Doanh nghiệp
Yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lao động rà soát vốn, ký quỹ… trước ngày 1/1/2023
T.L - 12/11/2022 09:13
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ rà soát, báo cáo đáp ứng điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Công văn của Bộ nêu rõ, theo khoản 1 Điều 74 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp XKLĐ được cấp phép phải có trách nhiệm rà soát, bổ sung đầy đủ điều kiện về vốn, ký quỹ, nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử trước ngày 1/1/2023.

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Quản lý lao động ngoài nước) mới nhận được báo cáo đáp ứng điều kiện của 68 doanh nghiệp.

Vì vậy, để triển khai quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 khẩn trương rà soát, báo cáo bổ sung đầy đủ điều kiện và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01/01/2023 (báo cáo trực tuyến).

Đến ngày 01/01/2023 nếu doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ điều kiện theo quy định và gửi báo cáo rà soát thì phải chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bị thu hồi Giấy phép. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quyết định thu hồi Giấy phép theo quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch, năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động về việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 công ty, bao gồm: Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO), Công ty CP Vạn Xuân VIVANXAN và Công ty CP công nghệ Phúc Thái, Công ty TNHH MTV Hợp tác quốc tế xây lắp 3 - INCOOP3. Các công ty này đều bị phạt 50-60 triệu đồng  chuẩn bị nguồn đi lao động tại Hàn Quốc theo visa E7 ngành đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ LĐ-TB-XH. Kèm theo quyết định xử phạt hành chính, các công ty này còn bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 12 – 18 tháng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2022 là 8.180 người (2.687 lao động nữ), gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, dẫn đầu là thị trường Đài Loan với 5.027 lao động (trong đó có 1.485 lao động nữ); Nhật Bản: 2.775 lao động (1.164 lao động nữ), Trung Quốc: 168 lao động nam, Singapore: 49 lao động nam, Hungary: 46 lao động (37 lao động nữ), Hàn Quốc và Liên Bang Nga mỗi nước: 21 lao động nam, Algeria: 18 lao động nam, Hồng Kông và Ba Lan mỗi nước: 17 lao động nam và các thị trường khác.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động (37.299 lao động nữ) đạt 114,47% kế hoạch năm 2022. Đầu năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động.

Trong 9 tháng đầu năm, Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất với 51.859 lao động (23.421 lao động nữ), Đài Loan: 44.584 lao động (13.329 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.668 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.498 lao động (02 lao động nữ), Trung Quốc: 643 lao động nam, Rumania: 540 lao động (102 lao động nữ), Hungary: 522 lao động.

Tin liên quan
Tin khác