Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có lĩnh vực giáo dục được Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có khoảng 560 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục.
Nhằm tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp “trồng người” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND Thànhphố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư theo kế hoạch là hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội, gần hai năm qua, Hà Nội đã bố trí gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục và đào tạo, cũng như đầu tư trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi. Hiện, tại các xã vùng dân tộc, miền núi của Thành phố Hà Nội đã có 32/60 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.
Cùng với nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất giáo dục, Thành phố Hà Nội cũng luôn coi trọng việc đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi có hơn 200 giáo viên đang công tác là người dân tộc thiểu số.
Các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở vùng dân tộc, miền núi được thực hiện đầy đủ. Học sinh con hộ nghèo được miễn học phí và được hưởng mức hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/năm học; học sinh con hộ cận nghèo được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/tháng/năm học. Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú được hỗ trợ 80% mức lương tối thiểu/học sinh/tháng/năm học.
Ngoài ra, học sinh dân tộc thiểu số còn được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt đầy đủ theo quy định.
Giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản, được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Giáo viên là người dân tộc thiểu số sau khi có bằng thạc sỹ được xếp lương cao hơn 1 bậc so với các đối tượng tương đương…
Hiện, công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô ghi nhận 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học Trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm học 2021 - 2022 đạt trên 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương trên 80%.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhằm tăng nhanh số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia. Ban hành thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ đối với học sinh, cán bộ, giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô.