Cả nước có hơn 8.700 HTX, tạo việc làm cho hàng triệu lao động
Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam (VCA) cho thấy, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục phát triển về số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động; số lượng THT, HTX và LHHTX tăng khá ở các địa phương, chiếm tỷ trọng 39% tổng số HTX trong nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 64.081 tổ hợp tác, 8.744 HTX, 21 Liên minh HTX phi nông nghiệp, tăng hơn 02 lần năm 2003.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho hay, các loại hình HTX phi nông nghiệp đều phát triển phát triển, tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại; sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung; số lượng thành viên được mở rộng. Đến cuối năm 2018, số thành viên HTX phi nông nghiệp đạt 3,1 triệu người, tăng 3 lần so với năm 2003 và chiếm 44,3% tổng số thành viên của khu vực HTX. Cuối năm 2018 có 1,7 triệu lao động làm việc tại các HTX, tăng 2,4 lần so với năm 2003.
Vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi của HTX cũng tăng từ 3 - 5,2 lần; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt 50% - 83%. Phần lớn HTX liên kết với doanh nghiệp, chuỗi giá trị thị trường trong nước, nhiều HTX có sản phẩm xuất khẩu, áp dụng công nghệ cao, tăng năng suất lao động.
Doanh thu và lãi bình quân của 01 HTX phi nông nghiệp tăng qua hằng năm; năm 2018, bình quân 01 HTX có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi 0,48 tỷ đồng, tăng từ 2 - 5 lần so với năm 2003.
Khác với tổ chức sản xuất - kinh doanh trong HTX nông nghiệp, tư liệu sản xuất và cung ứng dịch vụ của HTX phi nông nghiệp chủ yếu là tập trung, sản xuất phân tán ở thành viên không nhiều; các thành viên hợp tác, liên kết chặt chẽ theo qui trình sản xuất; chủ tịch và giám đốc HTX đóng vai trò quan trọng, góp nhiều vốn, tay nghề kỹ thuật cao, có khả năng quản trị, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của HTX.
Cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn vào HTX phi nông nghiệp
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, nhìn chung, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp ngày càng tích cực cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, một số cơ quan chức năng, bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức đến kinh tế tập thể. Nhận thức của nhiều cán bộ, người dân, kể cả cán bộ trực tiếp công tác phát triển kinh tế tập thể và thành viên HTX về bản chất, nguyên tắc, chủ trương, chính sách và pháp luật về HTX còn hạn chế. Các chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được chú trọng..
Hệ quả là số lượng các loại hình tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Phần lớn HTX có qui mô nhỏ, siêu nhỏ, nhiều HTX yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế, chưa minh bạch về vốn góp và tài chính; chưa có HTX và LHHTX cấp tỉnh, vùng để liên kết các HTX với nhau theo chuỗi giá trị...
*Số lượng các loại hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng trưởng từ 8% - 15%/năm. Đến năm 2025 cả nước có 130.000 THT, 15.000 HTX và LHHTX, thu hút 5 triệu thành viên và tạo việc làm cho 3 triệu lao động thường xuyên. Đến 2030 có 260.000 THT; 25.000 HTX và LHHTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 4,5 triệu lao động thường xuyên.
* Phấn đấu 100% cán bộ quản trị điều hành HTX được đào tạo và có năng lực quản trị, các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề; vốn điều lệ và tổng tài sản tăng bình quân 10%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân là 20%/năm.
* Đưa tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả từ 80% trở lên.
Do đó, Liên minh HTX kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phi nông nghiệp phát triển.
Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành cần nhanh chóng sửa đổi Luật HTX năm 2012; ban hành chiến lược phát triển kinh tế tập thể thời kỳ 2021 - 2030 và đồng bộ khung khổ pháp luật về kinh tế tập thể.
Đồng thời, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở các bộ quản lý chuyên ngành; sửa đổi qui định thông tin, báo cáo.
Bên cạnh đó, bố trí ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được ghi thành khoản mục riêng trong Dự toán ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, cấp uỷ và chính quyền địa phương cung cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tập thể trong đó có lĩnh vực phi nông nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển HTX phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế.