Đầu tư
2.010 tỷ đồng cải tạo đường sắt Bắc – Nam; cấp chủ trương đầu tư nhiều dự án điện mặt trời, điện gió
Hạnh Nguyên - 05/12/2020 08:14
Tuần qua, Bình Định cấp chủ trương đầu tư 3 dự án điện mặt trời áp mái nhà tại KCN Phú Tài; Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án điện gió;...

Hải Phòng nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Rào 3

UBND thành phố Hải Phòng đang tiến hành việc nghiên cứu xây dựng cầu Rào 3, và tuyến đường trục đô thị nối từ quận Lê Chân qua quận Dương Kinh đến Đồ Sơn.

Phối cảnh cầu Rào 3

Theo đó, việc đầu tư xây dựng Cầu Rào 3 và tuyến đường trục đô thị nối từ quận Lê Chân qua Dương Kinh đến tận Đồ Sơn sẽ hình thành nên trục đô thị mới hỗ trợ cho đường tỉnh 353, tạo không gian đô thị hiện đại, kết nối với khu vực phía Nam và Đông Nam thành phố.

Các dự án trên cùng với Tuyến đường bộ ven biển kéo dài gần 30 km bắt đầu từ nút giao đường tỉnh 353 (quận Đồ Sơn) chạy qua địa phận các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng (Hải Phòng và đấu nối vào quốc lộ 37 thuộc địa phận huyện Thái Thụy (Thái Bình), sẽ tạo ra một cửa ngõ giao thông mới của thành phố Hải Phòng, giúp lưu thông hàng hóa giữa khu vực phía Nam với cảng Lạch Huyện và các tỉnh duyên hải.

Đại diện Tư vấn Tedi cho biết, nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Rào 3 và tuyến đường trục đô thị có chiều dài gần 15 km, có điểm đầu từ đường Bùi Viện, quận Lê Chân đến điểm cuối là quận Đồ Sơn, kết nối với tuyến đường ven biển. Tuyến đường này song song với đường tỉnh 353 và cách nhau khoảng 1 km, mặt cắt tuyến rộng 50,5 m. Đối với công trình cầu Rào 3, đơn vị tư vấn đưa ra 4 phương án thiết kế là công trình vĩnh cửu, kiến trúc hiện đại, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ...

Phối cảnh tuyến đường trục đô thị nối từ quận Lê Chân qua Dương Kinh đến tận Đồ Sơn

Tại cuộc họp ngày 27/11 với các sở ban ngành có liên quan, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã nêu rõ, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI xác định cải tạo, chỉnh trang đô thị là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng, trong đó phát triển đô thị được xác định là một trong những bước đột phá. Nên việc nghiên cứu xây dựng cầu Rào 3 và tuyến đường trục đô thị nhằm thực hiện chỉnh trang đô thị. Đối với xây dựng cầu Rào 3 phải nằm trong tổng thể kiến trúc của các cây cầu bắc qua sông Lạch Tray, có tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao.

Ông Thọ cũng đề nghị đơn vị Tư vấn Tedi cần nghiên cứu bổ sung thêm mặt cắt tuyến đường trục là 60m, hiện đang đề xuất là 50,5 m để phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Hải Phòng trong tương lai. Đồng thời, cần cập nhật đồng nhất quy hoạch của các địa phương nơi dự án đi qua, rà soát lại toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư. Giao Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch chung của thành phố; Sở Giao thông vận tải lập chủ trương đầu tư Dự án, phối hợp cùng đơn vị tư vấn, Ban Quản lý dự án để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu toàn tuyến.

Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội khẩn trương bố trí trụ sở làm việc cho NIC

Theo Nghị quyết số 169/NQ-CP được Thủ tướng ký ban hành hồi giữa tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thành phố Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đẩy nhanh việc bố trí trụ sở làm việc phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở Hòa Lạc

Theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg nêu trên, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động theo cơ chế tự chủ. NIC thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Tại Quyết định này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có trụ sở tại Hà Nội, cơ sở hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc hỗ trợ hoàn tất các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, giao UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ về địa điểm, thủ tục đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hà Nội.

Được biết, trụ sở làm việc này ban đầu được dự kiến đặt khu vực phố Núi Trúc - Trần Huy Liệu. Tuy nhiên, do phương án này gặp một số vướng mắc nên UBND TP. Hà Nội đã đưa ra một số phương án địa điểm khác, song đến nay việc bố trí trụ sở cho NIC vẫn chưa được thực hiện.

Phát biểu tại Diễn đàn Vietnam Venture Summit 2020 gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã khẳng định chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Riêng đối với TP. Hà Nội, đây cũng là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, sau khi ông Chu Ngọc Anh - người có nhiều năm công tác và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học công nghệ được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Do đó, các dự án liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có dự án của NIC được kỳ vọng sẽ sớm đi vào triển khai.

Đối với cơ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, được biết, NIC đang thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục pháp lý và dự kiến khởi động dự án vào tháng 12/2020 tới đây. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2 sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.

Theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa và các doanh nghiệp khác có liên quan được ưu tiên, khuyến khích đặt văn phòng, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong Trung tâm để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong Trung tâm.

Dự án đầu tư của cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm sẽ được hưởng các ưu đãi về tín dụng, nhận tài trợ, hỗ trợ, bảo lãnh vốn vay...

Đầu tư 19 triệu USD nâng cấp Quốc lộ 9 từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1

Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư  xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị được sử dụng vốn dư của Dự án “Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam”, vốn vay Ngân hàng Thế giới (Dự án VRAMP).

Đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ 9 đi cảng Cửa Việt (Ảnh: báo Quảng Trị).

Theo đó, đoạn tuyến Quốc lộ 9 được đề xuất đầu tư có điểm đầu tại cảng Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; điểm cuối dự án tại Km13+800 (Giao với Quốc lộ 1 tại Km754+042, ngã tư Sòng, xã Thanh An, huyện Cam Lộ) thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị với chiều dài tuyến khoảng 13,8 km.

Dự án sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng đoạn Quốc lộ 9 nói trên đạt quy mô đường cấp II, 4 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang 28m, mặt đường rộng 24m, giải phân cách giữa 3m. Quy mô đầu tư không bao gồm hạng mục vỉa hè, cây xanh theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị.

Theo tính toán của Bộ GTVT, kinh phí đầu tư Dự án dự kiến là 19,05 triệu USD tương đương 440,38 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 16,75 triệu USD tương đương 387,31 tỷ đồng; vốn đối ứng 2,3 triệu USD tương đương 53,07 tỷ đồng (chi trả cho thuế, thẩm tra, bảo hiểm...) từ phần vốn dư của Dự án VRAMP.

Tổng kinh phí đầu tư nêu trên không bao gồm chi phí đền bù, GPMB do UBND tỉnh Quảng Trị cam kết thực hiện và sẽ được thực hiện thành một dự án riêng.

Được biết, Quốc lộ 9 là tuyến đường chạy theo hướng Đông - Tây từ Cửa Việt đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), chiều dài 97km, trong đó đoạn từ cảng Cửa việt đến Quốc lộ 1 có chiều dài 13,8km. Quốc lộ 9 cũng thuộc tuyến đường Xuyên Á (AH16), là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung; là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.

Hiện nay, trên tuyến có nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Việt đi Lào, Campuchia, Thái Lan. Đặc biệt, vào các mùa lễ hội, du lịch, du khách tập trung về bãi tắm Cửa Việt dẫn đến nhu cầu giao thông tăng đột biến, trong điều kiện một số vị trí mặt đường đã bị hư hỏng, rạn nứt lún cục bộ gây đọng nước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, Quốc lộ 9 cùng với Quốc lộ 49C, đường tránh phía Bắc Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông tạo thành chuỗi di tích phục vụ du lịch hoài niệm, tâm linh gồm: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn - Tượng đài chiến thắng Cửa Việt - Thành Cổ Quảng Trị.

Do vai trò quan trọng của tuyến đường nên nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 đến cảng Cửa Việt ngày càng tăng nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến Quốc lộ 9 là cần thiết.

Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 nằm trên địa phận tỉnh Quảng Trị thuộc khu vực miền Trung nên về mục tiêu cơ bản phù hợp với Dự án VRAMP nhưng có phạm vi nằm ngoài Dự án VRAMP. Do đó, việc sử dụng vốn dư của Dự án VRAMP được đề xuất thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 47 của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020.

Hiện WB đã ghi nhận đề xuất của Bộ GTVT về việc sử dụng khoản vốn dư 17 triệu USD cho các đoạn tuyến khác để tăng cường kết nối, phát triển kinh tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 với lưu ý thực hiện việc điều chỉnh dự án nếu WB nhận được đề nghị chính thức vào tháng 11/2020.

Dự án VRAMP có tổng mức đầu tư là 301,7 triệu USD (trong đó vốn vay IDA của WB là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) là 1,7 triệu USD và đối ứng của Chính phủ là 50 triệu USD).

Dự án có mục tiêu ban đầu là nghiên cứu, phát triển hệ thống quản lý tài sản đường bộ cho mạng lưới đường bộ Việt Nam; hoàn thiện hệ thống pháp lý về hợp đồng xây dựng dựa trên kết quả và chất lượng thực hiện (hợp đồng PBC); xây dựng bảo trì theo hình thức hợp đồng truyền thống và xây dựng bảo trì theo hình thức hợp đồng PBC cho một số tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối các vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, gồm: Quốc lộ 2, 6 và 48; xây dựng nâng cấp một số tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm: Quốc lộ 38B, 38 và 39.

Tại thời điểm tháng 10/2020, trên cơ sở rà soát tính toán giá trị dự kiến quyết toán các hợp đồng đã hoàn thành và đang thực hiện cũng như dự kiến chi phí cho các hạng mục đầu tư bổ sung đã được phê duyệt chủ trương đầu tư thì Dự án VRAMP vẫn còn dư vốn ODA (nguồn vốn IDA của WB).

Vốn FDI từ Trung Quốc hướng đến địa bàn mới

Dư địa thu hút FDI từ Trung Quốc của các địa bàn công nghiệp trọng điểm phía Bắc đã cạn, nay sân chơi thu hút FDI Trung Quốc hướng về các địa phương khác.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy của GoerTek tại Bắc Ninh

GoerTek Electronics của Trung Quốc là tập đoàn tiến hành triển khai chiến lược toàn cầu khá sớm. Thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013 với việc đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao tại Quế Võ (Bắc Ninh).

Ông Túc Thủ Vinh, Tổng giám đốc Công ty GoerTek Electronics Việt Nam cho biết: “Qua nhiều năm phát triển, quy mô nhân sự tại GoerTek Electronics Việt Nam đã tăng lên vài chục vạn lao động. GoerTek Electronics không ngừng mở rộng đầu tư, trong vòng 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam”.

Cũng theo ông Túc Thủ Vinh, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, nhất là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tiến hành xây dựng và thực thi các quy định liên quan đến pháp luật đầu tư và kinh doanh cho phù hợp với hội nhập, đã giúp các doanh nghiệp FDI, trong đó có GoerTek Electronics đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cho thấy mức độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn.

“Cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng đã tạo ra những thách thức đối với doanh nghiệp Trung Quốc, bởi vậy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách đầu tư, phải ra nước ngoài để xây dựng nhà xưởng. Trong đó, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn vào thời điểm này”, đại diện GoerTek Electronics nhấn mạnh tại Tọa đàm hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới, tổ chức giữa tuần này tại Hà Nội.

Theo đánh giá của ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chất lượng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc trong giai đoạn năm 2006 - 2007 chưa cao, có nhiều dự án đầu tư quy mô nhỏ và dây chuyền công nghệ lạc hậu, dẫn tới năng suất thấp. Song, giai đoạn hiện nay, dòng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam để tận dụng chi phí thấp và độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam nhằm đưa hàng hóa thâm nhập các thị trường mà Việt Nam có ký kết hợp tác, thì xu hướng đầu tư hàm lượng công nghệ thấp của Trung Quốc giảm rất nhanh vì không thể đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đi các thị trường yêu cầu cao mà Việt Nam ký hiệp định thương mại, cũng như chất lượng hàng hóa cung ứng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Covid-19 là xung lực đẩy nhanh xu hướng mở rộng bên ngoài Trung Quốc. Nhưng chuyên gia này lưu ý rằng, việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận là không hề dễ dàng, bởi những rào cản về hạ tầng, mức độ sẵn sàng tiếp nhận của người lao động đối với công nghệ, chưa kể tổng chi phí lao động của các nước đó không thấp hẳn so với Trung Quốc.

 Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, hợp tác đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trọng “vòng tuần hoàn bên ngoài” của kinh tế Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chỉ một phần là muốn tận dụng lao động giá rẻ, còn chủ yếu bởi Việt Nam có độ mở kinh tế rất cao. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc tương đương khoảng 40% GDP, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 200% GDP. Với độ mở cao và đặc biệt là các FTA ký kết vừa qua, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa đi các nước đối tác.

Đánh giá FDI Trung Quốc vào Việt Nam, ông Thắng cho rằng, kể từ năm 2014 trở lại đây, dòng FDI từ Trung Quốc không chỉ thay đổi về tổng giá trị, mà còn về cấu trúc. Trước đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, bất động sản, nhưng sau đó chuyển sang lĩnh vực sản xuất chế tạo nhiều hơn và sản xuất hàng hóa đầu vào cho doanh nghiệp FDI khác, đơn cử lĩnh vực dệt, nhuộm…

Nếu nhìn dòng vốn FDI vào Việt Nam thì Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ là con số, mà còn ở tỷ trọng nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI với hàng hóa từ Trung Quốc rất lớn.

TS. Nguyễn Quốc Trường, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam có ưu thế lớn trong hợp tác đầu tư với Trung Quốc so với các quốc gia khác, khi có chung đường biên giới với Trung Quốc nên dễ dàng kết nối với các trung tâm sản xuất công nghiệp của quốc gia 1,4 tỷ dân này.

Một số địa phương ở Việt Nam tuy không phải “ngôi sao” về thu hút đầu tư từ Trung Quốc, nhưng ông Trường tin rằng, trong thời gian tới, những địa phương đó có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử, tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh đã ghi điểm tốt về thu hút đầu tư từ Trung Quốc, nhưng đến nay dư địa thu hút đầu tư của các địa phương này đã cạn, kể cả về nguồn lao động và đất đai. Cho nên, những tỉnh, thành phố có thể trở thành những điểm nóng về thu hút đầu tư từ Trung Quốc có thể mở rộng sang Hưng Yên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lào Cai…

Theo đánh giá của Viện Chiến lược phát triển, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, hợp tác đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 10/2020, Trung Quốc đã có 2,17 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, đứng thứ 3 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, triển khai chiến lược “kinh tế tuần hoàn kép”. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trọng “vòng tuần hoàn bên ngoài” của kinh tế Trung Quốc.

Đầu tư 2.010 tỷ đồng cải tạo đường sắt Bắc – Nam đoạn qua đèo Khe Nét

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 2215/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM.

Theo đó, Dự án có mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM với điểm đầu tại Km413+700 thuộc địa phận xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; điểm cuối tại Km420+490 (Km422+450 lý trình đường sắt hiện tại) thuộc địa phận xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Tổng chiều dài Dự án là 6.790m (rút ngắn so với tuyến đường sắt hiện tại 1958m).

Ga Đồng Chuối trên cung đèo Khe Nét. Ảnh (Vietnamplus).

Dự án sẽ nâng cấp cải tạo 2.422m đường sắt; cải dịch tuyến mới 4.369m đường sắt; cải tạo, đặt thêm đường số 3 tại ga Đồng Chuối; cải tạo 2 cầu (với tổng chiều dài 117,61m); xây dựng mới 3 cầu (với tổng chiều dài 960,2 m); xây dựng mới 2 hầm với tổng chiều dài 1.390m)… cùng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ khác.

Tổng mức đầu tư Dự án là  2.010,7 tỷ đồng dự kiến sử dụng vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó vốn vay ODA là 1.764,4 tỷ đồng; vốn đối ứng là 246,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2020 đến năm 2025.

Được  biết, năm 2012, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dùng vốn vay ưu đãi Trung Quốc. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không thể cung cấp tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thay thế bằng nhà tài trợ khác. Trong khuôn khổ hợp tác tài chính Việt Nam - Hàn Quốc, qua một số lần trao đổi, làm việc giữa Bộ GTVT cùng các đoàn công tác tìm hiểu, chuẩn bị dự án của KEXIM, Dự án đã nhận được quan tâm tài trợ từ phía Hàn Quốc. Dự án có tác dụng làm giảm chi phí, thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn đường sắt, tiết kiệm chi phí duy tu, bảo dưỡng, phù họp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quy định hiện hành.

TP.HCM cân nhắc lựa chọn dự án hạ tầng giao thông để đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của TP.HCM trong 5 năm tới rất lớn, nên địa phương này đang phải cân nhắc lựa chọn dự án hợp lý nhằm sử dụng tối ưu nguồn lực đầu tư.

