Đầu tư
3.901 tỷ đồng phát triển đường thủy, logistics; đề xuất 4.200 tỷ đồng làm KCN Nhân Cơ 2
Hạnh Nguyên - 23/04/2022 08:23
Đầu tư 3.901 tỷ đồng phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Việt Phương đề xuất đầu tư 4.200 tỷ đồng xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2…
TIN LIÊN QUAN

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đấu thầu rộng rãi chọn nhà đầu tư Dự án thành phần PPP vành đai 4 Hà Nội

Theo thông tin của Baodautu.vn, Chính phủ vừa có tờ trình số 126/TTr – CP đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại tờ trình số 126, Chính phủ đề xuất triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), trong đó đoạn qua TP.Hà Nội dài 58,2km; Hưng Yên dài 19,3km; Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối 9,7km. 

Dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 90-135m; đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m); các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Trên tuyến bố trí 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng và các lối ra vào đường cao tốc gồm: cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; cao tốc Nội Bài - Hạ Long; hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị phương án trắc dọc đi cao khoảng 65% chiều dài Dự án. Một số đoạn tuyến (khoảng 39,13km, trong đó Hà Nội 10,53km; Hưng Yên 8,4km; Bắc Ninh 20,2km) có nhu cầu liên kết ngang thấp, không quy hoạch tập trung đô thị, công nghiệp có trắc dọc thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư

Ngoài tuyến chính, Dự án còn đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên có chiều rộng nền đường 12m. 

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của Dự án khoảng 1.341ha (TP. Hà Nội 741ha; tỉnh Hưng Yên 274ha, tỉnh Bắc Ninh 326ha), trong đó: đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha, đất dân cư khoảng 58ha, đất khác khoảng 200ha.

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng Dự án thành phần 3 (xây dựng chính tuyến cao tốc đầu tư theo phương thức PPP) gồm hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án trong giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 19.590 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 49.291 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 5.915 tỷ đồng; chi phí dự phòng 8.787 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn Dự án, vốn  Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 50.189 tỷ đồng; vốn ngân sách giai đoạn 2026-2030 là 6.214 tỷ đồng; vốn Nhà đầu tư  27.180 tỷ đồng (chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP.

Tại tờ trình số 126, Chính phủ đề xuất chuẩn bị Dự án từ năm 2021 – 2023; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; triển khai từ năm 2002, cơ bản hoàn thành năm 2024; thi công xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành: 2022-2026; Dự án thành phần 3 triển khai từ 2022-2025 (tiến độ giải ngân kéo dài sang giai đoạn sau 2025).

Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho Dự án, trong đó có việc cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho các địa phương vay đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân cho các Dự án trong giai đoạn năm 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm cả nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường dự án. 

Bên cạnh đó,các dự án thành phần sẽ do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Riêng Dự án thành phần 3: đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) sẽ do UBND TP. Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Đà Nẵng yêu cầu sớm hoàn thành 2 dự án trọng điểm

Phó chủ tịch thường trực HĐNDTP. Đà Nẵng, ông Lê Minh Trung vừa kiểm tra thực tế tình hình thi công Dự án Nhà máy nước Hòa Liên và Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) theo Chương trình Giám sát năm 2022 của HĐND Thành phố. Đây là 2 dự án trọng điểm của TP. Đà Nẵng đang triển khai xây dựng.

Dự án Nhà máy nước Hòa Liên có tổng mức đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng, khởi công vào tháng 3/2020.

Dự án bao gồm các hạng mục chính, như xây dựng đập tràn thu nước trên sông Cu Đê nhằm mục đích khai thác nước thô; xây dựng Trạm bơm nước thô; lắp đặt tuyến ống chuyển tài nước thô D1400 giai đoạn 1 hoạt động với công suất 120.000m3/ngày và có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng trong giai đoạn 2 với công suất 240.000m3/ngày; xây dựng Nhà máy xử lý có công suất xử lý giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày và quy hoạch mở rộng cho giai đoạn 2 với công suất 240.000m3/ngày.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, đến nay, hạng mục Trạm bơm nước thô và Tuyến ống nước thô đã hoàn thành. Hạng mục đập dâng đạt khoảng 99% khối lượng.

Trong khi đó, hạng mục Nhà máy xử lý đã hoàn thành và vận hành chạy thử liên động có tải 100% công suất trong vòng 72h, đạt kết quả tốt. Riêng phần đường bê tông bao quanh nhà máy đã hoàn thành 70%; phần còn lại (khoảng 140m) Ban Quản lý đang phối hợp cùng UBND huyện Hòa Vang để triển ngay sau khi có mặt bằng.

Với Dự án Khu công viên phần mềm số 2, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, khu gồm 2 khối ICT1 và ICT2, được khởi công từ tháng 10/2020.

Khối ICT1 hoàn thành cơ bản gói thầu xây lắp vào 31/12/2021. Tuy nhiên, do gói thầu thiết bị chậm tiến độ nên hồ sơ thiết kế dự toán phần điều chỉnh bổ sung chưa được thẩm định phê duyệt, dẫn đến chưa đủ cơ sở bàn giao mặt bằng cho đơn vị sử dụng tiếp tục hoàn thiện.

Tiến độ 2 khối ICT1 và ICT2 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng ngoài nhà đã hoàn thành bể nước, bể tự hoại, mương thoát nước giao thông quanh khối nhà ICT1. Lũy kế giá trị giải ngân Dự án từ khởi công đến ngày 13/4/2022 là 588,25 tỷ đồng, đạt 84% trên tổng mức vốn đã bố trí cho dự án (698,8 tỷ đồng).

Theo tiến độ hợp đồng, phần xây lắp khối ICT1 và ICT2 hoàn thành vào tháng 8/2022. Riêng phần thiết bị thang máy, máy phát điện… của 2 khối nhà vẫn chưa có chủ trương thực hiện.

Sau khi kiểm tra thực tế hai dự án, đối với Nhà máy nước Hòa Liên, ông Lê Minh Trung yêu cầu huyện Hòa Vang phối hợp với Ban Quản lý dự án giải quyết nhanh những vướng mắc trong công tác giải đền bù, nhất là khu vực tường rào nhà máy và dưới lòng hồ.

Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án phối hợp với Sở Xây dựng rà soát tất cả hồ sơ thủ tục cần thiết để nhà máy đi vào vận hành, trên cơ sở đó đề xuất thời điểm khánh thành nhà máy cụ thể, với nguyên tắc phải đảm bảo nhà máy có thể đi vào hoạt động ngay sau khi khánh thành.

Đối với dự án Khu công viên phần mềm số 2, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối ICT1 để đưa vào vận hành.

Yêu cầu Sở Xây dựng Thành phố phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý dự án trong việc trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế - dự toán phần điều chỉnh bổ sung theo Nghị quyết số 358/NQ-HĐND, để tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công và hoàn thành gói thầu thiết bị theo tiến độ đề ra.

“Đối với khối ICT và ICT2, đề nghị Ban quản lý dự án phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả của việc tiếp tục đầu tư hai khối nhà này, đề xuất mức độ đầu tư phù hợp trong điều kiện ngân sách thành phố còn khó khăn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất. Tránh trường hợp đầu tư xây dựng xong, thiếu thiết bị không thể đưa vào vận hành, dẫn đến việc xuống cấp của công trình”, ông Lê Minh Trung yêu cầu.

Phú Yên rà soát các giải pháp để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu không để xảy ra việc cá nhân vì muốn trục lợi mà làm phức tạp và gây cản trở tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam.

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đối với các sở ngành, địa phương tập trung song song các nội dung, nhiệm vụ nhằm thực hiện Dự án đúng tiến độ Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông,  giai đoạn 2021-2025 (dự án đường cao tốc Bắc - Nam) đoạn qua địa phận Phú Yên.

Chiều nay (22/4), Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế - Trưởng Ban chỉ đạo 319  cùng với đại diện các sở, ban ngành đã báo cáo tại sự kiện trực tuyến với  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với các bộ, ngành, chủ đầu tư.

Đến nay, UBND tỉnh và các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Hội đồng giải phóng mặt bằng; hoàn thành thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến với các Ban Quản lý dự án; tổ chức thẩm định và trình các bộ ngành liên quan về chủ trương chuyển đổi các diện tích đất để triển khai Dự án. 

