1- PHR: Tiếp tục GIỮ với giá mục tiêu 31.300 đồng
(CTCK Maybank KimEng – MBKE)
Kết quả kinh doanhước tính năm 2013 sụt giảm. Doanh thu năm 2013 ước giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.877,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu kinh doanh cao su (chiếm 85% tổng doanh thu) giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái còn 1588,6 tỷ đồng do giá bán trung bình (ASP) giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái còn 53,8 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ cũng giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 29.527 tấn. Doanh thu từ hoạt động chế biến gỗ cao su ước tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 289 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 2013 ước giảm 39,5% với cùng kỳ xuống còn 455,5 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2014 của PHR khá thận trọng. PHR dự báo ASP năm 2014 sẽ giảm tiếp 6,3% với cùng kỳ xuống còn 50,4 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ giảm 3,3% với cùng kỳ xuống còn 28.500 tấn do trong năm PHR sẽ thanh lý 926 ha cao su.
Do đó, doanh thu kinh doanh cao su 2014 ước giảm 9,5% với cùng kỳ xuống còn 1.437 tỷ đồng. lợi nhuận trước thuế ước giảm 23,2% với cùng kỳ xuống còn 350 tỷ đồng. PHR không công bố chi tiết lý do lợi nhuận trước thuế giảm quá mạnh.
Chúng tôi cho rằng kế hoạch 2014 của PHR khá thận trọng, giá cao su 2014 sẽ duy trì ở mức bình quân 2013 do đã giảm khá sâu và giá dầu 2014 (hàng hóa có mối tương quan với giá cao su) được dự báo tăng.
Chúng tôi ước tính lợi nhuận trước thuế của PHR chỉ giảm 1,1% với cùng kỳ. Tuy nhiên, cổ tức năm 2014 tiếp tục được duy trì ở mức cao. HĐQT của PHR đặt chỉ tiêu duy trì chính sách cổ tức cao với mức 3.000 đồng/CP cho năm 2014, tương đương lợi tức cổ tức là 9,7%. Tuy nhiên tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio) lại ở mức 83%, khá cao so với trung bình ngành. Chúng tôi cũng kỳ vọng PHR có thể duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức này do trong năm 2014, PHR không cần nhiều vốn để đầu tư cho các dự án mở rộng diện tích, đặc biệt là dự án Phước Hòa Kampong Thom (đã hoàn thành trên 99%). Ngoài ra, số dư tiền mặt của PHR khá cao, tính đến cuối quý III/2013 là 337,5 tỷ đồng, gần 4.300 đồng/CP.
Giá cao su có thể đã chạm đáy. Chúng tôi cho rằng giá cao su thiên nhiên thế giới khó có thể giảm sâu trong các năm tới do giá cao su đã điều chỉnh giảm mạnh, cu thể, nếu so với đỉnh vào năm 2011 thì hiện tại giá cao su đã giảm gần 65,1%. Hơn nữa, theo dự báo của hãng tư vấn LMC International (UK), nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ đạt tăng trưởng bình quân khoảng 3,5%/năm trong giai đoạn 2014-2018 do nhu cầu sản xuất săm lốp gia tăng. Đây là hỗ trợ rất lớn đối với giá cao su thiên nhiên trên thế giới trong các năm tới.
Định giá. PHR đang được giao dịch tại PE kỳ vọng 2014 là 6,6x, xấp xỉ trung bình ngành. Tuy nhiên, lợi tức cổ tức 2014 hấp dẫn ước đạt 9,7%. Chúng tôi duy trì khuyến nghị GIỮ với giá mục tiêu là 31.300.
2- Giai đoạn này, GSP không quá hấp dẫn cho việc đầu tư
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Kết quả kinh doanh 2013 khả quan. Công ty đã cho biết kết quả kinh doanh sơ bộ với doanh thu hợp nhất đạt hơn 800 tỷ đồng (+16% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế khoảng 75-77 tỷ đồng (+20% so với cùng kỳ, cũng như so với kế hoạch). Trong Q3, Công ty đã đầu tư mua lại một tàu chở LPG từ FGas với tổng giá trị 185 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 130 tỷ. Theo tìm hiểu, Oceanus 09 đang phục vụ vận tải LPG cho KDK.
Kế hoạch lợi nhuận 2014 giảm nhẹ do nhà máy Dung Quất bảo dưỡng định kỳ. GSP đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 810 tỷ và 72 tỷ. Nhà máy Dung Quất sẽ dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ vào giữa năm (tháng 5 và 6), do đó GSP phải tìm kiếm các hợp đồng vận chuyển thay thế đối với 4 tàu của mình trong khoảng thời gian này. Chúng tôi cho rằng việc giữ cho doanh thu và lợi nhuận không giảm nhiều đã là một thách thức cho GSP năm nay.
Tiếp tục kế hoạch mở rộng đội tàu. Trong giai đoạn 2014 – 2015, Công ty dự kiến đầu tư thêm hai tàu chở LPG có trọng tải từ 5 – 7 nghìn tấn với vốn đầu tư 10 – 12 triệu USD. Nguồn vốn thực hiện đầu tư dự kiến huy động từ vốn tự có và vay thương mại mà không cần phải huy động thêm từ cổ đông. Trong tương lai, việc vận chuyển khí LNG cũng nằm trong kế hoạch phát triển của GSP, thông qua việc đầu tư thêm tàu chuyên dụng khi có cơ hội. Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt kỳ vọng vào các dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án mở rộng nhà máy Dung Quất. Với vai trò là đơn vị thành viên trong PV Trans cũng như PetroVietnam, GSP có lẽ không khó để tham gia vào việc vận chuyển cho các nhà máy trên khi hoàn thành.
Quan điểm. Trong vòng 6 tháng qua, GSP đã có mức tăng khoảng 50% và hiện đang giao dịch tại mức P/E 7.2x, cũng không phải quá hấp dẫn cho việc đầu tư vào giai đoạn này. Tuy vậy, chúng tôi đặt kỳ vọng lớn trong trung và dài hạn bởi việc mở rộng năng lực vận tải, cùng với các dự án nhập khẩu LNG và các dự án hóa dầu lớn trong tương lai sẽ giúp công ty có sự phát triển mạnh mẽ.
3- BMP: Khuyến nghị tích lũy dài hạn
(CTCK Maybank KimEng – MBKE)
Doanh thu 2013 đạt 110% kế hoạch... Cả năm 2013, doanh thu của BMP ước đạt 2.086 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng của doanh thu chủ yếu dựa vào hai yếu tố: (i) sản lượng bán ra tăng 10% so với năm ngoái đạt khoảng 50.591 tấn và (ii) công ty tăng giá bán thêm 4%. Ngoài ra, Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/ doanh thu giảm xuống còn 5,5% so với 6,4% năm 2012. lợi nhuận trước thuế 2013 cũng tăng 10%, đạt 526 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế 2013 bị ảnh hưởng bởi khoản thuế bị truy thu. Theo quyết định của Cục thuế TP. HCM, BMP đã nộp 74 tỷ thuế bi truy thu (khoản này được ghi nhận như một chi phí ở mục thuế doanh nghiệp hoãn lại). Về khoản 40 tỷ đồng tiền phạt, Cục thuế đồng ý cho BMP hoãn lại. Do đó, lợi nhuận sau thuế 2013 ước còn khoảng 319 tỷ đồng (-11,6% so với cùng kỳ).
Tổng công suất lên gấp ba lần hiện nay. Dự án Binh Minh Long An là dự án nhà máy thứ 4 của công ty tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, tỉnh Long An có vốn đầu tư khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Khi nhà máy thứ 4 này đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất lên gấp ba lần hiện nay, tương đương 180.000 tấn/năm.
Do đó, triển vọng dài hạn của BMP khá sáng sủa với kỳ vọng nhu cầu ống nhựa xây dựng tăng trở lại khi thị trường bất động sản khởi sắc. Trong năm nay, BMP dự chi khoảng 160 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn một. Với số dư tiền mặt lớn (khoảng 538 tỷ đồng tại 31/12/2013), chúng tôi cho rằng nguồn tài trợ cho dự án trong năm 2014 sẽ đến từ nguồn lực tự có của DN. Tuy nhiên đến những giai đoạn sau, BMP sẽ cần huy động thêm nguồn vốn bên ngoài. Với tiêu chí hạn chế vay nợ, chúng tôi cho rằng BMP sẽ huy động vốn từ cổ đông chiến lược để tài trợ cho dự án này.