Theo đánh giá cơ quan hữu trách TP.HCM, giải pháp quan trọng nhất để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của Thành phố trong những năm tới vẫn là tập trung đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Theo ước tính, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn tới lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, TP.HCM rất sốt ruột giải quyết các “điểm nóng”. Đơn cử, nhóm dự án giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái. Giải pháp căn cơ nhất là đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín tuyến vành đai 2 với 2 đoạn còn lại nhằm khép kín toàn tuyến. Đó là đoạn từ cầu Phú Hữu - ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội) - đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa và đoạn phía Tây từ khu vực Tân Tạo - đường Nguyễn Văn Linh.

Với điểm nóng khác như khu vực Tân Sơn Nhất, TP.HCM cũng cần đầu tư một nhóm 7 dự án. Đó là tuyến đường mới chạy song song với đường Cộng Hòa nối từ đường Trần Quốc Hoàn chạy sát hành lang phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất, đường Phan Thúc Duyện và đến mũi tàu đường Cộng Hòa…

Để cải thiện căn bản cục diện giao thông, TP.HCM cũng dự kiến đầu tư nhóm dự án mở rộng các cửa ngõ, tăng kết nối liên vùng như Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu tới cầu Vĩnh Bình), Quốc lộ 50 (đi tỉnh Long An), Quốc lộ 1A (đi tỉnh Tiền Giang), Quốc lộ 22 (đi tỉnh Tây Ninh)…

Theo ước tính, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn tới lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng bố trí của vốn ngân sách rất hạn chế. Mấy năm gần đây, ngân sách phân bổ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chỉ 4.000 - tới 7.000 tỷ đồng/năm. Đây là số vốn rất khiêm tốn so với nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Lướt qua vài con số khái toán để thấy, trong những năm tới, TP.HCM cần nguồn lực không hề nhỏ. Chẳng hạn, nhóm dự án khép kín vành đai 2 khoảng 20.000 tỷ đồng, Dự án cửa ngõ Quốc lộ 13 (đoạn nút giao Bình Triệu - cầu Vĩnh Bình) khoảng 10.000 tỷ đồng, nhóm dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hơn 10.000 tỷ đồng, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khoảng 13.615 tỷ đồng...

Do khó khăn về nguồn lực tài chính, nên kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM cần ưu tiên lựa chọn hợp lý các dự án hạ tầng giao thông để thực hiện.

 Giải pháp quan trọng nhất để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của Thành phố là tập trung đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Trước mắt, TP.HCM rốt ráo lập thủ tục đầu tư 2 đoạn vành đai 2 dài khoảng 6 km với tổng mức đầu tư khoảng 14.600 tỷ đồng. Dự án này dự kiến trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công vào tháng 12/2020.

Trong một diễn biến liên quan, TP.HCM vừa có công văn đề nghị các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải ưu tiên nguồn vốn trung ương đầu tư dự án khép kín đường vành đai 3 giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Trước đó, tháng 10/2020, Sở Giao thông - Vận tải đã đề xuất UBND TP.HCM ưu tiên triển khai sớm 7 dự án giao thông nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe trên các tuyến cửa ngõ, các tuyến đường kết nối với đường cao tốc, như đường vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2; xây dựng nút giao An Phú (vốn đầu tư 1.001 tỷ đồng); xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (vốn đầu tư 13.614 tỉ đồng); mở rộng Quốc lộ 50 (vốn đầu tư 1.499 tỷ đồng); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao thông An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa (vốn đầu tư 935 tỷ đồng)…

Có thể thấy, danh sách dự án hạ tầng giao thông cần ưu tiên đầu tư không ít. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn, thì việc thẩm định hồ sơ dự án, đặc biệt thẩm định nguồn vốn, là bài toán khó đang đặt ra với UBND TP.HCM trước khi trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay.

EU và Việt Nam "rót" 156 triệu Euro cải thiện hạ tầng 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ

Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là 4 địa phương sẽ nhận được khoản vốn cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Lễ ký kết hiệp định tài trợ dự án CRUIV

Ngày 1/12, Chính phủ Việt Nam, Liên minh Châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký các hiệp định tài trợ dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho bốn tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ” (Dự án CRUIV), nhằm làm giảm mức độ dễ bị tổn thương của năm đô thị trước các vấn đề về khí hậu.

Được đồng tài trợ với khoản viện trợ không hoàn lại 5 triệu Euro từ Liên minh Châu Âu (EU), khoản vay ODA 123 triệu Euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và ngân sách của các tỉnh 28 triệu Euro, dự án CRUIV sẽ mang lại lợi ích cho năm đô thị loại nhỏ ở Bắc Trung bộ của Việt Nam gồm: Phát Diệm tỉnh Ninh Bình, Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa, Hoàng Mai tỉnh Nghệ An, Hương Khê và Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án CRUIV đặc biệt hướng tới việc cải thiện cơ sở hạ tầng phòng ngừa rủi ro lũ lụt, phát triển hệ thống thoát nước và đê bảo vệ; nâng cấp các tuyến đường chuyên dụng, đặc biệt là những tuyến đường dùng cho việc sơ tán và cứu hộ; xây dựng, tổ chức hoạt động thu gom và xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường địa phương.

Dự án cũng sẽ góp phần tăng cường năng lực của các cơ quan và chính quyền đô thị trong việc đảm bảo tính bền vững của các khoản đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững giúp giải quyết các vấn đề về dân số thành thị gia tăng, với mức sống ngày càng cao, trên vùng đất dễ bị tổn thương do phải hứng chịu thiên tai.

Ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, khoản viện trợ không hoàn lại của EU sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng năng lực điều phối và thông tin liên lạc của chính quyền địa phương, phát triển các hệ thống thông tin và phòng ngừa rủi ro cũng như tổ chức công tác vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng. “Điều này hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên toàn cầu của EU về các thành phố bền vững”, ông nói.

Ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho rằng, sự kết hợp giữa vốn vay ODA của AFD với viện trợ không hoàn lại của EU là một lợi thế quan trọng cho sự thành công của Dự án và tính bền vững của cơ sở hạ tầng đô thị.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai. Nhiệt độ nóng dần và nước biển dâng, cũng như tần suất và cường độ gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan kết hợp với sự gia tăng dân số và đô thị hóa đang làm tăng nguy cơ xói mòn bờ biển, lũ lụt đô thị và hạn hán.

Đặc biệt, miền Trung là khu vực thường xuyên phải gánh chịu những biến động về thời tiết. Diễn biến hai tháng qua là đặc biệt nghiêm trọng, với các cơn bão nhiệt đới và trận bão lớn xảy ra liên tiếp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gia tăng về cường độ và tần suất.

Bộ Giao thông vận tải sắp cán đích kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Tính đến cuối tháng 11/2020, các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 31.918 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 80,1% kế hoạch của năm 2020.

Việc khởi công được phần lớn các gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đã giúp Bộ GTVT giải ngân được một lượng vốn khá lớn trong tháng 11/2020.

Việc khởi công được phần lớn các gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đã giúp Bộ GTVT giải ngân được một lượng vốn khá lớn trong tháng 11/2020.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, dự kiến đến hết tháng 11/2020, các chủ dự án thuộc Bộ sẽ giải ngân được 31.918 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 80,1% kế hoạch năm 2020 (31.918/39.826 tỷ đồng), trong đó: vốn trong nước giải ngân được 27.253 tỷ đồng, đạt 80,9% kế hoạch (27.253/33.695 tỷ đồng); vốn nước ngoài giải ngân được 4.664 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch (4.664/6.131 tỷ đồng)..

Trong tháng 11 năm 2020 công tác giải ngân chưa đạt mốc tiến độ kỳ vọng (85% kế hoạch), tuy nhiên so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (70%), Bộ Giao thông vận tải vẫn đang là một trong số những Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân công tác giải ngân chưa đạt được mức kỳ vọng của Bộ là do một số dự án có nhu cầu giải ngân tốt nhưng mới được điều chỉnh bổ sung kế hoạch trung hạn, bổ sung vốn để thực hiện, như các dự án đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đường bộ cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn, đoạn Nha Trang-Cam Lâm, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, đoạn Phan Thiết-Dầu Giây; QL91 tránh Long Xuyên (phần vốn nước ngoài); thanh toán nợ đọng XDCB cho các dự án QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài-Lào Cai (tỉnh Lào Cai), đề án cầu treo dân sinh… Tuy nhiên phần thiếu hụt sau sẽ được giải ngân bù trong tháng 12/2020 sau khi hoàn thiện công tác phân khai điều chỉnh dự toán trên hệ thống TABMIS của Bộ Tài chính.

Đối với nguồn vốn trong nước cơ bản có thể giải ngân hết kế hoạch được giao trước 31/1/2021 nhưng do phần vốn bố trí cho GPMB chiếm tỷ trọng lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương, nên khó khăn trong việc đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài, vốn đối ứng hiện tiến độ triển khai, thực hiện các dự án ODA hiện đang bám sát yêu cầu đã đề ra, một số dự án lớn đã hoàn thành đúng tiến độ, như: cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, Quốc lộ 217 giai đoạn 2, cầu Hưng Hà, cầu Thịnh Long... Tiến độ thi công các dự án: VRAMP, LRAMP, Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đạt tương đối tốt, đảm bảo hoàn thành theo đúng thời hạn Hiệp định đã ký kết. Đặc biệt 8 dự án ODA mới do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã ký được hiệp định 6 dự án, đang hoàn thiện thủ tục đàm phán, ký hiệp định 2 dự án còn lại và đã cân đối đủ kế hoạch trung hạn và kế hoạch năm 2020 để triển khai.

Đến nay, nhờ bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ và công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao của Bộ, tiến độ giải ngân vốn nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài đã đạt 76%.

Để công tác giải ngân trong tháng 12 và cho đến hết năm tài khóa 2020 đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP và Chỉ thị số 06/CT-BGTVT, chấn chỉnh công tác điều hành hiện trường, đẩy nhanh thủ tục đấu thầu, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch theo yêu cầu.

Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cũng được chỉ đạo khẩn trương sớm hoàn thiện các thủ tục để thực hiện giải ngân ngay trong tháng 12/2020 đối với công tác chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản; các dự án điều chỉnh tăng từ nguồn vốn kéo dài (dự án La Sơn-Túy Loan và Nha Trang-Cam Lâm) và công tác tạm ứng hợp đồng xây lắp các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

“Cục Quản lý xây dựng & chất lượng công trình giao thông phải tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các dự án đang triển khai thực hiện, thúc đẩy thủ tục nghiệm thu thanh toán; tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách dự án giải pháp xử lý cụ thể để thúc đẩy tiến độ giải ngân”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Giải ngân vốn đầu tư công: Nỗ lực được đền đáp

Nỗ lực đã được đền đáp. Đó là điều có thể khẳng định khi số liệu thống kê về giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của năm 2020 được công bố.

Chưa bao giờ, tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công cao như vậy. 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Nên nhớ, 11 tháng năm ngoái, tốc độ tăng chỉ là 7%. Thậm chí, năm 2013, giải ngân vốn đầu tư công còn giảm 0,2%; năm 2014 chỉ tăng 0,8%. Và trong cả giai đoạn từ 2011 đến 2019, năm cao nhất - năm 2016, tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ 15%. Vậy mà năm nay, con số là 34%, cao hơn gấp đôi so với mức đạt được của năm 2016.

Đạt được kết quả này, rõ ràng là do sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.

Nhưng hơn hết và bắt nguồn trước tiên, là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Liên tiếp kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ liên tục hối thúc, rằng không được để tình trạng có tiền mà không tiêu được, rằng phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, sẽ có chế tài nghiêm, thật mạnh để xử lý những nơi chậm giải ngân…

Không chỉ họp trực tuyến, Chính phủ cũng đã thành lập các đoàn công tác để xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho giải ngân vốn đầu tư công… Quyết liệt đến mức, chỉ hai ngày sau Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, tổ chức hôm 2/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập một đoàn công tác đi tới các địa phương để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Và không chỉ là đợt này, năm nay, liên tục các đoàn công tác từ Chính phủ, từ Trung ương đã xuống địa phương để đôn đốc tình hình. Ở các địa phương cũng thể, lãnh đạo tỉnh cũng rốt ráo từng dự án, từng công trình… Để đến hôm nay, những nỗ lực đã được ghi nhận bằng số vốn giải ngân tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công tăng cao là một trong những căn nguyên cơ bản để kinh tế Việt Nam dần hồi phục, đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều nền kinh tế, nhiều đối tác lớn của Việt Nam lâm cảnh suy thoái.

Tuy vậy, cũng cần phải thẳng thắn rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Mới chỉ có hơn 400.000 tỷ đồng được giải ngân sau 11 tháng. Nghĩa là vẫn còn 200.000 tỷ đồng nữa đang đợi được đưa vào nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài - ODA. Tháng trước, Chính phủ đã phải tổ chức riêng một cuộc họp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, khi sau 10 tháng, mới có hơn 18.000 tỷ đồng được đưa vào thực hiện, bằng hơn 30% vốn được giao.

Nhiệm vụ còn lại của tháng 12, tháng cuối cùng của năm, vì thế còn rất lớn. Vấn đề ở đây không chỉ là làm sao giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch trong năm nay, mà còn tiếp tục nối dài những nỗ lực trong năm sau và cả những năm tiếp theo. Làm sao không để lặp lại tình trạng có tiền mà không tiêu được, vừa lãng phí nguồn lực, vừa lãng phí cả cơ hội để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.

Những điểm nghẽn ảnh hưởng tới giải ngân vốn đầu tư công, từ chuẩn bị dự án, từ phân bổ vốn đầu tư, đến giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực nhà thầu… cần sớm được giải tỏa. Ở góc độ khác, dài hơi hơn, việc chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng là cách để chậm giải ngân vốn đầu tư công không còn là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế.

Bốn dự án Khu đô thị sinh thái tại Đà Nẵng tìm chủ

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để thực hiện 4 dự án khu đô thị sinh thái tại phía Tây thành phố này.

Trục đường Hoàng Văn Thái nối dài sẽ là điểm đầu tư của 4 dự án khu đô thị sinh thái phía Tây Bắc Đà Nẵng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết, các dự án lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, bao gồm: Khu đô thị sinh thái phía bắc tuyến đường Hoàng Văn Thái; Khu biệt thự sinh thái phía đông tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân; Khu biệt thự sinh thái phía tây tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân và Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông.

Theo đó, 4 dự án khu đô thị mới sẽ được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện sơ tuyển.

Thời gian bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư từ quý 4/2020 đến quý 1/2021.

UBND TP Đà Nẵng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trước đó, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã ban hành Nghị quyết số 290/NQ-HĐND về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án.

Đến tháng 5/2020, theo đề nghị của Sở Xây dựng, UBND TP Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án khu đô thị khu vực phía tây, tây bắc thành phố.

Theo đó, việc chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án khu đô thị sinh thái trên tổng diện tích 4 khu đô thị là 344ha, thời gian thực hiện trong 50 năm. Tổng vốn đầu tư của 4 dự án hơn 3.500 tỷ đồng.

Cụ thể, quy mô Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông tại xã Hòa Nhơn gần 100 ha với diện tích đồi núi, mặt nước hồ Trước Đông chiếm 26%. Dự án sẽ có 92 khu đất biệt thự (484.000m2), gần 20.000m2 đất thương mại dịch vụ còn lại đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh thảm cỏ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 770 tỷ đồng.

Dự án khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh nam hầm Hải Vân  tại xã Hòa Sơn có quy mô hơn 97 ha với hơn 1.900 căn nhà ở liền kề, 115 căn biệt thự và 394 căn nhà ở chung cư. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.370 tỷ đồng.

Khu biệt thự sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái tại xã Hòa Sơn có quy mô 87 ha, gồm hơn 1.800 căn nhà ở liền kề và 134 căn biệt thự. Tổng mức đầu tư 919 tỷ đồng.

Khu biệt thự sinh thái phía Đông đường tránh Nam Hải Vân nằm tại xã Hòa Sơn có diện tích hơn 60 ha, tổng mức đầu tư 619 tỷ đồng. Dự án này gồm 565 căn nhà ở liền kề và 208 căn biệt thự.

Thời gian thực hiện 4 dự án là 50 năm kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

TP.HCM xếp sau Bạc Liêu về hút vốn FDI

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM đạt 3,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bạc Liêu).

Đây là số liệu ghi nhận của Cục Thống kê TP.HCM từ ngày 01/01/2020 đến ngày 20/11/2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu giúp tổng vốn FDI vào tỉnh này đứng đầu cả nước trong 11 tháng đầu năm 2020. (Trong ảnh: Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. Nguồn: TTXVN)

Đơn vị này đánh giá, dù tổng vốn đăng ký trong 11 tháng qua của TP.HCM duy trì tỷ lệ cao so với các tỉnh thành trên cả nước, chiếm 14,4%, nhưng so với cùng kỳ năm trước, số vốn giảm đến 30,5%.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các quốc gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là nhóm các quốc gia đối tác đầu tư lớn.

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu giúp tổng vốn FDI vào tỉnh này đứng đầu cả nước trong 11 tháng đầu năm 2020. (Trong ảnh: Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. Nguồn: TTXVN)

Trong tổng vốn đầu tư nước ngoài 3,81 tỷ USD vào TP.HCM nói trên, có 865 dự án theo hình thức đầu tư đăng ký cấp mới cùng vốn mức vốn hơn 500 triệu USD (giảm 26,8% về giấy phép và giảm 65% về vốn so với cùng kỳ năm 2019).

