Tài chính - Chứng khoán
11 cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/10
Thanh Thuý - 07/10/2014 06:00
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/10 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Quỹ ETF nội đầu tiên "nóng" ngay phút đầu chào sàn
Thị trường chứng khoán đón sóng KQKD quý III
DAP Vinachem sắp IPO hơn 30 triệu cổ phần

1. PHR: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Lũy kế 6 tháng 2014, PHR tiêu thụ được 12.349 tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2013 (10.511 tấn), đạt 43% kế hoạch cả năm (28.500 tấn).

Giá bán bình quân 6 tháng đạt 45,7 triệu đồng/tấn, giảm 25% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2013 (61 triệu đồng/tấn).

Tổng kết 6 tháng, tổng doanh thu đạt 691,6 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, đạt 46% kế hoạch 2014. Doanh thu tăng chủ yếu là do sản lượng tăng mạnh từ việc thu mua và chế biến xuất bán của công ty. Tuy nhiên do cao su thu mua có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với cao su tự khai thác đồng thời giá bán giảm 25,1% so với cùng kỳ dẫn đến tỷ suất lợi nhuận chung chỉ đạt 18,8% thấp hơn so với mức 26,7% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 130 tỷ đồng giảm 23,5% so với cùng kỳ 2013, đạt 49% kế hoạch cả năm.

Theo dự phóng của chúng tôi, với mức giá bán như hiện nay quanh mức 40-43 triệu đồng/tấn, doanh thu năm 2014 của PHR có khả năng đạt 1.527-1.583 tỷ đồng, vượt 0,7-4,4% so với kế hoạch năm, giảm 16-20% so với mức đạt được trong năm 2013. Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 221-245 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch 2014 từ 8-17%, giảm 49-54% so với cùng kỳ. Với ước tính này, EPS 2014 đạt mức 2.154-2.388 đồng/CP, theo đó với mức giá thị trường ngày 03/10 là 29.800 đ thì PHR đang giao dịch với mức PE forward là 11x, khá cao so với ngành(7,0x). Giá mục tiêu định giá theo FCFF là 30.300 đồng, vì vậy tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiều này.

2. DPR: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Lũy kế 6 tháng 2014, DPR tiêu thụ được 6.411 tấn tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2013 (5.393 tấn), đạt 33,7% kế hoạch cả năm (19.000 tấn).

Giá bán bình quân 6 tháng đạt 43,6 triệu đồng/tấn, giảm 26,9% so với bình quân 6 tháng 2013 (59,7 triệu đồng/tấn).

Tổng kết 6 tháng, tổng doanh thu đạt 339 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ, đạt 33,8% kế hoạch 2014. Doanh thu tăng chủ yếu là do sản lượng tăng mạnh từ việc thu mua chế biến xuất bán của công ty(tăng gấp 2 lần cùng kỳ). Tuy nhiên do cao su thu mua có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với cao su tự khai thác đồng thời giá bán của công ty giảm 26,9% so với cùng kỳ dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trước thuế chung của công ty chỉ đạt 27% thấp hơn so với mức 53% cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 91,5 tỷ đồng giảm 46,7% so với cùng kỳ 2013, đạt 36,7% kế hoạch cả năm.

Khuyến nghị: Theo dự phóng của chúng tôi, với mức giá bán như hiện nay quanh mức 36-40 triệu đồng/tấn, doanh thu cả năm ước đạt khoảng 925-940 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế năm 2014 ước đạt khoảng 211-221 tỷ đồng, đạt 85-89% so với kế hoạch 2014, giảm 46% so với cùng kỳ.

Với ước tính này, EPS 2014 đạt mức 4.565 - 4.723 đồng/CP, theo đó với giá thị trường ngày 03/10 là 43.100 đồng thì DPR đang giao dịch tại mức PE forward là 9,1x cao hơn mức bình quân ngành là 7,0x.

Bên Cao su Đồng Phú đã chốt quyết định mua 2.000.000 CP quỹ. Với mức giá không quá 50.000 đồng/CP. Thời gian: 01/10 đến hết 30/10/2014.

Nếu mua hết lượng cổ phiếu này thì tổng số cổ phiếu sẽ tăng lên 2.875.210 CP (chiếm 6,68%). Theo tôi việc mua cổ phiếu quỹ lần này có thể sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho cp DPR trong ngắn hạn dao động trong vùng giá 40.000 - 50.000 đồng.

Tuy nhiên, với mức giá mục tiêu theo P/E như trên, hiện tại nhà đầu tư nên THEO DÕI đối với cổ phiếu này.

3. TRC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Lũy kế 6 tháng 2014, TRC tiêu thụ được 4.773 tấn tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013 (4.262 tấn), đạt 34,9% kế hoạch cả năm (13.670 tấn).

Giá bán bình quân 6 tháng đạt 45,3 triệu đồng/tấn, giảm 26,1% so với bình quân 6 tháng 2013 (61,4 triệu đồng/tấn).

Sau 6 tháng, tổng doanh thu đạt 232,8 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ 2013, đạt 32,2% kế hoạch 2014. Trong đó, doanh thu kinh doanh cao su đạt 217 tỷ đồng tăng 11,8% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng 51% so với 6 tháng đầu năm 2013. Ngoài ra, còn có đóng góp từ doanh thu tài chính đạt 19,2 tỷ đồng và doanh thu khác từ thanh lý cao su đạt 49,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 83,1 tỷ đồng giảm 19,9% so với cùng kỳ 2013, đạt 60% kế hoạch cả năm. Trong đó hoạt động thanh lý cao su chiếm đến 51%, lợi nhuận từ cao su chỉ chiếm khoảng 23%. So với các năm trước tỷ lệ giữa hoạt động kinh doanh mủ cao su và thanh lý cây cao su tương đương nhau nhưng năm nay tỷ lệ này khá chênh lệch. Điều này đã phản ánh phần nào khó khăn trong giai đoạn hiện tại của công ty. Với mức giá bán như hiện nay thì lợi nhuận từ kinh doanh mủ cao su là khá thấp.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay công ty chỉ mới tiêu thụ đạt 32,2% kế hoạch doanh thu cả năm, như vậy 6 tháng cuối năm để đạt kế hoạch thì bình quân 1 tháng công ty phải tiêu thụ 1.453 tấn, cao hơn 24,6% so với mức bình quân cù ng kỳ của năm 2013. Đây là một thách thức tương đối lớn dành cho công ty.

Giá cao su Latex, SMR10 trong tuần đầu tháng 09/2014 tại Malaysia lần lượt hiện còn khoảng 30,3 và 33,4 triệu đồng/tấn; SVR 10, SVR 3L tại cửa khẩu Móng Cái lần lượt chỉ còn 33,2 và 33,8 triệu đồng/tấn. Đây là 3 sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 95% tổng sản lượng tiêu thụ của TRC. Thực tế cho thấy, khả năng đạt mức giá bán kế hoạch là 45 triệu đồng/tấn đặt ra từ đầu năm sẽ khá khó khăn đối với công ty khi mà những tháng cuối năm là vào vụ mùa của cao su, sản lượng tăng mạnh và theo quá khứ giá cao su thường sẽ giảm trong giai đoạn này. Khả năng công ty không đạt kế hoạch là rất cao.

Nếu theo giá bình quân 36-40 triệu đồng/tấn thì doanh thu cao su 6 tháng cuối năm có thể đạt khoảng 314 tỷ đồng. Theo đó tổng doanh thu năm nay của riêng kinh doanh cao su sẽ vào khoảng 532 tỷ đồng, tổng doanh thu cả công ty đạt 573 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 168 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch, giảm 37% so với năm 2013. Theo đó, EPS tương ứng đạt 4.740 đồng/CP. Giá mục tiêu theo PE của TRC là 33.200 đồng, tương ứng PE bằng 7,0x. Với giá thị trường hiện nay tôi khuyến nghị THEO DÕI.

4. CSM: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK FPT (FPTS)

Lũy kế 6 tháng 2014, doanh thu thuần của CSM đạt 1.468 tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch 2014, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 435 tỷ đồng, đạt 43,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 217 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch 2014, giảm 2,7% so với cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ lốp Radial toàn thép: Hiện trong 6 tháng đầu năm, CSM vẫn chưa hạch toán khấu hao và lãi vay của dự án Radial vào kết quả kinh doanh chung của công ty nên chưa ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay.

Trong tháng 6 vừa qua công ty tiêu thụ khoảng 1.500 lốp và tháng 7&8 vừa qua công ty tiêu thụ khoảng 7.000 lốp. Kế hoạch trong năm nay sẽ tiêu thụ khoảng 50.000 lốp, bình quân 7 tháng cuối năm tiêu thụ 6.928 lốp/tháng. Với tốc độ tiêu thụ hiện nay theo chúng tôi CSM sẽ tiêu thụ khoảng 35.000 lốp/tháng. Theo đó, doanh thu đóng góp cả năm dự kiến 170 tỷ đồng. Công ty đang tiến hành gửi mẫu sản phẩm sang Mỹ, Nhật, Châu Âu để xin cấp giấy chứng nhận xuất khẩu DOT (Mỹ), JIS (Nhật) và E-Mark của Châu Âu. Dự kiến đầu quý IV/2014 sẽ nhận được.

Với giá cao su nguyên liệu đang giảm sâu như hiện nay (giảm từ 43 triệu đồng/tấn lúc đầu năm đến nay chỉ còn khoảng 33 triệu đồng/tấn), sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng cuối năm của công ty, đồng thời với mức giảm giá của nguyên liệu CSTN sẽ giúp trang trải bớt phần nào chi phí khấu hao và lãi vay từ dự án Radial trong năm nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm nay theo chúng tôi dự báo sẽ đạt 325-347 tỷ đồng, thấp hơn 3,6-9,7% so với năm 2013. Sự sụt giảm này chủ yếu là do hoạt động kinh doanh của mảng Radial vẫn chưa có lợi nhuận, nên làm ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của công ty trong năm nay.

Khuyến nghị:

Trong năm nay mặc dù lợi nhuận sẽ giảm so với cùng kỳ 2013 nhưng đó là điều tất yếu khi đưa vào vận hành nhà máy lốp Radial. Điều cần chú ý đó là sản lượng tiêu thụ, với dự phóng bên trên thì năm nay công ty có khả năng đạt 10-11% công suất giai đoạn 1.

Lợi nhuận sau thuế năm 2014 ước tính khoảng 325-347 tỷ đồng, tương ứng EPS năm 2014 đạt 4.820 đồng/CP (chưa tính khoảng lợi nhuận từ chuyển nhượng) và đạt 5.150 đồng/CP (bao gồm khoảng lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án). Giá mục tiêu cuối năm là 48.200 - 51.500 đồng, tôi khuyến nghị NẮM GIỮ.

5. TNC: Khuyến nghị bán

CTCK FPT (FPTS)

Mặc dù TNC là doanh nghiệp trồng, chế biến và kinh doanh cao su tuy nhiên trong cơ cấu doanh thu hàng năm còn có nguồn thu từ bán hạt điều và kinh doanh thức ăn gia súc theo hình thức kinh doanh thương mại và sản xuất, gia công đồ gỗ. Trong 6 tháng đầu năm nay bên cạnh khó khăn của cao su làm doanh thu của sản phẩm này chỉ đạt 22,9 tỷ đồng bằng 1/2 của cùng kỳ năm 2013, các mảng kinh doanh hạt điều, sản xuất đồ gỗ không còn đóng góp doanh thu cho công ty. Mảng kinh doanh thức ăn gia súc cũng giảm mạnh chỉ bằng 1/3 của cùng kỳ năm 2013.

Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay không bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ hoạt động tài chính và thanh lý vườn cây. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm do giá cao su giảm mạnh (giảm hơn 28% so với cùng kỳ) dẫn đến công ty chỉ đạt 568 triệu đồng lợi nhuận gộp (cùng kỳ 2013 đạt 9,8 tỷ đồng). Với hơn 8,7 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và 8,6 tỷ đồng từ thanh lý vườn cây giúp lợi nhuận sau thuế của TNC đạt 11,26 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết HĐQT tháng 4/2014, công ty đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ 27 tỷ đồng xuống còn 15 tỷ đồng. Như vậy với kết quả 6 tháng đầu năm, công ty đạt được 75% theo kế hoạch điều chỉnh. Tuy nhiên chúng tôi không đánh giá cao kết quả này bởi nó không đến từ hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.

Với quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao và không ổn định vì vậy vị thế của TNC vẫn chưa được đánh giá cao so với các doanh nghiệp cao su niêm yết còn lại. EPS năm 2014 ước tính đạt 694 đồng/CP. Với giá ngày 03/10/2014 là 12.100 đồng/CP, TNC đang giao dịch tại mức PE forward là 17x, đây là mức rất cao so với bình quân ngành là 7,0x. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu này trong thời gian tới.

6. DRC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK FPT (FPTS)

Lũy kế 6 tháng năm 2014, DRC đạt 1.545 tỷ đồng doanh thu thuần (đạt 45,3% kế hoạch 2014, tăng 12,1% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu nội địa chiếm 90%, đạt tăng trưởng 14%; doanh thu xuất khẩu đạt tăng trưởng 12%. Lợi nhuận trước thuế đạt 237 tỷ đồng (đạt 55,3% kế hoạch 2014, giảm 5,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ là do công ty phải hạch toán chi phí khấu hao và lãi vay từ nhà máy Radial.

Mặc dù lốp radial vẫn chưa có lợi nhuận tuy nhiên điều quan trọng là sản phẩm của DRC được tiêu thụ khá tốt trên thị trường. Trong giai đoạn đầu của nhà máy tạm thời chỉ tiêu lợi nhuận chưa phải là yếu tố quan trọng mà điều đáng quan tâm hơn hết trong thời điểm này là tiến độ tiêu thụ lốp radial của công ty khá tốt.

Trong 6 tháng đầu năm công ty tiêu thụ được hơn 42.500 lốp Radial, sản lượng tiêu thụ tăng mạnh từ 6.000 lốp/tháng lên mức 10.000 lốp/tháng. Điều này chứng tỏ sản phẩm lốp radial của DRC được thị trường công nhận, giúp DRC gia tăng thị phần trong phân khúc lốp này, về dài hạn sẽ tạo tăng trưởng cho công ty một khi sản lượng tiêu thụ từ nhà máy lốp radial gia tăng.

Doanh thu quý III/2014 ước tính đạt 894 tỷ đồng tăng 42% so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận trước thuế quý III/2014 ước tính đạt 90 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2013 do DRC tiếp tục hạch toán chi phí khấu hao và lãi vay từ dự án Radial với tổng giá trị khoảng 48 tỷ đồng trong quý III/2014.

Mặc dù lợi nhuận trước thuế giảm nhưng điều quan trọng là sản lượng tiêu thụ của DRC đang đạt tăng trưởng tốt nhất trong 3 doanh nghiệp săm lốp niêm yết. Đây sẽ là cơ sở giúp DRC duy trì và phát triển thị phần đặc biệt là nâng cao tỷ lệ khai thác lốp Radial trong nửa cuối năm nay và các năm tiếp theo.

Khuyến nghị: Theo ước tính có khả năng lợi nhuận trước thuế năm nay DRC sẽ đạt mức 473-491 tỷ đồng. EPS dự kiến 2014 vào khoảng 4.450-4.615 đồng/CP, đạt khoảng 96-98% kế hoạch đề ra. Giá mục tiêu của DRC theo PE là 54.000 đồng/CP và theo FCFF là 60.300 đồng. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cho mục đích đầu tư Trung-Dài hạn.

7. HRC: Khuyến nghị bán ra

CTCK FPT (FPTS)

Trong tháng 8/2014, công ty khai thác được 168,9 tấn, lũy kế 8 tháng, công ty khai thác được 449,7 tấn, đạt được 28,1% kế hoạch năm (1.600 tấn). Lũy kế 08 tháng, công ty thu mua được 1.799 tấn. Sản lượng tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2014 đạt 2.436 tấn đạt 42% kế hoạch, tương ứng doanh thu đạt 107,7 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch cả năm.

HRC hiện đang trong quá trình trồng tái canh vườn cây cao su trên diện rộng (khoảng 50% diện tích). Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay lượng mủ khai thác của công ty là rất thấp, phần lớn đều phải thu mua từ tiểu điền để chế biến và xuất bán. Điều này làm cho hiệu quả kinh doanh của công ty bị sụt giảm mạnh. Nếu quý II vừa qua không nhờ hoạt động thanh lý vườn cao su thì công ty đã bị lỗ.

Trước tình hình khó khăn của ngành, giá cao su giảm liên tục (gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái) thêm vào đó diện tích khai thác bị thu hẹp làm cho HRC đang gặp không ít khó khăn so với các doanh nghiệp trong ngành. Trong tình thế này, HRC đã quyết định đầu tư tài chính vào 4 công ty cao su nhằm chia sẻ lợi nhuận giúp giải cứu tình trạng khó khăn của công ty, bao gồm: Cao su Việt Lào (15% VĐL); Cao su Bình Long (7,1%); Cao su Bà Rịa-Kampongthom (13,5% VĐL); Cao su Lai Châu (4,1% VĐL).

Với tiến độ hiện nay, trong 4 tháng cuối năm HRC phải tiêu thụ mỗi tháng 841 tấn để đạt kế hoạch 5.800 tấn. Với giá bán hiện tại chỉ còn khoảng 36,6 triệu đồng/tấn thì doanh thu cao su 4 tháng còn lại ước tính đạt khoảng 123 tỷ đồng. Theo đó doanh thu cao su cả năm nay ước đạt 230,7 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch cả năm.

Theo ước tính thì năm nay công ty sẽ thanh lý khoảng hơn 1.100 ha, trong 8 tháng qua công ty đã thanh lý 814 ha như vậy còn lại khoảng hơn 300 ha sẽ phải thanh lý trong 4 thàng còn lại, ước tính doanh thu khoảng 21 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 20,7 tỷ đồng. Như vậy lợi nhuận sau thuế năm nay sẽ vào khoảng 53,7 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch đề ra.

Khuyến nghị: Với dự phóng này, EPS 2014 sẽ đạt 3.110 đồng/CP. Với giá hiện tại 40.100 đồng/CP (ngày 03/10/2014), HRC đang giao dịch tại mức PE forward là 12,9x khá cao so với Ngành CSTN hiện nay (bình quân Ngành khoảng 7x). Vì vậy chúng tôi khuyến nghị BÁN đối với cổ phiếu HRC.

8. SRC: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

Trong 3 doanh nghiệp săm lốp niêm yết, SRC được xem là kém cạnh tranh nhất. Điều đáng lưu ý đối với SRC hiện nay là thị trường lốp xe đạp xem như bão hòa, dư địa tăng trưởng không còn cao làm hạn chế khả năng tăng trưởng của công ty. Trong 6 tháng vừa qua công ty doanh thu giảm so với cùng kỳ là 1,4%, điều này cho thấy SRC đang gặp khó khăn trong việc tạo tăng trưởng cho công ty.

Về thị trường xuất khẩu được xem là cứu cánh còn lại cho SRC, tuy nhiên quý II/2014 vừa qua doanh thu xuất khẩu cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ cho thấy hướng xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn. Mặc dù giá cao su giảm khoảng 20-25% so với cùng kỳ 2013 tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty gần như không cải thiện thậm chí còn giảm nhẹ, trong đó mức tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm nay là 19,3% giảm nhẹ so với mức 19,9% của 6 tháng đầu năm 2013.

Khuyến nghị:

Nếu xét riêng trong năm nay, chúng tôi vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh của SRC sẽ tích cực hơn so với năm 2013 do nhu cầu thị trường chung tăng cao ở hấu hết các sản phẩm lốp. Bởi theo chúng tôi thu thập được thì sản lượng bán ra của SRC rong 8 tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt, trong đó lốp xe đạp tăng 10%, lốp xe máy tăng 40%. Theo đó, chúng tôi dự báo doanh thu 2014 có khả năng đạt 959 tỷ đồng (-2,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 95,3 tỷ đồng (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái), tương ứng EPS 2014 là 4.081 đồng/CP. Giá mục tiêu ngắn hạn theo PE của SRC là 30.600 đồng/CP, cao hơn giá thị trường ngày 29/09 (28.000 đồng) 9%. Khuyến nghị THÊM với mục đích đầu tư ngắn hạn.

Xét về dài hạn có thể thấy hướng tăng trưởng cho SRC trong tương lai là khá mờ mịt bởi hiện tại công ty chưa có kế hoạch phát triển hay mở rộng sản xuất vì vậy nếu không có sự đột phá nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại khả năng cao SRC sẽ khó có tăng trưởng trong các năm tới.

9, 10, 11: HVG, FMC, VHC: Cổ phiếu tiềm năng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng 2014 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tôm tăng mạnh 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ tăng cường hỗ trợ ngành thông qua chính sách tái cấp vốn và miễn thuế VAT thức ăn chăn nuôi.

HVG, FMC, VHC - cổ phiếu tiềm năng.

Tin tức/sự kiện

Theo Hiệp hội thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2014, XK thủy sản đạt 5,08 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả xuất khẩu của mặt hàng tôm, đóng góp 50,1% vào tổng giá trị xuất khẩu, tăng mạnh 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi cá tra, đóng góp 21,6% vào tổng giá trị xuất khẩu lại giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định:

Giá trị xuất khẩu tôm tăng đáng kể nhờ hưởng lợi từ các nước có nguồn cung tôm lớn trên thế giới như Thái Lan và Trung Quốc bị sụt giảm mạnh do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS), giúp các nước xuất khẩu tôm khác như Việt Nam, Ecuador, Indonesia và Ấn Độ trở thành những nguồn cung quan trọng. Cộng thêm nhu cầu đặt hàng tôm tăng tại thị trường Mỹ nên giá tôm xuất khẩu trung bình đã tăng lên trong nhiều tháng qua. Nửa đầu năm nay, giá trung bình của tôm NK vào Mỹ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc tháng 8/2014, giá trị XK tôm sang Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc lần 5,2%, 96,2%, 32,4% và 99,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu cá tra giảm do giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ đều giảm lần lượt 7,3% và 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường này đóng góp 39,7% tổng giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2014, giảm so với mức 45,6% cùng kỳ năm trước. Mức giảm này do thuế chống bán phá giá (CBPG) POR9 cao hơn so với POR8 tại thị trường Mỹ đã ảnh hưởng lên khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam so với cá da trơn của Mỹ. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như ASEAN và Brazil nhưng vẫn không thể bù đắp sự sụt giảm trên.

Theo kết quả trong 8 tháng đầu năm 2014, chúng tôi dự báo giá trị xuất khẩu tôm trong các tháng cuối năm tiếp tục tăng nhờ giá tôm vẫn giữ ở mức cao và ước đạt khoảng 4 tỷ USD cho cả năm 2014, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cá tra, nhờ Nga dở bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ cuối tháng 8/2014, chúng tôi kỳ vọng sản lượng cá tra xuất khẩu cải thiện vào các tháng cuối, ước đạt 1,7 tỷ USD cả năm 2014, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phát hành tăng vốn: Doanh nghiệp tính “moi tiền” cổ đông

TTCK khởi sắc trở lại, nhiều DN đã đón đầu tính chuyện phát hành. Chỉ trong nửa đầu năm 2014, không ít DN đã kịp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 so với đầu năm. 

Tin liên quan
Tin khác