Kỳ vọng nâng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài (nới room). Là công ty sản xuất ống nhựa lớn nhất miền Nam với 50% thị phần, BMP luôn là DN hấp dẫn thu hút nguồn vốn NĐT ngoại. Hiện nay tỷ lệ nắm giữ nước ngoài tại BMP ở ngưỡng 49%, do đó, một khi quy định nới room được ban hành (có thể trước tết) nhiều khả năng BMP sẽ huy động được nguồn vốn ngoại hỗ trợ DN mở rộng hoạt động kinh doanh.
Định giá. BMP tiềm năng đầu tư dài hạn nhờ (i) vị thế dẫn đầu về thị trường (ii) khả năng tăng trưởng tốt khi dự án nhà máy mới đi vào hoạt động và (iii) cổ tức ổn định. Chúng tôi dự phóng PE kỳ vọng 2014 có thể ở mức 10x. Khuyến nghị tích lũy dài hạn.
4- DHG: EPS 2014 dự báo đạt 10.346 đồng/CP
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Theo báo cáo của CTCP Dược Hậu Giang (HSX:DHG), trong Quý IV/2013, doanh thu công ty mẹ tăng 29% so với cùng kỳ lên 1.055 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 57% lên 155 tỷ đồng. Doanh thu từ các sản phẩm do DHG tự sản xuất đạt 882 tỷ đồng (tăng 16%), tương đương 83,6% tổng doanh thu, tiếp tục là nguồn doanh thu và lợi nhuận chính của DHG.
Tính chung cả năm 2013, công ty mẹ đạt 3.254 tỷ đồng doanh thu (tăng 23% so với năm 2012) và 603 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 31,9%), vượt mục tiêu đã đề ra của DHG là 3.200 tỷ đồng doanh thu và 457 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh một phần nhờ việc bán lại nhãn hàng Eugica cho to Mega Lifescience mang lại 127 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận trong Quý III/2013. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng nhãn hàng này đã khiến biên lợi nhuận gộp của công ty mẹ giảm từ 45% năm 2012 xuống 42% năm 2013, do DHG tiếp tục sản xuất và phân phối các sản phẩm mang nhãn hàng Eugica trong hạng mục kinh doanh mua bán hàng hóa cho đến hết năm 2013.
Lợi nhuận của công ty mẹ thường chiếm khoảng 90% lợi nhuận hợp nhất, như vậy kết quả lợi nhuận Quý IV/2013 phù hợp với dự báo của chúng tôi là EPS 2013 đạt 9.539 đồng. Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu DHG có giá 120.000 đồng/cổ phiếu, PER 2014 là 11,6 lần với EPS 2014 theo dự báo của chúng tôi là 10.346 đồng.
CTCK Maybank KimEng – MBKE:
Dược Hậu Giang công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013 của công ty mẹ khá ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 57% với cùng kỳ, đạt 155,5 tỷ đồng dù doanh thu thuần quý IV/2013 chỉ tăng 29,4% với cùng kỳ, đạt 1.055 tỷ đồng.
Như đã đề cập trong các phân tích trước, trong năm 2013, sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng thương hiệu Eugica cho đối tác Thái Lan, DHG sẽ trở thành đơn vị sản xuất độc quyền và phân phối sản phẩm Eugica tại Việt Nam. Do đó, toàn bộ doanh thu của các sản phẩm Eugica (chiếm khoảng 8% doanh thu của DHG trước đó) sẽ được ghi nhận vào mảng thương mại, thay cho mảng hàng tự sản xuất trước đó.
Doanh thu mảng thương mại quý IV/2013 tăng gần 6 lần so với cùng kỳ, giúp nâng tỷ trọng doanh thu của mảng này từ mức 2% lên 11% tổng doanh thu của DHG trong quý IV/2013. Cơ cấu doanh thu thay đổi khiến biên lợi nhuận gộp quý IV/2013 giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống còn 42%.
Tuy nhiên, thu nhập tài chính ròng quý IV/2013 của DHG tăng mạnh 333% so với cùng kỳ, đạt 33,7 tỷ đồng do thu nhập từ cổ tức tăng. Ngoài ra, khác với năm 2012, việc phân bổ các chi phí cho hoạt động chăm sóc khách hàng, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm mới,… theo ngân sách được duyệt được hạch toán trong kỳ 6 tháng cuối năm, thì năm 2013, các khoản chi phí này được phân bổ trong kỳ phát sinh. Nhờ đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/ doanh thu quý IV/2013 giảm mạnh khoảng 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ, xuống còn 27%. Kết quả, dù thu nhập khác giảm 64% so với cùng kỳ xuống còn 10,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 của DHG vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng 57% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng doanh thu.
