Chủ tịch Vitas, ông Vũ Đức Giang cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2023 dự kiến đạt 40,3 tỷ USD. |
Chia sẻ tại buổi Họp báo Hội nghị tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) năm 2023, ngày 23/11, lãnh đạo Vitas cho biết: "chịu tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu, cầu hàng hóa giảm tại các thị trường lớn và tình trạng quá mua của năm trước khiến xuất khẩu cả năm 2023 giảm đáng kể.
Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt khoảng 33 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.
Trong bức tranh không mấy sáng của năm nay, điểm được ghi nhận nổi bật của ngành là bứt phá về thị trường và đa dạng mặt hàng xuất khẩu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay: “Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ , trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.
Tiếp đó là Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh quốc 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, các thị trường Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD…
Các doanh nghiệp ngành dệt may đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD…
“Chính bởi nỗ lực đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng xuất khẩu đã giúp ngành dệt may dần vượt qua khó khăn”, lãnh đạo Vitas nói.
Sang năm 2024, dự liệu thị trường vẫn nhiều khó khăn, nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến 44 tỷ USD. Tín hiệu tích cực là hiện đơn hàng xuất khẩu quý IV đã tốt hơn, kỳ vọng duy trì cho cả năm 2024.
Để đạt được mục tiêu này, ngành dệt may tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.