Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 5/8: Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng diễn biến khó lường
D.Ngân - 05/08/2023 11:46
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết Dengue.

Thêm ca tử vong do sốt xuất huyết

Bệnh nhân nam là N.Y.N, sinh năm 1974, trú tại Buôn Mnut, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Trước đó, ngày 30/7, khi ở nhà, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, đau bụng, buồn nôn.

Ngày 31/7, người nhà đưa bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế Ea H’leo để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ xử trí dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác.

Ngày 1/8, bệnh nhân chuyển nặng được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 3, suy gan cấp.

Ngày 3/8, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 5, xuất huyết tiêu hóa nặng, tổn thương gan cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa nặng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 1.315 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó huyện Ea H’leo có 277 trường hợp mắc bệnh và 2 trường hợp tử vong do bệnh.

Hà Nội: Chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Thống kê của ngành Y tế Hà Nội cho thấy, hiện toàn Thành phố ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc, không có ca tử vong, số mắc tăng 41% so với cùng kỳ 2022.

Ảnh minh hoạ.

Số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quận, huyện. Trước thực tế này, ngành Y tế đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết gia tăng có nhiều nguyên nhân, có cả yếu tố khách quan và chủ quan, với những nguyên nhân chính sau đây, dịch sốt xuất huyết gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam.

Hiện tại, chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống có khó khăn hơn so với các dịch bệnh khác. Sự biến đổi của thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.

Bên cạnh đó, các yếu tố tự nhiên tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển.

Mặt khác, do lượng dân cư di biến động lớn, nhiều học sinh sinh viên, người lao động nhập cư, điều kiện sống tập trung đông đúc tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.

Các hoạt động phòng, chống dịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan lơ là, xem thường dịch, đánh giá nhẹ tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch sốt xuất huyết ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, xác định được những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch nên ngành Y tế đã chủ động các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh; các dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh để người dân biết và tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình mình. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.

Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch; thực hiện tốt hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường; triển khai hoạt động phun hóa chất tại các khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức về điều trị bệnh; tổ chức phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền đáp ứng đầy đủ khi số bệnh nhân gia tăng.

UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Y tế triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Hà Nội huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng tham gia. Triển khai công tác phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ đồng bộ hiệu quả, hạn chế thấp nhất hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế mà còn xuất phát từ chính người dân.

TP.HCM: Cảnh giác với dịch tay chân miệng

Thông tin về tình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần 30 (tính từ 24/7 đến ngày 30/7) số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca.

Tại 21/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (trừ huyện Cần Giờ) đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 30 tăng so với trung bình 4 tuần trước.

Cụ thể, các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân tăng cao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Ghi nhận tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM cho thấy, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị, các bệnh viện đã phải tăng cường thêm nhân lực và mở rộng thêm giường bệnh.

Theo ngành Y tế TP.HCM, mùa dịch 2011 và 2018 là những năm xuất hiện sự lưu hành của chủng virus EV71, mùa dịch kéo dài 5 - 6 tháng và năm nay, TP.HCM cũng xuất hiện chủng virus EV71.

Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu được 2 tháng và theo như mùa dịch của những năm xuất hiện chủng virus EV71, chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị những biện pháp phòng dịch tay chân miệng trong khoảng 3 - 4 tháng nữa thì dịch mới có thể giảm.

Tin liên quan
Tin khác