của họ.
Để đứng vững được trên thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu thị trường thế giới, cũng như thường xuyên phân tích lại hoạt động kinh doanh của mình. Qua đó, thấy được đâu là cơ hội mà doanh nghiệp có được, đâu là nguy cơ cần phải tránh trong hoạt động xuất khẩu, đồng thời cần phải đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại để thâm nhập vào thị trường và phát triển thị trường thế giới.
Câu chuyện tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực thu mua và chế biến hàng nông sản tại TP.HCM là ví dụ. Sau rất nhiều nỗ lực, công ty này đã bước đầu xâm nhập thành công thị trường Mỹ và xuất những lô hàng đầu tiên. Tuy nhiên, sau những lô hàng này, họ tự nhận thấy, về lâu dài, các sản phẩm của mình khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm đã có ở thị trường Mỹ. Nhất là các sản phẩm đến từ các đối thủ thuộc khu vực ASEAN.
Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí vận chuyển quá cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến chưa hoàn thiện và không thể sánh kịp các đối thủ. Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã họp bàn với nhau để tìm giải pháp.
CEO cho rằng, công ty cần phải đầu tư mạnh mẽ và bài bản hơn nữa cho khâu chế biến và phân phối các sản phẩm. Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng, điểm yếu của công ty nằm ở khâu chế biến và phân phối, không nên tập trung đầu tư vào điểm yếu, nên chuyển các khâu này cho một đối tác có khả năng hơn đảm nhiệm. Còn công ty tập trung vào khâu sản xuất (trồng trọt, kiểm soát quy trình, chất lượng sản phẩm…). Làm như vậy, doanh nghiệp sẽ tận dụng được các thế mạnh của mình, cũng như thế mạnh của một đất nước nông nghiệp.
Đâu là giải pháp để hóa giải ý kiến trái chiều giữa CEO và các cổ đông trong trường hợp này. Câu trả lời sẽ có trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (ngày 13/12) và phát lại vào 8h sáng Thứ Hai (ngày 14/12).
Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.