Về tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, chủ đầu tư đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 được 4/42,1km (đạt 9,5%). Đối với Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, chủ đầu tư đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 được 10/48,052km (đạt 20,8%) đoạn qua TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa.

Cụ thể, theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên, dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 90,15km, với 2 dự án thành phần: đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong. Dự án đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa.

Trong giai đoạn 1, dự án được thiết kế nền đường 17m, với 4 làn xe. Đến giai đoạn hoàn chỉnh, dự án có thiết kế nền đường 32,25m, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h; hướng tuyến đi song song và cách quốc lộ 1A khoảng 0,5 - 6,5km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 19.000 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh Phú Yên và các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB); hoàn thành thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến với Ban Quản lý Dự án 85 và Ban Quản lý Dự án 7; tổ chức thẩm định và trình các bộ, ngành liên quan về chủ trương chuyển đổi các diện tích đất để triển khai dự án.

Đó là Ban chỉ đạo 319 về việc triển khai dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, do ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên làm trưởng ban.

Đối với dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB đợt 1 được 4/42,1km (đạt 9,5%) và đợt 2 dự kiến trước ngày 30/4 với khoảng 11,6km, đoạn qua thị xã Sông Cầu.

Đối với dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB đợt 1 được 10/48,052km (đạt 20,8%) đoạn qua TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Dự kiến, đợt 2 sẽ tiếp tục bàn giao khoảng 20km qua 5 huyện, thị trong tỉnh vào ngày 28/4.

Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo 319 về các công tác liên quan. Ông Trần Hữu Thế yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung song song các nội dung, nhiệm vụ nhằm thực hiện dự án đúng tiến độ. Trong đó, giao Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật tình hình triển khai dự án; tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh để đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Sở Xây dựng rà soát, xác định vị trí, quy hoạch, quy mô đầu tư xây dựng các khu tái định cư; xác định các mỏ vật liệu, bãi thải đáp ứng yêu cầu phục vụ dự án. Sở Nông nghiệp - PTNT chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác ban hành chính sách bồi thường đối với cây trồng bị ảnh hưởng bởi dự án.

Các huyện, thị, thành phố đã và chuẩn bị nhận bàn giao cọc, mốc GPMB cần chuẩn bị các bước xác minh nguồn gốc đất, thống kê số hộ dân bị ảnh hưởng và chuẩn bị các thủ tục bồi thường, GPMB.

Đồng thời, các địa phương cần quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân vì muốn trục lợi mà làm phức tạp và gây cản trở cho quá trình triển khai dự án.

Bình đẳng trong đầu tư xây dựng dự án giao thông

Việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ký quyết định thành lập Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng Dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế- xã hội và một số công trình, Dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà thầu.

Đây là những nhà thầu hy vọng sẽ được tham gia các dự án hạ tầng giao thông có quy mô hàng trăm ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, với vị thế bình đẳng hơn trong thực hiện hợp đồng với các chủ đầu tư Nhà nước.

Trước đó, trong chuyến công tác xuyên Việt, xuyên Tết để kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án (trong đó có dự án đường cao tốc) theo quy trình rút gọn. 

Yêu cầu mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra khi xây dựng nghị định đặc biệt này là phải vừa khuyến khích sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa phòng ngừa các vi phạm trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, dự án.

Hiện có ít nhất 5 dự án đường cao tốc, với tổng mức đầu tư gần 200.000 tỷ đồng dự kiến nhận vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đang được các cơ quan chức năng gấp rút hoàn tất thủ tục đầu tư. Để đảm bảo mục tiêu đề ra của Chương trình, các dự án này phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025 nhằm tạo động lực quan trọng, giúp đất nước phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.

Như vậy, thách thức đặt ra là rất lớn, bởi các chủ đầu tư chỉ còn khoảng 3 năm để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Điều đó đòi hỏi các chủ thể liên quan, trong đó các đơn vị thi công phải có cách làm vừa quyết liệt, nhưng cũng phải rất sáng tạo, áp dụng biện pháp tổ chức thi công tiên tiến mới mong rút ngắn tiến độ.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2003, phiên bản đầu tiên của Luật Xây dựng khi được ban hành đã đề cập việc thưởng, phạt hợp đồng đối với gói thầu xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, chế độ thưởng, phạt được đề cập ở cấp nghị định.

Trên thực tế, trong hầu hết hợp đồng thi công xây dựng dự án đầu tư công hiện nay, điều khoản về thưởng - phạt hợp đồng thường rất mờ nhạt và vẫn còn tình trạng “nhờn” khi thực thi do mối quan hệ nhập nhằng giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát. Đó là chưa kể, tỷ lệ phạt chậm thực hiện hợp đồng tại các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công chỉ giới hạn ở mức 12% giá trị hợp đồng; thưởng vượt tiến độ cũng chỉ ở mức 12% giá trị làm lợi hiện chưa tạo động lực thực sự đối với các nhà thầu.

Trong khi đó, nhiều chủ dự án tư nhân như Vingroup, Sun Group, bên cạnh việc đáp ứng đúng cam kết về bố trí vốn, mặt bằng, thanh toán, đã thực hiện xử phạt vi phạm hợp đồng một cách nghiêm túc, mạnh tay. Tại các dự án của các nhà đầu tư này, nếu nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ không thanh toán những phần việc đã làm và cho nhà thầu khác vào làm thay ngay lập tức. Nhà thầu phải chịu phạt hợp đồng đến mức có thể bị phá sản nếu vi phạm nghiêm trọng về chất lượng và tiến độ.

Chính chế tài mạnh, thực hiện nghiêm khiến nhà thầu, nếu muốn tồn tại, phát triển thì phải thực hiện nghiêm hợp đồng. Nhờ đó, các dự án của chủ đầu tư tư nhân thường bám rất sát kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, nếu nhà thầu làm tốt, nhanh gọn, chủ đầu tư có thể áp dụng các mức thưởng, ít nhất là tương xứng với các chi phí bỏ ra để rút ngắn tiến độ.

Kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động xây dựng cho thấy, việc sớm ban hành nghị định về thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng là rất cấp thiết. Điều này không chỉ cần thiết với các dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cùng một số công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, mà cần được mở rộng ra toàn bộ dự án đầu tư công trong thời gian tới.

Ngoài việc sớm có một chế tài rõ ràng về thưởng, phạt hợp đồng, yêu cầu đặt ra là các chủ thể tham gia cần có ý thức thực hiện đúng, đủ các cam kết đã ký, qua đó vừa để tạo thế bình đẳng trong việc thực hiện hợp đồng, vừa giữ nghiêm kỷ luật đầu tư. Đây mới chính là yếu tố quan trọng, góp phần cải thiện tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công từng mắc “bệnh” chậm tiến độ kéo dài nhưng chưa có phương thức điều trị dứt điểm.

Đà Nẵng rút ngắn thủ tục đầu tư đối với dự án có vốn ngoài ngân sách

Ngày 18/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 31/3/2022, Thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 Dự ánđầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 3.358,6 tỷ đồng.

Cụ thể, có 3 dự án ngoài khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 2.159,9 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần về số vốn so với cùng kỳ 2021; 7 dự án trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ - thông tin với tổng vốn đầu tư 1.198,7 tỷ đồng, tăng gấp 11,6 lần về số vốn so với cùng kỳ 2021.

Về vốn đầu tư nước ngoài, TP. Đà Nẵng đã cấp mới 8 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,908 triệu USD. Ngoài ra, có 5 lượt dự án FDI tăng vốn, với vốn tăng thêm 1,487 triệu USD…

Về phát triển doanh nghiệp, TP. Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.128 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 7.594 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 59,7% so với cùng kỳ 2021. Dẫu vậy, do một số ngành nghề còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid -19, nên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn tăng 44,1%; hoàn tất thủ tục giải thể cho 174 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện …

Lũy đến 31/3/2022, trên địa bàn Đà Nẵng có 33.884 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 230.142 tỷ đồng.

Đà Nẵng hiện có 350 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 131.400 tỷ đồng; 378 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ - thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư 28.624 tỷ đồng và 919 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,929 tỷ USD.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, Thành phố đang triển khai hiệu quả Chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".

Để tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư, Đà Nẵng sẽ thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư với hình thức phù hợp diễn biến của dịch COVID-19; tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, mặt bằng sạch.

