Hệ thống SAFPO/POTEC đã tích cực tham gia tiêm chủng miễn phí vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân |
Thưa ông, trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, hệ thống tiêm chủng SAFPO/POTEC đã có những đóng góp cụ thể ra sao?
Đây đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tiêm chủng dịch vụ tự nguyên theo mô hình hệ thống (chuỗi). Từ khi thành lập năm 2009, SAFPO và sau này là POTEC đã có đóng góp quan trọng là đưa dịch vụ tiêm chủng tự nguyện an toàn, công hiệu với khá đầy đủ các loại vắc-xin đến với người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa.
Để làm được điều đó, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận, phối hợp, hợp tác của rất nhiều Trung tâm Y tế dự phòng và sau này là các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành phố. Điều này đã góp phần cùng với hệ thống y tế công lập đẩy lùi, hạn chế nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như bệnh dại, viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản…
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec |
Đặc biệt, trong thời gian đại dịch vừa qua, hệ thống tiêm chủng SAFPO/POTEC cũng đã tham gia tiêm chủng miễn phí vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên cơ sở phân bổ vắc-xin và chia sẻ nhiệm vụ từ các đơn vị y tế công lập.
Dịch Covid-19 tạm lắng xuống do chúng ta đã bao phủ vắc-xin trên diện rộng, nhưng có thể nói, công tác phòng chống dịch bệnh nói chung vẫn còn rất nặng nề. Vậy, theo bác sĩ, trong phòng chống dịch bệnh, có những nguy cơ nào chúng ta phải đối diện?
Công tác phòng chống dịch với các bệnh truyền nhiễm sẽ vẫn còn tiếp diễn và sẽ không bao giờ dừng lại. Không những thế, chúng ta còn phải đối mặt với các dịch bệnh mới nổi như bệnh chân tay miệng hoặc các bệnh chưa có vắc-xin như bệnh sốt xuất huyết hay sốt rét.
Những bệnh này là những nguy cơ, khó khăn lớn mà chúng ta phải đối diện, vì chúng ta phải “chiến đấu” trong khi thiếu vũ khí quan trọng là vắc-xin. Không những thế, con người có thể sẽ còn phải tiếp nhận những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới trong thời gian tới, đặc biệt là các tác nhân truyền từ động vật sang người. Vì thế, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thời gian tới, theo tôi, sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực là phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới và phát triển vắc-xin mới để chế ngự các bệnh truyền nhiễm.
Dịch bệnh sẽ còn phức tạp, người dân luôn phải cảnh giác vì nguy cơ rình rập. Vậy thưa bác sĩ, để phòng chống dịch, vắc-xin vẫn là chìa khóa?
Vắc-xin an toàn và công hiệu trong phòng chống bệnh truyền nhiễm là vũ khí hữu hiệu, kinh tế để phòng chống dịch bệnh. Điều này thể hiện rất rõ trong việc kiểm soát đại dịch vừa qua. Tuy nhiên, cũng rất cần thiết các biện pháp khác, đặc biệt là các biện pháp chủ động như hạn chế chó thả rông, tiêm phòng cho chó. Ngoài ra, các hệ thống như cảnh báo sớm dịch bệnh, đưa ra các mô hình dịch tễ cũng góp phần đẩy lùi dịch bệnh từ khi chúng mới chớm lưu hành.
Dù có nhiều loại vắc-xin đang được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như dịch vụ nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng có thể thấy, vẫn còn nhiều bệnh chưa có vắc-xin, khiến ngành y tế gặp khó và người dân vẫn phải đối diện với nguy cơ về sức khỏe, thưa bác sĩ?
Chúng ta cần phân biệt giữa chưa có vắc-xin trên bình diện thế giới và chưa có vắc-xin tại Việt Nam.
Với vế thứ nhất, chúng ta cũng như người dân ở quốc gia khác sẽ cùng chịu tác động như nhau nếu như điều kiện về dịch tễ như nhau. Đứng trước nguy cơ mắc bệnh, mọi người đều cần có ý thức phòng bệnh như hiểu biết về bệnh truyền nhiễm để tự phòng bệnh, đặc biệt khi đi vào vùng có dịch bệnh lưu hành. Ngành y tế cần tuyên truyền, cảnh báo người dân để nâng cao cảnh giác, tăng cường nhận thức và ý thức phòng bệnh.
Với vế thứ hai là vắc-xin chưa có mặt ở Việt Nam, thì chúng ta cần nhanh chóng đưa vắc-xin mới về đăng ký lưu hành và sử dụng. Có thể nói, mỗi loại vắc-xin phòng bệnh mới được đưa ra thị trường sẽ góp phần làm giảm đáng kể nguồn lực y tế cho kiểm soát, điều trị bệnh đó, đồng thời nâng cao sức khỏe cho người dân.
