1- JVC: Đang giao dịch ở mức PE khoảng 15x
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Doanh thu CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC – sàn HOSE) giảm 22% so với cùng kỳ. Quý IV/2013, ảnh hưởng bởi việc cắt giảm chi tiêu công 6 tháng cuối năm, một số dự án của JVC không được thực hiện như kế hoạch khiến doanh thu quý IV/2013 của công ty giảm 42% so với cùng kỳ, chỉ đạt 246,2 tỷ đồng.
Phần lớn doanh thu được ghi nhận trong quý cuối năm là đặc điểm của công ty này (tỷ trọng doanh thu quý IV/tổng doanh thu trong 2012 và 2013 lần lượt là 64% và 56%).
Do vậy, dù tăng nhẹ khoảng 4% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2013, nhưng doanh thu cả năm 2013 của JVC vẫn giảm 22% n/n, xuống còn 594,1 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng bán trang thiết bị (chiếm trên 80% tổng doanh thu) giảm 28% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động đầu tư liên doanh liên kết 2013 tăng 13% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng doanh thu, so với mức 11% trong 2012. Hình thức của HĐKD này là JVC đầu tư máy móc thiết bị, các bệnh viện đầu tư địa điểm, hạ tầng, giường bệnh, với tỷ lệ phân phối lợi nhuận giữa JVC và các đối tác thường là là 7:3, hoặc 6:4. Công ty hiện đã liên kết với hơn 100 bệnh viện trên cả nước, trong đó có 2 dự án mới trong điều trị ung thư tại bệnh viện K và bệnh viên Việt Đức (Hà Nội). JVC dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động này do nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu tăng mạnh từ 60,6% trong 2012 lên 70,7% trong 2013. Chi phí tài chính ròng 2013 tăng 26,8% so với cùng kỳ lên 52 tỷ đồng. chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cũng tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên mức 6% trong 2013. Ngoài ra hoạt động khác trong 2013 còn ghi nhận mức lỗ 22,5 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận 1,6 tỷ đồng của cùng kỳ. Đó là những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế 2013 của JVC giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu, tới 75% n/n, xuống còn 41,7 tỷ đồng.
Không hoàn thành kế hoạch năm. JVC đặt mục tiêu 930 tỷ doanh thu (+24% so với cùng kỳ) và 200 tỷ lợi nhuận sau thuế (+18% so với cùng kỳ) cho 2013. Như vậy, JVC chỉ mới hoàn thành được 64% và 21% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Cổ tức tiền mặt 2013 dự kiến là 1.500 đồng/cp, tương đương với tổng số tiền chi trả hơn 85 tỷ. Tuy nhiên, số dư tiền mặt tại 31/12/2013 của công ty chỉ có 56,6 tỷ đồng. Cổ phiếu JVC đang giao dịch ở mức PE khoảng 15x.
2- HLD: Mua vào để đầu tư dài hạn
(CTCK MaritimeBank – MSBS)
CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND (HLD – sàn HOSE) là một đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà đô thị (HUD), tuy mới thành lập từ năm 2007 nhưng HUDLND đã nhanh chóng nhập cuộc vào thị trường bất động sản và đang khẳng định thương hiệu của mình với những sản phẩm khác biệt và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình 21 phiên gần đây là 313.892 cổ phiếu/ngày.
Cổ phiếu HLD phù hợp với việc nắm giữ 3-4 tháng không thích hợp cho giao dịch ngắn hạn.
Thanh khoản tăng đột biến từ 2 tháng trở lại đây đang phản ánh xu hướng tăng giá của HLD.
HKD đang đạt các tầm cao mới về giá kèm theo khối lượng giao dịch hỗ trợ.
Chỉ báo kỹ thuận quan trọng Ichimoku đang phản ánh xu hướng tăng điểm mạnh trong thời gian tới.
Các chỉ báo kỹ thuật khác như RSI, MACD, FastSTO đang phát tín hiệu mua vào.
HLD đang tạp mẫu hình vai đầu vai đảo chiều xác định xu hướng tăng điểm ngắn hạn trong vài phiên tới.
3- VTO: Mua vào với giá mục tiêu 8.800 đồng/CP
(CTCK BIDV - BSC)
CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO) có nguồn thu ổn định từ việc hỗ trợ của Petrolimex, nhờ vậy VTO ít chịu ảnh hưởng trong giai đoạn suy giảm của thị trường.
Cổ phiếu VTO thanh khoản tốt, beta cao, đồng thời mặt bằng giá thấp so với sổ sách. VTO phù hợp với tiêu chí cổ phiếu MidCap đang có triển vọng cải thiện của chúng tôi.
Lưu ý chúng tôi xếp VTO thuộc nhóm cố phiếu đầu cơ và có biến động lớn, do vậy phù hợp với nhà đầu tư chịu mức rủi ro cao.
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VTO, kỳ đầu tư 03 đến 06 tháng, giá mục tiêu khoảng 8.800 đồng/cp.
Thanh Thúy (ĐTCK)