Song song với các hoạt động trên, Đà Nẵng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn thành phố,

Chính quyền TP. Đà Nẵng cho biết, sẽ thúc đẩy các dự án quy mô, động lực như Dự án Không gian sáng tạo (CMC); Khu du lịch Làng Vân; Khu tổ hợp đô thị thông minh - khu phi thuế quan... Hoàn thành việc xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng năm 2022, định hướng đến năm 2030 trong tháng 6/2022. Tổ chức Diễn đàn đầu tư năm 2022 trong Quý II/2022.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách. Theo đó, thống nhất chủ trương cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với các thủ tục có liên quan khác như thẩm định điều kiện giao đất/ cho thuê đất/ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cập nhật thông tin tại quyết định quy hoạch...

Ngoài ra, xây dựng và hoàn thành trong tháng 4/2022 quy trình chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ - thông tin tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đường Vành đai 4 TP.HCM được đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2025

Các địa phương liên quan đến Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đã họp bàn, phân giao nhiệm vụ và trách nhiệm để hoàn thành Dự án trước năm 2025 ở một số địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai đã họp bàn phương án đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua 2 địa phương này. 

Dự án đường Vành đai 4 TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28/9/2011, với chiều dài 197,6 km. Hướng tuyến đi qua 5 tỉnh thành, gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (18,3 km), Đồng Nai (45,45 km), Bình Dương (48,25 km), TP.HCM (20,5 km) và Long An (67,85 km).

Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là cung đường đầu tuyến, có tính liên kết chặt chẽ với nhau trong lưu thông vận tải đường bộ, thuộc Vùng kinh tế Đông Nam bộ sầm uất, có cảng biển và sân bay cùng nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mật độ cao.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các công ty tư vấn và ý kiến của các sở, ngành 2 địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai thống nhất cùng lúc triển khai thi công đường Vành đai 4 TPHCM, dự kiến hoàn thành trước năm 2025.

Tỉnh Bình Dương quyết định thành lập 6 tổ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đường vành đai 4 do ông Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm tổ trưởng. 

Hiện tại, Bình Dương đang tích cực phối hợp với TP.HCM triển khai tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. Các địa phương chủ động tính toán khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4.

Đối với đường vành đai 4 TP.HCM, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên (bắc ngang sông Đồng Nai, nối hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai) đến sông Sài Gòn dài khoảng 48,3 km. Bình Dương đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6 km, còn lại 21,7km chưa đầu tư.

Theo kế hoạch, tới năm 2030, đường vành đai 4 TP.HCM mới hoàn thành, nhưng UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành Dự án trong năm 2024, nghĩa là sớm hơn 6 năm. Trong đó, tỉnh sẽ giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh, còn chi phí xây lắp sẽ từ vốn của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, cảng sông có tuyến đường đi qua.

Tại TP.HCM, đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc Dự án Vành đai 4 TP.HCM đã được Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông - Vận tải. Theo đó, mức đầu tư khoảng 7.100 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, việc sớm khép kín đường Vành đai 4 tạo sự đồng bộ cơ sở hạ tầng, góp phần phát huy hiệu quả kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, cảng Phú Mỹ, sân bay quốc tế Long Thành; thúc đẩy các dịch vụ vận chuyển logistics, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, phát triển dịch vụ cảng.

Tuy nhiên, qua rà soát tổng thể về nhu cầu vốn, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối không đủ, chỉ đáp ứng được 20,1%. TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án vành đai.

Cần Thơ tập trung nguồn lực triển khai 3 dự án động lực

Đó là các dự án: Trung tâm năng lượng Ô Môn, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Cần Thơ, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Chiều ngày 18/4, UBND TP. Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài quý I năm 2022.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, trong quý I/2022, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố bắt đầu phục hồi tốc độ phát triển; các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn quý I/2022 của thành phố đạt 5,75%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đứng thứ hai ĐBSCL, sau tỉnh Bạc Liêu với 5,86%), đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Hải Phòng, Hà Nội).

Ông Tâm cũng cho biết, hầu hết các chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp... của Thành phố trong quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2021.

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 42 ngàn tỷ đồng, đạt 26,63% kế hoạch, tăng 12,66% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 505 triệu USD, đạt 25% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Quý I/2022, Thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 460 doanh nghiệp các loại hình, đạt 32,85% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký hơn 2.347 tỷ đồng, đạt 14,66 % kế hoạch. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 21,37%.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến ngày 24/3/2022, kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công là 498,301/7.030,266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,1% kế hoạch.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 20/3/2022 đạt gần 3.088 tỷ đồng, đạt 18,77% dự toán Trung ương giao và đạt 18,32% dự toán HĐND Thành phố giao.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, hiện Thành phố đang tập trung nguồn lực để triển khai 3 dự án trọng điểm, quy mô lớn, đó là: Trung tâm năng lượng Ô Môn, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VISIP) tại Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ đưa Cần Thơ phát triển đột phá trong thời gian tới.

Đối với Trung tâm năng lượng Ô Môn, ông Hiển cho biết, trước đây dự kiến làm 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhưng hiện nay chủ trương sẽ làm 5 nhà máy, gồm: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, III, IV, V với vốn đầu tư cho mỗi nhà máy khoảng 1,3 tỷ USD. Theo ông Hiển, cộng lại vốn đầu tư của cụm 5 nhà máy này hơn 20 năm vừa qua kêu gọi đầu tư của Thành phố.

Trong đó, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I đã hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II đã cấp chủ trương đầu tư, đang làm các thủ tục để triển khai xây dựng. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III đang trình Quốc hội xin vốn ODA để triển khai dự án. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV đã có chủ trương đầu tư, đang phát hành hồ sơ chọn lựa đơn vị thi công. Dự án nhiệt điện Ô Môn V, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xin chủ trương đầu tư.

Theo ông Hiển, nguồn thu ngân sách từ 5 dự án này khi hoàn thành rất lớn. Kể cả trong quá trình thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cũng thu được rất nhiều thuế. “Đây là các dự án rất quan trọng, vì vậy, Thành phố tập trung hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai sớm cụm dự án này”, ông Hiển nói.

Đối với dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Cần Thơ (VSIP), ông Hiển cho biết, trước mắt, Thành phố giao cho VSIP 293 ha đất (giai đoạn 1) trong khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (được quy hoạch 900 ha). Hiện VSIP đang khẩn trương xin Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư. VISIP cam kết sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công làm hạ tầng sẽ lấp đầy 50% diện tích 293 ha đất khu công nghiệp được giao. Theo ông Hiển, Thành phố đánh giá cao VISIP bởi sự thành công trong thời gian qua của Tập đoàn này khi đầu tư phát triển khu công nghiệp tại các địa phương trong cả nước.

Đối với dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, ông Hiển thông tin, theo quy hoạch Trung tâm này là 450 ha, nhưng Thành phố muốn quy hoạch diện tích lớn hơn, bởi nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trung tâm này dự kiến đặt tại khu vực cạnh Cảng hàng không quốc tế TP Cần Thơ, và sẽ được giao cho Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ quản lý, vận hành, mời gọi các nhà đầu tư vào làm. “Trung tâm này hoàn thành đi vào hoạt động, đây sẽ là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ”, ông Hiển chia sẻ.

Đầu tư 3.307 tỷ đồng xây cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Sơn La

UBND tỉnh Sơn La đề xuất phương án đầu tư công phần cao tốc nằm trên địa phận huyện Mộc Châu sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng Dự án PPP cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

UBND tỉnh Sơn La vừa có văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Văn bản này được UBND tỉnh Sơn La gửi đi chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 về việc dừng triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức PPP.

Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư ủng hộ đề xuất của tỉnh này về việc đàu tư đoạn tuyến từ Km53- đến cuối tuyến thuộc Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu như sau theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự kiến tổng mức đầu tư thực hiện đoạn tuyến này khoảng 3.307 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.800 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1.507 tỷ đồng (đã được HĐND tỉnh thông qua tại nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 10/8/2021).

UBND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị giao cho tỉnh này là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư đoạn tuyến theo quy định của pháp luật.

“UBND tỉnh có trách nhiệm kế thừa hồ sơ, tài liệu của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước đây của dự án để hoàn thiện, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định của Luật Đầu tư công”, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Được biết, vào năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu theo phương thức PPP và chuyển hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị chia Dự án thành 3 dự án thành phần, gồm: Dự án số 1 (từ Km0 đến Km19 (địa phận tỉnh Hòa Bình) - thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do tỉnh Hòa Bình thực hiện.

Dự án số 2 (từ Km19 đến Km53 (địa phận tỉnh Hòa Bình) - thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác do tỉnh Hòa Bình thực hiện.

Dự án số 3 (từ Km53+00 đến cuối tuyến (địa phận tỉnh Sơn La) - thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do tỉnh Sơn La thực hiện.

Tuy nhiên, qua rà soát, UBND tỉnh Sơn La cho biết, hiện Dự án số 1 (đoạn Km0 đến Km19) đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 2/2022 theo hình thức đầu tư công, nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Trung ương (2.500 tỷ đồng), ngân sách tỉnh Hòa Bình (1.620 tỷ đồng) và đang tổ chức triển khai thực hiện.

Dự án số 2 (đoạn từ Km19 đến Km53) được đề xuất đưa vào Chương trình phục hồi phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Hiện nay, UBND tỉnh Hòa Bình đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Liên quan đến việc xử lý dứt điểm đối với các nội dung công việc đã thực hiện trước đây của Dự án, UBND tỉnh Sơn La cho biết là vào tháng 11/2021, tỉnh này và Công ty cổ phần Đầu tư cao tốc Hòa Bình - Sơn La (đơn vị đề xuất dự án trước đây) đã có buổi làm việc thống nhất chủ trương dừng thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư và chuyển sang hình thức đầu tư công.

Cụ thể, trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo phương thức PPP và chuyển hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, nội dung thỏa thuận đã ký ngày 3 29/7/2019 giữa UBND tỉnh Sơn La với công ty chấm dứt hiệu lực, các bên xử lý các nội dung đã ký kết theo quy định.

Như vậy, việc xử lý đối với các nội dung công việc đã thực hiện trước đây của dự án, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện đã đảm bảo.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức PPP. Tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49 km (đi qua thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc) và trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 36 km (đi qua huyện Vân Hồ, huyện Mộc Châu).

Dự án có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 6 tại Km66 700 thuộc địa phận xã Trung Minh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (tiếp nối với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 43 thuộc địa phận bản Muống, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Quá trình triển khai Dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc như: thay đổi về địa điểm dự án, tổng mức đầu tư, loại hợp đồng dự án; khả năng cân đối nguồn ngân sách Nhà nước; khả năng quản lý dự án của địa phương; khả năng kêu gọi nhà đầu tư và tổ chức tín dụng...

Do vậy, UBND tỉnh Sơn La đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo phương thức PPP và đề nghị chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư công.

Quảng Nam tìm chủ đầu tư cho khu du lịch nghỉ dưỡng hơn 1.400 tỷ đồng

Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Gò Rỳ - Gò Đình, có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đang được tỉnh Quảng Nam tìm kiếm nhà đầu tư.

Ngày 19/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết đã thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Gò Rỳ - Gò Đình.

Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Gò Rỳ - Gò Đình có mục tiêu tạo sản phẩm du lịch đặc sắc kết hợp hài hòa giữa công trình dự án với thiên nhiên vùng sông nước và giá trị văn hóa bản địa; góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, tôn tạo những nét đẹp bình yên của làng quê ven sông Thu Bồn; xây dựng sản phẩm nông nghiệp, cây ăn trái có chất lượng cao cho khu vực.

Dự án có quy mô khoảng 120,42 ha, thuộc địa bàn các xã Điện Phước, Điện Phong, Điện Minh và phường Điện An (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tổng mức đầu tư chi Khu du lịch này khoảng 1.440 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án khoảng 1.200 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 240 tỷ đồng. Thời gian, tiến độ đầu tư xây dựng dự án dự kiến 6 năm, từ năm 2022 đến hết năm 2027.

Theo quyết định Phê duyệt nội dung kêu gọi đầu tư Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Gò Rỳ - Gò Đình, tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh và phê duyệt bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư bằng văn bản; tổ chức công bố, đăng tải nội dung kêu gọi đầu tư và bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư lên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng và tổ chức đánh giá đề xuất dự án của các nhà đầu tư theo bộ tiêu chí đã được công bố để lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn và các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất thực hiện dự án là 30 ngày, kể từ ngày nội dung kêu gọi đầu tư dự án và bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được đăng tải.

Nhà đầu tư quan tâm  nộp hồ sơ đề xuất thực hiện dự án trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam.

Đưa vào khai thác 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm nay

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 19/4/2022 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thông báo nêu rõ: Qua kiểm tra hiện trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, tiến độ xây lắp của 2 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Cam Lộ - La Sơn) cơ bản đáp ứng yêu cầu (đoạn Cam Lộ - La Sơn đã đạt 81,8%, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt 57,5%).

Trên công trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, tinh thần, khí thế lao động tập trung cao, các hạng mục công trình lớn như: hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi, cầu Núi Đọi và toàn bộ nền đường đã dần được hình thành.

Đối với 2 tuyến còn lại (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) đạt 32-38,5% giá trị hợp đồng, trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 13,3% giá trị hợp đồng (chậm 02 tháng so với kế hoạch), do đó cần phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa.

Phó thủ tướng hoan nghênh, biểu dương Bộ Giao thông - Vận tải, các ban quản lý dự án, nhà thầu của 4 dự án đã cố gắng, nỗ lực, khắc phục những khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo thường xuyên, cụ thể tại hiện trường; các ban quản lý dự án chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp điều hành sâu sát, quyết liệt.

Về tổng thể, các dự án rất thuận lợi, trong đó giải phóng mặt bằng cơ bản xong (đạt 99,99%), nguồn vốn đã được bố trí đủ…, tuy nhiên, hiện còn một số tồn tại như: tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tỉnh Bình Thuận còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, còn thiếu 0,9 triệu m3 tại 2 mỏ chưa được cấp phép; giá nhiên, vật liệu tăng cao…

Chính phủ đã thông qua mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành, đưa vào khai thác 04 đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 361 km. Đây là tiền đề rất quan trọng để bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành 2.500 km đường bộ cao tốc.

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan phải tập trung, nỗ lực cao hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết triệt để một cách khách quan, đúng theo quy định pháp luật, quyết tâm phải hoàn thành mục tiêu này.

Bộ Xây dựng phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về quản lý chi phí xây dựng, trong đó có giá vật tư, vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng…, khẩn trương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022 về biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình xây dựng giao thông để tháo gỡ, giảm thiểu khó khăn cho các nhà thầu xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện Dự án theo nhiệm vụ giao tại Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 14/3/2022.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá kinh nghiệm thời gian qua, tiếp tục phát huy phương thức, cách làm hiệu quả như: bám sát công trường, phối hợp chặt chẽ với địa phương; chỉ đạo các cơ quan đánh giá tiến độ theo cam kết của nhà thầu, chỉ đạo ban quản lý dự án dứt khoát điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu không đủ năng lực…; tiếp tục kiểm soát khối lượng từng ngày, từng gói thầu, từng tuyến để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp, kiên quyết xử lý thật nghiêm ban quản lý dự án, nhà thầu vi phạm cam kết và hợp đồng đã ký.

Các ban quản lý dự án phải tiếp tục điều hành, quản lý quyết liệt, sâu sát, dứt điểm từng việc…; phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải về tiến độ, chất lượng công trình theo đúng cam kết. Các ban quản lý dự án đặc biệt lưu ý phải bảo đảm chất lượng công trình, dự án lên hàng đầu, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; chất lượng công trình gắn với trách nhiệm của từng cá nhân; Ban quản lý dự án cùng với tư vấn giám sát, kỹ thuật viên phải kiểm tra thường xuyên, liên tục… bảo đảm tuân thủ đúng quy trình quy phạm, hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật…

Các đơn vị tư vấn, nhà thầu phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như vinh dự trong triển khai dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Thời gian tới, tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn đồng thời phải tận dụng tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp, bổ sung trang thiết bị, nhân lực đi đôi động viên, khuyến khích để người lao động tích cực nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ, bù đắp khối lượng chậm…

Song song với bảo đảm tiến độ, các đơn vị phải kiểm soát chặt về chất lượng, tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, thi công sai quy định ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

Bình Định chính thức khởi động lại dự án “treo” 20 năm

Ngày 20/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội chính thức động thổ tại thôn Vĩnh hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định).

Dự án có diện tích 236 ha với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028, do Công ty Cổ phần Du lịch và Khách sạn Việt – Mỹ làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng với quy mô bao gồm 1.129 căn biệt thự, 1.192 phòng khách sạn và các tiện ích kèm theo như sân gôn, khu phức hợp thương mại mua sắm, dịch vụ và giải trí, công viên chủ đề, cùng nhiều tiện ích cao cấp khác. Theo đó, dự án này được phân kỳ thành 2 giai đoạn phát triển chính với mục tiêu hoàn thiện toàn bộ vào năm 2028.

Với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn và quỹ đất, chủ đầu tư sẽ bắt đầu đưa các sản phẩm vào kinh doanh và vận hành từ năm 2024 với khoảng hơn 200 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, bao gồm biệt thự biển (Beach Villa) và biệt thự đồi (Hilltop Villa) từ 1 - 4 phòng ngủ. Các năm sau đó, dự kiến mỗi năm sẽ lần lượt ra mắt từ 400 đến hơn 500 căn.

Tính đến năm 2028 khi hoàn thiện toàn bộ, thì dự án sẽ có tổng cộng 2.321 căn; sân gôn 18 lỗ và một loạt các tiện ích giải trí cao cấp kèm theo.

Theo ông Thanh, đây là dự án có quy mô lớn, khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách, đặc biệt tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cũng cho biết, sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án…

Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng đề nghị nhà đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để hoàn tất các thủ tục đảm bảo theo quy định.

Trước đó, giữa năm 2021 Báo Đầu tư đã từng có bài viết về việc tỉnh Bình Định đã có những chính sách đặc thù nhằm “mở lối” cho đại dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội “treo” gần 20 năm với nhiều hệ lụy tại địa phương này.

Năm 2007, Bình Định hân hoan khi một doanh nghiệp quyết định đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại thung lũng Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định), với tổng vốn lên đến 250 triệu USD.

Song, dự án khởi động chưa lâu thì “đứt hơi”, khiến hàng trăm hộ dân vùng ảnh hưởng phải sống khổ sở.

Cụ thể, Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt từ tháng 12/2007, quy mô ban đầu khoảng 324 ha, với các hạng mục như: khách sạn nghỉ dưỡng, resort, quảng trường, trung tâm hội nghị, sân golf, bãi tắm cộng đồng, khu bảo tồn sinh thái. Dự án do Công ty TNHH một thành viên Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ (100% vốn nước ngoài) làm chủ đầu tư, chia làm 2 giai đoạn, dự kiến năm 2014 sẽ hoàn thành.

Theo UBND tỉnh Bình Định, Dự án bắt đầu “manh nha” từ năm 2002 và được đăng ký đầu tư vào năm 2007. Đến năm 2020, Dự án vẫn không có khả năng thực thi do năng lực nhà đầu tư. Đến cuối năm 2020, Tập đoàn VinaCapital tham gia góp vốn và là cổ đông chính của Công ty cổ phần Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ, nên Dự án mới được khởi động lại.

Đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Định có văn bản thông báo về việc chủ đầu tư sẽ triển khai Dự án trong năm nay.

Đến tháng 6/2021, tại UBND xã Cát Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã có cuộc đối thoại với người dân thôn Vĩnh Hội và công bố quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án. Để triển khai dự án này, cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng và di dời toàn bộ người dân thôn Vĩnh Hội, gồm hơn 350 hộ gia đình, với khoảng 1.500 nhân khẩu...

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, sau khi điều chỉnh, diện tích Dự án còn hơn 230 ha. Nhà đầu tư chỉ được xây dựng các hạng mục của Dự án cách mép nước biển 100 m. Khu vực bãi biển, đường giao thông là của công cộng. Tỉnh Bình Định đã triển khai quy hoạch, xây dựng 2 khu tái định cư thuộc Dự án, tổng số lô đất được sử dụng tái định cư khoảng 345 lô.

Cần Thơ "mạnh tay" với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký Công văn số 1394/UBND-XDĐT gửi Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện về việc tăng cường các biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Tại Công văn nêu trên, UBND TP. Cần Thơ cho biết, theo số liệu báo cáo hàng ngày của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ (tính mốc thời gian 10 ngày: từ ngày 5 đến ngày 15/4/2022), tỷ lệ giải ngân của thành phố tiến triển rất chậm (tương ứng thời gian nêu trên, tỷ lệ giải ngân từ 7,8% đến 8,7% (trong 10 ngày, chỉ tăng 0,9%), trong đó: 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%, 10 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, 5 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, 3 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, 4 chủ đầu tư có tỷ lệ giải trên từ trên 30% - 71%).

UBND TP. Cần Thơ cho rằng, tinh thần trách nhiệm của một số Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý Dự án chưa cao, thiếu quyết tâm, năng lực tổ chức và cá nhân phụ trách dự án chưa nhiều kinh nghiệm, bị động trong công tác phối hợp và thiếu các biện pháp mạnh, hữu hiệu trong triển khai các gói thầu, hạng mục công trình, dự án... nếu chậm đổi mới phương pháp làm việc, thì khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 không hoàn thành kế hoạch đề ra (trên 95%).

“Chủ tịch UBND Thành phố phê bình nghiêm khắc và cảnh cáo Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án, quản lý dự án, đối với các công trình/dự án đã có nhà thầu thi công, nhưng có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 15/4/2022 dưới 10% (theo số liệu Kho bạc nhà nước Cần Thơ)”, Công văn nêu.

Nhằm tiếp tục chấn chỉnh và giải quyết kịp thời các vướng mắc, điểm nghẽn trong đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án, quản lý dự án, khẩn trương kiểm tra, đối chiếu quy định pháp luật hiện hành, các điều khoản trong hợp đồng thi công đã ký kết, thực trạng công tác triển khai trên công trường (khách quan, chủ quan...), thực hiện ngay các biện pháp phù hợp chế tài các nhà thầu: cảnh cáo, xử phạt, cắt hợp đồng, thay thế ngay các nhà thầu yếu năng lực, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, cấm tham dự thầu trên địa bàn thành phố... đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND Thành phố trước ngày 24/4/2022. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công trên công trường, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền, có báo cáo đề xuất cụ thể, trình sở, ngành chức năng/UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thường xuyên kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng thi công các dự án/công trình trên địa bàn, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nếu chậm bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và tỷ lệ giải ngân của địa phương và thành phố.

UBND quận, huyện có trách nhiệm rà soát, báo cáo chi tiết về kế hoạch, tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án/công trình trên địa bàn, có văn bản cam kết tiến độ hoàn thành (do Chủ tịch UBND quận, huyện ký) và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố. Thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 27/4/2022.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND quận, huyện theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định, tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư, tiến độ thi công các gói thầu, tăng tỷ lệ giải ngân; báo cáo, đề xuất giải quyết kịp thời các nội dung vượt thẩm quyền...

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, tính đến ngày 24/3/2022, kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công của thành phố là 498,301/7.030,266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,1% kế hoạch. Trong đó, cấp thành phố giải ngân đạt 4,5% kế hoạch; cấp quận, huyện giải ngân đạt 12,2% kế hoạch.

Tư lệnh giao thông yêu cầu lãnh đạo các PMU bám công trường thúc giải ngân vốn

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thể hiện sự sốt ruột và không hài lòng với lãnh đạo một số Ban quản lý dự án - PMU có khối lượng giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra.

“Khối lượng giải ngân chưa được như kỳ vọng, việc các PMU/Sở GTVT cần làm lúc này không phải là tìm lý do để bao biện. Thay vào đó, phải gấp rút tìm ra giải pháp, tranh thủ đẩy nhanh tiến độ khi giải quyết được vật liệu, thời tiết thuận lợi để kịp bù phần chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra chỉ đạo như vậy tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ, giải ngân các dự án GTVT diễn ra vào chiều 20/4.

Trước đó, người đứng đầu ngành GTVT đã đưa ra thông điệp: những đơn vị giải ngân không đáp ứng yêu cầu, làm mất uy tín của ngành, Bộ GTVT sẽ xử ngay cán bộ, điều chuyển công việc, tuyệt đối không xuề xòa.

Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư, PMU, dự kiến trong tháng 4/2022, Bộ GTVT giải ngân được 4.000 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 4/2022 giải ngân 11.200/42.845 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 25,9% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 22,2% kế hoach được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong số này, các dự án ODA  giải ngân được 1.321 tỷ đồng (giải ngân tháng 4/2022 khoảng 300 tỷ đồng); cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1) giải ngân được 3.675 tỷ đồng (giải ngân tháng 4/2022 khoảng 1.100 tỷ đồng); cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2) giải ngân được 161 tỷ đồng; các dự án quan trọng cấp bách giải ngân được 570 tỷ (giải ngân tháng 4/2022 khoảng 160 tỷ đồng); các dự án thu hồi ứng trước kế hoạch 2.477 tỷ đồng tỷ (giải ngân tháng 4/2022 khoảng 500 tỷ đồng); trả nợ các dự án BT 1.162 tỷ đồng.

Đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), kết quả giải ngân tháng 4/2022 của các chủ đầu tư ngành GTVT cơ bản đáp ứng kế hoạch, tuy nhiên giá trị giải ngân chủ yếu tập trung ở quyết toán, GPMB và tạm ứng hợp đồng; giải ngân khối lượng xây lắp chỉ khoảng 1.700 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 khoảng 1.100 tỷ đồng, các dự án quan trọng, cấp bách khoảng 160 tỷ đồng.

Trong số các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT, PMU Mỹ Thuận có khối lượng giải ngân tốt nhất khi lũy kế giải ngân của đơn vị này đã đạt 2.503/6.866 tỷ đồng (36,5%), trong đó giải ngân xây lắp gồm: Mai Sơn - QL45 khoảng 939/3.000 tỷ đồng (31,3%), Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 673/2.290 tỷ đồng (29,4%), sân bay Nội Bài giải ngân 29/188 tỷ đồng (15,4%).

Có khối lượng giải ngân thấp nhất là PMU6 khi lũy kế giải ngân mới đạt 775/4.026 tỷ đồng (19,3%), trong đó giải ngân xây lắp gồm các dự án: Nghi Sơn - Diễn Châu khoảng 693/2.000 tỷ đồng (34,7%), Diễn Châu - Bãi Vọt khoảng 17/1.900 tỷ đồng (0,9%), Quốc lộ 25 dự án thành phần 2 khoảng 5/30 tỷ đồng (16,7%).

Theo kế hoạch các chủ đầu tư/PMU đăng ký, trong tháng 5/2022, Bộ GTVTsẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng; lũy kế tới hết tháng 5/2021 sẽ giải ngân 15.000 tỷ đồng, đạt khoảng 29,8% kế hoạch Thủ tướng giao.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra trong tháng 5/2022

Hàng loạt sự kiện sẽ được tỉnh Gia Lai tổ chức để chào mừng 90 năm ngày thành lập Tỉnh, đáng chú ý Gia Lai sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Gia Lai…

UBND tỉnh Gia Lai cho biết sẽ tổ chức Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai. Theo đó, sự kiện được tổ chức từ ngày 19/5 đến hết ngày 25/5.

Trong đó, lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh được tổ chức vào đêm 21/5 tại trung tâm TP. Pleiku.

Ngoài ra, Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên” diễn ra vào ngày 21/5 tại trung tâm TP. Pleiku với chủ đề "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai". Đây là hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng; tạo điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra ngày 21/5 tại trung tâm TP. Pleiku sẽ thông báo các Dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp; ký kết và trao các giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với đó là Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022” diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/5 với chuỗi hoạt động đa dạng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 được tổ chức từ ngày 20/5 đến hết ngày 24/5 tại trung tâm TP. Pleku.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, việc tổ chức các hoạt động, sự kiện tại Tuần lễ nhằm giới thiệu, quảng bá Gia Lai đến với các tỉnh thành, nhà đầu tư. Qua đó kêu gọi xúc tiến đầu tư, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Trong đó có hỗ trợ các thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thông tin trong thu hút đầu tư cũng như các chính sách cụ thể. Đặc biệt, các lĩnh vực mà Gia Lai đang kêu gọi như lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin.

Trà Vinh khánh thành nhà máy sản xuất nước sạch vốn đầu tư hơn 95 tỷ đồng

Nhà máy sản xuất nước sạch Nguyệt Hóa vừa được khánh thành là một trong 3 công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (1992 - 2022).

UBND tỉnh Trà Vinh và Công ty TNHH MTV Cấp nước Senco Trà Vinh, thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn (Senco) vừa khánh thành công trình Nhà máy sản xuất nước sạch Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành.

Đây là một trong ba công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (1992 - 2022).

Công trình Dự án Nhà máy nước sạch Nguyệt Hóa đặt tại ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, do Công ty TNHH MTV Cấp nước Senco Trà Vinh làm chủ đầu tư. Khởi công vào ngày 20/3/2021 trên diện tích 0,9 ha, kinh phí đầu tư hơn 95 tỷ đồng, thời gian thi công 12 tháng, công suất 10.000 m3/ngày đêm, nhận và xử lý nước mặt từ sông Láng Thé; sản xuất và cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng theo QCVN 01-1:2018/BYT, cung cấp cho người dân khu vực thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá cao sự nỗ lực cũng như những kết quả đạt được của chủ đầu tư, đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lương tiêu chuẩn theo quy chuẩn của Bộ y tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh liên quan phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp nước Senco Trà Vinh tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo và nâng cao chất lượng nước, nhằm phuc vụ người dân tốt nhất. Đồng thời mong muốn Công ty tiếp tục nghiên cứu, ưu tiên nguồn vốn cùng với tỉnh xây dựng thêm nhiều công trình thuộc thế mạnh, lĩnh vực của Công ty, nhằm cùng với Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhân dịp 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (5/1992 - 5/2022) tới đây, Trà Vinh sẽ có 3 công trình chào mừng và đưa vào hoạt động gồm: Tu bổ Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, Nhà máy sản xuất nước sạch Nguyệt Hóa và công trình Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh (700 giường).

Trong đó, công trình tu bổ Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ với tổng mức đầu tư trên 26 tỷ đồng, tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, đã hoàn thành vào cuối năm 2021.

Công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh, tọa lạc tại Phường 7, TP. Trà Vinh do Sở Y tế Trà Vinh làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích khoảng 16,6 ha với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Đây là công trình dân dụng cấp 1 với quy mô 700 giường bệnh, với 25 hạng mục, trong đó có 23 hạng mục xây dựng và 02 hạng mục thiết bị.

Theo chủ dầu tư, công trình khởi công xây dựng ngày 14/01/2019, đến nay đã hoàn thành các khối nhà chính - Khoa Xạ trị và các khối phụ (Khoa Tâm thần, Khoa Chống nhiễm, Khoa Truyền nhiễm, nhà điện, nhà khí y tế…). Công trình dự kiến khánh thành ngày 24/4 tới đây và đưa vào sử dụng trước các khoa Khám và Điều trị ngoại trú cùng các khoa có liên quan khác, như Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Dược và Khu hành chính...

Đề xuất cơ chế đủ mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong 

Chiều 21/4, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm 10 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Đó là cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách Dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Theo đó, ngoài các quy định tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ…), thì những chính sách mới và những chính sách tương thích với lợi thế của Khánh Hòa chỉ bao gồm các quy định về tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; điều chỉnh quy trình trong  chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất một số chính sách thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong đã được xác định là vùng động lực phát triển, là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong không thuộc nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư, không được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư hạ tầng, nên nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng hạ tầng khu kinh tế cho Khu Kinh tế Vân Phong thời gian qua rất thấp (giai đoạn từ 2012-2021 khoảng 1.280 tỷ đồng), không đáp ứng được nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu tại Khu Kinh tế Vân Phong theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu Kinh tế Vân Phong cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tiềm năng để đầu tư các dự án quy mô lớn làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.

Do đó, để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, cần phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh, rõ ràng, thuận lợi, thủ tục đầu tư nhất là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư chiến lược nhằm triển khai thực hiện dự án nhanh chóng, thuận lợi, Bộ trưởng nêu rõ.

Để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn, thể hiện năng lực của nhà đầu tư chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cam kết không chuyển nhượng Dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược phải có nghĩa vụ hỗ trợ ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động tại khu vực bị ảnh hưởng từ dự án...

Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ không được hưởng các ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược khi không đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư chiến lược và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và các điều kiện khác về nhà đầu tư chiến lược.

Chính phủ đề xuất hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 1/ 8/ 2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong Điều 7 Dự thảo Nghị quyết quy định:

(1) Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư:

a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

b) Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên.

c) Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số trên 50.000 người; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

d) Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

đ) Xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

e) Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

(2). Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều này.

