Xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh 11,4%, đạt 1,8 tỷ USD (Ảnh: Vải thiều Việt Nam tại siêu thị FairPrice, Singapore). |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tính hết tháng 6/2020 xuất khẩu mặt hàng rau quả ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương mức giảm trên 200 triệu USD).
Dù kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 tăng mạnh, với 300 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 6/2019, nhưng vẫn không kéo nổi mức suy giảm xuất khẩu chung của 6 tháng đầu năm 2020 do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả là do thị trường Trung Quốc đã giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường này mới đạt 906,1 triệu USD, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên xuất khẩu sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,9%; Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD, tăng 6,2%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,7%...
Với những nỗ lực về xúc tiến thương mại cho các loại trái cây đặc sản trong nước, từ đầu năm đến nay, một số trái cây đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tháng 6, lần đầu tiên, chuối Việt Nam mang thương hiệu LOPANG BANANA được phân phối tại chuỗi siêu thị Lotte trên toàn thị trường Hàn Quốc.
Trong khi đó, sau 3 năm liên tục xúc tiến thương mại trái vải thiều sang thị trường Singapore, mùa vải thiều năm 2020, đã có 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang Singapore từ cảng Hải Phòng.
Điểm đặc biệt là năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu, được xử lý đóng gói bài bản qua kênh nhập khẩu chính thức của Tập đoàn bán lẻ FairPrice đã được đưa vào thị trường Singapore với quy mô lớn.
Các thị trường khó tính như Nhật Bản cũng mở cửa cho vải thiều xuất khẩu của Việt Nam trong mùa vụ 2020. Dự kiến, mùa vải năm nay, tỉnh Bắc Giang sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 100 tấn vải thiều tươi của huyện Lục Ngạn bằng đường biển và đường hàng không.