4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/3
Thanh Thuý - 23/03/2015 07:33
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/3 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Triển lãm Giảng Võ chỉ bán được 3,8% cổ phần IPO
VN-Index có thể về vùng 560 điểm
Vingroup đạt doanh thu khủng hơn 27.700 tỷ đồng

1. MWG: Đánh giá cao triển vọng kinh doanh

CTCK MB (MBS)

MWG công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 15.843 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 668 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh của Công ty khả quan và vượt xa so với kế hoạch đặt ra kể từ đầu năm.

Trong năm 2015, MWG đặt ra kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với doanh thu kế hoạch ở mức 23.590 tỷ đồng và LNST kế hoạch ở mức 886 tỷ đồng. HĐQT Công ty cũng đệ xuất kế hoạch chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 4:1 trong Quý 2 hoặc Quý 3 2015.

Trong năm 2014, Chúng tôi nhận thấy mảng kinh doanh cốt lõi của MWG vẫn đang phát triển đúng hướng. Công ty tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối điện thoại di động bằng việc mở thêm 137 cửa hàng mới. Bên cạnh đó, MWG đang tỏ rõ tham vọng lấn sân sang lĩnh vực phân phối điện máy với việc mở thêm 5 cửa hàng mới trong năm 2014.

MWG đang cho thấy lợi thế cạnh tranh của mình so với các đối thủ cùng ngành nhờ quy mô lớn và mô hình bán hàng hiệu quả. Công ty cũng có vị thế tốt đối với các nhà cung cấp và do đó nhận được nhiều ưu đãi.

Chúng tôi duy trì đánh giá khả quan về triển vọng kinh doanh của MWG trong thời gian tới.

2. CDC: Tự tin với kế hoạch kinh doanh 2015

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Chương Dương (mã CDC) cho biết, hoạt động và tiến độ các dự án gồm:

- Cho thuê văn phòng & trung tâm thương mại: công ty đang sở hữu khoảng 10.000 m2 gồm văn phòng và thương mại tại dự án Chương Dương Garden Home ở địa chỉ 328 Võ Văn Kiệt, Quận 1. Tỷ lệ lấp đầy gần như đạt 100%. Doanh thu hằng năm từ 35 - 38 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp từ 50 - 55%. Đây chính là hoạt động quan trọng giúp CDC ổn định dòng tiền trong những năm khó khăn vừa qua.

- Dự án chung cư Tân Hương: tính đến thời điểm hiện tại đã bán 310/360 căn với giá bán thấp nhất 13,5 triệu/m2 (VAT). Tổng doanh thu dự án là 421 tỷ đồng và đã ghi nhận 80 tỷ đồng trong năm 2014. Phần doanh thu còn lại sẽ ghi nhận trong năm 2015. Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ bàn giao từ quý III/2015. Biên lợi nhuận gộp khá thấp chỉ 5% mặc dù vậy triển khai trở lại dự án giúp CDC cải thiện rất tốt dòng tiền và tình hình tài chính.

- Chương Dương Home: tọa lạc trên khu đất sạch và rộng 2,6ha tại phường Trường Thọ, Thủ Đức. CDC đang làm thủ tục chuyển sang nhà ở xã hội với 3 block bao gồm 1.500 căn hộ. Thời điểm triển khai chưa xác định do các thủ tục vẫn còn nhiều vướng mắc. Dự án chủ yếu là các căn hộ có diện tích 45 - 55 m2 với giá bán 12,6 - 13 triệu/m2 (VAT). Công ty đã được BIDV đồng ý cung cấp cho vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với tổng hạn mức là 120 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp dự án ước tính từ 77 - 80 tỷ đồng.

- Chương Dương Golden Land: có diện tích 14.852 m2 thuộc phường Trường Thọ. Tính đến 31/12/2014, dự án hoàn tất công tác mua đất và đóng tiền sử dụng đất với chi phí khoảng 130 - 150 tỷ đồng. Trước đây, CDC dự định sẽ chuyển nhượng khu đất này để giải quyết khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên, do tình hình tài chính cải thiện đáng kể sau khi dự án Tân Hương được triển khai trở lại, CDC tạm dừng việc chuyển nhượng và dự kiến sẽ xem xét đầu tư vào năm 2016.

Bên cạnh đó, Công ty dự kiến trình Đại hội cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế 17 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2014. Mức cổ tức theo đó sẽ dao động từ 8 - 10% tùy theo tình hình thực tế.

Theo đánh giá của BVSC, CDC khá tự tin với kế hoạch này khi các dự án đều sẵn sàng khi nhận doanh thu, cụ thể (1) Xây lắp công trình ghi nhận khoảng 220 tỷ đồng; (2) Nguồn thu ổn định cho thuê văn phòng; (3) Doanh thu còn lại từ Tân Hương Tower là 340 tỷ đồng. Với kế hoạch này, EPS 2015 là 844 đồng, tương đương P/E 2015 là 10,9 lần và P/B là 0,54x.

