Phát biểu tại chương trình, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, các tỉnh Tây Bắc là một khu vực còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng Tây Bắc là nơi giàu tài nguyên du lịch cả thiên nhiên và văn hóa.
Sau Lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch Tây Bắc là Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc diễn ra trong 5 ngày từ 12 - 16/6/2020. |
Tuy nhiên, lâu nay, kể cả khi chưa có dịch Covid-19, du lịch trong vùng vẫn chưa thực sự phát triển do cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém; thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, mua sắm; nguồn nhân lực du lịch còn yếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ; sản phẩm du lịch na ná nhau, thiếu tính sáng tạo; sự liên kết giữa các tỉnh đã có nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả…
“Phát triển du lịch sẽ là con đường nhanh nhất tạo động lực phát triển cho vùng đất này”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch Tây Bắc tại Hà Nội vào sáng 12/6/2020 và tiếp đó là Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc diễn ra trong 5 ngày từ 12 - 16/6/2020.
Qua đợt khảo sát này, dưới con mắt của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch- những người trực tiếp đưa khách đến, khai thác tour, tuyến, sản phẩm du lịch trong vùng, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai mong muốn được nghe các góp ý, đề xuất để trước mắt kích cầu du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm sống dậy ngành Du lịch trong vùng sau đại dịch Covid-19.
Về lâu dài có các chính sách đầu tư phát triển du lịch phù hợp; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; phát huy tính liên kết vùng để tạo chuỗi sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao...
Được biết, mục tiêu của chiến dịch khảo sát, kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tại các vùng miền trên cả nước nhằm thúc đẩy nhanh việc khôi phục du lịch sau đại dịch; truyền thông tích cực về các điểm đến du lịch an toàn, phá bỏ tâm lý bất an của khách du lịch; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại với công việc kinh doanh, hạn chế tối đa việc chuyển đổi ngành nghề, thất thoát nhân lực lao động du lịch; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của từng địa phương; khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam…