Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Kon Tum đề nghị loại bỏ 4 thủy điện vừa và nhỏ khỏi quy hoạch
Tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương loại 4 thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch do còn nhiều tồn tại.
Ngày 18/12, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương loại 4 thủy điện khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.
Cụ thể, 4 thuỷ điện bị đề nghị loại khỏi quy hoạch gồm: Đăk Ruồi 1 (công suất 7 MW), Đăk Man (6 MW) và Đăk Brot (2 MW) cùng thuộc huyện Đăk Glei), Sông Tranh 1 (4,5MW, huyện Tu Mơ Rông).
Theo ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum, các thủy điện trên được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch Dự án thủy điện vừa và nhỏ trong nhiều năm.
Ông Nhất cho hay, quá trình rà soát, sở xác định các dự án ảnh hưởng 56 ha rừng đặc dụng; công tác tái định canh không đảm bảo... Thậm chí dự án thuỷ điện Đăk Brot đã có nhà đầu tư, song doanh nghiệp không tập trung xây nhà máy mà khai thác vàng, gây mất an ninh trật tự.
Đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất 870 MW. Trong đó, hiện 28 dự án đã hoàn thành, tổng công suất 329 MW. Một số dự án bị xác định ảnh hưởng môi trường, tác động tới rừng, một trong những nguyên nhân gây động đất.
Hà Nội khẩn trương hoàn thiện thủ tục để thông xe đường Vành đai 2
UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xem xét hoàn thiện thủ tục để thông xe dự án đường trên cao dọc tuyến Vành đai 2 kết hợp mở rộng phần dưới thấp, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xem xét hoàn thiện thủ tục để thông xe dự án đường trên cao dọc tuyến Vành đai 2 kết hợp mở rộng phần dưới thấp, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. (Ảnh: Chí Cường) |
UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan khẩn trương xem xét hoàn thiện thủ tục để thông xe Dự án đường trên cao dọc tuyến Vành đai 2 kết hợp mở rộng phần dưới thấp, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự án đã cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục (đang dọn dẹp, chỉnh trang). Nhà đầu tư đang hoàn chỉnh các hồ sơ, biên bản và thủ tục để thông xe.
Ngày 5/12/2022, nhà đầu tư (Tập đoàn Vingroup) đã có tờ trình gửi Sở Giao thông Vận tải về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo thẩm tra an toàn giao thông các gói thầu trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Ban Quản lý dự án cũng đang phối hợp với nhà đầu tư rà soát, kiểm tra hồ sơ quản lý chất lượng của các gói thầu để hoàn thiện biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, mời Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng.
Căn cứ các quy định hiện hành, Ban Quản lý dự án kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo thẩm tra an toàn giao thông trước khi nghiệm thu, và phối hợp với Ban Quản lý dự án kiểm tra hồ sơ quản lý chất lượng công trình.
Dự án Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô Hà Nội, dài 43,6km, chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy, tạo thành vòng tròn khép kín. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ thông xe vào đầu tháng 1/2023.
1,5 tỷ USD cam kết đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm tới
Đây là con số được công bố tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) diễn ra sáng nay, 19/12.
Theo đó, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023-2035 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022. (Ảnh: MPI) |
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, trong năm 2022, xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn. Các cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Phân tích do Crunchbase News công bố cho thấy, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý III/2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý II/2022.
Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet - với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng internet lên 460 triệu người.
Nhiều quỹ đầu tư quốc tế đánh giá khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch COVID-19. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với mức GDP dự đoán là 6,7% vào năm 2023.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Venturesbcho biết, trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ. Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của “tam giác vàng khởi nghiệp” này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng.
“Khi kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”, ông Vinnie Lauria nói.
Hoàn tất thanh toán chi phí GPMB nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Theo thông tin của Baodautu.vn, sau khi Bộ Quốc phòng đã có quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng Dự án Nhà ga quốc tế T3 vào ngày 7/12/2022, chỉ đúng 2 ngày sau đó Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đã chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ trị giá 143,865 tỷ đồng cho Ban Bồi thường, GPMB quận Tân Bình, TP.HCM.
Phối cảnh nhà ga hàng khách T3 Tân Sơn Nhất. |
Ngày 12/12, Ban Bồi thường, GPMB quận Tân Bình, TP.HCM đã chuyển toàn bộ số tiến bồi thường, hỗ trợ theo phương án phê cho 2 đơn vị phòng không không quân đóng tại sân bay Tân Nhất là Sư đoàn 370 (91,049 tỷ đồng); Lữ đoàn 918 (52,815 tỷ đồng).
Như vậy, ACV đã phối hợp chặt chẽ với địa phương và Quân chủng Phòng không – không quân hoàn tất công tác GPMB và đảm bảo đủ các điều kiện khởi công Dự án nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện ACV đang đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép khởi công công trình vào ngày 24/12/2022.
Trước đó, tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 28/7/2022, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao 27,85 ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP.HCM quản lý để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 (khoảng 16,05 ha) và Dự án Đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3 (đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM); diện tích đất thu hồi theo số liệu đo đạc thực tế.
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tháo dỡ 12 ụ bê tông xi măng và xây mới các ụ bê tông xi măng. Bộ Giao thông - Vận tải chuyển trả kinh phí phá dỡ 12 ụ bê tông xi măng đã được bố trí trong Dự án cải tạo nâng cấp đường lăn, đường cất hạ cánh - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngân sách quốc phòng theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Chính phủ yêu cầu tổ chức bàn giao mặt bằng khu đất diện tích khoảng 16,05 ha để xây dựng Nhà ga hành khách T3 làm 2 đợt (đợt 1 bàn giao khoảng 14,757 ha ngay sau khi Nghị quyết được ban hành; đợt 2 bàn giao khoảng 1,293 ha sau khi xử lý xong tài sản của Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt).
Đối với khu đất diện tích khoảng 11,80 ha để xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, tổ chức bàn giao mặt bằng sau khi UBND TP. HCM chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho các đơn vị quân đội để dồn dịch, sửa chữa, xây dựng doanh trại, công trình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất.
Việc bàn giao đất quốc phòng bảo đảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội. Chính phủ giao UBND TP. HCM thực hiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi đất quốc phòng, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bộ Quốc phòng lập dự án đầu tư xây dựng các công trình của các đơn vị quân đội bị ảnh hưởng khi bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và Dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (bao gồm cả hệ thống ụ bê tông xi măng mới) bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quảng Bình: Bàn giao ngay mặt bằng sạch cho Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Ngày 20/12, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn về việc khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch cho các Ban Quản lý Dự án - Bộ Giao thông - Vận tải phục vụ khởi công các dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ và Công văn số 12676/BGTVT-CQLXD ngày 29/11/2022 của Bộ Giao thông - Vận tải về việc khởi công các các dự án thành phần trước ngày 31/12/2022, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương khẩn trương bàn giao ngay mặt bằng sạch cho Ban Quản lý Dự án 6 và Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh để phục vụ khởi công các các dự án thành phần theo quy định.
Tỉnh Quảng Bình yêu cầu khẩn trương bàn giao mặt bằng Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh minh hoạ) |
Tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị, Ban Quản lý Dự án 6 và Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cử cán bộ có thẩm quyền tiếp nhận mặt bằng sạch từ các địa phương bàn giao để triển khai các công việc tiếp theo, nhằm đảm bảo khởi công các dự án thành phần theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Quảng Bình triển khai tích cực.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài gần 128 km, tổng mức đầu tư khoảng 24.300 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường đạt 100%. Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ trích đo với phạm vi 125,66km/125,86km.
Hội đồng Giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Bình nơi có dự án đi qua đã thực hiện công tác kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 127,42km, đạt 99,5%. Đối với công tác ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND cấp huyện đã ban hành 16 quyết định bồi thường, hỗ trợ có giá trị 188 tỷ đồng đồng, với chiều dài 36 km.
Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang lập quy hoạch các khu tái định cư và khu nghĩa trang. Tổng nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự kiến gần 4.500 tỷ đồng.
Quảng Bình: Kỳ vọng từ những Dự án giao thông sắp triển khai
Hai Dự án giao thông đang được tỉnh Quảng Bình rà soát lại xây dựng quy hoạch, khi được triển khai sẽ góp phần phát huy thế mạnh tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Quảng Bình đang tiến hành rà soát việc xây dựng quy hoạch một số Dự án đường giao thông tại TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình tại chuyến kiểm tra Dự án đường nối từ đường tỉnh 567B với đường ven biển, TP. Đồng Hới. Nguồn: qbtv |
Theo đó, Dự án Tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, chiều dài 20km.
Dự án có điểm đầu là đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới và điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh (tại Km 974+400) đoạn qua xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch.
Mục tiêu của Dự án nhằm tạo không gian để phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch; tạo điều kiện kết nối từ đường bộ cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh vào trung tâm TP. Đồng Hới; phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó, Dự án sẽ giúp tăng cường quảng bá, thúc đẩy du lịch đối với du khách trong và ngoài nước; phát huy tiềm năng của các bãi biển dài và đẹp tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới và các xã Trung Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch của huyện Bố Trạch.
Ngoài ra, TP. Đồng Hới còn có Dự án Đường nối từ đường tỉnh 567B với đường ven biển do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng, chiều dài hơn 3 km, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 1A và đường tỉnh 567B thuộc phường Bắc Lý, điểm cuối tại nút giao với đường ven biển thuộc phường Hải Thành.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hoá của người dân; từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đô thị hoàn chỉnh.
Liên quan đến 2 Dự án này, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình vừa có chuyến đi kiểm tra, rà soát thực tế.
Tại những nơi kiểm tra, ông Thắng yêu cầu việc quy hoạch dự án phải gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đảm bảo phù hợp với nguyện vọng của người dân; các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch, hoàn thiện các đề án để tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các dự án, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng và mỹ thuật của công trình; chủ động báo cáo về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ thi công.
Liên quan đến Dự án Tuyến đường du lịch kết nối thành phố Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vào ngày 30/11/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất đầu tư Dự án này với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Theo đề xuất, Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng theo phương thức PPP (đối tác công – tư), hình thức hợp đồng BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ).
Cụ thể, nguồn vốn tham gia dự án giai đoạn đầu tư sẽ huy động theo mô hình 3P, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 365 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 258 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động từ hợp tác BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) hơn 1.460 tỷ đồng.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, về hình thức thực hiện và cấu trúc vốn của Dự án này tương tự như phương án mà Tập đoàn Đèo Cả đã báo cáo đề xuất với tỉnh Điện Biên thực hiện cao tốc Sơn La - Điện Biên và đã được Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan thẩm quyền, thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2026.
Trước đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, việc xây dựng tuyến đường theo phương thức đầu tư mới sẽ góp phần tạo ra thay đổi trong phát triển mạnh mẽ về du lịch, đô thị, kết nối hạ tầng của TP. Đồng Hới với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tỉnh Quảng Bình thống nhất với phương án ban đầu của nhà đầu tư, cách làm tuy mới nhưng tính khả thi rất cao.
Bí thư tỉnh Quảng Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả để tiến hành các bước, thủ tục liên quan để trình UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về việc triển khai thực hiện Dự án.
Chủ đầu tư dự án LNG Hải Lăng đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư
Ngày 22/12, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh vừa có cuộc làm việc với Tổ hợp nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng.
Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị. Ảnh nhà đầu tư cung cấp |
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Dự án được đầu tư bởi Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Công ty Năng lượng Hanwha Hàn Quốc (Hanwha), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T).
Dự án thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, thuộc địa bàn xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng). Tổng vốn đầu tư hơn 53.600 tỷ đồng (tương đương 2,32 ty USD), với quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha.
Dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000 đến 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm; Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.
Theo báo cáo của tổ hợp nhà đầu tư, hiện nay đơn vị đang tiến hành lập hồ sơ và thực hiện thỏa thuận chuyên ngành với các bộ, ngành. Lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và thẩm định thiết kế cơ sở, phê duyệt nghiên cứu khả thi.
Đến tháng 12/2022, công tác khảo sát, thu thập thông tin/số liệu tại địa điểm cơ bản hoàn thành. Các nội dung báo cáo đang bám sát tiến độ đề ra, một số nội dung cần đẩy nhanh để đồng bộ với tiến độ chung như khảo sát xây dựng, cập nhật về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thiết kế cảng...
Đại diện tổ hợp nhà đầu tư cho biết, hiện nay có một số khó khăn, vướng mắc như dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ xem xét phát triển quy mô công suất 1.500 MW tại Hải Lăng, chưa xem xét các giai đoạn sau...
Do đó, cần thiết phải xem xét điều chỉnh mặt bằng, diện tích đất phù hợp với quy mô công suất, điều chỉnh các cơ sở pháp lý đã đạt được để có cơ sở phê duyệt nghiên cứu khả thi.
Mặt khác, Quy hoạch điện VIII chưa phê duyệt nên phương án đấu nối chưa thể xác định, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thỏa thuận đấu nối và các thỏa thuận chuyên ngành điện.
Đồng thời, chưa xác định được trách nhiệm đầu tư đường dây truyền tải (EVN hay nhà đầu tư), cần lưu ý về việc triển khai đồng bộ nhà máy điện và đường dây truyền tải.
Từ những vướng mắc trên, Tổ hợp nhà đầu tư đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ duy trì tiến độ dự án trong Quy hoạch điện VIII, hỗ trợ nhà đầu tư khi đàm phán với Chính phủ sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi.
Tại cuộc làm việc này, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm cũng như những nỗ lực của tổ hợp nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án trên tại Quảng Trị.
Đối với những đề xuất của nhà đầu tư, ông Hà Sỹ Đồng cơ bản đồng tình và giao các ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục và cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình đàm phán và hỗ trợ duy trì tiến độ và cập nhật quy hoạch điện VIII.
Để dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất, phái Quảng Trị cũng yêu cầu nhà đầu tư thống nhất cử đại diện thành lập doanh nghiệp tại Quảng Trị đúng quy định, đúng luật và để thuận tiện trong công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và tỉnh trong quá trình thực hiện dự án.
“Đề nghị Nhà đầu tư cùng với tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập nghiên cứu khả thi. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh giao sở Công thương phối hợp thực hiện. Nếu có gì vướng mắc, UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ”, ông Hà Sỹ Đồng cam kết.
Đồng thời, một số vướng mắc hiện nay như tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi còn rất chậm; hay hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, xem lại mặt bằng tổng thể, nhu cầu để điều chỉnh đồng bộ với dự án; hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt… lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu Tổ hợp nhà đầu tư cử đại diện làm việc với các sở ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị để đẩy nhanh tiến độ dự án như cam kết.
Kết luận tại cuộc làm việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh: lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn xác định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền.
“Về những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà phía nhà đầu tư kiến nghị, UBND tỉnh sẽ có văn bản trả lời cụ thể. Đồng thời đề nghị, tổ hợp nhà đầu tư và tỉnh cần tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ báo cáo nghiên cứu khả thi”, ông Võ Văn Hưng cho hay.
Và ông cũng đề nghị, ngay sau buổi làm việc này, tổ hợp nhà đầu tư cần đề ra kế hoạch, lộ trình để giải quyết những vấn đề mà tỉnh đã đề nghị nhằm đạt tiến độ đã đề ra.
“Tỉnh Quảng Trị luôn bám sát trình Bộ Công thương duy trì dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 và các giai đoạn tiếp theo vào Quy hoạch điện VIII”, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng nói.
Chốt phương án tổ chức khai thác tuyến cao tốc Bắc Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh liên quan đến phương án tổ chức khai thác Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất về phương án tổ chức giao thông Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn giai đoạn phân kỳ khai thác phù hợp với quy mô mặt cắt ngang chiều rộng mặt đường 12m và chiều rộng nền đường 23m, có dải dừng xe khẩn cấp và chỉ cho phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép lưu thông (trừ các loại phương tiện giao thông theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ).
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NGUYỄN DO |
Các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ nhỏ hơn 70km/h, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông trên Quốc lộ 1 và các tuyến đường bộ khác.
Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh rà soát quy định tại Điều 6 Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT để triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo tuân thủ theo quy định và thực hiện Thẩm định an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác theo quy định tại Điều 53 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ GTVT.
Trong quá trình đưa vào khai thác, yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục theo dõi và đánh giá phương án khai thác, nếu chưa phù hợp báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định.
Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.675 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m.
Tính đến đầu tháng 12/2022, Dự án đã cơ bản hoàn thành toàn bộ chính tuyến. Các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện hệ thống đường gom, đường ngang, nút giao và hoàn trả đường công vụ phục vụ thi công mượn của địa phương trước 30/3/2023.
UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị kiểm toán Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm toán đối với Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn UBND.
Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn trong vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét bổ sung danh mục kiểm toán đối với dự án trong năm 2023 và bố trí kiểm toán trong quý I/2023.
