5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/3
Thanh Thuý - 05/03/2015 07:28
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/3 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phiên 4/3: VN-Index vượt mốc 600 điểm
FCM tăng tỷ lệ vốn góp tại FECON Nghi Sơn
Lãi khủng năm 2014, Hoàng Huy trả cổ tức 20%

1. FMC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 4/3/2015, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) vụ kiện CBPG tôm Việt Nam tại Mỹ. Kết quả này là một bất ngờ khi mức thuế đánh lên CTCP Sao Ta (FMC) giảm mạnh so với kết quả sơ bộ trước đó. Cụ thể, mức thuế POR9 của FMC ở mức 0%, giảm mạnh so với mức 6,37% của POR8 và tương đương với mức POR7. Ngoài ra, Minh Phú (MPC) cũng có mức thuế là 1,50% thấp hơn so với mức 4,98% trước đây. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của FMC, chiếm khoảng 42% sản lượng xuất khẩu trong 2013. Thông tin này sẽ ảnh hưởng tích cực cho hoạt động kinh doanh của FMC nói riêng và ngành công nghiệp tôm Việt Nam nói chung.

Kết quả kinh doanh 2014 của FMC hết sức khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, lần lượt đạt 2.900 tỷ đồng và 57,2 tỷ đồng. Với mức doanh số tăng 32% so với năm trước với sản lượng tôm xuất khẩu khoảng 10.800 tấn tôm thành phẩm. Mức tăng này nhờ sự cải thiện đáng kể của cả sản lượng tôm bán ra (+22%) và giá bán tôm xuất khẩu bình quân (+10%). Nguyên nhân chính là do hội chứng dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) lan ra trên diện tích tôm nuôi trồng ở các nước xuất khẩu tôm hàng đầu như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Mexico từ 2013 khiến nguồn cung tôm sụt giảm mạnh trong khi nhu cầu vẫn tăng.

Trong năm 2014, do chưa khống chế được dịch bệnh nên áp lực bất cân đối cung cầu tiếp tục đẩy giá tôm tăng cao. Lợi nhuận gộp 2014 tăng mạnh 65% so với năm trước và đạt 220 tỷ đồng, cao hơn mức tăng của doanh thu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 2 điểm phần trăm. Mặc dù FMC chỉ tự chủ khoảng 6% nguồn nguyên liệu, còn lại chủ yếu mua từ các hộ nuôi trong nước và nhập khẩu, nhưng nhờ giá bán tôm tăng cao cộng với một lượng hàng tồn kho giá rẻ nhập từ Ấn Độ trong tháng 4 với giá thành bình quân thấp hơn thu mua trong nước từ 8-10% nên biên lợi nhuận gộp trung bình tăng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 75% so với năm trước.

Trong 2015, FMC sẽ đưa xưởng mới, chủ yếu chế biến hàng cao cấp, đi vào hoạt động với thị trường hướng tới là Mỹ và EU. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của FMC lần lượt tăng 30% và 50% so với 2014, tương ứng đạt 3.770 tỷ đồng và 85 tỷ đồng. Với việc tôm Thái Lan sẽ hết được ưu đãi thuế quan vào EU từ năm 2014 và tin tốt từ POR9 như trên, chúng tôi lạc quan về triển vọng của FMC trong 2015. Dựa vào kế hoạch lợi nhuận như trên, EPS 2015 vào khoảng 4.259 đồng/CP, tương đương PE 2015 là 5,6x thấp hơn trung bình ngành khoảng 8,5x. Tiếp tục khuyến nghị MUA với FMC.

2. HUT: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

HUT sau giai đoạn tăng giá mạnh và bất ngờ trong tháng 11/2014 đã chuyển sang một pha tích lũy kéo dài liên tục trong ba tháng qua (khu vực hình tam giác).  

Cho đến hai phiên gần đây, sự tăng giá mạnh đã trở lại và đủ sức đưa đường giá vượt thành công khỏi cạnh trên vùng tích lũy, qua đó xác nhận pha điều chỉnh kết thúc.  

Xu hướng của HUT được chúng tôi nhìn nhận là xu hướng tăng cho thời gian sắp tới.  

Thanh khoản tích cực. KLGD thể hiện rõ sự chiếm lĩnh của bên mua khi liên tục tăng trong các phiên tăng giá. KLGD hai phiên vừa qua đã nằm cao hơn mức trung bình 50 ngày cho thấy dòng tiền có sự tập trung cao tại HUT.  

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. Các chỉ báo hầu hết di chuyển từ vùng trung tính sang tích cực để ủng hộ xu hướng tăng của giá.

Chiến lược đầu tư:  NĐT có thể mua vào HUT ở mức giá hiện tại 15.7, Mục tiêu gần nhất: 18.3 (+16,6%), Dừng lỗ tại: 14.4 (-8,3%).

3. FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

FPT có diễn biến “khá thất vọng” khi liên tục giảm và đi ngang kể từ tháng 9/2014 đến gần hiện tại.  

Dù vậy kể từ sau giai đoạn tết, sự tăng giá đã bắt đầu rõ nét hơn và trong phiên hôm nay FPT ghi nhận mức tăng rất mạnh, tạo ra nến hoàn toàn nằm cao hơn vùng kháng cự 49.0.  

