Mexico, Mỹ khởi kiện thép Việt
Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 7, Mỹ và Mexico - hai thị trường nhập khẩu lớn của thép Việt đã đồng loạt khởi xướng chống bán phá giá/chống lẩn tránh thuế phòng vệ với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, Mexico khởi kiện với thép cán nguội, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Nếu Mexico lo ngại hàng Việt Nam đổ bộ vào thị trường nội địa với sự gia tăng đáng kể, thì vụ việc khởi kiện tại Mỹ phức tạp hơn, khi các doanh nghiệp Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, sau đó gia công đơn giản rồi xuất khẩu, nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Năm năm trở lại đây, thép luôn đứng đầu trong các ngành hàng bị kiện nhiều, hơn cả ngành sợi, gỗ dán, săm lốp… Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ năm 2004 đến nay, ngành này đã dính gần 70 vụ kiện phòng vệ thương mại. Các vụ kiện không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Australia, châu Âu…, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, đặc biệt là thị trường mới có hiệp định thương mại tự do (FTA) như Mexico.
Đồ họa: Đan Nguyễn |
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA nhận định, Việt Nam đã có 15 FTA đang thực thi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Năm năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu ngành thép đạt bình quân hơn 20%/năm. Năm 2021, mặt hàng sắt thép có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành từ trước đến nay, có mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Cụ thể, xuất khẩu sắt thép năm 2021 đạt 13,1 triệu tấn, trị giá 11,8 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và 124,3% về trị giá so với năm 2020. Còn 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắt thép đạt 5,716 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ; nhóm sản phẩm từ sắt thép cũng đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD, tăng 25,4%.
Vụ việc mới còn gia tăng
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, không riêng gì thép, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng đối mặt nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tính đến hết tháng 7/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%.
Các vụ kiện phòng vệ ngày càng tăng với hàng hóa Việt Nam do nền kinh tế có độ mở lớn (200%), tham gia nhiều FTA, vì vậy, có thể khẳng định, sẽ không thể tránh được hoàn toàn các vụ kiện. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, phòng vệ thương mại luôn đi kèm với tiến trình hội nhập. Khi một thị trường chấp nhận giảm thuế để mở cửa cho hàng hóa xuất nhập khẩu, thì xuất khẩu của ta vào thị trường đó có thể tăng rất nhanh.
Để ứng phó với các vụ kiện phòng vệ, ông Khánh lưu ý, sự hợp tác của ngành sản xuất, cụ thể là dữ liệu của các doanh nghiệp trong từng vụ việc quyết định nhiều đến mức thuế cao hay thấp. “Các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu và ứng phó tốt đều có cách lưu trữ số liệu rất tốt và khi vụ việc xảy ra, đã có sự hợp tác rất tốt với cơ quan điều tra, đồng thời chủ động tìm đến những công ty tư vấn luật, để có bản giải trình hợp lý với bên khởi kiện”, ông Khánh lưu ý.
Thời gian qua, ngành thép hội nhập sớm, cũng dính kiện tụng nhiều, nên kinh nghiệm ứng phó của ngành và các doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể. Trong một số vụ việc, nhờ ngành tham gia cung cấp thông tin đầy đủ, đúng hạn, mà quốc gia nhập khẩu không áp thuế.
Đơn cử, Australia đã chấm dứt các vụ việc như vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế ống thép chính xác, chống bán phá giá dây đai thép phủ màu, ống đồng... Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng Việt Nam ngày càng gia tăng, với cáo buộc doanh nghiệp Việt dùng nguyên liệu nhập khẩu, gia công đơn giản để xuất khẩu, tránh thuế mà các thị trường này đang áp dụng với quốc gia khác.
Trong xu thế gia tăng bảo hộ để bảo vệ sản xuất trong nước từ các quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung tăng tốc xuất khẩu, mà phải chú ý về xuất xứ nguyên liệu, lưu trữ hồ sơ đầy đủ. Đồng thời, hạn chế tình trạng gia tăng đột biến một mặt hàng tại một thị trường, đàm phán giá xuất khẩu ở mức hợp lý, giảm thiểu cáo buộc bán phá giá. Ngoài ra, không nên để giá xuất khẩu thấp hơn nhiều so với sản phẩm xuất khẩu của nhiều quốc gia khác và so với mặt bằng giá nội địa của nước nhập khẩu.