. |
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2020 (từ ngày 16/3 đến ngày 31/3/2020) đạt 24,82 tỷ USD, tăng 15,6% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2020.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 3/2020 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 122,73 tỷ USD, tăng 5,7%, tương ứng tăng 6,57 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 77,37 tỷ USD, tăng 3,8% (tương ứng tăng 2,85 tỷ USD); còn trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 45,35 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 3,72 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu tính riêng, về xuất khẩu, do trong kỳ 2 của tháng 3/2020, xuất khẩu một số mặt hàng tăng khá so với kỳ 1 của tháng, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 542 triệu USD, tương ứng tăng 34,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 355 triệu USD, tương ứng tăng 44,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 132 triệu USD, tương ứng tăng 41,5%; hàng thủy sản tăng 81 triệu USD, tương ứng tăng 29,3%; hàng rau quả tăng 57 triệu USD, tương ứng tăng 37,7%... nên tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 3 đã cải thiện đáng kể.
Tính chung 3 tháng, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 63,23 tỷ USD, tăng 7,5% tương ứng tăng 4,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, trái với ước tính trước đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, thì nay con số chính thức, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, xuất khẩu vẫn đạt mức tăng 7,5%. Đây là con số rất đáng ghi nhận.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng 5,7%, chứ không giảm 0,7% như con số ước tính. Ngoài xuất khẩu tăng, thì nhập khẩu cũng tăng, tuy tốc độ tăng không lớn.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2020 đạt 11,85 tỷ USD, tăng 15,1% (tương ứng tăng 1,56 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2020.
Có mức tăng này chủ yếu là do trong kỳ 2 tháng 3/2020, nhiều mặt hàng nhập khẩu đã tăng trở lại. Chẳng hạn, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 381 triệu USD, tương ứng tăng 16,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 277 triệu USD, tương ứng tăng 20,1%; vải các loại tăng 179 triệu USD, tương ứng tăng 40,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 80 triệu USD, tương ứng tăng 34,6%; than các loại tăng 78 triệu USD, tương ứng tăng 63,3%... so với kỳ 1 tháng 3.
Như vậy, tính đến hết tháng 3/2020, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 59,49 tỷ USD, tăng 3,7% (tương ứng tăng 2,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu khiến Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại ở mức cao. Con số chính thức là 3,74 tỷ USD, chứ không phải là 2,8 tỷ USD như con số ước tính trước đó. Trong đó, chỉ riêng kỳ 2 của tháng 3, mức thặng dư thương mại đã là 1,12 tỷ USD.
Khi đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nền kinh tế xuất siêu là điều đáng mừng.
Ở trên một góc độ nào đó, đây đúng là điều đáng mừng, bởi xuất siêu sẽ tác động tích cực tới tỷ giá, tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, xuất siêu lớn là điều đáng lo.
Lý do là vì, do sản xuất đình trệ bởi tác động của dịch bệnh COVID-19, nên các doanh nghiệp nhập khẩu ít hơn các loại nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất - kinh doanh. Đây đúng là một thực tế cần tính tới và cần tiếp tục theo dõi trong những tháng tới.
Mặc dù vậy, rõ ràng, đã có những tín hiệu tích cực trong thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 của tháng 3, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Sau các quyết định mở cửa biên giới, tiếp tục thông thương, hàng hóa của Việt Nam cũng đã có những thuận lợi hơn khi đi ra thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc.