Bộ Giao thông đề xuất đầu tư 1.210 tỷ đồng nâng cao năng lực cầu Đuống
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải trên Hành lang đường thủy số 1 dài 250 km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô.
Tàu thuyền chật vật vượt qua gầm cầu Đuống trong mùa nước lũ (Ảnh: VOV). |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và UBND Tp. Hà Nội cho ý kiến về đề nghị của Bộ GTVT đối với việc chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tách riêng Dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống đường sắt để đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ đạo UBND TP Hà Nội bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời Dự án xây dựng cầu Đuống đường bộ mới phục vụ giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1 cũ đảm bảo đồng bộ với Dự án cầu đường sắt.
Bộ GTVT dự kiến đầu tư khoảng 360 tỷ đồng để nâng nhịp thông thuyền cầu Đuống đảm bảo chuẩn tắc sông cấp 2 (tĩnh không 9,5 m, bề rộng 50m). Để tránh gián đoạn đường bộ trong thời gian nâng/hạ nhịp, cần xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100 m theo quy hoạch với chi phí khoảng 850 tỷ đồng.
Được biết, việc nghiên cứu xây dựng cầu Đuống nằm trong Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi. Dự án tuyến đường sắt này đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên trong bước nghiên cứu khả thi đoạn tuyến từ Hà Nội đến Gia Lâm và kéo dài đến Yên Viên (trong đó có Cầu Đuống) được phân kỳ đầu tư vào các giai đoạn sau của Dự án. Đồng thời, theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và căn cứ Luật Thủ đô năm 2012, dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, UBND TP Hà Nội triển khai xây dựng Cầu Đuống mới để đáp ứng nhu cầu giao thông trên Quốc lộ 1.
Ngoài phương án được đề xuất, Bộ GTVT cũng đã tính đến việc xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1. Theo phương án này sẽ xây dựng cầu mới, tĩnh không cầu đảm bảo thông thuyền vừa đảm bảo phù hợp trắc dọc tuyến đường sắt trong tương lai nên phải đầu tư đồng bộ đường hai đầu cầu và một phần thuộc ga Yên Viên Bắc. Tổng mức đầu tư cầu đường sắt dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng (trong đó phần tuyến khoảng 300 tỷ đồng, cầu khoảng 500 tỷ đồng và ga khoảng 900 tỷ đồng). Xây dựng cầu đường bộ mới cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m theo quy hoạch, cầu đường bộ dự kiến khoảng 850 tỷ đồng.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, vận tải thủy nội địa chủ yếu thông qua các Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống), Hành lang đường thủy số 2 (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc) và Hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạch Giang từ cửa Lạch Giang qua sông Ninh Cơ, sông Hồng).
Hành lang đường thủy số 1 dài 250 km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp II cho tàu đến 800 tấn có thông số kỹ thuật phù hợp lợi dụng thủy triều để hành thủy. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng công ten nơ, các loại hàng rời như vật liệu xây dựng, a pa tít, phân bón… từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại. Hiện nay, một số doanh nghiệp cảng đã khai thác thử nghiệm tuyến vận tải công ten nơ kết nối tới cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.
Trên hành lang này hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8 m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở công ten nơ sức chở 24 TEU (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống, gây ùn ứ, tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy của các tỉnh phía Bắc đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.
Quảng Nam yêu cầu sớm giải phóng mặt bằng dự án nạo vét sông Cổ Cò
Ngày 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc về Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An.
Theo ông Đào Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn và xây dựng Tân Phong - đơn vị tư vấn dự án, cho biết mục tiêu đầu tư dự án là tạo điều kiện về môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch TP.Hội An; đồng thời tăng cường phòng chống lũ, chống xói mòn, chống xâm nhập mặn nguồn nước, tăng cường tính bền vững kết cấu hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc họp. |
Dự án có tổng vốn 88,5 triệu USD, tương đương với 2.056 tỷ đồng, đang triển khai các hạng mục đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại, dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4 sắp tới. Ngoài ra, các hạng mục khác như hệ thống cảnh báo lũ sông Vu Gia - Thu Bồn; xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và hồ Pháp Bảo; nâng cấp, cải tạo đường ĐT608..., dự kiến trao thầu vào quý II/2020.