Theo ngành hoạt động, thương nghiệp dẫn đầu vốn đăng ký với hơn 931 triệu USD, chiếm đến 24,4%.

Về đối tác, vốn đầu tư từ Singapore vào TP.HCM chiếm 23,5% trong tổng số, với gần 895 triệu USD. Theo sau đó lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, British Virgin Islands, Cayman Islands,…

Đại dịch kéo giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM nhưng Thành phố vẫn ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tích cực khi vốn đăng ký từ doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, dù số giấy phép doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái (với hơn 36.600 doanh nghiệp) nhưng tổng vốn đăng ký lại tăng 58,3%, với gần 940 nghìn tỷ đồng (tính từ đầu năm đến 15/11/2020).

Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng giấy phép chiếm hơn 70% trong tổng số cùng tổng vốn đăng ký xấp xỉ 808 nghìn tỷ đồng.

 

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, các nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu, với một dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 3 với 3,2 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.

Dự án lớn dẫn đầu trong 11 tháng năm nay là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD.

(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

 

Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án điện gió

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 5 dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa với tổng công suất trên 200 MW.

5 nhà máy điện gió vừa được UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: LIG Hướng Hoá 1; LIG Hướng Hoá 2; Hướng Linh 7; Hướng Linh 8 và Hoàng Hải.

Hướng Hóa là một trong những huyện có nhiều dự án điện gió nhất tỉnh Quảng Trị hiện nay.

Cụ thể, Dự án Nhà máy Điện gió LIG - Hướng Hoá 1 được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần LIG Hướng Hóa 1. Với công suất 48 MW, bao gồm 12 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 4MW. Được thực hiện tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá. Diện tích đất sử dụng là cho nhà máy điện gió theo dự kiến là 30,39ha. Thời gian thực hiện dự án tính từ 12/2020 và dự kiến đến 10/2021 sẽ nghiệm thu, đóng điện.

Nhà máy Điện gió LIG - Hướng Hoá 2 có công suất 48 MW, bao gồm 12 tổ máy. Nhà máy có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng này được thực hiện tại xã Tân Lông, Tân Lập và Hướng Lộc, huyện Hướng Hoá. Dự án dự kiến sử hơn 30,28 ha đất. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến 10/2021 đóng điện…

Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 7 được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Linh 7, có tổng mức đầu tư hơn 1.183 tỷ đồng. Công suất nhà máy 30 MW sẽ được thực hiện tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Diện tích đất sử dụng là cho nhà máy điện gió theo dự kiến là 15,11 ha và dự kiến đến 10/2021 sẽ hoàn thành, phát điện.

Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 8 có công suất thiết kế là 25,2 MW gồm 6 tuabin gió, mỗi turbine gió có công suất 4,2 MW. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 975 tỷ đồng được thực hiện trên diện tích đất là 16,031 ha tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị…

Và Dự án Nhà máy Điện gió Hoàng Hải được chấp thuận chủ trương đầu tư cho công ty TNHH MTV Đầu tư Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị. Dự án có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng với công suất thiết kế 50 MW thực hiện trên địa phận xã Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Diện tích đất sử dụng nhà máy là 32,5 ha; thời gian thực hiện dự án từ 12/2020 đến 10/2021 dự kiến hoàn thành, phát điện.

Các dự án trên thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, ngoài 5 dự án trên, tại huyện Hướng Hóa còn 9 dự án Nhà máy điện gió khác có công suất 30 đến 50 MW đã được Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung (tổng cộng 6.976,7 MW) vào Quy hoạch điện theo đề xuất của Bộ Công Thương và “chờ” chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trước đó, huyện Hướng Hoá đã có hàng loạt Nhà máy điện gió đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư và hiện đã và đang triển khai như: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 (thôn Hướng Độ) công suất 30 MW; Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 (thôn Doa Cũ, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) công suất 20 MW; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 (thôn Xa Bai) và nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (thôn Hoong Cóc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) với cùng công suất 30 MW.

Khởi công Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài

Ngày 2/12, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đã tổ chức lễ khởi công Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khởi công Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP cho biết, theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng HKQT Phú Bài giai đoạn định hướng đến năm 2030 đạt cấp 4E, công suất là 9 triệu hành khách/năm. Vì vậy, nhu cầu tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng của Cảng HKQT Phú Bài là rất cần thiết.

Việc khởi công Dự án đầu tư xây dựng “Mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài” giai đoạn 1 sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Cảng HKQT Phú Bài từ 8 vị trí đỗ hiện nay lên 13 vị trí đỗ, trong đó 12 vị trí đỗ máy bay code C và 1 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 của Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng 14 vị trí đỗ, trong đó có 10 vị trí đỗ máy bay code C và 04 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm. Công trình “Mở rộng sân đỗ máy bay -  Cảng HKQT Phú Bài” là công trình khu bay của Cảng hàng không quốc tế, do đó, cấp công trình được xác định là cấp đặc biệt. Tổng vốn đầu tư cho dự án này trong giai đoạn 1 là 494 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty. Theo kế hoạch, công trình sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 12 năm 2021.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không là nội dung quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông nhằm đa dạng hóa các phương thức vận tải, chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước, đây là yếu tố quan trọng, có  ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế địa phương nhanh và bền vững.

Cùng với Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 đang được triển khai xây dựng, Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay khi hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo đồng bộ cho hoạt động khai thác, vận chuyển bằng đường hàng không phục vụ người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển ngành Hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phải đảm bảo quản lý tốt dự án, yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiến độ đưa dự án vào khai thác.

Chính phủ kiến nghị chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án cao tốc Bắc – Nam

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông là Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu được đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Việc chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng.

Việc chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng.

Hôm nay (2/12), thừa ủy quyền của Chính phủ, thay mặt Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Báo cáo số 610/BC – CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đấu thầu không lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông là Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu trên cơ sở cân đối từ nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí vốn cho Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ xem xét tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn cho ngân sách.

Trước đó, Bộ GTVT đã  ban hành quyết định về việc hủy thầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn có chiều dài 43 km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, có tổng vốn đầu tư 6.333 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà nước là 2.003 tỷ đồng. Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50 km, có tổng mức đầu tư 8.381 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà nước là 2.550 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công 2 dự án sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng.

Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án đầu tư công đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 và Nghị quyết số 117/2020/QH14). Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi phương thức đầu tư, 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng năm 2023, bảo đảm khai thác đồng bộ, kết nối liên tục với các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang khởi công xây dựng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Tạm dừng bổ sung dự án điện mặt trời để chờ Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương đề nghị tạm thời dừng tổng hợp riêng lẻ và bổ sung thêm các dự án điện mặt trời để chờ Quy hoạch điện VIII hoàn chỉnh sẽ xem xét một cách tổng thể.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Trả lời câu hỏi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/12, về việc thời gian qua Bộ Công Thương liên tục bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc sản xuất ra điện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh mỗi năm có sự tăng trưởng phục vụ sản xuất và tiêu dùng rất lớn.

Trong khi đó, điện năng lượng mặt trời đang được khuyến khích theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. “Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang mong muốn tham gia vì họ cảm thấy sẽ có quyền lợi khi đầu tư vào hình thức phát điện này”, ông Hải nói.

Về nguyên nhân cần phải bổ sung một số dự án vào Quy hoạch Điện VII, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay đang thực hiện theo Quy hoạch Điện VII do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tuy nhiên theo quy hoạch này thì chưa có nhiều điện năng lượng măt trời.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã có văn bản số 6965 ngày 18/9/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch 21 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định trước ngày 1/1/2019. Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo 221 ngày 1/7/2020 của VPCP.

Ngày 20/11/2020 vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản số 1632 bổ sung danh mục các dự án điện mặt trời vào lưới điện đấu nối vào Quy hoạch Điện VII, điều chỉnh để triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu giá để phát triển điện mặt trời đã được các cấp có thẩm quyền ban hành.

“Bộ Công Thương đã có chủ trương đề nghị từ nay cho đến khi có Quy hoạch Điện VIII thì tạm thời dừng việc tổng hợp riêng lẻ và bổ sung thêm các dự án điện mặt trời theo đề xuất của các địa phương cũng như các doanh nghiệp để chờ Quy hoạch Điện VIII hoàn chỉnh, sau đó sẽ xem xét một cách tổng thể”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Kinh tế Việt Nam “dẻo dai” trước Covid-19

Kinh tế Việt Nam nỗ lực từng ngày, từng tháng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Khó có thể nói tới sức bật của nền kinh tế trong lúc này, bởi những tác động của đại dịch Covid-19 vẫn rất nặng nề. Tuy nhiên, sự bền bỉ, sức dẻo dai là điều có thể nhìn thấy rất rõ qua các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020.

Xu hướng hồi phục trở lại của xuất nhập khẩu đang dần trở nên rõ ràng hơn. Ảnh: Đức Thanh

Dễ thấy nhất, đó là xuất nhập khẩu vẫn “đứng vững” giữa đại dịch, như cách nói của ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ là “đứng vững”, xu hướng hồi phục trở lại của xuất nhập khẩu đang dần trở nên rõ ràng hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Như vậy, tình hình đã có sự khác biệt khá lớn. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã dần tăng lên: 10 tháng chỉ là 4,7%, còn bây giờ, con số là 5,3%. Tương tự, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cũng nhích dần. 10 tháng, tốc độ tăng chỉ là 0,4%, còn 11 tháng là 1,5%.

Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhập khẩu cả nhóm tư liệu sản xuất và nhóm hàng tiêu dùng đã cùng tăng so với cùng kỳ, dù mức tăng này chưa thể cao do ảnh hưởng của Covid-19.

Cụ thể, nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6%; còn nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng dần trong tháng cuối cùng của năm 2020, cũng như trong những tháng đầu năm 2020.

Một con số nữa khiến bức tranh kinh tế 11 tháng của “năm Covid-19” có thêm gam màu sáng, đó là xuất siêu đạt mức kỷ lục, với 20,1 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là con số được Tổng cục Thống kê đánh giá là tích cực trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Sức dẻo dai, sự bền bỉ của nền kinh tế chính là ở góc độ đó. Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vì thế, 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 11, IIP ước tính tăng 0,5% so với tháng 10/2020 và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 11,9%. “Sức bật” trong ngành này đã bắt đầu xuất hiện và đó là tin mừng đối với nền kinh tế.

“Việc Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước và việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, “năm Covid-19” 2020 sẽ kết thúc. Dù sức dẻo dai, sự bền bỉ của nền kinh tế Việt Nam là có thật, song trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng vì đại dịch, thì chưa thể kỳ vọng một sự tăng tốc mạnh mẽ.

Tuy vậy, xét trong bối cảnh Covid-19, kinh tế toàn cầu suy giảm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ sự vui mừng trước các tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô. Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, đem lại nhiều kỳ vọng về một kết quả tích cực hơn trong quý IV/2020 và tạo tiền đề cho nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng dương trong cả năm nay.

“Đây là nỗ lực rất lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, đặc biệt là mới đây, nhiều địa phương ở miền Trung nước ta chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Nếu kinh tế quý IV có kết quả tốt, mà điều này có thể là hiện thực, vì xu hướng của tháng 10 và tháng 11 là tích cực, thì cả năm, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2-3% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều đó cũng có nghĩa, nền kinh tế đang sẵn sàng cho “thắng lợi kép”, tất nhiên phải hiểu nghĩa “thắng lợi” trong bối cảnh Covid-19.

Thắng lợi kép là khi kinh tế duy trì tăng trưởng dương, còn lạm phát được kiểm soát tốt. Số liệu thống kê cho thấy, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước, thì CPI bình quân 11 tháng chỉ còn tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Liên tục trong những tháng gần đây, CPI bình quân càng ngày càng được kéo ra xa ngưỡng mục tiêu 4%. Chỉ còn 1 tháng cuối cùng, nếu không có gì bất thường, thì khả năng rất lớn là năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị.

Hơn thế nữa, kinh tế vĩ mô còn được trợ lực bởi con số xuất siêu hơn 20 tỷ USD, giúp không chỉ  tỷ giá, mà còn dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế đều tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, đà tăng trưởng được duy trì sẽ là nền tảng tốt để kinh tế Việt Nam chuẩn bị cho một năm 2021 với những triển vọng sáng sủa hơn.

Bình Định: Cấp chủ trương đầu tư 3 dự án điện mặt trời áp mái nhà tại KCN Phú Tài

Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh Bình Định vừa đồng ý chấp thuận chủ trương cho 03 doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời áp mái nhà tại khu công nghiệp (KCN) Phú Tài.

03 dự án điện mặt trời áp mái nhà được Bình Định chấp thuận sẽ được triển khai trong tháng 12/2020. ảnh minh họa

Theo đó, 03 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Năng lượng Nam Quân, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Hòa và Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây lắp Công nghiệp Quảng Nam đầu tư dự án điện mặt trời áp mái nhà tổng vốn đầu tư 03 dự án là 43,54 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH Năng lượng Nam Quân đầu tư dự án với công suất 990 KWP tại lô B16, KCN Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (trên cơ sở thuê lại mái nhà xưởng thuộc dự án Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tây Phú). Diện tích sử dụng là 7.000m2 (mái nhà), vốn đầu tư là 17,2 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2020.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Hòa đầu tư dự án với công suất 810 KWP tại lô D1, KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn. Diện tích sử dụng mái nhà là 6.795m2, vốn đầu tư là 11,2 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2020.

Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây lắp Công nghiệp Quảng Nam đầu tư dự án với công suất 974 KWP tại lô C26, KCN Phú Tài, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (trên cơ sở thuê lại mái nhà xưởng thuộc dự án Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty CP Phước Hưng). Diện tích sử dụng mái nhà là 8.008m2, vốn đầu tư là 15,141 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2020.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Bình Định, hiện trên địa bàn KKT Nhơn Hội có hơn 30 dự án điện mặt trời áp mái được đầu tư, vốn đăng ký từ 200 tỷ đồng trở lên, trong đó có 15 dự án đã đi vào hoạt động, 05 dự án đã hoạt động một phần và 10 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Các khu công nghiệp có hơn 16 dự án đầu tư có quy mô lớn với vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên.

Đổi mới cơ chế, chính sách vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3 trụ cột

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3 trụ cột: Trụ cột 1: Đổi mới hoạt động điều phối vùng thông qua thể chế, cơ chế mạnh hơn; Trụ cột 2: Cải cách cơ chế, chính sách liên ngành, liên tỉnh tích hợp theo không gian; Trụ cột 3: Tài chính bền vững cho đầu tư xanh và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương xây dựng kế hoạch, bố trí đủ kinh phí và nhân lực để triển khai thực hiện các hành động, chính sách tại Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai, bảo đảm hoàn thành theo tiến độ đã đề ra tại Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện các chính sách về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được ban hành; trao đổi với các đối tác phát triển khi có yêu cầu và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tiếp tục đàm phán với các đối tác phát triển để thu hút các khoản hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ cho việc xây dựng các cơ chế chính sách trong Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Điện mặt trời áp mái nhà xưởng công nghiệp thu hút nhà đầu tư Oman

Thị trường năng lượng mặt trời áp mái công nghiệp Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, và thu hút được nhiều tên tuổi lớn trên thế giới tham gia vào cuộc đua khốc liệt.

VOI và CME ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn điện lực (EVN) đã huy động 7,27 tỷ kWh năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời đạt 6,39 tỷ kWh, tăng gấp 2,94 lần cùng kỳ năm 2019. Tổng công suất thiết kế hòa lưới trong riêng 2 năm 2019-2020 của toàn Việt Nam dự kiến đạt khoảng gần 12 GWph, góp phần thúc đẩy đóng góp năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện của Việt Nam lên gần 12%.

Tuy tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, nhưng tổng sản lượng năng lượng mặt trời áp mái còn rất khiêm tốn và mới chỉ đạt mức lũy kế chưa tới 800 MWph vào thời điểm tháng 8/2020, mặc dù công suất tiềm năng của mảng thị trường năng lượng mặt trời áp mái công nghiệp và thương mại (C&I) có thể đạt trên 20 GWph tại thời điểm hiện nay.

Sau một số tên tuổi lớn như Sembcorp (Singapore), Total (Pháp), TPG (Mỹ), ngày 24/11/2020, thị trường năng lượng mặt trời áp mái Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tham gia của một định chế tài chính lớn trên thế giới là Oman Investment Authority (OIA).

Thông qua liên doanh của mình với chính phủ Việt Nam là Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) - OIA đã thực hiện khoản đầu tư chiến lược vào Công ty Năng lượng Copper Mountain (CME) và ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với sự chứng kiến của Ngài Saleh Mohamed Ahmed Al Suqri - Đại Sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ô-man tại Việt Nam.

Lãnh đạo Quỹ VOI và Công ty CME thăm dự án do CME đầu tư tại Tổng Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn SCSC - thuộc địa phận sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Tp HCM.

Theo Thỏa thuận này, VOI và CME sẽ tập trung phát triển thị phần cung cấp năng lượng mặt trời áp mái C&I, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo lớn và áp dụng công nghệ trong tiết kiệm năng lượng. Phía Oman sẽ hỗ trợ CME về cả vốn và mở rộng thị trường để trở thành một nền tảng cung cấp năng lượng tái tạo không chỉ ở các doanh nghiệp có vốn của Oman tại Việt Nam, mà còn mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN.

Phát biểu tại lễ ký, Ngài Đại sứ cho biết: “chúng tôi kỳ vọng vào các khoản đầu tư của VOI vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở nói chung và vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng, vì giải pháp năng lượng này không chỉ là xu thế toàn cầu và giúp giảm thiểu phác thải CO2, mà còn góp một phần trực tiếp giảm áp lực thiếu điện của Việt Nam và vì thế các khoản đầu tư như thế này nên được khuyến khích mạnh mẽ”.

Trong lĩnh vực năng lượng, với kinh nghiệm thành công tại Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh với công suất 66 MW và các Dự án Điện mặt trời mặt đất tại Long An với công suất 141 MWp, việc mở rộng đầu tư hợp tác với với CME vào lĩnh vực điện mặt trời áp mái, VOI hướng đến việc tham gia đầy đủ vào tất cả các phân khúc khác của thị trường năng lượng thân thiện môi trường khác như điện gió và các tổ hợp điện khí LNG.

Ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc điều hành phụ trách đầu tư của VOI cho biết: “VOI luôn mong muốn có được các đối tác địa phương đáng tin cậy và có đầy đủ năng lực để có thể đồng hành trên chặng đường dài, vì đầu tư trong cơ sở hạ tầng đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và năng lực thực thi chuyên nghiệp. Ở CME chúng tôi tìm thấy các yếu tố thành công và sự cam kết vững vàng cho một mối quan hệ hợp tác đầu tư chiến lược, sau khi phát triển thành công với cụm 2 dự án điện mặt trời mặt đất ở Thạnh Hóa - Long An”.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường điện mặt trời áp mái, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù xu thế giảm giá mua điện của EVN đối với năng lượng tái tạo nói chung do chi phí sản xuất ngày càng giảm, nhưng do tính ưu việt như về giải tỏa công suất phụ tải tại chỗ cho những khu vực công nghiệp thiếu điện trầm trọng, giảm lãng phí thất thoát truyền tải, giảm áp lực cho mạng lưới truyền tải chưa kịp nâng cấp của EVN, và đặc biệt tạo nguồn năng lượng xanh trực tiếp với chi phí rẻ hơn cho các nhà sản xuất có trách nhiệm với môi trường, chính phủ sẽ tiếp tục có những ưu đãi với phân khúc thị trường điện mặt trời áp mái hơn các loại hình điện mặt trời khác.

Cùng với hỗ trợ chính sách của chính phủ Việt Nam và nhu cầu mua điện mặt trời trực tiếp của các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu gia tăng, thị trường này sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư mới, trong đó có cả các tập đoàn năng lượng và định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ GTVT ủng hộ nghiên cứu Dự án metro ga Hà Nội – Hoàng Mai 1,75 tỷ USD

Dự án tuyến metro đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai, Tp.Hà Nội có chiều dài gần 8,8 km là đoạn kéo dài của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn đến ga Hà Nội.

Tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai sẽ sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn – ga Hà Nội.

Tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai sẽ sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn – ga Hà Nội.

Bộ GTVT vừa có công văn số 12222/BGTVT – KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về đề xuất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, dự kiến sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác phát triển Pháp và Ngân hàng Tái thiết Đức.

Theo Bộ GTVT, hiện UBND Tp. Hà Nội đang triển khai đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội nên việc tiếp tục nghiên cứu để đầu tư đoạn ga Hà Hội – Hoàng Mai nhằm hoàn thiện tuyến số 3 là phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch GTVTThủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Liên quan đến nội dung của đề xuất Dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND Tp. Hà Nội rà soát, cập nhật đề xuất Dự án theo mẫu quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để bổ sung các nội dung theo như: nêu rõ lý do đề nghị sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ; “Nêu rõ loại lãi suất dự kiến (thả nổi/cố định), mức lãi suất dự kiến và các loại phí (nếu có); đối với các chương trình dự án dự kiến sử dụng nguồn vay lãi suất thả nổi, mức lãi suất thả nổi trong nội dung đề xuất bao gồm lãi suất thả nổi cơ sở  và lãi suất biên tham chiếu trên thị trường tại thời điểm đề xuất khoản vay; dự kiến thời gian vay và thời gian ân hạn của khoản vay”; mức vốn vay dự kiến.

Bộ GTVT cũng khuyến nghị chủ dự án cần rà soát cập nhật kế hoạch thực hiện, giải ngân dự án để có kế hoạch khả thi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

“Đề nghị lưu ý làm rõ nội dung tính tương thích tổng thể của công nghệ dự kiến áp dụng cho Dự án đối với các dự án đang triển khai để có thể thuận tiện và nâng cao hiệu quả của việc quản lý vận hành và khai thác sau này”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu ý kiến.

Vào tháng 4/2020, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư cho phép tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến metro số 3).

Cụ thể, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính sớm báo để Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với Dự án và thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công để có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ ký kết, đàm phàn vốn ODA cho Dự án, ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND Tp. Hà Nội muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối với với thành phố và các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán về vay vốn với các nhà tài trợ.

Được biết, Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai dài 8,786 km, đi ngầm 8,13 km theo hành lang Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Kim Ngưu – Nguyễn Tam Trinh qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc sau vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tôn, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu (phía sau, sát trạm bơm Yên Sở). Ước tính, Dự án có diện tích xây dựng công trình 34,25 ha, trong đó có 235 nhà dân, gồm 352 hộ dân sẽ phải GPMB.

UBND Tp. Hà Nội cho biết là tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai về cơ bản là đoạn kéo dài của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn đến ga Hà Nội và sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn – ga Hà Nội. Do vậy, Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai không xây dựng khu Depot/tòa nhà điều hành OCC riêng biệt mà chỉ xây dựng 1 khu lập tàu tại Hoàng Mai.

Tùy theo giai đoạn khai thác mà tải trọng đoàn tàu giờ cao điểm đảm nhận là khác nhau, dự kiến đến năm 2030, tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai sẽ phục vụ khoảng 124.000 hành khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hành khách/ngày.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1.752,8 tỷ USD, tương đương 40.577 tỷ đồng; dự kiến vay vốn ODA 1,481,49 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á; Co quan phát triển Pháp và Ngân hàng Tái thiết Đức.

UBND Tp. Hà Nội dự kiến Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030, trong đó các mốc tiến độ quan trọng như sau: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cuối năm 2020; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối năm 2020 – 2021; lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị từ năm 2022 đến năm 2027; kiểm tra vận hành, chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.

Khánh Hòa: Điều chỉnh tổng thể quy hoạch Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh

UBND TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành văn bản cho phép lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.

Theo đó, khu đô thị có quy mô diện tích hơn 1.300ha, gồm 3 khu (khu 1: 647ha; khu 2: 394ha; khu 3: 359ha) thuộc địa bàn các xã, phường: Cam Lập, Cam Thịnh Đông, Ba Ngòi, Cam Lợi, Cam Linh, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa.

TP Cam Ranh đang là vùng đât thu hút rất nhiều dự án du lịch nghĩ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Theo tìm hiểu, năm 2012, Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh được đề xuất với quy mô diện tích khoảng 1.496,7 ha, phân chia thành 3 khu nằm ven vịnh Cam Ranh, từ mũi Đá Lết đến tiếp giáp ranh giới huyện Cam Lâm. Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư tại Công văn số 198/TTg-KTN ngày 30/1/2013. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Cam Ranh. Tổng mức đầu tư là 8.000 tỷ đồng.

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh ranh giới quy hoạch Dự án, báo cáo tiến độ thực hiện, điều chỉnh giảm diện tích thu hồi.

Năm 2014, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành các thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án, các quyết định phê duyệt thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Qua kiểm kê, 1.930/2.027 thửa đất trong vùng Dự án đã có thông báo thu hồi (đất ở và đất sản xuất).

Tuy nhiên, sau giai đoạn 1 của Dự án (thời gian thực hiện từ 2016 - 2018), Chủ đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện. Trong khi đó, thông báo thu hồi đất của dân năm 2014 đã hết hiệu lực. Việc chậm triển khai thực hiện Dự án ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế, gây bức xúc cho người dân trong vùng quy hoạch.

Đến tháng 9/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa lại có văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) báo cáo rà soát tổng thể về dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh (TP. Cam Ranh), gồm: Toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án; kiểm tra, rà soát một lần nữa về ranh giới, diện tích của dự án nhằm tránh những vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng tới dự án trong quá trình thực hiện.

Đây là một dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi toàn bộ kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của TP. Cam Ranh. Tuy nhiên, dự án quá chậm tiến độ khiến người dân bức xúc.

Mới đây, Dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa tái khởi động bằng việc phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Tổng mức đầu tư Dự án được nâng từ 8.000 tỷ đồng lên 20.777 tỷ đồng.

Và việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phân khu 1/2000 Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh được thực hiện xong thì Dự án Khu đô thị ven vịnh Canh Ranh sẽ được đầu tư với mục tiêu xây dựng một khu đô thị mới khang trang, hiện đại, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Quy mô sử dụng đất của Dự án khoảng 1.151,54 ha, quy mô dân số khoảng 154.000 đến 207.000 người.

Theo đó, UBND TP Cam Ranh giao Phòng Quản lý đô thị Cam Ranh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu lập, thẩm định và trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, công bố quy hoạch theo quy định.

Đề xuất thành lập 7 trung tâm logistics tại TP.HCM

Đề xuất này thuộc Đề án phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng 2030 do Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) thực hiện và vừa trình UBND Thành phố phê duyệt.

Định nghĩa về "trung tâm logistics" ở các nước đều có những điểm tương đồng.

Đặc điểm của 07 trung tâm logistics được VLI đề xuất.

Tựu chung, trung tâm logistics là nơi kết nối các phương thức giao thông, là khu vực diễn ra các hoạt động liên quan đến đóng gói, trung chuyển, vận tải, phân phối hàng hoá.

Ngoài ra, trung tâm logistics là khu vực tạo ra cơ hội để kích thích dịch vụ logistics tích hợp (3 PL, 4 PL...), góp phần giảm số lượng các bãi chứa container rỗng của các hãng tàu (depot) ở nội thành, cung cấp các dịch vụ kết nối giữa khu vực sản xuất và thị trường.

Theo Đề án, trung tâm logistics Long Bình có chức năng trung chuyển hàng xuất nhập khẩu từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đến cụm cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Cát Lái là trung tâm thương mại- logistics quốc tế với diện tích 292 hecta,…

Nhu cầu logistics cho một số ngành hàng đến 2025-2030.

Phía VLI đề xuất 02 phương thức đầu tư các trung tâm trên theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL).

Ngoài 07 vị trí nêu trên, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam dự tính, còn khu vực xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn cũng rất thuận lợi để phát triển thành trung tâm logistics phục vụ phân phối nội địa, giai đoạn sau năm 2030.

Cụ thể, khu vực này có tổng diện tích 150 hecta (theo căn cứ pháp lý về Quy hoạch của Quyết định số 3680/UBND ngày 21/08/2010), cùng khả năng kết nối với tỉnh lộ 15 kéo dài, giáp với đường Đỗ Văn Dậy và Võ Văn Bích.

Đồng thời trong tương lai, đường Vành đai 3 sẽ kết nối trực tiếp với cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cũng như về đường sông sẽ giáp trực tiếp với Kênh Xáng, từ đó thuận tiện để kết nối ra sông Sài Gòn.

Cũng trong Đề án, phía VLI đề xuất UBND TP.HCM nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu tập trung (data warehouse) như một phần của chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics nhằm số hóa hoạt động vận tải.

Từ đó có cơ sở điều chỉnh về quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành, khu vực trung chuyển hàng hóa, bố trí giờ giấc ưu tiên.

Các thành tố tham gia trong dịch vụ logistics cũng cần thay đổi tập quán thương mại khi ký kết hợp đồng ngoại thương.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức và sự tự tin khi đàm phán.

Doanh nghiệp chủ hàng cần chủ động trong việc tìm nhà cung cấp dịch vụ logistics, điều này đòi hỏi các thông tin về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, các sàn cung cấp dịch vụ vận tải, kho hàng cho thuê cần được công khai minh bạch và dễ dàng tiếp cận.

Dự báo nhu cầu phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố với từng ngành hàng cho thấy, ngành hàng dệt may, đặc biệt là vải dệt các loại, sẽ có xu hướng giảm mạnh, đến năm 2030 sản lượng giảm chỉ còn 890 teu.

Đối với mặt hàng còn lại như công nghệ cao, hàng giày dép, máy móc thiết bị - phụ tùng và hàng nông sản thì xu hướng tăng.

Phía VLI cho rằng, số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) hay báo chí đã đưa tin rằng, "80% thị phần logistics nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài" là chưa toàn diện và cần đánh giá lại vì doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu làm vận tải đường biển.

VLI cho rằng, hiện, 90% thị phần khai thác cảng biển thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

Về vận tải đường bộ và khai báo hải quan thì gần như 100% thuộc về các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Về cung cấp kho, dịch vụ kho thì hiện nay thị phần vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, rất ít doanh nghiệp nước ngoài sở hữu kho trên lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu thuê lại kho từ doanh nghiệp Việt Nam.

Từ kết quả phỏng vấn sâu của VLI tại 31 doanh nghiệp và phiếu khảo sát 35 doanh nghiệp chuyên doanh logistics gửi về, cho thấy, hoạt động chính của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tập trung vào vận tải quốc tế, khai báo hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hoá, vận tải nội địa và kho hàng (trên 60%).

Bảng thể hiện chi phí logistics một số ngành hàng tại TP.HCM do VLI khảo sát.

Trong khi các dịch vụ khác như thu mua nguyên vật liệu, môi giới bảo hiểm, dịch vụ thu hồi hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa ít được cung cấp hơn.

Chi phí logistics chiếm từ 25 – 30% trong tổng chi phí của ngành thuỷ sản và cũng là mức cao nhất so với các ngành.

Đánh giá tổng thể, so với năm 2014, hiện, chi phí logistics đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên vẫn còn ở mức mà doanh nghiệp chủ hàng phàn nàn, nguyên nhân chính một phần vì hàng hoá Việt Nam có giá trị không cao như hàng hóa của các nước phát triển.

Mặt khác, do chi phí vận tải còn bất hợp lý như sử dụng đường bộ là chính, cước tàu biển quốc tế thì do các hãng tàu nước ngoài quyết định nên rất khó thương lượng.

Ngoài ra, còn do tình trạng kẹt xe, giá xăng dầu, lệ phí cầu đường cùng với các chi phí không chính thức.

Đà Nẵng: Đầu tư 589 tỷ đồng cho Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 4618, phê duyệt đầu tư dự án “Xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân" (giai đoạn 3) với tổng vốn 589,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Quy mô đầu tư xây dựng gồm nhà trạm xử lý nước thải; trạm bơm HC 03, HC 06; đường ống công nghệ và các trang thiết bị liên quan về điện, công nghệ tự động hóa, thiết bị xử lý. Thời gian thực hiện từ năm 2020-2023.

Trậm xử lý nước thải Hòa Xuân

Trước đó, tháng 7/2020 HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 03 dự án thu gom, xử lý nước thải, nước mưa trên địa bàn thành phố với tổng vốn hơn 2.245 tỷ đồng do Ban quản lý các dự án đầu tư Cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án.

Cụ thể, Dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam. Đây là dự án nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 1 do BQL các dự án đầu tư Cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 – 2023 với tổng mức đầu tư hơn 1.341,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng. Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).

Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng cho lưu vực cửa xả Furama; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng cho lưu vực từ sân bay Nước Mặn đến đường Phạm Hữu Nhật; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng cho lưu vực dọc sông Cổ Cò (từ đường Huyền Trân Công Chúa đến giáp tỉnh Quảng Nam); Xây dựng tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ sân bay Nước Mặn đến đường Phạm Hữu Nhật.

Dự án thứ 2 là dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu (thời gian thực hiện dự án năm 2020 – 2021) với tổng mức đầu tư hơn 314 tỷ đồng nhằm cải tạo kết cấu tuyến cống thoát nước liên phường Xuân Hà, tuyến cống liên phường Tam Thuận và xử lý ngập úng khu vực trước Huỳnh Ngọc Huệ trên đường Hà Huy Tập để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống dọc hai bên tuyến cống, xử lý thoát nước chống ngập úng khu vực.

Đồng thời xây dựng tuyến kênh thoát nước từ khu công nghiệp Hòa Khánh đến sông Cu đê (đoạn còn lại) nhằm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, khớp nối hệ thống thoát nước chống ngập úng cho khu vực; hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải chuyển tải về trạm xử lý nước thải và nâng cao hiệu quả của trạm xử lý nước thải Phú Lộc, hạn chế ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc và cản quan khu vực quận Liên Chiểu.

Và thứ 3 là Dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3 (thời gian thực hiện dự án 2020 - 2023) với tổng mức đầu tư hơn 590 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để nâng công suất xử lý nước thải của trạm này thêm 60.000m3/ngày đêm, đạt tổng công suất 120.000m3/ngày đêm đến năm 2025 nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với Quy hoạch thoát nước TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 499/QĐ-UBND ngày 31/01/2018.

Trên cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình được UBND thành phố phê duyệt, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên làm chủ đầu tư và có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định hiện hành.

Tin liên quan
Tin khác