Doanh nghiệp
5 tháng đầu năm 2020, chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa
Mạnh Bôn - 06/06/2020 11:23
Để hoàn thành kế hoạch, năm 2020 phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp, bằng 72% kế hoạch. Nhiệm vụ này là “bất khả thi” vì 5 tháng đầu năm chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sau 4 năm thực hiện, cổ phần hóa mới đạt 28% kế hoạch, vẫn còn tới 92 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm nay, nhưng từ đầu năm đến giờ chưa doanh nghiệp được chuyển đổi sở hữu sẽ là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào đầu tuần tới.

Mới hoàn thành 28% kế hoạch cổ phần hóa

Báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài chính từ kỳ họp thứ 2 đến hết kỳ họp thứ 8 cho biết, lũy kế từ năm 2016 đến nay có tổng cộng 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. 

Tuy nhiên trong số 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc Danh mục cổ phần hóa theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cổ phần hóa theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020), đạt 28% kế hoạch.

Như vậy, để hoàn thành kế hoạch thì năm 2020 phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp. Nhiệm vụ này, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính là “bất khả thi” vì nửa năm đã trôi qua vẫn chưa có doanh nghiệp nào nằm trong Danh mục được cổ phần hóa.

Thời gian thực hiện kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 sắp hết, trước thực trạng không đạt kế hoạch, Bộ Tài chính đã nêu rõ danh tính những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa với Quốc hội.

Cụ thể, đó là Hà Nội còn 13 doanh nghiệp trong đó có 4 tổng công ty, chiếm 14% trong số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm nay. TP. Hồ Chí Minh còn 38 doanh nghiệp, trong đó có 11 tổng công ty, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mặc dù chỉ còn 6 doanh nghiệp phải cổ phần hóa nhưng đó là 3 tập đoàn và 3 tổng công ty; Bộ Công thương còn 4 doanh nghiệp, trong đó có tới 3 tổng công ty và cuối cùng là Bộ Xây dựng năm nay phải cổ phần hóa 2 tổng công ty nếu muốn hoàn thành kế hoạch.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến việc cổ phần hóa không đạt mục tiêu, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với cổ phần hóa, thoái vốn

Bên cạnh cổ phần hóa, tình trạng thoái vốn nhà nước cũng ì ạch không kém. Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện hoạt động chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến hết kỳ họp thứ 8 của Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2016 đến nay đã thoái được 25.166 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 171.844 tỷ đồng. Nhưng nếu trừ đi 3.436 tỷ đồng vốn nhà nước thoái tại Sabeco thu về 109.965 tỷ đồng và số vốn thoái ngoài kế hoạch (không thuộc Danh mục thoái vốn tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg) thì kết quả đạt được chẳng đáng bao nhiêu: chỉ thoái được 4.783 tỷ đồng tại 92 doanh nghiệp, thu về 9.185 tỷ đồng, đạt khoảng 8% kế hoạch.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, việc triển khai thoái vốn nhà nước rất chậm, đặc biệt là tại nhiều bộ ngành, địa phương như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng phải thoái vốn nhà nước tại 8/11 tổng công ty cổ phần; Hà Nội phải thoái vốn tại 31/34 công ty cổ phần mới đạt kế hoạch.

Không thể phủ nhận tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn 5 tháng đầu năm nay gần như không có chuyển động có lý do rất… chính đáng đó là do hậu quả của dịch bệnh Covid-19. Nhưng cả năm 2019 chỉ cổ phần hóa được đúng 12 doanh nghiệp trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc Danh mục phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020; thoái được 896 tỷ đồng vốn nhà nước tại tại 13 doanh nghiệp thu về 1.839 tỷ đồng thì ngoài nguyên nhân đất đai còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa phải khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”, ông Đặng Quyết Tiến nêu hướng xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa thời kỳ hậu Covid-19.

Theo ông Tiến, cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước phải sớm hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định 707/QĐ-TTg. “Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, người đứng đầu các bộ ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Tin liên quan
Tin khác