Kết quả bứt phá kháng cự nêu trên cho phép chúng tôi đưa ra nhìn nhận xu hướng tăng ở thời gian tới dành cho FPT.

Thanh khoản ghi nhận mức đột biến trong phiên tăng hôm nay của giá, cho thấy bên mua rất dứt khoát trong việc phá vỡ kháng cự, đây là một điểm cộng.  

Chỉ báo tích cực. Các chỉ báo hầu hết đồng thuận đưa ra nhìn nhận tích cực cho xu hướng tăng ở giai đoạn tới.

Chiến lược đầu tư:  NĐT có thể mua vào FPT ở giá hiện tại 50.0, Mục tiêu gần nhất tại: 57.0 (+14,0%), Dừng lỗ tại: 46.5 (-7,0%).

4. GMD: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014, CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD-HSX) ghi nhận 892,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do mảng khai thác cảng tăng mạnh. Lãi ròng đạt 4,6 tỷ đồng so với mức lỗ ròng 28,4 tỷ đồng trong quý 4 năm 2013.

Lũy kế cả năm 2014 (chưa kiểm toán), doanh thu thuần đạt 2.986,8 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm trước, vượt 12,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, mảng khai thác cảng đạt mức tăng trưởng cao nhất 47,8% so với năm trước, nhờ cảng Nam Hải Đình Vũ đi vào hoạt động. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 17,6% năm 2013 lên mức 21,7%. Các kết quả này cao hơn dự báo của chúng tôi trong báo cáo cập nhật phát hành ngày 22/1/2015, lần lượt tương ứng 105,3% và 121,3% đối với khoản mục doanh thu và lợi nhuận gộp.

Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 701,5 tỷ đồng, tăng mạnh 241,3% so với năm 2013, vượt 16,9% kế hoạch. Tuy nhiên, con số này thấp hơn dự phóng của chúng tôi do khoản chi phí bất thường về việc dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán của công ty trong quý 4 năm 2014. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 2014 đạt 4.665 đồng.

Chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết kết quả kinh doanh của công ty trong báo cáo cập nhật tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA dài hạn đối với cổ phiếu GMD và mức giá mục tiêu là 38.200 đồng/cổ phiếu.

5. VSC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCP APEC (APS)

Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của VSC ở mức 60.740 đồng nên khuyến nghị các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này với lợi nhuận kỳ vọng 19%.

* Điểm nổi bật:

- Năm 2014, hoạt động khai thác cảng là hoạt động chủ đạo của VSC, đóng góp 76% doanh thu và 65% lợi nhuận gộp. 2 hoạt động khác là kho bãi và vận tải chiếm khoảng 10% doanh thu mỗi hoạt động. Đại lý tàu là hoạt động đóng góp ít nhất cho doanh thu, chiếm 3%.

- Cảng Green Port có vị trí thuận lợi để phát triển nhờ sông Cấm có độ sâu lớn, 8m, cửa sông rộng và có cơ sở hạ tầng phụ trợ phát triển. Cảng này gồm 2 cầu cảng, có thể đón tàu lên đến 10.000 DWT và một năm có thể bốc xếp khoảng 350.000 TEU.

- Cảng VIP Green Port có vị trí còn thuận lợi hơn so với cảng Green Port. Cảng này nằm ngay tại cửa sông, có mực nước sâu nên có thể khai thác tàu có trọng tải lớn hơn. Cảng nằm trong Khu công nghiệp Đình Vũ, gắn liền với đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng nên có cơ sở hạ tầng phụ trợ rất phát triển.

- Tuy số lượng cảng hoạt động trong khu vực khá nhiều nhưng chúng tôi đánh giá tình hình cạnh tranh không quá gay gắt trong thời điểm hiện tại và sẽ giảm bớt trong vài năm tới. Hiện tổng khả năng bốc xếp hàng hóa của miền Bắc Việt Nam đạt khoảng 75 triệu tấn hàng hóa mỗi năm thì riêng tại Hải Phòng lượng hàng hóa bốc xếp đã đạt 60 triệu tấn năm 2014. Như vậy, hiện tại cầu đã cao gần bằng cung.

- Với những điều kiện thuận lợi của mình, kết hợp với tốc độ phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong những năm tới chúng tôi tin rằng hoạt động khai thác cảng của VSC sẽ tăng trưởng tốt. Các hoạt động khác như kho bãi, vận chuyển và đại lý cũng sẽ tăng trưởng theo việc khai thác cảng.

* Điểm hạn chế: Sau nhiều năm đầu tư khai thác, hiện công suất của cảng Green Port đã gần đạt tối đa. Tình trạng này khiến cho doanh thu của VSC khó có thể tăng trưởng nhanh. Ví dụ là tăng trưởng năm 2013 rất thấp, năm 2014 cao hơn là do Trung tâm Logistics Xanh đi vào hoạt động. Năm 2016, khi cảng VIP Green Port đi vào hoạt động sẽ khắc phục được trình trạng tăng trưởng thấp này.

Cổ phiếu MPC chính thức rời sàn ngày 31/3

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo số 176/TB-SGDHCM về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu MPC (sàn HOSE) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú từ ngày 31/3.

Tin liên quan
Tin khác