Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng bình quân năm về một số chỉ tiêu năm 2013 cao gấp nhiều lần một số thời điểm trước.
Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, trong đó, thành tựu về xuất khẩu được đánh giá là nổi bật nhất |
Nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân năm của hầu hết các chỉ tiêu xuất khẩu đều rất cao.
Nếu xuất khẩu bình quân đầu người năm 1976 mới đạt 4,5 USD, thì năm 2013 đã đạt 1.473 USD, cao gấp 327,3 lần. Nếu năm 1986, tổng kim ngạch xuất khẩu mới đạt 789 triệu USD, thì năm 2013 đã cao gấp 167,5 lần, trong đó thủy sản gấp 63,4 lần; hạt tiêu gấp 42,9 lần; hạt điều gấp 200,8 lần; rau quả gấp 23,8 lần.
Một số mặt hàng tuy vào các thời kỳ sau mới xuất khẩu, nhưng năm 2013 đã đạt quy mô lớn, trong đó có 22 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Quý I/2014, đã có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Có một số mặt hàng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Cơ cấu mặt hàng mấy năm nay đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế giảm (từ 55,8% năm 2000 xuống còn khoảng 34% năm 2013), tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (tương ứng từ 44,2% lên 66%); trong nhóm hàng chế biến, hoặc đã tinh chế, hàng có kỹ thuật, công nghệ cao hơn (như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải…) tăng cao hơn.
Xuất khẩu hàng hóa/GDP vào năm 1988 mới đạt 18,9%, thì năm 2013 đã đạt 77,6%, cao gấp 4,1 lần năm 1988 và thuộc loại khá cao trên thế giới. Nếu tính cả xuất và nhập khẩu/GDP đã đạt 155,2%; nếu tính cả xuất khẩu dịch vụ thì đạt 169,1%, nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng.
Về hàng hóa của Việt Nam, nếu năm 1986 hàng Việt Nam mới có mặt ở 33 nước và vùng lãnh thổ, thì đến nay, đã có mặt ở hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường đạt kim ngạch lớn. Năm 2013, có 27 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Hoa Kỳ 23,87 tỷ USD, Nhật Bản 13,65 tỷ USD, CHND Trung Hoa 13,26 tỷ USD, Hàn Quốc 6,63 tỷ USD…); quý I/2014 đã có 8 thị trường.
Trong quan hệ với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nước nhập siêu lớn sang xuất siêu. Nếu năm 1976, Việt Nam nhập siêu 801,4 triệu USD; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 360%. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã xuất siêu hàng hóa (năm 2012 là 749 triệu USD, năm 2013 là 9 triệu USD). Quý I/2014, Việt Nam xuất siêu 1,1 tỷ USD và khả năng năm 2014 sẽ xuất siêu tiếp ở quy mô cao hơn 2 năm trước. Cán cân thương mại được cải thiện, cùng một số yếu tố khác đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tăng an toàn tài chính và thanh khoản của quốc gia.
Xuất khẩu dịch vụ năm 2013 đạt 10,5 tỷ USD, cao gấp gần 2,5 lần năm 2005, bình quân 1 năm tăng 12,1%, là tốc độ khá cao. Khả năng quy mô xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng tốc do Việt Nam mở cửa, hội nhập nói chung và mở cửa, hội nhập về dịch vụ ngày một sâu rộng hơn.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về xuất nhập khẩu hiện còn nhiều việc phải làm để khắc phục những hạn chế, bất cập và ứng phó với những thách thức không nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu đạt quy mô và tăng trưởng khá, nhưng giá trị gia tăng không cao, do tỷ trọng hàng thô, mới sơ chế hoặc hàng gia công còn ở mức cao.
Trong hai khu vực, khu vực kinh tế trong nước tăng thấp, chiếm tỷ trọng thấp và giảm. Xuất siêu chưa vững chắc, do khu vực FDI xuất siêu (quý I/2014 đạt 3,47 tỷ USD), còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn (2,39 tỷ USD); do đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước co lại; do xuất siêu lớn (năm 2013 từ 1 tỷ USD trở lên đến 18,6 tỷ USD) sang một số thị trường (Hoa Kỳ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Hồng Kông, Đức, Campuchia, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha…), nhưng nhập siêu rất lớn (năm 2013 từ 1 tỷ USD đến 23,7 tỷ USD) ở một số thị trường khác (CHND Trung Hoa, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore)…
Để tranh thủ cơ hội, vừa tăng được kim ngạch xuất khẩu, vừa giảm được nhập siêu, Việt Nam cần đón cơ hội tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Minh Nhung