Phối cảnh Dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đầu tư theo phương thức BOT. |
Trước đó, vào tháng 2/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã từng có văn bản gửi Kiểm toán nhà nước, trong đó đề nghị Kiểm toán nhà nước bổ sung nội dung kiểm toán các khối lượng công việc, chi phí nhà đầu tư đã thực hiện và chi phí chuẩn bị đầu tư do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện tại Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào kế hoạch kiểm toán năm 2022 và thời gian thực hiện kiểm toán trong quý 2/2022.
Thực hiện yêu cầu của Kiểm toán nhà nước về việc đề nghị cung cấp thông tin lập kế hoạch kiểm toán, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị (doanh nghiệp dự án) chuẩn bị hồ sơ, cung cấp thông tin, báo cáo theo đề cương yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.
Do Dự án đã dừng triển khai từ năm 2019 đến nay nên doanh nghiệp dự án cần có thêm thời gian để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của Đoàn khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán.
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện Doanh nghiệp dự án đã hoàn thành bổ sung các hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo yêu cầu Đoàn khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán. Tuy nhiên, theo Quyết định số 1482/QĐ-KTNN ngày 2/12/2022 của Kiểm toán nhà nước về việc ban hành kế hoạch kiểm toán năm 2023, trong danh mục kiểm toán chưa có Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
“Việc Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán sẽ giúp địa phương có cơ sở xác định khối lượng, chi phí đã thực hiện của Dự án thành phần 2 phục vụ hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh phạm vi thực hiện hợp đồng với các nhà đầu tư và tổ chức lựa chọn lại Nhà đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Được biết, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chấp thuận nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, trong đó chấp thuận Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông tin, tận dụng tối đa hồ sơ của Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) đã thực hiện để phục vụ công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT trình UBND tỉnh Lạng Sơn theo đúng quy định hiện hành.
Hiện UBND tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Hội đồng thẩm định cấp cơ sở để tổ chức thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12/2022, đồng thời thực hiện các thủ tục về đất đai để triển khai, đảm bảo tiến độ phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung Khung chính sách; cùng với UBND các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.
Cầu Đại Ngãi được khởi công trong quý I/2023 |
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ được khởi công gói thầu đầu tiên trong quý I/2023.
Đây là dự án lớn, có vai trò rất quan trọng với 2 địa phương và khu vực Tây Nam Bộ, giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60.
Dự án cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ-TTg năm 2019, với vốn đầu tư bằng nguồn ODA của Nhật Bản.
Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh chủ trương tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 là đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.014 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80 km so với sử dụng tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về Thành phố Hồ Chí Minh, giảm thời gian di chuyển khoảng 1,5-2 giờ chờ và di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu.
Hai yếu tố làm nên kết quả tăng trưởng cao và toàn diện
“Trạng thái bình thường mới” khác hẳn “trạng thái cũ” về nhiều mặt, từ đi lại, làm ăn ở trong nước (giữa các vùng, địa phương) và làm ăn với nước ngoài (xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu dịch vụ…).
Đặc biệt, những địa phương đông dân cư, có nhiều doanh nghiệp, nhiều lao động, đóng góp nhiều trong việc giải quyết việc làm, sản phẩm công nghiệp, đóng góp thu ngân sách cao… còn có nhiều khác biệt hơn hẳn “trạng thái cũ”… Với “trạng thái cũ”, các địa phương trong cả nước cũng như các địa phương trên gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết việc làm, sản xuất sản phẩm, thu ngân sách… Sau khi chuyển chiến lược phòng, chống đại dịch, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các địa phương và cả nước đã đạt được những kết quả cao và toàn diện.
Yếu tố thứ hai là hiệu quả đầu tư. Vai trò quan trọng này được biểu hiện trên nhiều khía cạnh. Lượng vốn đầu tư - thể hiện bằng tỷ lệ vốn đầu tư/GDP - năm 2022 thấp hơn tỷ lệ tương ứng của nhiều năm trước (dưới 33% so với 34%). Tốc độ tăng năng suất lao động không đạt được kế hoạch. Tổng cầu còn yếu, thể hiện ở tỷ lệ thương mại bán lẻ/GDP năm 2022 còn đạt thấp hơn nhiều năm trước, tỷ lệ thương mại bán lẻ/tiêu dùng cuối cùng thấp hơn nhiều năm trước, thể hiện ở xuất siêu cao gấp đôi năm trước và là năm thứ 8 liên tiếp xuất siêu…
Hệ số Hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) phản ánh để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư. Theo đó, ICOR cao thì hiệu quả đầu tư thấp, ICOR thấp thì hiệu quả đầu tư cao; ICOR tăng thì hiệu quả đầu tư giảm, ICOR giảm thì hiệu quả đầu tư tăng. ICOR của Việt Nam 2 năm trước đại dịch ở mức dưới 6 lần, nhưng đã từng ở mức rất cao vào năm 2020 (12,17 lần) và 2021 (15,54 lần). Như vậy, hiệu quả đầu tư giảm và ở mức rất thấp, chủ yếu do tác động của đại dịch.
Năm 2022, theo ước tính, ICOR đã giảm xuống còn khoảng 5,92 lần, thấp xa so với năm 2020, 2021. Điều đó có nghĩa là hiệu quả đầu tư cao và tăng.
Hiệu quả đầu tư cao và tăng đã làm cho lượng vốn đầu tư ít hơn, nhưng tăng trưởng GDP cao hơn. Hiệu quả đầu tư cao và tăng không chỉ làm cho tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn, mà còn góp phần làm cho các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia tính trên GDP không tăng, thậm chí còn giảm.
Hiệu quả đầu tư cao và tăng là tiền đề để giảm áp lực đối với lạm phát, là điều kiện để giảm khấu hao, giảm chi phí sử dụng vốn trong giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa sản xuất - kinh doanh. Điều này lý giải một phần khi tốc độ tăng giá sản xuất thấp hơn tốc độ tăng giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, thấp xa so với tốc độ tăng giá hàng nhập khẩu, góp phần làm cho giá tiêu dùng tăng thấp.
Hiệu quả đầu tư cao và tăng cũng góp phần làm tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu, tăng sức cạnh tranh với hàng hóa sản xuất của nước ngoài khi xuất khẩu. Đây là điều kiện để xuất khẩu đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu và là một trong những yếu tố góp phần làm cho Việt Nam xuất siêu lớn, liên tục. Đến lượt, xuất siêu lại góp phần tăng trưởng kinh tế.
Hiệu quả đầu tư cao và tăng tác động tốt đối với tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của người lao động.
Hiệu quả đầu tư cao và tăng là yếu tố quan trọng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Nếu GDP là hiệu quả tổng hợp, thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Theo đó, hiệu quả đầu tư cao và tăng là yếu tố quan trọng góp phần làm tăng thu ngân sách, kể cả bội thu như năm nay…
Quảng Bình sẽ bố trí 27 khu tái định cư cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Thắng vừa họp với Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận Tỉnh.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, đến nay các địa phương đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cơ bản bàn giao đủ 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp. Bên cạnh đó đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,79 km, đạt 100% kế hoạch. Hội đồng Giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 126,47 km/126,79 km (đạt 99,44%).
Về phương án tái định cư và khu nghĩa trang, hiện có khoảng 3.082 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó, có 662 hộ dân thuộc diện tái định cư tại 21 xã. Dự kiến tỉnh Quảng Bình sẽ bố trí 27 khu tái định cư với diện tích khoảng 75,49 ha để phục vụ cho dự án. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang lập quy hoạch khu tái định cư và khu nghĩa trang.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá cao sự quyết tâm và kết quả đạt được trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng để khởi công Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh của các cấp, ngành và địa phương.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, một công trình điểm Quốc gia, ông Trần Thắng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương bám sát tiến độ của Dự án để triển khai nhiệm vụ, các ngành chuyên môn kịp thời phối hợp để tháo gỡ những vướng mắc, quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Bởi thời gian không còn nhiều, khi ngày khởi công dự kiến là 01/01/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Ban Quản lý Dự án - Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận mặt bằng sạch từ các địa phương để khởi công các dự án thành phần; thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định; đẩy nhanh công tác cắm mốc giới hạn xác định hành lang an toàn đường bộ làm cơ sở để địa phương thực hiện công tác di dời, hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quản lý hành lang an toàn đường bộ.
Tỉnh Quảng Bình là một trong hai địa phương được chọn để tổ chức lễ khởi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy, ông Trần Thắng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương có sự phối hợp để chuẩn bị chu đáo nhất cho lễ khởi công dự án giao thông quan trọng này.