Những hạng mục trình UBND tỉnh phê duyệt lần này gồm đường dẫn cầu Cửa Đại - Nam Hội An và hạng mục nạo vét sông Cổ Cò (bao gồm cầu thôn 3). Theo đó, hạng mục đường dẫn cầu Cửa Đại - Nam Hội An có điểm đầu tại điểm cuối phía nam cầu Cửa Đại chạy dài 36,5km, điểm cuối giao nhau với quốc lộ 40B (kết hợp với tuyến 129 ven biển). Hạng mục nạo vét sông Cổ Cò từ Km14 - Km19+450 với chiều dài 5,45km. Quy mô nạo vét phần trên cạn dài 1,85km, phần có mặt nước dài 3,6km. Ngoài ra, tại Km17+844 của lý trình sông Cổ Cò còn có hạng mục cầu thôn 3 bắt qua sông khớp nối với đường Dũng Sĩ Thanh Khê - Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc.
Phát biểu chỉ đạo để triển khai dự án, ông Lê Trí Thanh yêu cầu, đối với đường phía nam cầu Cửa Đại, trước đây đã thiết kế rồi thì bây giờ làm cho đủ, riêng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chú ý khớp nối với quy hoạch dọc 2 bên tuyến đường này. Về đầu tư, cố gắng giảm hạng mục để tiết kiệm. Ngoài ra, toàn tuyến từ cầu Cửa Đại vào đến sân bay Chu Lai cần phải có những dự án đảo, vịnh hoặc điểm dừng chân để tránh đơn điệu.
Riêng với dự án nạo vét sông Cổ Cò, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở GTVT khẩn trương bàn giao đoạn 5,4km cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, thị xã Điện Bàn khẩn trương phê duyệt quyết toán bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ chủ đầu tư chuyển sang cho ban quản lý để tiếp quản và giao cho thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
Nhà đầu tư muốn xây dựng khu đô thị thông minh tại Quảng Trị
Ngày 4/3, UBND tỉnh Quảng Trị có buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam về đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Đông Hà.
Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam tiền thân là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp từ năm 1996. Đến nay, công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản dân dụng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, đầu tư phát triển khu công nghiệp, kinh doanh bán lẻ, dịch vụ khách sạn…
UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam. |
Tại buổi làm việc, đại diện phía nhà đầu tư đề xuất các dự án nghiên cứu xây dựng khu đô thị phía Đông TP.Đông Hà quy mô hơn 111 ha (giai đoạn 1 là 45,3 ha) và Khu đô thị mới Thuận Châu (phường Đông Lương) quy mô gần 27 ha.
Các dự án sẽ xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầy đủ các phân khúc từ nhà biệt thự đơn lập đến nhà liền kề khu phố, các hạng mục công viên, cây xanh... Với mục tiêu hướng đến xây dựng thành phố xanh với các tiêu chí phát triển thành phố bền vững với môi trường. Xây dựng thành phố thông minh với các hạng mục giao thông thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, y tế thông minh và hệ thống an ninh cộng đồng.
Tổng mức đầu tư dự án: Khu đô thị phía Đông TP.Đông Hà giai đoạn 1 (45,3 ha) hơn 1.700 tỷ đồng, Khu đô thị mới Thuận Châu hơn 960 tỷ.
Theo đánh giá từ phía nhà đầu tư, việc xây dựng các Khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại sẽ đáp ứng các yêu cầu đời sống ngày càng cao của người dân khu vực đô thị. Đảm bảo phát triển bền vững lâu dài, tạo bộ mặt kiến trúc hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa cho khu vực. Tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương. Tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đánh giá cao ý tưởng đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn TP.Đông Hà của Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công ty triển khai thực hiện dự án tại TP. Đông Hà. Tuy nhiên, phía nhà đầu tư cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh về các mục tiêu, hạng mục dự kiến đầu tư… để các dự án có tính khả thi, hiệu quả cao khi triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng hỗ trợ công ty về hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật; Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh về phương án sử dụng vốn để chuẩn bị công tác mời thầu; UBND TP.Đông Hà rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để trình UBND tỉnh phê duyệt; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển mục đích sử dụng một phần đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định... Yêu cầu việc lập hồ sơ, thủ tục và các phần việc liên quan phải nhanh chóng hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để các dự án khởi công, hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng đạt kết quả cao, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nghệ An làm việc với các tổ chức JICA và JETRO nhằm triển khai các ký kết hợp tác 3 bên
Chiều ngày 4/3, chia sẻ với PV Baodautu.vn, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết vừa có buổi làm việc với Tổ chức JICA và JETRO Nhật Bản để thống nhất thúc đẩy triển khai các nội dung mà 3 bên đã ký kết trên các lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông Hoa, tháng 9/2019 UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác về các lĩnh vực trên với các Tổ chức cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội (JICA Hà Nội) và Văn phòng Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO). Và lần làm việc này là để thống nhất thúc đẩy hướng triển biên bản đã ký giữa 3 bên.
JICA hiện nay phát triển dự án chuỗi giá trị tỏi ở Kỳ Sơn Nghệ An để tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương |
Thực tế đã chứng minh các hoạt động hợp tác giữa Nghệ An - Nhật Bản, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA và JETRO, đã và đang đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Nghệ An hiện nay còn quá ít so với tiềm năng hai bên. Các doanh nghiệp Nhật Bản khi nhắc đến Việt Nam mới chỉ biết đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... ông Hoa nhấn mạnh.
Làm việc với các tổ chức JICA và JETRO, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất thời gian tới, tỉnh Nghệ An đang phối hợp với tổ chức Brainworks Asia xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị Giới thiệu về Nghệ An đến các doanh nghiệp Nhật Bản tại Tokyo, dự kiến vào tháng 6/2020 với sự tham gia khoảng 20 doanh nghiệp tiêu biểu của Nghệ An và 100 doanh nghiệp Nhật Bản. Song song đó là xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đi Nhật Bản trong năm 2020 nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Vì vậy rất mong JETRO và JICA hỗ trợ tỉnh tổ chức thành công các chương trình này.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn JICA tiếp tục hỗ trợ Nghệ An về phát triển du lịch, dựa trên những mô hình thí điểm phát triển các đặc sản địa phương do dự án JICA hỗ trợ đã thành công và góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghệ An đề nghị JICA hỗ trợ 1 đến 2 đợt đào tạo cho cán bộ nông nghiệp nâng cao kỹ năng xây dựng và quản lý theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, kiến thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng xây dựng và quảng bá sản phẩm; xây dựng 1- 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong lĩnh vực giáo dục, ông Lê Ngọc Hoa đề nghị JICA nghiên cứu hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học hoặc Cao đẳng nghề của Nhật Bản tại Nghệ An để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cả hai bên trong thời gian tới; cử giáo viên hỗ trợ Nghệ An đào tạo tiếng Nhật tại các trường học...
Trưởng đại diện JICA Hà Nội, ông Konaka Tetsuo cho biết, UBND tỉnh Nghệ An, Cơ quan JICA và JETRO Nhật Bản đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác từ tháng 9/2019. Theo đó 3 bên thúc đẩy hợp tác có hiệu quả trên 3 lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực toàn cầu.
Để hiện thực hóa biên bản đã ký kết, JICA sẽ tiếp tục thực hiện các dự án ODA ở Nghệ An. Hiện JICA đã hỗ trợ Nghệ An triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp Nghệ An được thực hiện năm 2016 và kết thúc vào năm 2019.
Và theo tổ chức này, thời gian tới JICA sẽ cử cố vấn chuyên gia phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Nghệ An trong thời gian 2 năm. Còn một số dự án tiềm năng mà tổ chức đang thực hiện tại Nghệ An như: Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. Đây là dự án nông nghiệp trọng điểm đã phát huy hiệu quả cao, đem lại nhiều lợi ích cho người dân. JICA mong muốn để dự án triển khai đúng tiến độ phát huy hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao để dự án triển khai đúng tiến độ.
Liên quan đến lĩnh vực xúc tiến đầu tư, về phía JICA sẽ giới thiệu hợp tác đối tác công tư từ doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến đầu tư vào Nghệ An. JICA hiện nay phát triển dự án chuỗi giá trị tỏi ở Kỳ Sơn Nghệ An để tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm nghèo; Dự án phối hợp khối tư nhân ứng dụng công nghệ canh tác hữu cơ an toàn bảo vệ môi trường.
JICA hiện nay phát triển dự án chuỗi giá trị tỏi ở Kỳ Sơn Nghệ An để tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương
Lĩnh vực thứ 3 là liên quan đến hợp tác phát triển nguồn nhân lực, trong năm 2020 JICA lựa chọn một số khóa đào tạo tại Nhật Bản vận hành quản lý hệ thống công trình thủy lợi, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh để chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm kỹ năng trong phát triển nông nghiệp.
Còn ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội thì cho hay, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Theo khảo sát, có khoảng 64% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát tiếp tục mong muốn muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong tương lai doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ tăng lên nhất là liên quan đến các lĩnh vực: Phát triển chuỗi giá trị thực phẩm, thông qua xuất khẩu và nhập khẩu.
Để cụ thể hóa biên bản hợp tác đã ký kết giữa các bên, JETRO tạo điều kiện và thúc đẩy đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời JETRO sẽ tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tại Việt Nam và Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Nghệ An và Nhật Bản trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Lãnh đạo 3 tỉnh kiến nghị làm tuyến cao tốc Tây Nguyên - duyên hải Miền Trung 40.000 tỷ đồng
Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Bình Định cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku quy mô 2 làn xe, dài 160 km.
Đây là nội dung tờ trình về việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vừa được các ông: Võ Ngọc Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký gửi Thủ tướng Chính phủ.
Một đoạn Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Mangyang, Gia Lai. |
Cụ thể, lãnh đạo chính quyền 3 địa phương muốn Thủ tướng sớm chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có chiều dài 160 km, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đầu tư theo quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 17,25 m. Trong giai đoạn này sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình cầu, cống và hầm qua đèo An Khê, Mang Yang. Tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó quy mô GPMB theo quy hoạch 4 làn xe. Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe.
Hình thức đầu tư Dự án được đề xuất là ngân sách Nhà nước, huy động vốn ODA và thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế tham gia dưới hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, BT hoặc BTO.
Theo quy hoạch, tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và tại Km10, tuyến giao với cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây tại khu vực Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, hướng tuyến đi song song với Quốc lộ 19 hiện hữu.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có tính chất đặc biệt quan trọng đối với 3 địa phương, góp phần hình thành trục cao tốc kết nối các cảng biển Nam Trung Bộ với khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia cũng như vươn xa kết nối với các nước Thái Lan, Myanma.
Tiếp tục đề xuất Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều
Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh được xác nhận là đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Đây là nội dung chính tại công văn liên quan đến việc rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ.
ATR72-600, loại máy bay được hãng hàng không Cánh Diều lựa chọn khai thác trong 2 năm đầu bay thương mại. |
Theo đó, trên báo cáo kết quả rà soát căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Quảng Nam (văn bản số 622/UBND – KTN ngày 12/2/2020) và nghiên cứu Nghị định số 89/2019/NĐ – CP ngày 15/11/2019 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận thấy có một số nội dung liên quan đến Báo cáo số 15/BC – BKHĐT ngày 3/1/2020 về kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Cụ thể, về căn cứ pháp lý, sau khi rà soát, Bộ Kế hoạch và đầu tư xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và bổ sung Nghị định số 89 làm căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư Dự án.
Liên quan đến điều kiện vốn, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định số 92, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác từ 11 đến 30 tàu bay là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 89, mức vốn tối thiểu này (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 600 tỷ đồng. Tại hồ sơ Dự án, nhà đầu tư đã có các tài liệu chứng minh về khả năng huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để đầu tư dự án. Cụ thể, số vốn chủ sở hữu và vốn vay mà nhà đầu tư huy động là 5.500 tỷ đồng, lớn hơn mức vốn tối thiểu theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 89.
Về tiêu chí bảo đảm số lượng tàu bay khai thác, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, khoản 11 Điều 1 Nghị định số 89 bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không phải đảm bảo số lượng tàu bay thuê có tổ bay đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là không chiếm quá 30% số lượng tàu bay và không quá 10 tàu bay.
Tại văn bản ngày 24/2/2020, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh khẳng định không có kế hoạch sử dụng hình thức thuê ướt và định hướng sẽ sử dụng 100% đội tàu bay (ATR72-600) mua mới từ nhà sản xuất trong 2 năm đầu khai thác. Bộ GTVT chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không trong quá trình cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trong trường hợp Dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Cũng tại văn bản 622, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 89 không làm thay đổi nội dung và yêu cầu pháp lý trong việc thẩm định đề đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Trên cơ sở rà soát các nội dung thẩm định và ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định Dự án đáp ứng các điều kiện để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Vào cuối tháng 1/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 647/VPCP - CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư và UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến việc thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Tại văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư Dự án; trong đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020). Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kết luận rõ về việc Dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có Báo cáo số 15/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Trong Báo cáo số 15, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển. Trong những năm tiếp theo, nhà đầu tư sẽ mở các đường bay quốc tế nhằm nhằm thúc đẩy giao lưu và hội nhập văn hóa, kinh tế khu vực và quốc tế.
Dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm đến năm thức 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus 320/321 hoặc tương đương. Tổng vốn của Dự án hãng hàng không Cánh Diều là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh công suất 45 MWp sẽ hoà lưới điện vào tháng 6/2020
Dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2020, nhà máy điện mặt trời Phước Ninh tại Ninh Thuận với công suất 45 MWp, gồm hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời và một trạm biến áp 40 MVA.
CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group vừa ký hợp đồng tổng thầu EPC với liên danh đối tác Sharp-NSN để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận).
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận) sẽ đi vào vận hành giữa năm 2020. |
Dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2020, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh.
Nhà máy có công suất 45 MWp, gồm hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời và một trạm biến áp 40 MVA.
Hợp đồng EPC dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh bao gồm vốn của Tập đoàn T&T Group và vốn huy động từ các nguồn tài chính khác, trong đó có sự hỗ trợ từ ngân hàng HD Bank.
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sử dụng các tấm pin quang điện (Sharp) công suất 395Wp/tấm; hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao (98%); máy biến áp nâng áp 110 kV - 40 MVA do liên danh Sharp-NSN cung cấp.
Hiện nhà máy đã hoàn thiện mặt bằng xây dựng, sẵn sàng lắp đặt thiết bị để đi vào vận hành đúng tiến độ. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành toàn bộ và đi vào vận hành từ tháng 06/2020.
Liên danh Sharp-NSN là một trong những nhà thầu đã thực hiện những hợp đồng EPC cho các dự án điện mặt trời lớn tại Việt Nam như: Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (48 MWp), Nhà máy Điện mặt trời TTC Hàm Phú 2 (49 MWP) và các dự án khác.
Trước đó, vào tháng 4/2019, CTCP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận và Công ty Mua bán Điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua bán điện.
Theo đó, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận sẽ bán điện cho EVN với giá bán được áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Đề xuất 11 dự án cao tốc mới để khép kín toàn tuyến Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM
Tiếp theo 11 dự án cao tốc thành phần đang triển khai trên tuyến Bắc Nam, Bộ Giao thông - Vận tải đang đề xuất triển khai tiếp 11 dự án cao tốc khác trên tuyến này với chiều dài khoảng 820 km, tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỷ đồng.
Danh mục 11 dự án mới này nằm trong dự thảo danh mục các dự án nhóm A dự kiến chuẩn bị đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đề xuất, Ban Quản lý dự án Thăng Long được Bộ Giao thông - Vận tải giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 2 dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 34 km, tổng mức đầu tư 4.549 tỷ đồng và cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng dài 53,4 km, tổng mức đầu tư 5.162 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án 6 được giao 2 dự án cao tốc Vũng Áng - Bùng dài 54 km, tổng mức đầu tư 9.554 tỷ đồng và cao tốc Bùng - Vạn Ninh dài 60 km, tổng mức đầu tư 8.758 tỷ đồng).
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao 2 dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ dài 55 km, tổng mức đầu tư 11.306 tỷ đồng và cao tốc Cam Lộ - La Sơn giai đoạn hoàn chỉnh dài 98 km, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án 2 được giao 2 dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 92 km, tổng mức đầu tư 14.649 tỷ đồng và cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn dài 78 km, tổng mức đầu tư 12.420 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án 85 được giao 2 dự án cao tốc Quy Nhơn - Tuy Hòa dài 100 km, tổng mức đầu tư 15.923 tỷ đồng và cao tốc Tuy Hòa - Vân Phong dài 44 km, tổng mức đầu tư 7.006 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án 7 được giao dự án Vân Phong - Nha Trang dài 76,6 km, tổng mức đầu tư 12.205 tỷ đồng.
Nếu 11 dự án cao tốc mới này được Chính phủ trình Quốc hội khóa tới thông qua chủ trương và đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kết hợp với 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, cao tốc Bắc - Nam sẽ được kết nối khép kín toàn tuyến từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh.