Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp
Theo khảo sát, trong năm 2024, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát (46,12%) có mức độ trưởng thành ở cấp độ 3.- Cấp độ Thiết kế. Ở cấp độ này, doanh nghiệp đã định hình nền tảng cốt lõi (Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi) và bắt đầu xây dựng các kế hoạch hành động để biến những nguyên tắc, niềm tin, giá trị doanh nghiệp tin tưởng thành hiện thực.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa kế hoạch và các hành động cụ thể để áp dụng văn hóa doanh nghiệp vào quy trình tổ chức và chuyển hóa nhận thức thành các hành động thực tiễn vẫn còn khá xa.
Điểm sáng trong thực thi văn hóa doanh nghiệp năm 2024 là mức độ trưởng thành của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến văn hóa tổ chức, thể hiện rõ nhất ở nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và việc định hình nền tảng văn hóa doanh nghiệp.
Năm 2024 là năm thứ 2 liên tiếp tài chính - ngân hàng - bảo hiểm nằm ở vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng 11 nhóm ngành. |
Nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm về mức độ trưởng thành ấn tượng trong thực thi văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với mức điểm trung bình 51.65 điểm, tương đương với cấp độ 4 (cấp Quản lý).
Đây là năm thứ 2 liên tiếp tài chính - ngân hàng - bảo hiểm nằm ở vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng 11 nhóm ngành.
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp Việt duy trì lợi thế cạnh tranh, văn hóa số cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, năm 2024, mức độ thể hiện các đặc trưng của văn hóa số mới ở mức trung bình đến trung bình khá. Điều này cho thấy, đa số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong tổ chức.
Xét theo từng nhóm ngành, các doanh nghiệp thuộc 3 nhóm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, dịch vụ, du lịch - khách sạn là 3 nhóm ngành có mức độ thể hiện các đặc trưng Văn hóa số cao nhất, rõ nét nhất ở nét đặc trưng “Khách hàng là trung tâm” và “Định hướng dựa trên dữ liệu”.
5 xu hướng văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong 2025
Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C cho rằng: "Năm 2025 sẽ chứng kiến sự chuyển dịch rõ nét hơn, nơi văn hóa doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nền tảng mà còn trở thành động lực mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và thích nghi với những thay đổi liên tục của thời đại".
Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C. |
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát trên 206 doanh nghiệp, Blue C đã đưa ra và phân tích 5 xu hướng văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong 2025.
Thứ nhất, hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trong thời kỳ chuyển đổi. Khảo sát của PwC (6/2024) tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam cho thấy 68% nhân viên trải qua nhiều biến động trong công việc, 48% phải học công nghệ mới và đối mặt với khối lượng công việc tăng. Trong bối cảnh này, hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi sẽ là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2025, góp phần duy trì hiệu suất và tính bền vững.
Thứ hai, văn hóa trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và ngày càng được quan tâm. Khảo sát của Blue C cho thấy cứ 3 doanh nghiệp sẽ có hơn 1 doanh nghiệp đặt văn hóa số là mục tiêu ưu tiên trong năm 2025. Các đặc trưng nổi bật gồm: Khách hàng là trung tâm, Định hướng dữ liệu, Đổi mới, Hợp tác và Phát triển bền vững sẽ sớm trở thành những từ khóa quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp năm 2025.
Thứ ba, tăng cường đào tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc. AI tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm 2025, đặt ra thách thức lớn về kỹ năng và khả năng thích ứng của người lao động. Dù các lãnh đạo đã đầu tư mạnh mẽ vào AI, khảo sát của Gallup cho thấy gần 70% nhân viên vẫn không sử dụng AI, và số người cảm thấy thoải mái với công nghệ này đã giảm 6% từ 2023 đến 2024. Điều này cho thấy việc áp dụng AI chưa được định hướng rõ ràng và thiếu hỗ trợ từ doanh nghiệp. Để tối ưu hóa AI, doanh nghiệp cần kế hoạch đào tạo cụ thể và giải quyết việc làm cho nhân sự dôi dư do tự động hóa.
Thứ tư, tái thiết văn hóa, duy trì động lực làm việc trong và sau tinh gọn bộ máy. Chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ sẽ tạo ra lượng lớn nhân sự dôi dư cho thị trường lao động trong năm 2025. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân thu hút nhân sự trình độ cao, nhưng cần chú trọng hòa nhập văn hóa cho nhân sự mới. Các tổ chức công, sau tinh giản, cần tái thiết văn hóa, củng cố niềm tin nội bộ, khuyến khích đồng lòng và đầu tư đào tạo nhân sự để duy trì hiệu quả.
Thứ năm, tập trung vào sự quan tâm tại nơi làm việc. Trong môi trường làm việc đầy biến động như hiện nay, mức độ quan tâm của tổ chức đối với nhân viên trở thành yếu tố then chốt để giữ chân nhân viên.
Thách thức năm 2025 là thu hẹp khoảng cách giữa phúc lợi mà doanh nghiệp cung cấp và nhu cầu thực tế của nhân viên. Đặt sự quan tâm làm trọng tâm chiến lược văn hóa giúp tăng khả năng phát triển của nhân viên lên 378% và giảm 80% khi thiếu quan tâm. Nhân viên được hỗ trợ tốt ít kiệt sức hơn, gắn kết cao hơn 12 lần, và làm việc xuất sắc cao hơn 7 lần, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp.