Theo các chuyên gia, giảm thuế trong EVFTA mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng là hàng hóa xuất khẩu phải thỏa mãn được tiêu chí chất lượng. |
Những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm cách tiếp cận thị trường EU, khai thác hiệu quả những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được nêu ra nhiều tại Tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA” do Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 2/7 tại Hà Nội.
DN nhỏ không lo thiếu cơ hội
Ông Bùi Mạnh Tuyển, Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu và Chế tạo thiết bị điện lưới miền Bắc không khỏi băn khoăn về lĩnh vực điện, điện tử mà doanh nghiệp ông đang hoạt động có vẻ được nhắc tới ít hơn so với các ngành dệt may, giày dép, nông thủy sản cũng như lo ngại về khả năng doanh nghiệp vừa và nhỏ có "cửa" xuất khẩu thiết bị điện vào thị trường EU hay không.
Giải đáp thắc mắc này của ông Tuyển, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU với điều kiện hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng mà EU yêu cầu.
"Bản chất của EVFTA là tạo một sân chơi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và EU, nên không lo doanh nghiệp quy mô nhỏ mà khó tiếp cận, vấn đề là doanh nghiệp mang gì đến cho khách hàng để họ chấp nhận mua của ta", ông Khanh lưu ý.
Ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) thông tin, từ khoảng những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt FTA, độ mở của nền kinh tế rất lớn.
Với EVFTA, EU là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo ông Tùng, từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như vậy. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may... lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.
Thuế giảm mới là điều kiện cần
Cùng với những con số về lộ trình giảm thuế trong EVFTA, thường được nhắc đến là cơ hội cho doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực, thì câu chuyện đáp ứng xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật, sản xuất bền vững...lại khiến những đánh giá về khả năng tận dụng cơ hội có vẻ không dễ dàng.
Điều này được ông Ngô Chung Khanh lý giải: "Giảm thuế mới là điều kiện cần, quan trọng là hàng hóa phải thỏa mãn được danh mục các yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng mà EU đặt ra. Lâu nay ta hay dùng từ rào cản để nói về hàng hóa khó vào EU, nhưng thực ra không có rào cản nào hết, những yêu cầu mà EU đặt ra với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường của họ không phải để hạn chế thương mại mà để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính".
Do đó, để không bị làm khó, chỉ còn một con đường duy nhất là đầu tư sản xuất bài bản, phải thay đổi tư duy, không còn con đường nào khác, ông Khanh nhấn mạnh.
Theo ông Khanh, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế.
Tương tự, ngành nông nghiệp được đánh giá có nhiều triển vọng tăng xuất khẩu vào EU do thuế của nhiều mặt hàng giảm ngay về 0%, nhưng một lần nữa, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cảm thán: "Việc thuế về 0% trong EVFTA không phải là màu hồng với nông thủy sản Việt, chúng ta cần vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, kiểm dịch động thực vật, sản xuất bền vững...".
Ngành nông nghiệp có các nhóm sản phẩm quan trọng, bao gồm: thủy sản, đồ gỗ, các nhóm sản phẩm khác..., nhưng thủy sản vào EU mới đạt trên 1 tỷ USD/năm, gỗ cũng tương tự, so với giá trị xuất khẩu của ngành cả chục tỷ USD là chưa thấm vào đâu.
Ông Toản cho biết, EVFTA kết thúc từ 2015, từ 2016, ngành nông nghiệp đã chấn chỉnh sản xuất bền vững nhằm thỏa mãn các tiêu chuẩn từ thị trường EU và nhiều thị trường trong các FTA khác mà Việt Nam tham gia, bởi hàng hóa sản xuất ra không có chất lượng thì đừng nói đến điều gì lớn lao khác.
Do đó, với thủy sản đang nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU để không để tuột cơ hội tại thị trường EU, cũng là cách để Việt Nam thể hiện một nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với môi trường, không chạy theo số lượng mà phải lấy chất lượng làm đầu.
"Hội nhập nhưng trên tinh thần cầu thị, đi từ vấn đề rất nhỏ, từ tổ chức sản xuất tốt, liên kết tốt và hàng hóa chất lượng tốt, những mắt xích trong chuỗi sản xuất đều phải được thụ hưởng thành quả sản xuất tốt", ông Toản nhấn mạnh.