Hiện mỗi công dân phải “mang” theo khoảng 20 giấy tờ để xác định nhân thân. Thưa ông, làm thế nào giảm bớt các loại giấy tờ này?
Để xử lý vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
| ||
Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp |
Khi Đề án này hoàn thiện sẽ giải quyết cơ bản việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Theo đó, thông tin cơ bản về công dân được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra đến khi chết đi trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để thực hiện những vấn đề phức tạp như vậy, trước mắt cần thực hiện những công việc gì, thưa ông?
Chính phủ xác định phải ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện cấp số định danh cá nhân. Ngay trong năm 2013 và năm 2014, các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thí điểm cấp số định danh cá nhân.
Số tiền đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ước khoảng 3.000 tỷ đồng. Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ Hungary tài trợ 10 triệu euro (tương đương 277 tỷ đồng) để triển khai thí điểm tại Hải Phòng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho công dân.
Bước đột phá trong cải cách như ông nói là gì?
Mục tiêu cuối cùng mà việc cải cách hướng đến là phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan, như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan. Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm thêm các giấy tờ khác cho công dân, như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân…
Với thẻ công dân điện tử, khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, người dân không phải xuất trình bất cứ loại giấy tờ gì. Khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, công dân chỉ cần khai báo số định danh cá nhân và quẹt thẻ công dân điện tử vào thiết bị chuyên dụng tại cơ quan quản lý nhà nước là toàn bộ thông tin về nhân thân được hiện lên trên màn hình máy tính.
Sử dụng thẻ công dân điện tử và số định danh cá nhân không chỉ giảm phiền hà, nhiêu khê, giảm thời gian và tiền bạc cho người dân, mà cũng giảm rất nhiều công việc cho cơ quan quản lý nhà nước.
Trước khi cấp thẻ công dân điện tử, bước đầu tiên là phải cấp số định danh cá nhân, vấn đề đang gây ra nhiều tranh luận, thưa ông?
Mỗi cá nhân hiện đã có “rất nhiều số” như số chứng minh thư, số hộ chiếu, số hộ khẩu… Vì vậy, cấp thêm số định danh cá nhân nữa, nhiều người nghĩ sẽ gây phiền hà cho người dân, nên gây ra tranh luận.
Khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/1/2016), cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành cấp sổ hộ tịch cho người dân. Với sổ hộ tịch, mọi sự kiện cơ bản của mỗi con người, từ khi sinh ra đến khi chết đi, đều được cơ quan quản lý nhà nước đăng ký, ghi chép. Cùng với việc cấp sổ hộ tịch sẽ cấp số định danh cá nhân.
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý của nhà nước. Với số định danh cá nhân, khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch, cá nhân chỉ cần thông báo số định danh của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch, mà không cần phải mang bất cứ loại giấy tờ gì khác.
Vậy dự kiến khi nào sẽ hoàn thiện việc cấp sổ hộ tịch và số định danh cá nhân, thưa ông?
Nếu không có gì thay đổi, tất cả công dân sinh sau ngày 1/1/2016 sẽ được cấp sổ hộ tịch và số định danh cá nhân. Đến năm 2020, toàn bộ 90 triệu dân đều được cấp sổ hộ tịch và số định danh cá nhân.
Mạnh Bôn