Những ngày đầu gian khó
“Hai mươi năm trước, thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam chỉ vài chục tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp thì èo uột, yếu ớt, nông nghiệp chiếm hơn 90% các chỉ tiêu kinh tế. Có năm mất mùa, hạn hán còn thiếu ăn”, ông Lê Trí Tập, người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ đầu tiên khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính (năm 1997) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Để phát triển kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách, nâng cao đời sống người dân, đưa Quảng Nam từng bước thoát nghèo, một trong những mũi nhọn được triển khai là xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp về địa phương làm ăn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công 2 công trình đầu tư trọng điểm của Quảng Nam |
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, doanh nghiệp đã đầu tư Khu phức hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi đó trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã vào tận nhà máy của Thaco tại Biên Hòa để xúc tiến đầu tư cho Dự án Nhà máy Ô tô Chu Lai - Trường Hải hiện tại.
“Đích thân lãnh đạo tỉnh vào tận nơi đã thể hiện rõ thiện chí kêu gọi doanh nghiệp về địa phương làm ăn, tạo sự tin cậy cao cho nhà đầu tư. Vì vậy, lãnh đạo Thaco đã thành lập đoàn khảo sát đến Chu Lai và lên phương án đầu tư tại mảnh đất này”, ông Trần Bá Dương nhớ lại.
Vậy là từ đây, ghi dấu một chấm son trong xúc tiến đầu tư của Quảng Nam. Một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô khổng lồ vững vàng, sừng sững mọc lên trên vùng đất vốn là những bãi cát trắng dài nhức mắt, nơi chỉ có lúp xúp sim mua và cây dại um tùm…
Chu Lai - Trường Hải chỉ là một trong những dự án thể hiện thiện chí, quyết tâm của Quảng Nam trong thu hút đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua 20 năm phát triển, Quảng Nam đã có những bước tiến vượt bậc, với trên 5.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Doanh nghiệp lớn chiếm gần 10% số lượng doanh nghiệp, với số vốn đăng ký chiếm tới 65%. Trong số này có những sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh mạnh trên thị trường nội địa, khu vực Đông Nam Á và quốc tế như Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải, hệ thống khách sạn Victoria Hội An, Tập đoàn Indochina Capiatal (The Nam Hải), Vinacapital (khu Nam Hội An), Inax (Nhật Bản), Groz Berker (Đại Lộc)...
“Của để dành” chờ đón nhà đầu tư
Từ Hội An, băng qua cây cầu cửa Đại mới được tỉnh Quảng Nam khánh thành năm ngoái sẽ đến tuyến đường ven biển dẫn vào vùng Đông Quảng Nam. Dọc hai bên đường hiện nay vẫn là những bãi cát dài, lác đác vài ngôi nhà dân. Nhưng với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, những người hoạch định chiến lược, vùng đất đó là “của để dành”, bởi những bãi cát dài ven biển ấy là tiềm năng, tài nguyên vô tận đang chờ được đánh thức.
“Khu vực này sẽ dùng để phát triển du lịch. Vấn đề bây giờ là quản lý quy hoạch chặt chẽ và lựa chọn đúng nhà đầu tư để họ đưa ra những “đôi đũa thần” tạo làn sóng đầu tư mới, đánh thức và tạo diện mạo mới cho vùng Đông”, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Đỗ Xuân Diện cho biết.
Những thông tin hé lộ gần đây cho thấy, đã xuất hiện những nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng rót số vốn khủng vào đây, như Vingroup, Sungroup hay PPCat... Với Sungroup, 40 căn biệt thự hướng biển 6 sao đang được nhà đầu tư này hoàn thiện tại Cù Lao Chàm để biến nơi đây thành thiên đường nghỉ dưỡng, tạo nét chấm phá độc đáo cho ngành du lịch Quảng Nam.
Quá trình đưa các nhà đầu tư về Quảng Nam, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư là với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, trên tinh thần “không chờ nhà đầu tư đến, mà chủ động đi tìm”.
Từ thành quả thu hút đầu tư những năm qua, Quảng Nam sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và năng lực chuyên môn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tuần Châu, Mường Thanh, Hòa Phát, Vingroup, Sungroup, FLC... Đồng thời, tập trung đầu tư và ưu tiên các yêu cầu mà nhà đầu tư cần, chứ không phải những gì mà tỉnh có; đi trước đón đầu làn sóng đầu tư FDI từ các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Đài Loan...
Đặc biệt, tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc 6 lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ Hợp tác Việt - Nhật, tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các hiệp định mới được ký kết như: Hiệp định FTA với Hàn Quốc, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.