(3). Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng một trong các điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm sau:

a) Có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm b và c khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

b) Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm d và e khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

c) Có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm đ khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

d) Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm a khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

(Nguồn: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa).

Phú Yên rà soát các giải pháp để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu không để xảy ra việc cá nhân vì muốn trục lợi mà làm phức tạp và gây cản trở tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam.

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đối với các sở ngành, địa phương tập trung song song các nội dung, nhiệm vụ nhằm thực hiện Dự án đúng tiến độ Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông,  giai đoạn 2021-2025 (dự án đường cao tốc Bắc - Nam) đoạn qua địa phận Phú Yên.

Chiều nay (22/4), Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế - Trưởng Ban chỉ đạo 319  cùng với đại diện các sở, ban ngành đã báo cáo tại sự kiện trực tuyến với  Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với các bộ, ngành, chủ đầu tư.

Đến nay, UBND tỉnh và các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Hội đồng giải phóng mặt bằng; hoàn thành thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến với các Ban Quản lý dự án; tổ chức thẩm định và trình các bộ ngành liên quan về chủ trương chuyển đổi các diện tích đất để triển khai Dự án. 

Về tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, chủ đầu tư đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 được 4/42,1km (đạt 9,5%). Đối với Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, chủ đầu tư đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 được 10/48,052km (đạt 20,8%) đoạn qua TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa.

Cụ thể, theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên, dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 90,15km, với 2 dự án thành phần: đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong. Dự án đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa.

Trong giai đoạn 1, dự án được thiết kế nền đường 17m, với 4 làn xe. Đến giai đoạn hoàn chỉnh, dự án có thiết kế nền đường 32,25m, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h; hướng tuyến đi song song và cách quốc lộ 1A khoảng 0,5 - 6,5km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 19.000 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh Phú Yên và các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB); hoàn thành thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến với Ban Quản lý Dự án 85 và Ban Quản lý Dự án 7; tổ chức thẩm định và trình các bộ, ngành liên quan về chủ trương chuyển đổi các diện tích đất để triển khai dự án.

Đó là Ban chỉ đạo 319 về việc triển khai dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, do ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên làm trưởng ban.

Đối với dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB đợt 1 được 4/42,1km (đạt 9,5%) và đợt 2 dự kiến trước ngày 30/4 với khoảng 11,6km, đoạn qua thị xã Sông Cầu.

Đối với dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB đợt 1 được 10/48,052km (đạt 20,8%) đoạn qua TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Dự kiến, đợt 2 sẽ tiếp tục bàn giao khoảng 20km qua 5 huyện, thị trong tỉnh vào ngày 28/4.

Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo 319 về các công tác liên quan. Ông Trần Hữu Thế yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung song song các nội dung, nhiệm vụ nhằm thực hiện dự án đúng tiến độ. Trong đó, giao Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật tình hình triển khai dự án; tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh để đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Sở Xây dựng rà soát, xác định vị trí, quy hoạch, quy mô đầu tư xây dựng các khu tái định cư; xác định các mỏ vật liệu, bãi thải đáp ứng yêu cầu phục vụ dự án. Sở Nông nghiệp - PTNT chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác ban hành chính sách bồi thường đối với cây trồng bị ảnh hưởng bởi dự án.

Các huyện, thị, thành phố đã và chuẩn bị nhận bàn giao cọc, mốc GPMB cần chuẩn bị các bước xác minh nguồn gốc đất, thống kê số hộ dân bị ảnh hưởng và chuẩn bị các thủ tục bồi thường, GPMB.

Đồng thời, các địa phương cần quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân vì muốn trục lợi mà làm phức tạp và gây cản trở cho quá trình triển khai dự án.

Đầu tư 3.901 tỷ đồng phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam

Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam dự kiến sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới WB và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc.

Bộ Giao thông - Vận tải vừa có tờ trình số 3765/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Dự án có mục tiêu đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến luồng kết nối TP. Cần Thơ với TP. HCM qua sông Măng Thít đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa và đầu tư cải tạo tuyến sông Tắc Cua kết nối TP. HCM với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, góp phần rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển so với tuyến hiện hữu, qua đó giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông, tăng năng lực cạnh tranh giữa đường thủy so với đường bộ.

Cụ thể, Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp Hành lang Đông - Tây với chiều dài 197km (qua sông Hậu, sông Trà Ôn, kênh Măng Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, kênh Kỳ Hôn, kênh Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Rạch Cát, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắt Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải) đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 55 m đối với kênh, 75 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu 3,3 m, bán kính cong tối thiểu 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất tàu tự hành trọng tải 1.500 tấn, đội sà lan 2x500 tấn, tàu container 3 lớp.

Đối với Hành lang Bắc – Nam dài 82 (qua các sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắt Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải), Dự án sẽ tiến hành nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 60 m đối với kênh, 90 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu 7 m, bán kính cong tối thiểu 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất tàu trọng tải 3.000 - 5.000 tấn, tàu container 4 lớp.

Bên cạnh đó, Dự án còn tiến hành cải tạo nâng cấp 2 cầu: Cầu Trà Ôn và cầu Chợ Lách 2; xây dựng mới 6 bến khách ngang sông tại 3 vị trí cắt cong tại sông/kênh Măng Thít, Rạch Lá; hoàn trả đường dân sinh và 3 cầu dân sinh trên tuyến; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi và cống thoát nước và lắp đặt hệ thống báo hiệu trên tuyến

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án là 3.901,377 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.255 tỷ đồng, chi phí GPMB là 766 tỷ đồng… Do điều chỉnh về quy mô đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến tại bước nghiên cứu tiền khả thi giảm so với bước đề xuất dự án khoảng 1.728,05 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn của Dự án gồm: vốn vay IBRD của WB trị giá 2.479,417 tỷ đồng (tương đương 107,273 triệu USD) sử dụng cho chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT); vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc dự kiến 13,451 tỷ đồng (tương đương 0,582 triệu USD) sử dụng cho chi phí cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi;  vốn đối ứng trị giá 1.408,508 tỷ đồng sử dụng cho thuế; chi phí QLDA; chi phí tư vấn trong nước; chi phí GPMB.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án có thời gian thực hiện là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.

Quảng Trị và Tập đoàn Eni (Italia) hợp tác triển khai các giải pháp khí hậu tự nhiên

Chiều ngày 21/4, UBND tỉnh Quảng Trị và Công ty Eni Việt Nam (Tập đoàn Eni) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác triển khai các “Giải pháp khí hậu tự nhiên”. 

Cụ thể, thông qua công ty con Eni Việt Nam, Tập đoàn Eni đã ký Biên bản ghi nhớ với chính quyền tỉnh Quảng Trị để đánh giá tiềm năng REDD + (Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng) và các giải pháp khí hậu tự nhiên (NCS) cơ hội tạo tín chỉ các-bon trong khu vực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, mục đích của Biên bản ghi nhớ là hợp tác triển khai các giải pháp khí hậu tự nhiên (Natural Climate Solution, gọi tắt là “NCS”).

Các giải pháp này bao gồm: Ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; các hoạt động thúc đẩy việc sử dụng rừng bền vững và nâng cao trữ lượng các-bon rừng; bảo tồn và/hoặc phục hồi hệ sinh thái, bao gồm các vùng đất ngập nước và các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn; cải thiện việc phục hồi đất và quản lý đất bền vững;  các hoạt động thúc đẩy quá trình hấp thụ các-bon thông qua quản lý đất nông nghiệp bền vững (còn được gọi là nông nghiệp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu), và quản lý đồng cỏ…

Theo đề xuất của Eni Việt Nam, Biên bản ghi nhớ này cơ bản không có rằng buộc, cam kết cụ thể nào về tài chính cũng như quyền và nghĩa vụ, mà chủ yếu tập trung thể hiện việc hợp tác giữa hai Bên.

Đại diện Eni Việt Nam cũng cho biết, Biên bản ghi nhớ phù hợp với chiến lược của Eni nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, áp dụng các giải pháp khí hậu tự nhiên, chẳng hạn như các Dự án REDD +, để giảm lượng khí thải khó giảm thiểu và với các kế hoạch hành động của Quảng Trị nhằm hỗ trợ quản lý rừng và phát triển bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc.

Theo đại diện của Tập đoàn Eni, Eni có mặt tại Việt Nam từ năm 2013. 

Trước đó, vào ngày 25/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có buổi làm việc với ông Alessandro Gelmetti, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng ENI Việt Nam để thảo luận cơ hội hợp tác phát triển các dự án năng lượng khí tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã chia sẻ về các tiềm năng, lợi thế và các dự án động lực của tỉnh. Trên cơ sở các dự án điện năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện, Quảng Trị đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm năng lượng mới của khu vực miền Trung.

Nhấn mạnh việc Quảng Trị và Công ty Năng lượng ENI Việt Nam có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả, ông Võ Văn Hưng cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, cập nhật tình hình và hỗ trợ ENI trong quá trình triển khai các công việc liên quan.

Ông Alessandro Gelmetti, Giám đốc điều hành ENI Việt Nam đánh giá cao các hoạt động xúc tiến hợp tác thực tế, hiệu quả giữa tỉnh Quảng Trị và công ty trong thời gian qua.

Ông Alessandro Gelmetti đặt vấn đề đến làm việc tại Quảng Trị vào tháng 4/2022 và ký kết khung thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh và Công ty trong việc triển khai dự án trồng rừng để giảm phát thải khí carbon. Việc ký kết ngày hôm nay, ngày 21/4, giữa Eni Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị được xem là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai bên.

Được biết, Công ty Năng lượng ENI là một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới được thành lập vào năm 1953, có trụ sở chính tại thủ đô Roma, Italia và hoạt động tại 66 quốc gia. ENI cung cấp các sản phẩm khí đốt, điện, LNG và xăng dầu tại thị trường Châu Âu, ngoài Châu Âu và thực hiện các hoạt động thương mại khác.

Năm 2019, Công ty Năng lượng ENI Việt Nam đã tiến hành khảo sát, thăm dò 2 giếng trên thềm lục địa Việt Nam, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 70 km và phát hiện trữ lượng sơ bộ rất tiềm năng. Năm 2021, ENI Việt Nam và đối tác đang trong quá trình thẩm lượng tổng thể mỏ Kèn Bầu làm cơ sở cho kế hoạch cung cấp khí tự nhiên, phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam. 

Việt Phương đề xuất đầu tư 4.200 tỷ đồng xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông, ông Ngô Thanh Danh vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương để nghe doanh nghiệp này đề xuất, xin chủ trương đầu tư các Dự án trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Việt Phương đề xuất đầu tư 4 dự án lớn. Đó là Dự án tổ hợp Boxit - Alumin- Nhôm Đắk Glong; Dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP. Gia Nghĩa.

Tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong, diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm. 7 dự án điện gió nằm trên địa bàn H.Tuy Đức, H.Đắk Song và H.Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW. Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, H.Đắk R’lấp. Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại TP.Gia Nghĩa.

Tập đoàn Việt Phương kiến nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Nông thống nhất cho lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư các dự án trên.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, tỉnh cơ bản chấp nhận các kiến nghị, kế hoạch đầu tư của Công ty tại địa phương; giao các sở, ngành cùng với Công ty xử lý, giải quyết những vướng mắc, nhất là tích hợp các quy hoạch trong tổng thể chung.

Đối với những vấn đề liên quan đến điện gió, các đơn vị phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể, tránh trường hợp khi triển khai xảy ra tình trạng chồng lấn dự án.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông khẳng định, sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến nghiên cứu triển khai dự án trên địa bàn Tỉnh. Đắk Nông ưu tiên cho các công ty, tập đoàn lớn, có tiềm năng, kiên quyết từ chối những trường hợp chỉ hứa hẹn mà không thực hiện để dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác.

“Các chủ đầu tư cần phối hợp với các sở, ngành để tính toán làm sao có sự đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ phù hợp, nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Đầu tư, nhưng phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh.

Về dự án đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, dự án có quy mô khoảng 400 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp). 

Theo văn bản kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, Đắk Nông đưa ra 2 phương án để xét chọn nhà đầu tư, trong trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư thì chủ đầu tư sẽ cùng các cơ quan chuyên môn thẩm định, tham mưu UBND tỉnh lựa chọn.

Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên chủ đầu tư sẽ thành lập Tổ chuyên gia để thẩm định, xét chọn để tham mưu UBND tỉnh ra quyết định lựa chọn.

Đất xây dựng Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 hiện chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng, được quy hoạch nằm cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 10 km, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 1,5 km.

Dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 có mục tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án phụ trợ cho công nghiệp khai thác, chế biến bô xít, điện phân nhôm và sản xuất các sản phẩm sau nhôm; các dự án có đầu vào là nhôm; các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...

Bộ Giao thông muốn ACV ưu tiên bố trí 1.400 tỷ đồng nâng đời Sân bay Côn Đảo

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không Côn Đảo thuộc trách nhiệm đầu tư của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Cụ thể, Bộ GTVT muốn đơn vị đang nắm hơn 95% vốn điều lệ của ACV chỉ đạo ACV rà soát nhu cầu, tiến độ triển khai của các Dự án khác để cân đối nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình thiết yếu (nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật) tại cảng hàng không Côn Đảo nhằm đưa vào vận hành, khai thác đồng thời với các công trình kết cấu hạ tầng đang triển khai (đường cất hạ cánh, đường lăn, các công trình quản lý bay).

Theo Bộ GTVT, cảng hàng không Côn Đảo có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh quan trọng đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và của các nước nói chung. Việc kết nối tới Côn Đảo hiện nay chỉ thông qua hai phương thức vận tải, trong đó vận tải hàng không đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sản lượng vận tải hàng không thông qua cảng hàng không Côn Đảo thời gian vừa qua tăng trưởng nhanh, vượt quá công suất hạ tầng hiện tại của Cảng.

Trước nhu cầu cần thiết phải đầu tư phát triển, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 1533/QĐ-BGTVT ngày 17/8/2021 làm cơ sở triển khai đầu tư. Đồng thời, tại Quyết định số 1795/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2021, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không Côn Đảo.

Cho đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư dự án đang được các đơn vị khẩn trương thực hiện để sớm hoàn thành, phấn đấu đưa vào khai thác năm 2024.

Để bảo đảm phát huy hiệu quả đầu tư dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không Côn Đảo nhằm đưa vào khai thác chủng loại tàu bay code C, các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu khác cũng cần phải triển khai đầu tư đồng bộ theo quy hoạch như các công trình quản lý bay; công trình nhà ga hành khách mới, sân đỗ và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không đồng bộ.

Trong đó, hạng mục công trình nhà ga hành khách mới công suất 2 triệu hành khách/năm, sân đỗ với 8 vị trí và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không đồng bộ trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng thuộc trách nhiệm đầu tư của ACV.

Vừa qua, Bộ GTVT nhận được văn bản của ACV báo cáo rà soát, khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đối với các công trình thiết yếu tại các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác.

Theo nội dung báo cáo, ACV hiện đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư cho các công trình dự án trọng điểm có quy mô lớn và cần nhu cầu vốn cao theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trên cơ sở cân đối nguồn lực đầu tư, ACV dự kiến phân kỳ đầu tư một số dự án tại cảng hàng không Côn Đảo sau năm 2025.

Bộ GTVT cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới ngành hàng không, việc ACV tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển các dự án trọng điểm có quy mô lớn là cần thiết. Nhận định được tình hình trên, trước nhu cầu nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” để làm cơ sở huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu của các cảng hàng không, đồng thời giảm áp lực về trách nhiệm đầu tư của ACV.

Để triển khai thực hiện Đề án cần có lộ trình và thời gian nhất định. Hiện nay, ACV đang quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng tại 21 cảng hàng không tại Việt Nam; trong đó bao gồm các cảng hàng không đầu mối, quan trọng, đóng vai trò phát triển kinh tế - xã hội và có nguồn thu tốt, đồng thời ACV cũng quản lý, khai thác cảng hàng không tại các khu vực vùng núi, hải đảo, đóng vai trò bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng nguồn thu chưa bảo đảm.

Theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; ACV trong vai trò doanh nghiệp khai thác cảng có trách nhiệm đầu tư các công trình thiết yếu tại cảng hàng không.

Bộ GTVT mong muốn, trong vai trò doanh nghiệp nhà nước về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không; ngoài nhiệm vụ quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả, ACV có trách nhiệm cân đối nguồn thu từ các CHK mang lại hiệu quả để đầu tư các cảng hàng không có nguồn thu chưa bảo đảm, phục vụ quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như một số dự án triển khai gần đây.

Tin liên quan
Tin khác