Chúng tôi đánh giá CDC là công ty hoạt động khá ổn định và giai đoạn khó khăn tài chính cơ bản đã được giải quyết. Điểm lợi thế của công ty là tài sản tốt và đang định giá thấp khi chỉ số P/B là 0,54x. Đồng thời kết quả kinh doanh 2015 cải thiện cũng là điểm tốt cho hoạt động CDC. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi kỳ vọng là sự đột biến trong lợi nhuận từ chuyển nhượng Chương Dương Golden Land đã bị hoãn lại. Do đó mặc dù tình hình hoạt động cải thiện đáng kể, BVSC cho rằng giá cổ phiếu CDC ngắn hạn sẽ chưa có sự đột biến. Xét về dài hạn, nhà đầu tư có thể tích lũy tại vùng 8.500 - 8.800 đồng/CP với tỷ suất cổ tức 9,4% và kỳ vọng về khả năng công ty sẽ xem xét trở lại chuyển nhượng dự án Golden Land.

3. PHR: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chúng tôi cập nhật giá mục tiêu cho cổ phiếu của CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) với khuyến nghị MUA dài hạn.

Nguyên nhân do giá cổ phiếu phản ứng quá mức trước sự sụt giảm khả năng sinh lợi do giá cao su giảm. Cụ thể, trong một năm qua, trước sự sụt giảm giá cao su và năng suất, giá cổ phiếu PHR đã giảm nhanh hơn chỉ số VN-Index và nhóm tương đương cùng ngành. Tuy nhiên, khả năng sinh lời dự kiến sẽ được duy trì nhờ vào việc quản lý tốt chi phí và nguồn thu nhập ổn định hàng năm từ thanh lý vườn cây trồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng năm 2015 sẽ là một năm khó khăn cho PHR khi giá cao su vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, PHR đã trồng lại vườn cây của mình gần đây, diện tích mới đưa vào khai thác sẽ có năng suất thấp trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng giá cao su sẽ dần phục hồi kể từ năm 2015. Ngoài ra, dự án Campuchia của PHR sẽ bắt đầu tạo ra doanh thu lớn từ năm 2016. Bất kỳ sự phục hồi nào của giá cao su sau năm 2015 có thể giúp triển vọng khả quan hơn.

Mặc dù khả năng sinh lời hiện đang giảm, chúng tôi tin rằng PHR vẫn có thể duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu là 20% trên mệnh giá, dẫn đến mức lợi suất cổ tức hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay.

4. CSV: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Công ty CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV - sàn HOSSE) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp, là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như: thực phẩm, phân bón, giặt tẩy, xử lý nước…

Vị thế Công ty tương đối lớn với thị phần 25-30% đối với một số hóa chất cơ bản, tuy nhiên một số sản phẩm của Công ty có giá thành tương đối cao nên khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc chưa nổi trội. Thêm vào đó, vướng mắc trong tiến độ di dời các nhà máy ảnh hưởng lớn kế hoạch mở rộng sản xuất đối với một số hóa chất có nhu cầu lớn của Công ty.

Trong năm 2015, chúng tôi dự phóng Công ty sẽ đạt 1.440 tỷ đồng doanh thu thuần và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(F) là 2.700 VNĐ/cp so với mức P/E trung bình của các công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất khu vực là 7,3 lần, chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với CSV với giá mục tiêu 19.700 đồng/CP.

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ giảm tiếp trong năm 2015

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR10) vụ kiện CBPG cá tra tại Mỹ. Cụ thể, mức thuế cuối cùng của các doanh nghiệp khoảng từ 0 - 0,97 USD/kg giảm nhẹ so với mức 1,2 USD/kg POR9. Tuy nhiên kết quả này vẫn rất cao so với các POR trước vì trong POR10, DOC sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế Bangladesh để tính thuế chống bán phá giá.

DOC ngày càng siết chặt quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam 1 cách không thống nhất và mang tính bảo hộ trong các kỳ xem xét gần đây gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Dự kiến với mức thuế này, chỉ còn 3 doanh nghiệp Việt Nam (CTCP xuất nhập khẩu nông sản An Giang (Afiex), Công ty Nam Sông Hậu, Hoà Phát, Tô Châu) có thể xuất khẩu vào Mỹ do không bị áp thuế CBPG lần này vì họ là công ty mới bắt đầu xuất khẩu và không có lô hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Mỹ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực do đây là thị trường có giá nhập khẩu cao nhất (trên 3 USD/kg) và cũng mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, do POR9 cao hơn nên xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã giảm 11,5% trong năm ngoái. Với mức thuế POR10 như trên, VASEP dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cá tra sang thị trường này và có thể sẽ giảm nữa trong 2015.

Trước đây HVG là một số ít doanh nghiệp cá ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế chống bán phá giá của Mỹ, do xuất khẩu gián tiếp qua CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), doanh nghiệp gần như không bị áp thuế phá giá. Tuy nhiên, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu tại AGF nhằm chi phối và nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này thì AGF trở thành công ty con của HVG và cũng chịu mức thuế CBPG POR10 là 0,97 USD/kg. Do vậy, hoạt động kinh doanh của HVG có khả năng bị ảnh hưởng trong 2015. Theo thống kê của VASEP, giá trị xuất khẩu của HVG (bao gồm AGF) trong tháng 1/2015 là 14 triệu USD, giảm 57% so với cùng kỳ.

Kỳ tái cơ cấu danh mục ETF tác động mạnh đến TTCK

Tuần qua, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đã tác động làm giảm điểm trên cả 2 sàn do các quỹ này bán mạnh một số cổ phiếu bluechip.

Tin liên quan
Tin khác