Trung tâm của mục tiêu này là công nghiệp hóa nông nghiệp; mở rộng liên kết, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là dân cư nông thôn. Tăng cường, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh; tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu tổng quát trên, 5 năm tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam tập trung tổ chức thực hiện tốt 3 khâu đột phá sau.
Ông Mai Tiến Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam (bên phải) và ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam (bên trái) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. |
Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách vào thực tiễn của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển.
Ba là, nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Trên mặt trận nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất gắn với thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp các nước nông nghiệp phát triển, tổ chức sản xuất phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Chuyển diện tích đất bãi, đất trồng lúa, đất đồi khu vực Tây Đáy kém hiệu quả, đất ven sông sang trồng cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, trồng cỏ, ngô… phục vụ chăn nuôi bò sữa. Phát triển mạnh chăn nuôi lợn nông hộ, nhóm hộ theo hướng hợp tác xã kiểu mới gắn với các Đề án ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, xử lý môi trường. Hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn trong nước để phát triển đàn bò sữa nhanh, bền vững theo mô hình trang trại.
Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực trong dân và các doanh nghiệp trên. Có cơ chế hỗ trợ mạnh cho khu vực nông thôn, điều chỉnh phương thức hỗ trợ từ cấp phát sang thực hiện theo đề án cụ thể.
Tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao. Thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư. Tập trung thu hút doanh nghiệp của các nước công nghiệp phát triển; chú trọng doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Phát triển công nghiệp nông thôn gắn với thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, giữ vững và phát triển các làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống của địa phương.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh thương mại, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, đưa Hà Nam trở thành trung tâm cấp vùng về dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế, du lịch chất lượng cao vào năm 2020. Thu hút các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh về đầu tư tại tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, có 3.000- 3.500 giường bệnh tại Khu Y tế chất lượng cao; có thêm 5 trường dđại học, cao đẳng, thu hút 3 đến 5 vạn sinh viên và đón 1,8 đến 2,5 triệu lượt khách về thăm quan Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao.
Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Tập trung hoàn thiện hạ tầng khung, đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm. Đặc biệt, quan tâm đầu tư hạ tầng vùng khó khăn, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy nhanh chương trình phát triển TP.Phủ Lý, đô thị Duy Tiên, triển khai xây dựng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh. Phấn đấu thành phố Phủ Lý thành đô thị loại II, Duy Tiên là đô thị loại IV.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Đổi mới công tác đào tạo nghề, liên kết, hợp tác với trường quốc tế, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Chú trọng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực; có chính sách hợp lý, tập trung thu hút để xây dựng trung tâm nghiên cứu chế tạo phần mềm, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tư nhân hóa các dịch vụ công gắn với việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tất cả các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, chi phối; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, với những thành công, kinh nghiệm từ thực tiễn, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, sáng tạo và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định rõ, tin tưởng trong 5 năm tới, Hà Nam sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.