Tài chính - Chứng khoán
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/12
Thanh Thuý - 09/12/2013 07:10
Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của các công ty chứng khoán cho phiên 9/12.

1- HVG: P/E kỳ vọng trong 2013 đạt 12 lần

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Đại hội cổ đông bất thường của HVG đã chính thức thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu, tăng 25% vốn điều lệ của HVG lên 1.500 tỷ đồng. Giá phát hành sẽ không thấp hơn 28.000 đồng/ CP, tức cao hơn 8,6% so với giá đóng cửa của cổ phiếu HVG ngày 6/12/2013. Kế hoạch phát hành được chia làm 2 đợt: Đợt 1, HVG chào bán tối đa 20 triệu cổ phiếu, dự kiến trước ngày 30/6/2014; và đợt 2, công ty sẽ chào bán tối đa 10 triệu cổ phiếu trước ngày 31/12/2014. Số cổ phiếu phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Trước đó, trên thị trường đã có những tin đồn rằng HVG đã thỏa thuận được với các đối tác Singapore với giá phát hành là 30.000 đồng/cổ phiếu.

Theo ban lãnh đạo của HVG, nguồn vốn huy động được dùng để nâng cao năng lực tài chính công ty, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường. HVG đang nghiên cứu để thâm nhập vào các thị trường Indonesia, Trung Quốc, và Ấn Độ. Nếu HVG phát triển thị trường này thành công, lo ngại về sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ (do thuế chống phá giá tại thị trường này có thể tăng gấp đôi) sẽ được giảm bớt. Thị trường Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của HVG, chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của công ty.

Doanh thu của tập đoàn HVG trong quý III/2013 tăng 24% cùng kỳ chủ yếu do hợp nhất kết quả kinh doanh từ công ty con Việt Thắng (VTF), công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho cá tra. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý III/2013 đã giảm mạnh 74% cùng kỳ xuống còn 25 tỷ đồng trong quý III/2013 do lợi nhuận gộp biên giảm từ 12,7% trong quý III/2012 xuống còn 11,4% trong quý III/2013, chi phí tài chính tăng mạnh 63% cùng kỳ và chi phí bán hàng tăng 23% cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận ròng HVG trong 6 tháng năm 2013 tăng 28% cùng kỳ nhưng lũy kế 9 tháng năm 2013, lợi nhuận ròng giảm 20% cùng kỳ xuống còn 223 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo HVG cho biết lợi nhuận trước thuế của công ty trong năm nay dự kiến đạt 500 tỷ, thấp hơn 37,5% so với kế hoạch 800 tỷ ban đầu. Cần lưu ý rằng, lợi nhuận trước thuế bao gồm lợi nhuận hợp nhất 100% từ công ty con nhưng lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ sẽ phải loại trừ phần dành cho cổ đông thiểu số khá lớn (vì HVG chỉ giữ 56% Việt Thắng và 51% AGF). HVG đang giao dịch ở P/E kỳ vọng trong 2013 12 lần, cao hơn so với P/E trung bình ngành (8 lần).

2- Có thể mua vào EVE

(CTCK SSI - SSI)

Chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ tăng 9,6% và 14,3% lên 746 tỷ đồng và 85,2 tỷ đồng trong năm 2013. Dự báo Công ty có thể hoàn thành 93,3% kế hoạch doanh thu và 94,7% kế hoạch lợi nhuận năm 2013.

Những yếu tố chính giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn doanh thu trong năm 2014 là (1) tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến tăng khi thị trường được cải thiện vào cuối năm 2014, Công ty sẽ không cần áp dụng chính sách chiết khấu cho khách hàng như trong năm 2012 và 2013; và (2) thuế thu nhập doanh nghiệp giảm (22% trong năm 2014 so với 25% trong năm 2013). EPS 2014 ước đạt 3.598 đồng (+18,4% so với năm trước), tương ứng PE 2014 là 8,03x, với giá thị trường là 28.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/11/2013.

Khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 1 năm là 33.787 đồng/cổ phiếu.

3- DPR: Nâng khuyến nghị nắm giữ lên mua vào

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

DPR thông báo ngày 6/12 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/cp và xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh giảm kế hoạch 2013 (GDKHQ vào ngày 4/12). Theo đó, DPR sẽ thanh toán cổ tức bằng tiền đợt 1/2013 với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Thời gian thanh toán vào ngày 25/12/2013. Trước đó, DPR cũng đã thanh toán cổ tức 1.500 đồng/cp vào ngày 22/4/2013 và 1.000 đồng/cp vào ngày 12/6/2013. Như vậy, tổng cổ tức bằng tiền mặt cổ đông nhận được từ cp DPR trong năm 2013 là 4.000 đồng/cp, tương ứng với lợi tức cổ tức khá tốt ở mức 8,5%.

Kỳ vọng cổ tức tiền mặt hàng năm của DPR sẽ duy trì ở mức 3.000-4.000 đồng/cp trong thời gian tới. Điều này tương ứng với lợi tức cổ tức hàng năm khá tốt trong khoảng 6,3-8,5%. Chúng tôi cho rằng DPR hoàn toàn có thể duy trì mức cổ tức này vì: 1) tỷ lệ cổ tức/ lợi nhuận sau thuế thấp ở dưới mức 50%; 2) nhu cầu vốn đầu tư tài sản cố định hàng năm của DPR không cao; 3) dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ròng (sau đầu tư tài sản cố định) của DPR dự báo đạt bình quân khoảng 340 tỷ đồng/năm trong khoảng 5 năm tới; và 4) lượng tiền mặt ròng của DPR hiện tại rất lớn khoảng 823 tỷ đồng, đủ để cho DPR duy trì cổ tức ổn định.

Ngoài ra, DPR cũng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2013. Theo đó, DPR xin điều chỉnh giảm sản lượng tiêu thụ 2013 từ 20.000 tấn xuống còn 18.000 tấn (-10%); giá bán bình quân (ASP) từ 62 triệu xuống còn 52 triệu đồng/tấn (-16%); và lợi nhuận trước thuế từ 515 tỷ xuống còn 320 tỷ (-37,8%). Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh ASP xuống còn 52 triệu đồng/tấn là hợp lý. ASP bình quân 9 tháng năm 2013 của DPR là khoảng 55 triệu đồng/tấn và ASP hiện nay khoảng 50 triệu/tấn. Do đó ASP bình quân cả năm nay có thể đạt khoảng 52 triệu/tấn.

Tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận trước thuế 320 tỷ của DPR là hơi thấp. Trong kế hoạch lợi nhuận trước thuế điều chỉnh của DPR thì lợi nhuận tài chính giảm mạnh xuống còn 28 tỷ đồng mà chúng tôi cho là chưa hợp lý. DPR duy trì khoản tiền mặt trên 900 tỷ đồng gần như trong cả năm nay nên chỉ riêng khoản lãi tiền gởi đã vượt rất xa con số 28 tỷ. Hơn nữa, DPR còn được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá và thu nhập tài chính khác. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo doanh thu 2013 của DPR giảm 24% cùng kỳ đạt 1.041 tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm 31% cùng kỳ đạt 369 tỷ đồng.

PE dự phóng 2014 của DPR khá rẻ ở mức là 5,2 lần. Giá mục tiêu 52.400 đồng của chúng tôi cao hơn 11,5% so với giá thị trường. Nâng khuyến nghị DPR từ NẮM GIỮ lên MUA.

Tin liên quan
Tin khác