Bộ Công Thương sẽ tổ chức 20 phiên tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy định, xuất nhập khẩu hàng hóa với nhiều thị trường lớn. |
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đang phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan tổ chức “Chương trình Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu”.
Dự kiến các phiên tư vấn cho doanh nghiệp sẽ diễn ra từ ngày 18/11/2021 đến ngày 17/12/2021.
Chương trình tư vấn sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới, các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa với các thị trường mục tiêu như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu...
Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất, đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng là nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, xuất khẩu một số nhóm mặt hàng mà các thị trường nước ngoài có nhu cầu lớn, Việt Nam có tiềm năng.
Với 20 Phiên tư vấn riêng biệt, mỗi phiên tư vấn dự kiến được tổ chức trong thời gian 1 ngày, gồm phiên tư vấn toàn thể với các phần tham luận giới thiệu thông tin và phiên tư vấn riêng theo từng nhóm hoặc từng doanh nghiệp cụ thể về các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.
Ngành hàng tư vấn mục tiêu sẽ theo trọng tâm theo từng phiên, với các nhóm: Nông lâm thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, thiết bị y tế và nguyên liệu dược phẩm….
Tong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, sau giai đoạn mở cửa theo chiều rộng bằng việc gia nhập và thực thi các cam kết WTO, Việt Nam đã bước sang giai đoạn hội nhập theo chiều sâu, với việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính tới thời điểm 12/2020, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 15 FTA, và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Với số lượng này, Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế có nhiều FTA nhất trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù vậy, tới nay việc tận dụng các lợi ích từ các FTA đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Một trong những lý do được nói tới là doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức cơ bản về các FTA, chưa nói tới việc hiểu nội dung và tận dụng các lợi ích từ các cam kết trong từng FTA cụ thể.
Việc các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định với từng ngành hàng xuất khẩu tại mỗi thị trường để khai thác đơn hàng hiệu quả sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh và tận dụng được nhiều ưu đãi theo các FTA. Ở chiều nhập khẩu, doanh nghiệp có thêm nhiều lợi thế từ việc nhập hàng hóa, nguyên liệu theo từng FTA để có ưu đãi tốt nhất.