|
Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020. Ảnh: Khánh An |
5 trục đường hướng tâm nối các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đang là các dự án trọng điểm trong thực hiên Quy hoạch tổng thể phát triển vùng.
Các tuyến đường được điểm tên trong Quy hoạch tổng thể thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 dựa trên mạng lưới giao thông theo 5 trục hướng tâm, trong đó Hà Nội là tâm điểm.
Cụ thể là, Hà Nội - Lào Cai (Quộc lộ 70, Quộc lộ 32C), Hà Nội - Điện Biên (Quộc lộ 6, Quộc lộ 32, Quộc lộ 32B), Hà Nội - Cao Bằng (Quộc lộ 3), Hà Nội - Lạng Sơn (Quộc lộ 1), Phú Thọ - Hà Giang (Quộc lộ 2) và 3 tuyến vành đai: Vành đai 1 (Quộc lộ 4, Quộc lộ 4A, Quộc lộ 4B, Quộc lộ 4C, Quộc lộ 4D, Quộc lộ 4H), Vành đai 2 (Quộc lộ 279), Vành đai 3 (Quộc lộ 37)
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc chọn trọng điểm đầu tư là hạ tầng sẽ giải quyết nhanh thách thức lớn nhất của Vùng này là hạ tầng kỹ thuật yếu kém, địa hình phức tạp. “Đây là vùng địa bàn đặc biệt chiến lược, là vùng duy nhất kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc nên nếu giải quyết được bài toán hạ tầng, các địa phương trong Vùng mới có thể khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Vùng, đặc biệt là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua phát triển các hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội và Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”, ông Các phân tích.
Đây cũng là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư vào các trọng điểm đầu tư đã được Quy hoạch tổng thể xác định như phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu… Đặc biệt, tiến độ thực hiện phát triển các tiểu vùng (gồm tiểu vùng tây bắc và đông bắc) và trung tâm kinh tế dọc theo các hành lang kinh tế.
Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Hà Nội - Lào Cai; Hoà Lạc - Hòa Bình và triển khai xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Đi cùng với đó là xây dựng đường kết nối các tỉnh với các tuyến đường cao tốc, đường tuần tra biên giới, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bảo đảm giao thông thông suốt.
Hệ thống đường sắt cũng được đặt kế hoạch cải thiện nhanh như tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên; Kép - Lưu Xá theo hướng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia.
Đặc biệt, xây dựng mới các cảng hàng không Lào Cai, Lai Châu cũng được đặt trong kế hoạch trong giai đoạn đến năm 2020, song song với các yêu cầu củng cố các sân bay nhỏ, sân bay chuyên dụng… Hiện nay, sân bay Nà Sản đã xuống cấp và dừng hoạt động, chỉ còn sân bay Điện Biên hoạt động.
Tuy nhiên, việc thu hút vốn vào lĩnh vực giao thông khu vực này không dễ dàng. Ông Đinh Hồng Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) đề nghị, đề nghị tăng mức đầu tư hàng năm cho ngành giao thông vận tải để có điều kiện thu hút nhiều hơn vốn ODA, tăng cương công tác giám sát để đảm bảo tiến độ, chống lãng phí.
“Các dự án đi qua khu đô thị cần sự phối hợp giữa các địa phương và trung ương để đảm bảo phối hợp tiến độ, khai thác quỹ đất xây dựng theo quy hoạch được duyệt”, ông Việt đề nghị.
Ông Dương Ngọc Long, Ông Dương Ngọc Long, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, với việc hoàn thiện các công trình giao thông và các dự án theo định hướng chiến lược của quy hoạch đã được phê duyệt, các nhà đầu tư sẽ đến với các tỉnh thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng.
Tiểu vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu): phát triển điểm thuỷ điện quốc gia; phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng đồng, sắt, Niken và đất hiếm; trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp đặc biệt cao su, cây dược liệu, cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò sữa, bò thịt chất lượng cao; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cho các dự án thủy điện. Tiểu vùng Đông Bắc (gồm các tỉnh còn lại trong Vùng) Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng apatit, sắt, đồng, vàng, thiếc, bô xít, kẽm, chì, luyện gang thép; trồng và chế biến lương thực - thực phẩm, nông lâm sản, dược liệu cây ăn quả, chăn nuôi lợn và đại gia súc; sản xuất đồ gia dụng, hoá chất, bột giấy và giấy, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, dệt may; sản xuất và lắp giáp sản phẩm điện tử. Các trung tâm kinh tế trên các tuyến hành lang: - Tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, có thành phố Lạng Sơn (cửa khẩu quốc tế) kết nối với thành phố Bắc Giang và các đô thị khác trên tuyến hành lang. - Tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có thành phố Việt Trì là thành phố công nghiệp kết nối với thành phố Lào Cai (cửa khẩu quốc tế) và thành phố Yên Bái và các đô thị khác trên tuyến. - Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện biên - Lai Châu, có các thành phố Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên Phủ và thị xã Lai Châu là hạt nhân phát triển, kết nối với các đô thị khác trên tuyến hành lang. - Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Cao Bằng, có các thành phố Thái Nguyên, Cao Bằng và thị xã Bắc Kạn. Tuyến hành lang kinh tế Phú Thọ - Hà Giang, có các thành phố Tuyên Quang, Hà Giang và thị xã Phú Thọ, là hạt nhân phát triển kết nối với các đô thị khác. - Tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc (gồm 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La): Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, mở rộng các hoạt động kinh tế, thương mại với các nước láng giềng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thương mại cửa khẩu với bảo đảm an ninh khu vực biên giới và chủ quyền quốc gia. |
Tuyết Ánh