Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,178 tỷ USD, qua đó nâng tổng trị giá tính từ đầu năm đến 15/6 đạt 111,26 tỷ USD. Trong khi đó, nửa đầu tháng 6, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,693 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm đến 15/6 là 111,193 tỷ USD.
Như vậy, trong nửa đầu tháng 6 nước ta xuất siêu gần 500 triệu USD và lũy kế từ đầu năm đến 15/6 con số thặng dư gần 70 triệu USD.
Nửa đầu tháng 6, Việt Nam giành lại thặng dư thương mại với con số xuất siêu gần 70 triệu USD |
Nửa đầu tháng 6, có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch 1,714 tỷ USD, qua đó nâng trị giá tính từ đầu năm lên 21,43 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,427 tỷ USD và kim ngạch tính từ đầu năm đến 15/6 đạt 13,971 tỷ USD và duy trì vị thế là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai. Dệt may đứng thứ 3 với trị giá 1,401 tỷ USD và 13,586 tỷ USD nếu tính lũy kế từ đầu năm.
Trước đó, trong nửa cuối tháng 5 năm 2019, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 634 triệu USD, tuy nhiên cán cân thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đã thâm hụt 434 triệu USD.
Theo các chuyên gia, cán cân thương mại vẫn liên tiếp đảo chiều và rất khó đoán định vì không theo quy luật những năm gần đây.
Từ nay đến cuối năm, xét về mặt thuận lợi, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019 là cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những năm tới. Tính đến ngày 20/5, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Năm 2019, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 7-8%. Theo Bộ Công Thương, mặc dù xuất khẩu thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm song để đạt được con số trên là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.