Thời sự
10 thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020
PV - 19/10/2020 16:29
Nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Vĩnh Phúc đã khẳng định vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và trong cả nước.

1. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, từ tư duy đến hành động với nhiều thành quả quan trọng, giữ vững đoàn kết, phát huy dân chủ, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện các nhiệm vụ về xây dựng đảng và hệ thống chính trị.

Ngay đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với 4 loại hình chi bộ trong Đảng bộ tỉnh.

Công tác quy hoạch cán bộ theo phương châm “động” và “mở” đã tạo sự chủ động trong công tác cán bộ. Cùng với công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng được quan tâm thúc đẩy thường xuyên. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng tiếp tục được vun đầy, sự tin cậy của Trung ương Đảng đối với Đảng bộ tỉnh tiếp tục được củng cố.

Một góc khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên). Ảnh: KL

2. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tiếp tục được phát huy, từ sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, sự chỉ đạo bài bản đồng bộ sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt trong hành động của các cấp chính quyền, sự thống nhất đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, để vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, đồng thời vẫn duy trì phát triển kinh tế, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra.

3. Kinh tế tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao bình quân 7,1%/năm (cao hơn bình quân chung cả nước 6,7%), chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm (cả nước 5,8%/năm); sức cạnh tranh, quy mô kinh tế ngày càng lớn (năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, chiếm 1,7% GDP cả nước) tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.

Đặc biệt, công nghiệp đóng góp tới 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, thu ngân sách bình quân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, luôn đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa và là 1/16 tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về trung ương (47%).

4. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt trên 5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trong nước đạt 56.474 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD), tăng gần 4 lần so với mục tiêu (14.000 - 15.000 tỷ đồng), gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (24.977 tỷ đồng). Vốn FDI đạt 2,857 tỷ USD, gấp 2 lần mục tiêu (1,3 - 1,5 tỷ USD) và gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2015 (1,429 tỷ USD).

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như tiềm năng phát triển của Vĩnh Phúc là rất lớn. Nhiều dự án đầu tư lớn nhỏ đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo diện mạo đô thị, giao thông khang trang, hiện đại cho Vĩnh Phúc, đặc biệt là thành phố Vĩnh Yên, đưa thị xã Phúc Yên được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, cải thiện đáng kể chất lượng giao thông toàn tỉnh, kể cả hệ thống giao thông nông thôn.

Hạ tầng công nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển với việc triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, đưa Vĩnh Phúc tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

5. Kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt; diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, kinh tế nông nghiệp chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.

Toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu hết năm 2020 đạt 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huy động và tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về chủ trương xây dựng, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; chất lượng môi trường sống tại nhiều vùng nông thôn, khu dân cư trong toàn tỉnh được nâng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa, đoàn kết trong toàn tỉnh.

6. Giáo dục tiếp tục quan tâm đầu tư và phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật như 100% các trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành đầu tư 1.000 phòng học mầm non, hoàn thành đầu tư các trường trọng điểm. Chất lượng giáo dục luôn được khẳng định trong tốp đầu cả nước với nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic Toán học, Sinh học, Vật lý quốc tế và khu vực.

Trong năm học 2019 - 2020, tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT, đứng thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Cùng với giáo dục, khoa học công nghệ cũng được tỉnh chú trọng đầu tư và khuyến khích đầu tư. Hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong giá trị sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, nhiều mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới, hiện đại; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngày càng cao.

7. Chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế tiếp tục được đầu tư, nâng cấp với 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; đạt 36,3 giường bệnh/vạn dân,15 bác sĩ/vạn dân.

Trong nhiệm kỳ, Tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành dự án Bệnh viện Sản - Nhi và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn I, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả ba tuyến. Đặc biệt,Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên phòng, chống thành công dịch Covid-19 tại tuyến huyện, tuyến tỉnh, bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

8. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Hiện không còn nhà tạm, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ước giảm còn dưới 1% năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 92,5% dân số.

9. Tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, giảm nhiều đầu mối, khắc phục chồng chéo và tăng tính hiệu quả, linh hoạt của hệ thống.

Đến nay, Tỉnh đã giảm 4 đầu mối trực thuộc tỉnh, 227 đầu mối cấp phòng, giảm 150 lãnh đạo; tinh giản được 2.822 biên chế và 11.415 người hoạt động không chuyên trách; thực hiện khoán xe công và giao tự chủ tài chính cho một số đơn vị sự nghiệp công lập; đã thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp còn 1,5 ngày; cắt giảm 30 - 35% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư công; giảm 30% thời gian giải quyết dự án đầu tư trực tiếp; giải quyết các thủ tục đầu tư qua mạng đối với 100% dự án đầu tư nước ngoài; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn 18 ngày…

10. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, chỉ đạo thành công các cuộc diễn tập, luyện tập khu vực phòng thủ hàng năm, trong đó đặc biệt là cuộc diễn tập khu vực phòng thủ một bên, ba cấp năm 2016 làm điểm cho Quân khu và được đánh giá cao; đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tin liên quan
Tin khác