Có thể thấy, trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, hệ thống y tế tư nhân đã làm được rất nhiều việc, đã chia lửa với y tế công. Nhiều loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng không có thì đã có y tế tư nhân lấp chỗ trống. Nhờ có sự song hành đó, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm được đẩy lui. Sự kết hợp công - tư đã giúp ngành y tế có một bệ đỡ vững chắc, thưa bác sĩ?
Sự song hành của hai hệ thống chỉ khác nhau về chủ đầu tư (Nhà nước với công lập và tư nhân với cơ sở ngoài công lập), còn về mặt chuyên môn, thì bản chất giống nhau và đều nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân (với nguồn lực khác nhau). Có thể nói, hai hệ thống, nhưng đều đóng góp chung cho việc tăng tỷ lê bao phủ của vắc-xin và trong ngành chúng tôi gọi là ONE RATE (một tỷ lệ), cho dù là vắc-xin do Nhà nước cung cấp miễn phí hay người dân tự trả phí).
Nhờ đó, người dân sẽ được tiếp cận với nhiều loại vắc-xin để phòng nhiều bệnh truyền nhiễm hơn. Chúng ta cũng không thể nói vắc-xin nào quan trọng hơn vắc-xin nào, mà tất cả các vắc-xin đều có vai trò quan trọng với sức khỏe con người là phòng bệnh truyền nhiễm.
Thời gian tới, khi chúng ta có thêm những loại vắc-xin phòng bệnh mới, thì cánh tay bảo vệ sẽ tiếp tục được nối dài. Trong khi Nhà nước chưa thể đưa ngay tất cả các chủng loại vắc-xin có mặt tại Việt Nam vào tiêm chủng quốc gia, thì người dân có thể tự chi trả cho các vắc-xin bằng cách tiêm chủng dịch vụ.
Mặt khác, bản thân hệ thống y tế công lập cũng đang thực hiện cả dịch vụ tiêm chủng tự nguyện có thu phí, bên cạnh nhiệm vụ thực hiện tiêm chủng cho các vắc-xin nằm trong tiêm chủng mở rộng. Đó cũng là một hình thức xã hội hóa. Một ví dụ là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã từ nhiều năm (trước khi có dịch vụ tiêm chủng tư nhân) thực hiện dịch vụ tiêm chủng vắc-xin tự nguyện có thu phí.
Các dịch bệnh như bác sĩ phân tích sẽ khó có thể chấm dứt một sớm, một chiều, nên công tác phòng chống dịch luôn phải được coi trọng. Hệ thống y tế công, tư cần kết hợp ra sao để công tác này phát huy hiệu quả trong thời gian tới, thưa bác sĩ?
Như chúng ta đều biết, bệnh truyền nhiễm sẽ tồn tại với con người lâu dài, nên chúng ta cần phối hợp mọi nguồn lực sẵn có để phòng bệnh. Về việc phối hợp công - tư, tôi đề xuất các cơ quan nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn để việc hợp tác này trong lĩnh vực y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng được dựa trên các cơ sở pháp lý vững chắc, có tính khả thi cao và phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Như bác sĩ vừa phân tích, dù là công lập hay tư nhân, thì nhiệm vụ đều là chăm sóc sức khỏe người dân. Vậy để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ngoài vấn đề vắc-xin, còn cần làm tốt điều gì?
Ngoài vắc-xin, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh. Việc này cần có sự tham gia của các cấp, ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Từ trải nghiệm bản thân, tôi thấy rằng, hiện nay, y tế công và tư đang thực hiện khá tốt phương châm “coi người dân là khách hàng để phục vụ”, “coi sự hài lòng của người dân là tối thượng”.
Vậy thưa bác sĩ, với hàng triệu người Việt cần tiêm chủng mỗi năm, làm sao để mỗi lần đến với SAFPO/POTEC là một trải nghiệm nhẹ nhàng?
Người dân đến các cơ sở tiêm chủng, dù là công lập hay tư lập, đều mong muốn được sử dụng vắc-xin phòng bệnh an toàn, công hiệu. Vì vậy, việc đầu tiên là đội ngũ chuyên môn cần tư vấn chuẩn xác dựa trên nhu cầu của người dân, khám sàng lọc kỹ càng và cơ sở tiêm chủng cần có đủ chủng loại vắc-xin để có thể phục vụ các nhu cầu khác nhau (theo lứa tuổi, giới tính) của người dân.
Bên cạnh đó, trong việc thực hiện mũi tiêm cho đối tượng tiêm chủng, cần thực hiện đúng kỹ thuật đã được khuyến cáo với từng loại vắc-xin và hướng dẫn góp phần giảm đau khi tiêm. Việc theo dõi và/hoặc hướng dẫn để người dân tự theo dõi để sớm phát hiện các biến cố sau tiêm chủng cũng hết sức cần thiết để đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng. Tất cả các yếu tố trên nếu được đảm bảo tối đa, tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định thì sẽ đem lại trải nghiệm nhẹ nhàng khi tiêm chủng.