Công trình Thủy điện Sơn La về đích trước 3 năm so với kế hoạch đặt ra |
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1256/VPCP-CN gửi Bộ Công thương, liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ trình, thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII.
Chủ tịch: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Các ủy viên:
1. Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương
2. Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công thương
3. Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
4. Tạ Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ tài chính
5. Lã Hồng Hạnh – Phó vụ trưởng, Bộ Giao thông Vận tải
6. Phan Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
7. Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
8. Đào Bùi Din – Phó trưởng phòng tổng hợp, Bộ Tài nguyên và Môi trường
9. Trương Hồng Hải – Phó cục trưởng, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công An
10. Nguyễn Đức Hòe – Phó trưởng phòng Quy hoạch, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng
11. Lê Đại Hải – Phó vụ trưởng, Bộ Tư pháp
12. Trần Hoàng – Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
13. Hồ Sỹ Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
14. Đào Minh Tú – Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam
15. Nguyễn Tài Ánh- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam
16. Phạm Tiến Dũng- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
17. Trần Văn Giang – Trưởng ban Điện lực, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam
18. Phạm Lê Phú – Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia
19. Nguyễn Quang Trung – Phó tổng giám đốc TCT Điện lực Hà Nội
20. Lê Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc TCT Điện lực miền Bắc
21. Nguyễn Thành – Phó tổng giám đốc TCT Điện lực miền Trung
22. Lâm Xuân Tuấn – Phó tổng giám đốc TCT Điện lực miền Nam
23. Huỳnh Minh Hải – Phó tổng giám đốc TCT Khí Việt Nam
24. Nguyễn Minh Đạo – Phó tổng giám đốc TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam
25. Vũ Thành Nam - Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng
26. Nguyễn Văn Thanh – Tổng giám đốc TCT Điện lực TP. HCM
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về Đề án Quy hoạch điện VIII tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình và Hội đồng Thẩm định khẩn trương thẩm định Đề án Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2021, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, nội dung theo đúng định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 1/2/2020 của Bộ Chính trị.
Ngày 18/2/2021, Bộ Công thương đã trình Danh sách thành viên Hội đồng Thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và ngày 24/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 240/QĐ-TTg, thành lập Hội đồng Thẩm định Quy hoạch điện VIII.
Theo quyết định này, Hội đồng Thẩm định gồm có 27 thành viên đến từ 16 bộ, ngành. Các thành viên còn lại đến từ các doanh nghiệp nhà nước lớn hoạt động trong ngành điện như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, 5 Tổng công ty phân phối điện và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Các chuyên gia phản biện, các chuyên gia có kinh nghiệm cũng chưa xuất hiện trong danh sách này mà sẽ được Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quyết định trên cơ sở đề xuất của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định - ở đây là Bộ Công thương.
Được biết, Bộ Công thương cũng đã trình danh sách các chuyên gia này lên trên.
Hội đồng Thẩm định đã họp phiên đầu tiên vào ngày 25/2/2021.
Trước đó, vào ngày 9/2/2021, Bộ Công thương đã chính thức đăng tải toàn văn Đề án Dự thảo Quy hoạch Điện VIII lên website của mình để lấy ý kiến tham khảo. Theo thông báo của Bộ Công thương, thời hạn kết thúc lấy ý kiến góp ý là trước ngày 17/3/2021.
Theo quy trình được ghi tại Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, Bộ Công thương sẽ tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện Đề án Dự thảo Quy hoạch điện VIII trước khi trình Hội đồng Thẩm định để thẩm định Quy hoạch.
Nếu theo đúng quy trình tại Nghị định 37/2019/NĐ-CP, thời gian kết thúc thẩm định của Hội đồng Thẩm định với Đề án Dự thảo Quy hoạch Điện VIII sẽ rơi vào cuối tháng 5/2021.
Sau đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để chỉnh sửa và hoàn thiện Đề án Dự thảo Quy hoạch điện VIII để chính thức trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 37. Lấy ý kiến trong quá trình thẩm định quy hoạch
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quy hoạch, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định gửi hồ sơ tới các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch để lấy ý kiến.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, các ủy viên phản biện trong Hội đồng thẩm định quy hoạch phải gửi ý kiến bằng văn bản tới cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch để tổng hợp.
3. Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch lựa chọn tư vấn phản biện độc lập để phản biện một hoặc một số nội dung của quy hoạch. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu phản biện quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập phải gửi ý kiến bằng văn bản tới cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch để tổng hợp.
4. Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan về nội dung quy hoạch bằng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề và tổng hợp ý kiến báo cáo Hội đồng thẩm định quy hoạch.
Điều 38. Họp Hội đồng thẩm định quy hoạch
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đủ ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch là ủy viên phản biện, văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và ý kiến của tư vấn phản biện độc lập (nếu có), cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định tổng hợp ý kiến gửi các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch và trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch về việc tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch
2. Phiên họp thẩm định quy hoạch được tiến hành khi có văn bản của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và có ít nhất ba phần tư (3/4) số thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, trong đó có Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch, hai phần ba (2/3) số ủy viên phản biện, đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch dự họp; có mặt đại diện cơ quan lập quy hoạch và đại diện tổ chức tư vấn lập quy hoạch.
3. Cơ chế ra quyết định của Hội đồng thẩm định quy hoạch:
a) Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết theo đa số để nghiệm thu quy hoạch và thông qua biên bản họp thẩm định quy hoạch;
b) Quy hoạch đủ điều kiện trình quyết định hoặc phê duyệt khi báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa đối với quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và có ít nhất ba phần tư (3/4) số thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch dự họp bỏ phiếu đồng ý nghiệm thu quy hoạch.