Doanh nhân
Y Pốt Niê, nhà sáng lập Ê Đê Café: Dẫn lối văn hóa cà phê Ê Đê ra thế giới
Nhung Bùi - 20/01/2024 08:22
Từ bỏ nghề y để theo đuổi đam mê với ngành cà phê, Y Pốt Niê không chỉ tạo ra doanh nghiệp của riêng mình, mà còn lan tỏa mô hình phát triển bền vững tới cộng đồng, đưa cà phê truyền thống của đồng bào Ê Đê ra thế giới.
Y Pốt Niê, nhà sáng lập Ê Đê Café.

Hạt cà phê nhuộm văn hóa Ê Đê

Thật khó để đặt lịch hẹn với Y Pốt Niê trong những ngày đầu năm 2024, khi nhà sáng lập thương hiệu Ê Đê Café tất bận chuẩn bị, đóng gói sản phẩm cho các đơn hàng khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Y Pốt Niê tiết lộ, doanh nghiệp của anh đang tiến hành đàm phán với đối tác Australia và nếu thành công, ngay trong tháng 1/2024, hoặc sau Tết Âm lịch, Ê Đê Café sẽ chính thức có mặt tại “xứ sở chuột túi”, bên cạnh các thị trường ngoại quốc khác như Đức, Canada, Singapore, Nhật Bản.

Quả ngọt hôm nay là kết quả của một quá trình dài phấn đấu, đưa văn hóa cà phê Ê Đê tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Nhà sáng lập cho biết, trước năm 1975, người Ê Đê tại huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đã bắt đầu canh tác cà phê, với những quy trình thu hái, chế biến đặc biệt, như chỉ hái trái chín, trái hái xong cần giã nát rồi phơi 7 nắng, ủ lên men trước khi rang... Nhưng chưa có người đồng bào Ê Đê nào nghĩ đến câu chuyện kinh doanh cà phê bài bản. Và chàng trai sinh năm 1988 này chính là người Ê Đê đầu tiên mở doanh nghiệp rang xay, chế biến cũng như xuất khẩu cà phê.

“Tôi chỉ muốn làm gì đó để tăng giá trị hạt cà phê, giúp bà con bán được cà phê với giá cao hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn từ chính sản phẩm mà họ gắn bó. Đồng thời, quảng bá hương vị cà phê truyền thống cũng như phong cách thưởng thức cà phê của đồng bào Ê Đê đến mọi người”, Y Pốt Niê chia sẻ.

Với danh mục lên tới 10 dòng sản phẩm, từ cà phê hạt, cà phê bột, đến cà phê hòa tan, Ê Đê Café dễ dàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng, ở những phân khúc giá khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là dòng cà phê khói, được rang theo công thức riêng của người Ê Đê, khiến hạt cà phê đậm mùi khói và có vị đắng dịu, chua thanh, hậu ngọt đầy lôi cuốn.

“Công đoạn rang quyết định hương vị của cà phê. Suốt quá trình rang phải đều tay, lửa liu riu để giữ được mùi vị tự nhiên mà trái cà phê đã tiếp nhận tinh hoa của đất trời. Tùy khẩu vị, từng độ tuổi, mà cho ra sản phẩm với cà phê nâu sậm và nâu đen ở nhiệt độ khác nhau. Đây là công thức rang cà phê được tôi tiếp thu từ thời ông cha truyền lại và cải tiến thêm. Mùi khói trộn lẫn mùi cà phê sẽ tạo ra một hương vị đặc biệt”, nhà sáng lập chia sẻ.

Liên kết sản xuất để nâng giá trị cà phê

Gia đình sở hữu 2 ha trồng cà phê, nên với Y Pốt Niê, cây cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Y Pốt Niê gắn bó với cây cà phê từ khi còn thơ bé. Sau này, lúc trưởng thành, mỗi ngày anh uống cà phê 4-5 “cữ” như một thói quen.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y dược Đà Nẵng, học thêm 2 năm chuyên tu, cũng như làm việc tại một số bệnh viện, nhưng Y Pốt Niê chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về con đường phát triển của cây cà phê. Ngoài thời gian làm việc, Y Pốt Nie tranh thủ tìm hiểu, thực hành cách rang, xay cà phê truyền thống của đồng bào Ê Đê, rồi gửi tặng bạn bè và đăng bán trên mạng xã hội. Không ngờ, sản phẩm được ủng hộ nhiệt tình, khiến anh quyết định từ bỏ ngành y, thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café vào năm 2019. Anh cũng đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch “Ê Đê Café”.

Thời kỳ đầu, gia đình phản ứng dữ dội trước quyết định rẽ ngang của anh. Ngay cả những người nông dân trong buôn buôn Kla (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) cũng không tin tưởng vào hình thức canh tác theo hướng hữu cơ mà Y Pốt Niê theo đuổi. Họ nói anh làm “đa cấp”, thậm chị bị “ma nhập”.

Nhưng nhà sáng lập 8x chưa bao giờ nản lòng. Anh chấp nhận mất nhiều chi phí để mang sản phẩm cà phê của mình đi quảng bá khắp các hội chợ, triển lãm. Ngoài ra, Y Pốt Niê cũng tự trau dồi tiếng Anh để tiếp cận bạn hàng, quảng bá sản phẩm cà phê trên các sàn giao dịch nước ngoài.

Cứ như vậy, thương hiệu Ê Đê Café dần dần có chỗ đứng trên thị trường. Người dân buôn làng không còn nghi ngờ hướng đi của anh, mà tình nguyện hợp tác để cùng hình thành vùng nguyên liệu chế biến cà phê theo hướng hữu cơ, không dùng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, Y Pốt Niê đã liên kết với 50 hộ dân trong buôn để mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100 ha cà phê Robusta. Trong năm 2024, nhà sáng lập dự kiến tăng cường hoạt động liên kết, mở rộng vùng hợp tác với bà con nông dân lên 300 - 400 ha.

Về phía người nông dân, nhờ hình thức canh tác mới, năng suất cà phê đã tăng đáng kể so với trước đây, có thể lên tới 4 tấn/ha. Ngoài ra, vì tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, chất lượng hạt cà phê cũng được cải thiện và được Ê Đê Café thu mua với giá cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg so với giá thị trường. Một hộ gia đình trồng cà phê, sau khi hợp tác với Y Pốt Niê, có thể tăng thu nhập 25-50 triệu đồng/năm, tùy vào diện tích.

Quan trọng hơn, từ thành công của Ê Đê Café, nhiều người trẻ trong cộng đồng người Ê Đê đã học hỏi, chuyển dịch mô hình canh tác cà phê của gia đình theo hướng bền vững. “Tôi hy vọng, với việc cùng nhau học tập hình thức canh tác mới, người Ê Đê không chỉ gia tăng thu nhập, mà còn phát huy truyền thống cà phê từ xa xưa của đồng bào, góp phần nâng cao tầm vóc thương hiệu cà phê Việt Nam”, Y Pốt Niê chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác