Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất điều hành có giảm thêm?
Vân Linh - 01/10/2024 13:57
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,5% lãi suất USD, một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng cắt giảm lãi suất, liệu Ngân hàng Nhà nước có giảm tiếp lãi suất điều hành?

Điều kiện duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Sau khi Fed cắt giảm lãi suất cơ bản USD, mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) hạ lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) cho các ngân hàng thương mại, từ 2,3% xuống 2%. Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cũng cắt giảm lãi suất chuẩn lần đầu tiên sau hơn 3 năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) giảm lãi suất 0,25% xuống còn 6,25%, bất chấp áp lực lạm phát tăng trở lại…

Với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã sớm giảm một số loại lãi suất như lãi suất tín phiếu và lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO). Cụ thể, 2 loại lãi suất này đã giảm 0,2%, xuống 4,25%/năm từ ngày 5/8. Đến ngày 20/8, lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm xuống còn 4,2%/năm. Và ngày 16/9, lãi suất trên OMO lại giảm còn 4%/năm.

Tuy nhiên, điều thị trường mong đợi hơn là một quyết định giảm lãi suất điều hành, như trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu - vốn được duy trì các mức tương ứng 4,75%, 4,5% và 3% từ ngày 19/6/2023 đến nay. Giới phân tích cho rằng, chính sách này nếu được thực thi, sẽ là một quyết sách tác động mạnh đến thị trường và phần nào giúp kìm hãm đà tăng lãi suất tiền gửi đã khởi phát từ đầu quý II/2024 đến nay.

Thông tin trước đó được đưa ra từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những thiệt hại từ bão Yagi và hoàn lưu sau bão có thể khiến tăng trưởng GDP quý III của cả nước giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Theo đó, GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%).

Trước tình hình trên, đang có những kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cũng như đi theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trong khu vực về việc cắt giảm lãi suất. Đặc biệt, trong bối cảnh VND đã tăng giá trở lại từ đầu quý III đến nay, NHNN càng có thêm điều kiện để xem xét cắt giảm lãi suất, mà không quá e ngại rủi ro tỷ giá như giai đoạn trước.

Có giảm thêm lãi suất điều hành

Một số chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước khó có thể giảm thêm lãi suất tại thời điểm này. Một trong những lý do là e ngại rủi ro lạm phát vẫn khó lường trước những ảnh hưởng tiêu cực từ bão lũ có thể đẩy giá hàng hóa trong nước leo thang. Ngoài ra, dù tỷ giá VND/USD đã ổn định, song xu hướng giá vàng tăng mạnh gần đây và dự báo còn tăng trong thời gian tới cũng là một biến số sẽ tác động lên kênh tiền gửi ngân hàng.

Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), lãi suất hiện nay phù hợp với tình hình chung, Ngân hàng Nhà nước không nên hạ lãi suất trong thời gian tới. Lãi suất trong nước phụ thuộc không chỉ vào chính sách của Fed, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có tỷ lệ lạm phát.

Dự báo về xu hướng tỷ giá thời gian tới, ông Anh cho rằng, VND có thể tiếp tục lên giá một chút, nếu Fed tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất trong thời gian tới. Khả năng Fed sẽ hạ thêm lãi suất và đưa lãi suất của Mỹ dao động ở mức khoảng 3,5%.

VND đã ghi nhận mức tăng giá theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, tăng 3,2% so với đầu năm và đạt mức 24.630 VND/USD vào cuối quý III/2024. Bên cạnh sự yếu đi của USD, kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước, với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cũng hỗ trợ cho VND. Tỷ giá VND/USD liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và tỷ giá chợ đen tiếp tục giảm giá, thu hẹp mức tăng trước đó.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, nhà điều hành sẽ không giảm lãi suất điều hành, khi Ngân hàng Nhà nước đang phải đảm nhiệm rất nhiều trách nhiệm như kiểm soát lạm phát, tỷ giá, duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế.

Các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định, rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lạm phát vẫn ở dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, cộng với áp lực tăng giá từ giờ đến cuối năm thấp là động lực để NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp - tức là tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tin liên quan
Tin khác