Kể từ khi Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, Nhà sáng lập Bệnh viện Hoàn Mỹ thực hiện thương vụ M&A kinh điển chuỗi Bệnh viện Hoàn Mỹ với VinaCapital và Deutsche Bank năm 2009, thị trường y dược Việt Nam đã xuất hiện nhiều thương vụ M&A khác. Nhưng phải đến giai đoạn 2019-2020, trong đợt đại dịch Covid-19, khi tác động của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực, hoạt động M&A trong ngành này mới nở rộ.
Thị trường nóng bỏng
Mới đây nhất, tháng 8/2020, VinaCapital - tiếp tục vai trò là nhà đầu tư chính của Quỹ đầu tư Vietnam Oppoturnity (VOF) - quyết định rót 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc. Trước đó, năm 2016, VinaCapital đã đầu tư 9 triệu USD vào Bệnh viện quốc tế Thái Hòa, nắm quyền kiểm soát trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
“Chúng tôi rất vui khi hợp tác với VinaCapital. Họ có bề dày thành tích trong việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân để tối đa hóa nguồn lực, cải thiện hoạt động”, bà Nguyễn Thu Cúc, Nhà sáng lập Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc cho biết.
Một thương vụ nổi bật khác trong năm 2020 là SK Group của Hàn Quốc mua lại 12,3 triệu cổ phiếu IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Số cổ phiếu này tương đương 24,9% cổ phần của Imexpharm. Giá trị chuyển nhượng ước tính khoảng 660 tỷ đồng. Phần lớn số cổ phiếu trên được SK Group mua lại từ nhóm quỹ Dragon Capital và nhiều quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Hay thương vụ Công ty Dược phẩm Aska (Nhật Bản) mua lại hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (Hataphar), tương đương 24,9% cổ phần. Hataphar đang là hãng dược lớn thứ 2 tại Việt Nam xét về doanh thu. Mục đích của Aska Pharmaceutical thông qua thương vụ này là giúp Công ty thiết lập chỗ đứng ở Đông Nam Á trong quá trình mở rộng ra quốc tế.
Trước đó, đầu năm 2020, Pharmacity công bố gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (tương đương 31,8 triệu USD) - khoản đầu tiên của vòng Series C. Nguồn vốn này sẽ được Pharmacity dùng để hiện thực hóa mục tiêu có 1.000 cửa hàng trên toàn quốc đến hết năm 2021.
Những thương vụ trên, cùng với các thương vụ điển hình trước đó như Taisho bỏ thêm 3.400 tỷ đồng nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty Dược Hậu Giang lên 56,68%, Mekophar với Nipro (Nhật Bản), Pymepharco với Stada (Đức) hay Domesco với Abbott (Mỹ)... đã cho thấy, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào ngành y dược tại Việt Nam chưa dừng lại.
Trong bối cảnh Covid-19 lan ra trên toàn cầu, lĩnh vực y dược được giới đầu tư dồn dập rót vốn và xem là một kênh đầu tư nóng bỏng trên khắp thế giới. Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ, xu hướng mới là đầu tư vào các start-up công nghệ y tế (medtech).
Điển hình cho xu thế này là thương vụ của eDoctor và Facebook, Google. eDoctor là một công ty công nghệ khởi nghiệp bằng ứng dụng eDoctor trên smartphone, tablet cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ động đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2014. Tháng 6/2016, eDoctor nhận tài trợ trị giá 80.000 USD từ Facebook và giữa năm 2017, khi trở thành đối tác chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 doanh nghiệp, eDoctor đã được nhận tài trợ trị giá 50.000 USD từ Google.
Đến tháng 4/2020, khi phát triển, hợp tác với hơn 500 điều dưỡng, hơn 400 bác sĩ, 80 phòng khám và bệnh viện trên cả nước, đã phục vụ gần 100.000 lượt khám sức khỏe cho cá nhân, gia đình và các doanh nghiệp, eDoctor lần đầu tiên được rót vốn 1,2 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Bon Angels và Nextrans. Trong đó, riêng CyberAgent Capital rót 500.000 USD. Thương vụ này kéo dài nửa năm và được chốt chóng vánh vào cuối tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 vào cao trào, bất chấp dòng vốn đầu tư chững lại.
Trước eDoctor, tháng 3/2020, một thương vụ lớn khác là start-up y tế Doctor Anywhere công bố gọi vốn thành công 27 triệu USD. Doctor Anywhere mới ra mắt từ giữa năm 2019 và đang hoạt động tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với đội ngũ gồm 100 bác sĩ đến từ các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi trung ương.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp từ M&A, medtech, ngành y dược cũng đón nhận một làn sóng các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, từ đó xuất sang các quốc gia khác. Rất nhiều dự án có quy mô khá lớn đã được khởi động như Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất thuốc tại Khu công nghệ cao TP.HCM giữa Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) và Tập đoàn Dược phẩm Sanofi của Pháp, với tổng mức đầu tư 80 triệu USD.
Mới đây, thị trường dược Việt Nam chính thức đón nhận thêm một nhà sản xuất lớn của thế giới là AstraZeneca Việt Nam trực thuộc Tập đoàn AstraZeneca (Anh). Tập đoàn này cam kết đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng (xấp xỉ 220 triệu USD) vào Việt Nam giai đoạn 2020-2024…
Những động thái trên cho thấy, thị trường y dược Việt Nam đang rất nóng bỏng và là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư quốc tế.
"Mỏ vàng" ngành dược
Một trong những yếu tố khiến ngành dược Việt Nam trở thành lĩnh vực hấp dẫn trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài là thị trường quy mô gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đây đang là thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất, với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao do thu nhập ngày càng cải thiện.
Báo cáo đầu tư công nghệ y tế của StartupHealth chỉ ra rằng, vốn rót vào các công ty medtech đã tăng lên mức kỷ lục 6,6 tỷ USD trong quý III năm nay. Kỷ lục trước đó xảy ra vào quý I/2020 với 4,5 tỷ USD, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện.
10 thương vụ huy động vốn lớn nhất đều có giá trị từ 200 triệu USD trở lên. Đáng kể nhất là Grail (start-up sinh trắc học), Bright Health (start-up trao quyền cho bệnh nhân) hay Zwift (start-up chăm sóc sức khỏe).
Hầu hết start-up công nghệ y tế nhận vốn đều nắm bắt tốt xu thế về công nghệ, như kỹ thuật số, cá nhân hóa hay trí tuệ nhân tạo (AI).
Hãng nghiên cứu thị trường IBM dự báo, quy mô ngành dược của Việt Nam có thể đạt con số 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Năm 2019, ngành dược Việt Nam ước đạt quy mô 6,5 tỷ USD, trong đó, thị trường thuốc không kê toa (OTC) ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là 9,5%/năm.
Báo cáo mới về ngành dược phẩm của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo: “Giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng ở mức 9-10% trong năm 2020. Theo đó, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng do xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên”.
Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đặt mục tiêu nâng mức tiêu thụ thuốc nội địa lên 22% tại các bệnh viện trung ương và lên 50%-75% tại các bệnh viện và các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện của năm 2020. Thuốc biệt dược gốc cũng đã chiếm khoảng 50% tổng giá trị chào thầu trong năm 2019.
Hiện nay, quy định đấu thầu công khai đối với thuốc là một lợi thế đối với các công ty sản xuất thuốc ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng để có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương đương nhập khẩu. Cùng việc thúc đẩy các công ty cung cấp dược phẩm trong nước, chính sách này cũng khuyến khích các công ty gia công thuốc nước ngoài, từ đó tiếp nhận chuyển giao công nghệ quốc tế vào chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
“Với tiềm năng mà thị trường Việt Nam hiện có, các công ty dược phẩm nước ngoài có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn nhằm giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường. Chúng tôi dự đoán, sẽ có một số thỏa thuận mua lại trong vài năm tới khi Chính phủ có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty dược phẩm trong nước”, bà Phạm Huyền Trang, Trưởng phòng Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI bình luận.
Còn theo kết quả khảo sát, đánh giá mới nhất của Vietnam Report, dược phẩm y tế là ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 1 - 2 năm tới. Theo đó, nhóm này vươn lên vị trí dẫn đầu ngành triển vọng với 61,7% phản hồi. Theo phân tích của Vietnam Report, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân đang dần chú trọng hơn đến việc bảo vệ sức khỏe, nên ngành dược phẩm y tế đang được nhiều doanh nghiệp đánh giá sẽ có triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital đánh giá, thị trường y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có quy mô khá lớn, khoảng 12 tỷ USD, với nhiều tiềm năng tăng trưởng. Số tiền người dân sẵn sàng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm.
Theo ông Andy Ho, người dân cũng dần hình thành thói quen khám định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe và đây chắc chắn là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia. Trong quá khứ, VinaCapital từng rất thành công trong khoản đầu tư vào Hệ thống Y khoa Hoàn Mỹ, với tỷ suất hoàn vốn trên 35%/năm.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, một số ngành vẫn có mức tăng trưởng tốt như dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, thương mại điện tử”, ông Andy Ho nhận xét.
Theo ông Raghu Rai, Phụ trách Jio Health, thị trường y tế, chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam khá lớn, với quy mô khoảng 12 tỷ USD, số tiền người dân chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe tăng bình quân trên 10% mỗi năm. Có thể thấy, đây là một thị trường khá màu mỡ.
“Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất. Những người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên luôn chú trọng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục. Ngoài những điều kiện thị trường, thời điểm hiện tại cũng rất phù hợp để bắt đầu triển khai dự án về chăm sóc sức khoẻ”, ông Raghu Rai bình luận.
Còn bà Nguyễn Hoài Thu, Trưởng phòng Phòng Khách hàng doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Rồng Việt phân tích, trong tương lai gần, doanh nghiệp sản xuất dược Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thuốc nhờ nhiều quốc gia có chính sách thúc đẩy các loại thuốc generic (thuốc tương tự biệt dược gốc và đã hết thời hạn bảo hộ độc quyền).
Điển hình là, Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách thúc đẩy giảm chi phí trên mỗi bệnh nhân, vì vậy nước này đang ưu tiên sử dụng các loại thuốc generic để giảm giá thành thuốc. Nhiều công ty dược của Nhật tìm kiếm đối tác gia công thuốc tại Việt Nam, có thể tạo ra xu thế xuất khẩu thuốc trong thời gian tới vì đa số công ty dược tại Việt Nam đều là nhà sản xuất. Đó có thể là một động thái minh chứng cho việc các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới các công ty dược Việt Nam trong thời gian qua.
Có thể thấy, dư địa phát triển ngành dược Việt Nam vẫn còn lớn, song các doanh nghiệp nội địa mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại thông qua nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do công ty dược Việt Nam không có lợi thế sản xuất nhóm thuốc chất lượng cao, bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị..., mà chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc generic.
Vì vậy, việc thực hiện M&A với các doanh nghiệp nước ngoài trở thành cơ hội để doanh nghiệp dược phẩm nội địa tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới có chất lượng cao. Về phía các doanh nghiệp ngoại, họ thường tìm kiếm các hãng dược Việt Nam có thị trường lớn, năng lực sản xuất mạnh, có hướng mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là có chính sách ưu tiên trong đấu thầu để thực hiện các thương vụ M&A.
Doping từ các hiệp định thương mại
Trong các lĩnh vực chịu sự tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (EVFTA), dược phẩm y tế được xem như là ngành có chịu tác động nhất. EU vốn có lợi thế rất lớn về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm.
Khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp dược EU có thể tham gia sâu chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp dược của Việt Nam đang có các điểm yếu như chưa sản xuất hoặc sản xuất được rất ít loại thuốc đặc trị; hạn chế trong áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Tỷ lệ đầu tư nghiên cứu thuốc mới thấp (5% doanh thu ở các doanh nghiệp trong nước và 15% ở các FDI) sẽ được bù đắp khi các doanh nghiệp EU gia nhập thị trường. Con đường nhanh nhất thâm nhập thị trường là mua lại và sở hữu các công ty Việt Nam. Thời gian qua, đã xuất hiện làn sóng các công ty dược phẩm nước ngoài tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn nhằm giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường Việt Nam.
Ông Haisam Chraiteh, Tổng giám đốc Sanofi Đông Đương đánh giá, EVFTA là cơ hội lớn để các tập đoàn đa quốc gia gia nhập và phát triển tại Việt Nam. “Sanofi đã cải tiến, tái cấu trúc ở tất cả các khâu vận chuyển - bảo quản - quản lý chất lượng - kinh doanh để sẵn sàng cho những cơ hội mới từ EVFTA”, ông Haissam Charaiteh nói.
Mặt khác, trước đây, doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế trong dịch vụ phân phối thuốc, bao gồm cả các dịch vụ kho bãi và vận chuyển… Nhưng khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp EU được miễn giảm thuế, được nhập khẩu và được phân phối tại thị trường Việt Nam.
Điều này buộc doanh nghiệp sản xuất dược lớn trong nước như Dược Hậu Giang, Bidiphar, Imexpharm, Pymepharco, Traphaco… phải bỏ ra các khoản đầu tư lớn để nâng cấp nhà máy, hứa hẹn sẽ tạo bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu.
Điều các nhà sản xuất của Việt Nam đang cần không chỉ là tài chính, mà còn là công nghệ sản xuất, kinh nghiệm phân phối và quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới, vốn là lợi thế của các doanh nghiệp dược EU. Đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia thị trường.
Với một thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân, nhu cầu ngày càng tăng cao, môi trường đầu tư thuận lợi, an ninh an toàn đảm bảo, đặc biệt là quốc gia đang thành công trong phòng chống Covid-19, Việt Nam hiện sở hữu một cơ hội chưa từng có trong việc xây dựng môi trường thuận lợi để dòng vốn đầu tư chảy vào y tế - dược phẩm. Những lợi thế đó sẽ sớm được cụ thể hóa bằng nhiều thương vụ M&A trong thời gian tới, khi EVFTA có hiệu lực, việc thoái vốn nhà nước tại các công ty dược được đẩy nhanh, thị trường dược phẩm phát triển.