Việt Nam xuất khẩu xoài mới chỉ đạt con số hơn 180 triệu USD, chiếm 1,51% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của thế giới. |
Xoài Việt bán đi đâu
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, năm 2020, toàn ngành rau quả mang về 3,27 tỷ USD từ xuất khẩu, trong đó, mặt hàng xoài đóng góp trên 180 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019 do tác động của Covid-19.
Trong số 180 triệu USD thu từ xuất khẩu xoài, thì xuất sang Trung Quốc chiếm phần lớn (84%), đạt gần 152 triệu USD.
Dù có những bước tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn rất khiêm tốn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt gần 12,5 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu mới chỉ đạt con số hơn 180 triệu USD, chiếm 1,51% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của thế giới.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T Group cho biết: “Vina T&T đã xuất khẩu lô xoài đầu tiên với sản lượng 27 tấn sang Mỹ bằng đường hàng không và đường biển từ năm 2019, hiệu ứng thị trường rất khả quan. 3 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu mỗi tuần khoảng 35 tấn xoài".
Nhưng, trên bình diện chung, những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, sở hữu chuỗi sản xuất khép kín với quy trình sản xuất đạt chuẩn như Vina T&T, Chánh Thu, Lavifood, Doveco… không nhiều. Thành thử, dù thị trường Mỹ, Australia đã mở cửa cho xoài Việt và đã có tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn còn khiêm tốn.
Năm 2020, với 2.100 tấn xoài xuất đi Mỹ, trị giá 4,61 triệu USD, dù tăng 66% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với năm 2019, song còn rất nhỏ so với 960 triệu USD mà Mỹ chi nhập xoài. Các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm để xoài Việt có vị trí trên bản đồ xuất khẩu thế giới và thu về nhiều giá trị hơn.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khâu hậu cần sau sản xuất chưa được hoàn thiện. Toàn vùng có 98 doanh nghiệp chế biến, nhưng chỉ có 15 doanh nghiệp sơ chế, chế biến xoài đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể, phí logistics cao cũng là lý do hạn chế năng lực cạnh tranh của xoài Việt xuất khẩu.
Hình thành chuỗi giá trị
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, thuận lợi để sản xuất các nông sản nhiệt đới chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng miền.
Xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối và Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới, với tổng diện tích trồng xoài trong cả nước khoảng trên 87.000 ha, tổng sản lượng xoài trong năm 2020 của Việt Nam đạt 893.000 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Xoài được trồng nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước với sản lượng năm 2020 đạt 567.732 tấn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cần nâng cao năng lực tuân thủ, phát triển chuỗi giá trị xoài, nâng cao giá trị gia tăng đáp ứng các quy định của từng thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
“Trước những thách thức và đòi hỏi sản xuất xoài hiện nay phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, tác động vào mọi đối tượng, liên kết từ người sản xuất - người thu mua - sơ chế, đóng gói, bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng theo quy định của thị trường”, ông Toản nhấn mạnh.
Là đơn vị xuất khẩu những lô xoài đầu tiên đi Mỹ sớm nhất, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, quy trình sản xuất chuẩn Mỹ rất khó, nhất là trong khâu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu. Trong bộ tiêu chuẩn chính thức của Mỹ, có 8 hoạt chất bị cấm và tuyệt đối phải tuân thủ, còn các hoạt chất còn lại thì phải đăng ký, sử dụng liều lượng theo quy định cụ thể.
Các chuyên gia của Dự án Nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo, cần tạo kênh kết nối, trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, cần phải nghiên cứu sâu hơn về công nghệ bảo quản, vì nếu chúng ta bảo quản trái cây tươi được lâu hơn thì có thể đi đường biển, giúp giảm chi phí thì mới có thể xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới hay cạnh tranh được với các quốc gia khác…