Vàng là tài sản trú ẩn an toàn mà các nhà đầu tư hướng đến trong thời kỳ bất ổn để phòng ngừa rủi ro lãi suất giảm. Ảnh: AFP |
Theo dữ liệu của Tập đoàn chứng khoán London (LSEG), các nhà giao dịch đã tăng mức cược lên 39% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào ngày 18/9, bỏ xa mức 28% trước khi Financial Times và Wall Street Journal đăng tải một số bài viết liên quan đến mức cắt giảm lãi suất của Fed.
"Đây là một bước ngoặt khác trong cuộc tranh luận (về việc cắt giảm lãi suất của Fed)", ông Tony Sycamore, nhà phân tích tại tập đoàn tài chính IG cho biết. Nhà phân tích của IG lưu ý rằng, cuộc giằng co đang diễn ra trên thị trường hợp đồng tương lai trái phiếu và đặc biệt là tỷ giá đồng đô la Mỹ/đồng yên Nhật.
"Mọi người đều nghĩ rằng, chúng ta đã quay lại đúng hướng với mức giảm 25 điểm cơ bản (lãi suất của Fed - BTV) và bây giờ dự báo mức giảm 50 điểm cơ bản đột nhiên lại xuất hiện", ông Sycamore nói thêm.
Đồng đô la Mỹ trượt giá 0,42% xuống còn 1 USD đổi 141,22 JPY tính đến lúc 00:20 ngày 13/9 (giờ GMT), đồng thời hướng về mức thấp nhất của phiên giao dịch 11/9 là 140,71, mức yếu nhất trong năm nay.
Chỉ số đô la Mỹ, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với đồng yên và 5 đồng tiền mạnh khác, cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần.
Trong khi đó, vàng đang dao động dưới đỉnh giá 2.560,01 USD/ounce thiết lập ngày 12/9.
Chứng khoán châu Á sáng nay nhuộm đỏ, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,7% do sức nặng của đồng yên mạnh lên, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt nhẹ. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,75%.
Hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ tăng nhẹ sau mức tăng trong phiên giao dịch 12/9. Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 đã tăng 0,1%.
Giá dầu thô tiếp tục tăng sau mức tăng khoảng 2% qua đêm khi các nhà sản xuất lo ngại tác động đến sản lượng ở Vịnh Mexico sau khi Bão Francine quét qua các khu vực khai thác dầu ngoài khơi.
Giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,5% lên 69,32 USD/thùng, sau mức tăng 2,5% một ngày trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 72,26 USD/thùng, sau mức tăng 1,9% trong phiên trước.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, Fed sẽ lựa chọn nới lỏng chính sách chậm vì "vẫn còn nhiều việc phải làm" đối với lạm phát.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vào tháng 9, Fitch dự báo Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp vào tháng 9 và tháng 12, trước khi cắt giảm lãi suất 125 điểm cơ bản vào năm 2025 và 75 điểm cơ bản vào năm 2026.
Fitch lưu ý rằng, các mức cắt giảm trên sẽ đạt tổng cộng 250 điểm cơ bản cắt giảm chia thành 10 đợt giảm trong 25 tháng. "Một lý do khiến chúng tôi kỳ vọng Fed nới lỏng tiền tệ sẽ diễn ra với tốc độ tương đối nhẹ nhàng là vẫn còn nhiều việc phải làm về lạm phát", báo cáo của Fitch nêu rõ. Bởi lẽ, lạm phát (chỉ số CPI) của Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đã đề ra.
Fitch cũng chỉ ra rằng, sự sụt giảm gần đây của lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) chủ yếu phản ánh sự sụt giảm của giá ô tô. Đáng nói là sự sụt giảm đó có thể không kéo dài.
Lạm phát tháng 8 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, theo báo cáo của Bộ Lao động. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 8 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2,6% mà Dow Jones dự đoán và đánh dấu mức tăng thấp nhất trong 3 năm rưỡi. So với tháng 7, lạm phát tháng 8 của Mỹ đã tăng 0,2%.
Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,3% trong tháng 8, cao hơn một chút so với ước tăng 0,2%. Mức lạm phát lõi trong 12 tháng qua là phù hợp với dự báo và giữ nguyên ở mức 3,2%.
Fitch lưu ý: "Những thách thức về lạm phát mà Fed phải đối mặt trong 3 năm rưỡi qua cũng có thể khiến các thành viên FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Fed). Phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát và các ngân hàng trung ương đã bộc lộ những khoảng cách trong nhận diện yếu tố thúc đẩy lạm phát".