Cả năm 2013, dù đối mặt với những khó khăn chung của ngành dược, mà đặc biệt là ảnh hưởng từ Thông tư 01/2012-TTLT-BTC-BYT đến việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện nhưng doanh thu thuần công ty mẹ DHG vẫn tăng mạnh 23% so với cùng kỳ, đạt 3.254 tỷ đồng. Điều này là do công ty đã đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, truyền thông nhằm gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu của DHG đối với khách hàng và khai thác hiệu quả hơn hoạt động của kênh OTC.
Biên lợi nhuận gộp giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống còn 42% trong 2013 do cơ cấu doanh thu thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng hàng thương mại/DT từ 2% trong 2012 lên 10% trong 2013. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 2013 dù tăng, nhưng chậm hơn mức tăng trưởng của doanh thu giúp tỷ trọng Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp /doanh thu giảm nhẹ 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống còn 27% trong 2013. Đặc biệt, nhờ thu nhập bất thường từ thương vụ Eugica (hơn 120 tỷ đồng) giúp lợi nhuận trước thuế cả năm 2013 của công ty mẹ tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 765 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 603,2 tỷ đồng do thuế suất bình quân của công ty mẹ tăng mạnh từ mức 14% trong 2012 lên 21% trong 2013. DHG đã hết hưởng chính sách ưu đãi thuế suất trong năm 2013.
5- SMC: Có thể chốt lời ở mức giá hiện tại
(CTCK Maybank KimEng – MBKE)
CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) công bố ước tính kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013. Theo đó, sản lượng tiêu thụ cả năm 2013 của SMC đạt 717.000 tấn (+19,3% với cùng kỳ) và doanh thu đạt 9.650 tỷ đồng (+7,6% với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 2013 của SMC lại giảm mạnh gần 59% với cùng kỳ chỉ đạt 28 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng sự chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của SMC có thể là do lợi nhuận gộp biên bị thu hẹp vì bị ảnh hưởng của hàng tồn kho giá cao và do chi phí tài chính tăng cao. Như đã phân tích trước đây, tồn kho nguyên liệu, thành phẩm và hàng hóa của SMC vào cuối tháng 6 vừa qua tăng 172% so với đầu năm, trong đó phần lớn được mua hoặc sản xuất trong quý I/2013. Tuy nhiên giá thép cán nóng (tham khảo tại thị trường Trung Quốc) bình quân trong quý II/2013 đã giảm gần 11% so với quý I/2013 đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của SMC. Do lợi nhuận sau thuế 2013 thấp hơn nhiều so với kê hoạch 70 tỷ nên SMC cũng điều chỉnh mức cổ tức 2013 xuống còn 8% so với kế hoạch ban đầu là 15%. Trong đó, SMC đã tạm ứng 5% vào tháng 7/2013.
Trong năm 2014 SMC đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 750.000 tấn sản phẩm (+4,6% với cùng kỳ) và mục tiêu DT 10.000 tỷ (+3,6% với cùng kỳ). Tuy nhiên, SMC lại đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2014 tăng đến 78% n/n ở mức 50 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng có thể SMC kỳ vọng lợi nhuận gộp biên của công ty sẽ cải thiện trong năm 2014 do ít bị ảnh hưởng của hàng tồn kho giá cao như trong năm 2013. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng lợi nhuận gộp biên của SMC có thể sẽ tốt hơn năm 2013 nhờ công ty vừa đưa vào hoạt động Nhà máy gia công thép tấm cán nóng Tân Tạo vào hoạt động vào ngày 18/12/2013 vừa qua. Nhà máy này có công suất thiết 80.000 tấn sản phẩm/năm với vốn đầu tư 175 tỷ đồng. Nhờ vậy, năng lực gia công thép của SMC tăng thêm 33% lên khoảng 240.000 tấn/năm.
Vì vậy, EPS 2014 của SMC ước tính ở mức 1.694 đồng/CP, tương ứng với PE kỳ vọng ở mức 7,26 lần. Chúng tôi cho rằng mức PE này đã tương đối hợp lý đối với SMC và do đó nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ hoặc xem xét chốt lời với mức giá hiện tại.
Thanh Thuý (ĐTCK)