Gia tăng xuất khẩu online
Masan Consumer - công ty con của Masan, là một trong những doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hàng đầu tại Việt Nam với các thương hiệu nổi tiếng như Chinsu, Nam Ngư, Omachi, Vinacafe, Vĩnh Hảo, đã mở rộng sự hiện diện trên Amazon từ giữa năm 2020, khi Hãng ra mắt cửa hàng chính thức trên nền tảng này.
Với sự đa dạng của sản phẩm thực phẩm và đồ uống cung cấp trên Amazon như nước tương, nước mắm, mỳ ăn liền, cà phê hòa tan và nước khoáng, Masan đã tạo được ấn tượng với khách hàng trên sàn Amazon, nhờ đó doanh số bán hàng của Hãng không ngừng tăng cao.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt chọn nền tảng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu. Báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) cho biết, kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng), chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.
Dựa trên những xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại của các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, hãng tư vấn này dự báo, doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 9%.
Hiện diện tại Việt Nam từ năm 2019, Amazon Global Selling là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, tiếp cận hơn 300 triệu người mua hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon từ hơn 200 quốc gia trên khắp thế giới.
Theo báo cáo hoạt động năm 2022 của Amazon Global Selling, khoảng 10 triệu sản phẩm từ các nhà bán hàng Việt Nam được bán đến tay khách hàng Amazon trên toàn cầu, tăng 45% về trị giá so với năm trước. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80%, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2023, dự báo tăng trưởng xuất khẩu qua nền tảng này của doanh nghiệp Việt tiếp tục lập kỷ lục với mức tăng 2 con số.
Bắt tay với các nền tảng thương mại điện tử lớn nhằm giảm bớt trung gian trong quá trình xuất khẩu đang trở thành lựa chọn của các doanh nghiệp. Từ 3 năm trước, Trung Nguyên Legend đã khai trương “Gian hàng thương hiệu cà phê Trung Nguyên Legend” trên Amazon, với 4 sản phẩm chủ lực là cà phê rang xay Gourmet, cà phê rang xay Premium, cà phê hòa tan G7 và cà phê rang xay Sáng tạo. Giá bán của các sản phẩm này dao động từ 8 đến 25 USD, tùy theo khu vực và quốc gia.
Doanh nghiệp này cũng khai trương gian hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba để tăng tốc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trung Nguyên cho biết, đã tìm hiểu về Amazon trong nửa năm trước khi hợp tác chính thức. Đây là cơ hội để tiếp cận với người tiêu dùng tại các thị trường lớn, là bước đi quan trọng để hiện thực hóa khát vọng chinh phục toàn cầu của Hãng.
Một tên tuổi khác trong ngành hàng thực phẩm là Vifon, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại mỳ ăn liền, gia vị và thực phẩm chế biến, cũng nhanh chân lên sàn Amazon, với các sản phẩm như phở bò Vifon, hủ tiếu Nam Vang Vifon, mì gà Tân Việt Sinh Vifon và bột canh Vifon, được nhiều khách hàng đón nhận. Đây vốn là các sản phẩm đã được Vifon xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (Bộ Công thương) nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia và thích ứng tốt với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp doanh số tăng cao, nâng độ phủ và nhận diện tới nhiều thị trường.
“Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt chục tỷ USD sau 4 năm nữa. Tuy nhiên, để con số này thành hiện thực, doanh nghiệp Việt cần vượt qua 4 rào cản chính về quy định của thị trường nhập khẩu, năng lực cạnh tranh, chi phí tiếp thị hay logistics và thông tin thị trường”, bà Lại Việt Anh nói thêm.
Ngành hàng tiềm năng
Theo Amazon Global Selling Việt Nam, các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, từ thực phẩm khô, đồ uống, thuốc men, vệ sinh cá nhân và gia đình, cho tới hàng dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ.
Năm 2022, có 5 ngành hàng gồm: gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dụng cụ sửa nhà, đồ dùng tiện ích từ các thương hiệu Việt được khách hàng quốc tế ưa chuộng trên Amazon.
Sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu và kết nối xuyên quốc gia. Thống kê của Công ty Ninja Van cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới với các mặt hàng từ Việt Nam hoạt động chủ yếu thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global…
Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong thập kỷ tới, 70% giá trị kinh tế mới sẽ được thúc đẩy bởi công nghệ kỹ thuật số. Nền kinh tế số và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, tạo bình đẳng và các giá trị mới trong mọi lĩnh vực.
Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục mở ra hành trình xuất khẩu cho nhiều sản phẩm khác, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân. Được biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hướng tới việc mở rộng thị trường sang Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.
Để tăng mạnh doanh số xuất khẩu trên thương mại điện tử, các chuyên gia lưu ý, nhà xuất khẩu cần có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn như giảm giá, giao hàng miễn phí cho các đơn hàng có giá trị cao, đổi mới sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng…