Không chỉ tăng lãi suất, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát hành hơn 155.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn. |
Chưa có yếu tố ủng hộ lãi suất giảm thêm
Xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu từ giữa năm nay và có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2025-2026. Đáng chú ý nhất là quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể được đưa ra trong phiên họp chính sách tuần tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khả năng giảm lãi suất điều hành khó có thể xảy ra năm nay.
“Tôi chưa thấy có yếu tố nào ủng hộ cho khả năng lãi suất giảm thêm. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nỗ lực giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở, song lãi suất liên ngân hàng vẫn cao, lãi suất trên thị trường dân cư cũng tiếp tục tăng”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Không chỉ tăng lãi suất huy động, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát hành hơn 155.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn. Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu lớn nhằm huy động vốn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng khi kênh tiền gửi tăng trưởng chưa cân xứng với tín dụng.
Tính tới ngày 7/9/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 7,15%, cao gấp 3-4 lần tốc độ huy động vốn. Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho rằng, lãi suất tăng chủ yếu do tín dụng hồi phục, không phải do thanh khoản hệ thống có vấn đề.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, những yếu tố nội tại của nền kinh tế khó cho phép NHNN có thể hạ lãi suất điều hành. Tuy vậy, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan cho rằng, khả năng này có thể xảy ra vào năm tới.
- Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research)
“Năm 2024, có thể Fed chỉ giảm nhẹ lãi suất, hơn nữa, NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn Fed, nên khả năng từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ ổn định. Tuy nhiên, sang năm 2025, Fed được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất lên tới 1,5%, khi đó NHNN sẽ có dư địa để hạ 0,5-1% lãi suất điều hành trong năm”, chuyên gia phân tích của Shinhan nhận định.
Dù lãi suất điều hành khó giảm, song áp lực với lãi suất đang nhẹ bớt nhờ tỷ giá hạ nhiệt. Theo các chuyên gia, nếu đồng bạc xanh tiếp tục đi xuống, NHNN có thể tăng mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó bơm thêm tiền đồng ra thị trường.
Riêng với lãi suất cho vay, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, doanh nghiệp chưa cần phải quá lo lắng. Nhiều khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức hiện nay, đặc biệt là lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Nguyên nhân là cầu tín dụng vẫn yếu, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Giữ mặt bằng lãi vay, ngân hàng chấp nhận giảm NIM
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, lãi suất cho vay khó có hy vọng giảm thêm, không chỉ do lãi suất huy động đang tăng, mà còn do nợ xấu phát sinh mới cũng không ngừng tăng cao.
Ảnh hưởng của cơn bão Yagi cho thấy, rủi ro nợ xấu luôn chờ chực với ngân hàng và người vay. Theo ước tính, các doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường hàng ngàn tỷ đồng cho khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão này. Nguy cơ mất vốn của ngân hàng còn lớn hơn, bởi không phải khoản vay nào cũng được mua bảo hiểm.
Trong giai đoạn này, các ngân hàng - đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước - sẽ phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận (NIM) để hỗ trợ nền kinh tế. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, NIM hệ thống sẽ thu hẹp từ quý III và giảm mạnh hơn trong quý IV/2024.
Giới phân tích cũng cho rằng, khả năng mở rộng NIM thời gian tới chỉ còn thuộc về các ngân hàng có lợi thế trong huy động vốn (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn - CASA cao, đa dạng hóa nguồn vốn qua phát hành giấy tờ có giá, vay vốn nước ngoài...); các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, với nhóm khách hàng có khả năng trả nợ nhanh chóng phục hồi; các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay bán lẻ.
Sự suy giảm NIM sẽ được bù đắp bởi khả năng tín dụng tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm, nhờ đó tín dụng cả năm của toàn hệ thống vẫn được kỳ vọng tăng trên 15%. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN tin tưởng, năm nay, tín dụng toàn hệ thống có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Về lãi suất, Phó thống đốc cho rằng, lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại chấp nhận thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.