Bác sĩ Lê Thị Lan Thủy, Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus - SLE) thường được gọi đơn giản là bệnh lupus. Đây là bệnh tự miễn với đặc điểm lâm sàng đa dạng, có thể ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Ảnh minh hoạ. |
Trong tên của bệnh, Lupus là một từ Latin có nghĩa là chó sói, xuất phát từ việc người bệnh thường có tổn thương ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói.
Từ ban đỏ để chỉ màu đỏ của tổn thương ở mặt. Từ hệ thống có nghĩa là bệnh ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh hay gặp ở nữ hơn, có thể do ảnh hưởng bởi hormone estrogen. Tuổi khởi phát 16-55 (chiếm 65%) có thể gặp ở cả trẻ em và người già.
Nguyên nhân của SLE cho tới giờ vẫn chưa được biết rõ, liên quan tới nhiều yếu tố. Nhiều nhà quan sát cho rằng có vai trò của gen (di truyền), hormone, miễn dịch và yếu tố môi trường. Bệnh có thể thuyên giảm và tái phát, từ nhẹ tới nặng.
Với hàng trăm nghìn người mới mắc hàng năm trên thế giới. Tỷ lệ mắc SLE dao động 1-150 người/ 100000 dân, phụ thuộc vào địa lý và chủng tộc. Nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa biết tới căn bệnh này.
Tại Trung tâm Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai - tuyến cao nhất tiếp nhận điều trị các bệnh nhân SLE, các bệnh nhân SLE vào điều trị tại Trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất với hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm, chiếm gần 1/2 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm.
Nguyên nhân gây bệnh: cho tới giờ vẫn chưa được biết rõ và liên quan tới nhiều yếu tố. Nhiều nhà quan sát cho rằng có vai trò của gen (di truyền), hormone, miễn dịch và yếu tố môi trường:
Di truyền: Anh chị em ruột của các bệnh nhân SLE có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường. Môi trường: Có thể có vai trò của virus, vi khuẩn, tia UV, bụi, thuốc, thuốc lá,…
Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nữ gấp 9 lần nam), sau khi mãn kinh cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.
Các triệu chứng của SLE có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh rất phong phú, đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông (có lẽ do hậu quả của sự tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong thời gian mùa hè trước đó).
Hơn 90% số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc từng mảng, viêm loét miệng, mũi, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.
Khoảng 3/4 số bệnh nhân xuất hiện ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt, một dấu hiệu rất đặc trưng của SLE (ban đỏ ở hai gò má bắc cầu qua sống mũi).
Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% số bệnh nhân và là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.
Các triệu chứng này thường diễn biến thành từng đợt xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi bệnh được chẩn đoán chính xác có thể phải mất vài năm.
Các xét nghiệm cần thiết để phát hiện, xác định bệnh: Công thức máu, chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng chuỗi kép DNA (anti-dsDNA), kháng thể kháng Smith (anti-Sm), kháng thể kháng phospholipid, bổ thể (C3 và C4 hoặc CH50).
Theo chuyên gia, SLE không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng. Mục đích chính của việc điều trị là giảm triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng.
Điều trị dựa trên sự ưa thích, đặc điểm lâm sàng, mức độ nặng, mức độ hoạt động bệnh và bệnh phối hợp. Người bệnh cần sử dụng biện pháp chống nắng, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ngừng thuốc lá và tiêm chủng thích hợp.
Trong giai đoạn bệnh đang cấp, người bệnh cần được tăng cường nghỉ ngơi, nhưng vẫn cần một chế độ vận động hợp lý để tránh teo cơ và cứng khớp.
Điều trị thuốc hydroxychloroquine (HCQ) nếu không có chống chỉ định. Các thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquine, chloroquine có hiệu quả khá tốt với các tổn thương ở da và khớp.
Tùy thuộc mức độ nặng, mức độ hoạt động bệnh bác sỹ điều trị một số thuốc sau: thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), glucocorticoids, thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine…).
Các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen, nimesulide có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của chúng là gây viêm loét dạ dày tá tràng và để hạn chế tối đa tác dụng phụ này chúng nên được dùng trong bữa ăn.
Các loại glucocorticoids như prednisolone, methylprednisolone (Solu-medrol, Medrol), prednisone (Cortancyl), betamethasone (Celestone) có tác dụng chống viêm mạnh hơn nhóm NSAIDs nhưng cũng nhiều tác dụng phụ hơn và chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng có tổn thương nội tạng.
Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, loãng xương, rạn da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận, chúng nên được uống sau ăn.
Những trường hợp bệnh nặng, tổn thương các cơ quan đe dọa tính mạng có thể cần điều trị glucocorticoids liều cao hoặc liều pulse ngắn ngày đơn độc hoặc phối hợp với thuốc ức chế miễn dịch khác (mycophenolate mofetil hoặc cyclophosphamide).
Cho đến nay, chưa có một loại thuốc đông dược nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị SLE. Do đó, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này, vì chúng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cho người bệnh, thậm chí có thể đe doạ tính mạng của họ.
Bệnh nhân SLE có nguy cơ tử vong cao hơn 2-4 lần so với dân số chung. Nguyên nhân chính gây tử vong trong vài năm đầu tiên thường do bệnh hoạt động (ví dụ: tổn thương thần kinh trung ương, tổn thương thận), hoặc nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân tử vong muộn hơn thường liên quan tới các biến chứng của SLE (ví dụ: bệnh thận giai đoạn cuối), bệnh tim mạch, tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Với căn bệnh này, lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia dành cho cộng đồng là người bị mắc bệnh SLE cần có một cuộc sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ngừng thuốc lá và tiêm chủng thích hợp.
Ngoài ra, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa.
Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt corticosteroid cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh và do đó người bệnh cần tuân thủ điều trị, khám lại, không tự ngừng thuốc.
Người bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi có các dấu hiệu nghi ngờ để phát hiện sớm bệnh và được điều trị kịp thời.