Doanh nghiệp
Xuất khẩu xi măng, clinker dự báo "hẹp đường" sang Trung Quốc
Thế Hoàng - 13/12/2021 11:28
Sản lượng xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc dự báo nhiều khả năng sẽ suy giảm do sự suy yếu của thị trường bất động sản tại thị trường này.

Xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất có nhiều khả năng sẽ sụt giảm trong thời gian tới bởi hàng loạt nguyên nhân.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) dự báo trong thời gian tới sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng sang Trung Quốc sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản tại thị trường này đang suy yếu, kèm theo thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam sẽ tăng lên 10% đầu 2023.

Theo VCBS, nhu cầu tiêu dùng xi măng tại thị trường này sẽ suy giảm do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại.  Trung Quốc đang tiến hành siết dần thị trường bất động sản với chính sách “3 lằn ranh đỏ” đã làm hạn chế khả năng vay nợ và đảo nợ của các nhà phát triển bất động sản. Cùng với đó là sự kiện Evergrande cũng làm nguội bớt thị trường bất động sản tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam dự kiến tăng thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10%. Trước đó, Bộ Tài Chính đề xuất Chính Phủ tăng mức thuế suất lên nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Tỷ lệ tiêu thụ xi măng tại Việt Nam.


Ngành xi măng tiếp tục lập lập kỷ lục trong năm 2021, sản lượng xuất khẩu 11 tháng đã vượt 40 triệu tấn, trị giá 1,67 tỷ USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 28,4% về trị giá. Dự báo cả năm nay sẽ vọt lên 44-45 triệu tấn. Khoảng 50% sản lượng được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng 2021, xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc đã lên tới 20 triệu tấn, trị giá 728 triệu USD, tăng hơn 10% về lượng và tăng 20% về giá trị, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam. 

Sự tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này Trung Quốc đã diễn ra từ vài năm nay, do chính sách của nước này đang cắt giảm tối đa sản lượng sản xuất xi măng, lượng phát thải carbon, bụi cao gây tác động xấu đến môi trường. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 đến nay, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VCBS, xuất khẩu sang Trung Quốc là giải pháp nhằm giảm áp lực dư cung, nhưng Việt Nam chủ yếu xuất bán clinker, có giá bán và biên lợi nhuận gộp thấp. Dựa vào số liệu xuất khẩu 9 tháng mà Tổng cục Hải quan công bố trước đó đạt 16,9 triệu tấn, thu về 603 triệu USD, thì giá xuất khẩu trung bình của xi măng lẫn clinker sang Trung Quốc là 35,7 USD/tấn.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc có thể là một mối lo ngại đối với ngành xi măng, đặc biệt là khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt lại trong tương lai.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, ngành xi măng chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ yếu đến từ áp lực giá nguyên liệu đầu vào năng lượng (than) tăng mạnh từ đầu năm, gây áp lực tăng giá bán cho xi măng. 

Giá than tăng quá mạnh là nguyên nhân chính đẩy giá thành sản xuất duy trì ở mức cao. Giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức 154 USD/tấn, cao hơn 90% so với cùng kỳ, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Nhìn vào con số nhập khẩu than 11 tháng 2021 cho thấy, cả nước chỉ nhập 30 triệu tấn than (cùng kỳ 50 triệu tấn), nhưng do giá than nhập về cao, nên trị giá đã lên gần 3,5 tỷ USD (cùng kỳ nhập 50 triệu tấn, trị giá 3,815 tỷ USD).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí duy trì sản xuất "3 tại chỗ" trong một thời gian dài, cộng với giá bao bì tăng... cũng làm giảm đáng kể lợi nhuận.

Do đó, năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực lớn để duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào, trong khi giá xuất khẩu khó được cải thiện.

Tin liên quan
Tin khác