Giá trị các giao dịch đầu tư và M&A của 50 thương vụ của List 50 do Diễn đàn M&A Vietnam công bố giai đoạn 6/2019 - 10/2020 ước đạt 4,3 tỷ USD. Quy mô trung bình mỗi thương vụ tiêu biểu bình quân 86,9 triệu USD/thương vụ.
Những thương vụ lớn (quy mô > 100 triệu USD) ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây, giai đoạn 2019 - 2020 giá trị các thương vụ có quy mô > 100 triệu USD, chiếm 79,34% tổng giá trị của 50 thương vụ.
Các doanh nghiệp Việt Nam là người mua tích cực trong List 50 gồm Masan, Vinamilk, Gelex, Thaco, REE…, với 37,52% tổng giá trị. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A gồm Hàn Quốc 21,64%, Nhật Bản 12,73%, Thái Lan 10,73%, Singapore 9,85%.
Các thương vụ trong List 50 phản ánh xu hướng M&A khi tập trung vào các ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ… bên cạnh đó, những ngành khác có thương vụ trong danh sách bao gồm logistic, dược phẩm - y tế, đào tạo…
Danh sách List 50 được tổng hợp của nhóm nghiên cứu MAF và Viện CMAC. Giá trị thương vụ được ghi nhận theo thông tin công bố hoặc theo tính toán độc lập của Nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục nhận được các thông tin công bố của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà tư vấn để xây dựng Danh sách List 50 hàng năm.
Siêu Việt Group - Afirma Capital
Tháng 2/2020, Affirma Capital được điều hành bởi cựu lãnh đạo cấp cao của Standard Chartered Private Equity công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) - đơn vị này hiện đang sở hữu 4 cổng thông tin việc làm uy tín: TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Công ty cho biết sẽ dùng khoản đầu tư này để mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.
Thương vụ này là khoản đầu tư thứ 5 của Affirma Capital tại Việt Nam kể từ năm 2014, sau N Kid Corporation, Online Mobile, Tập đoàn Lộc Trời và Golden Gate.
SK Group - CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP)
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo SK Investment Vina III - thuộc tập đoàn đa ngành Hàn Quốc SK Group - nhận chuyển nhượng hơn 12,3 triệu cổ phiếu IMP của CTCP Dược phẩm Imexpharm, tương ứng 24,9% vốn điều lệ. Bên bán là nhóm quỹ Dragon Capital (11,3 triệu cổ phần), CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Tính theo giá thị trường hiện tại của cổ phiếu IMP khoảng 54.000 đồng/cổ phiếu thì lượng cổ phiếu trên có trị giá 665 tỷ đồng (gần 29 triệu USD).
Gelex - Viglacera
Gelex công bố mua thành công 94,6 triệu cổ phiếu Viglacera, tương đương 21,1% cổ phần của doanh nghiệp. Sau giao dịch trên, Gelex cùng công ty con tăng tỷ lệ sở hữu ở Viglacera từ 25% lên 46,1%. Doanh nghiệp này trở thành cổ đông lớn nhất của Viglacera sau khi vượt tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng (38,6%).
Với mức giá chào mua 23.500 đồng/cổ phiếu, số tiền Gelex chi ra để gom 94,6 triệu cổ phiếu Viglacera ước tính khoảng 2.220 tỷ đồng. Trong thời gian chào mua công khai từ 26/8 đến 25/9, Gelex thể hiện rõ quyết tâm gom cổ phần Viglacera khi 2 lần nâng giá chào mua từ 17.700 đồng/cổ phiếu lên 21.500 đồng rồi 23.500 đồng.
Bộ Xây dựng có kế hoạch thoái toàn bộ vốn ở Viglacera trong năm 2020 với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc bán đấu giá phần vốn Nhà nước tại Viglacera. Do đó, Gelex tiến hành mua vào cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ.
Việc Gelex chào mua cổ phần Viglacera nhằm hiện thực hóa tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Ban lãnh đạo Gelex khẳng định một trong những ưu tiên lớn trong năm nay là hoàn tất việc nắm quyền chi phối Viglacera.
LDG – Bất động sản Hiệp Phúc
Theo thông tin từ Nghị quyết HĐQT CTCP Đầu tư LDG (LDG Group, mã: LDG), doanh nghiệp này vừa chính thức nhận chuyển nhượng Dự án Khu căn hộ cao cấp Sông Đà Riverside tại quận Thủ Đức, TP HCM từ CTCP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai (Mã: GCG).
Như vậy, LDG Group chính thức sở hữu dự án rộng hơn 28.168 m2 để đầu tư xây dựng khu căn hộ cao cấp.
“Thương vụ này là kết quả trong nhiều tháng đàm phán hai bên để LDG Group mua lại 99,9% vốn của CTCP Bất động sản Hiệp Phúc, pháp nhân sở hữu dự án này”, thông tin công bố trên website của LDG Group nêu rõ.
Sau khi về tay LDG, dự án này chính thức mang tên Khu căn hộ cao cấp LDG River có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.153 tỷ đồng. Dự án nằm ven sông Sài Gòn đoạn qua quận Thủ Đức (TP.HCM) trên trục đường Quốc lộ 13 kết nối vào trung tâm thành phố và đường Phạm Văn Đồng.
Masan MeatLife - 3F
Masan MEATLife thông báo rót 613 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn tại công ty chuyên sản xuất thịt gia cầm 3F Việt. Khoản vốn dự kiến được 3F Việt dùng để mở rộng kinh doanh và xây dựng thương hiệu. Công ty này đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng và hoà vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) ngay trong năm nay.
Đối tác của Masan MEATLife được thành lập năm 2014, là một trong những công ty đầu tiên của người Việt theo đuổi mô hình Feed - Farm - Food để thực hiện ý tưởng "từ trang trại đến bàn ăn". Nền tảng của công ty này là chuỗi giá trị trải đều từ con giống, trại ấp, trại thịt đến cơ sở chế biến và đóng gói quy mô lớn. Danh mục sản phẩm chính gồm là thịt gà mát đóng gói và các sản phẩm chế biến từ thịt gà.
VinaCapital - Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund là quỹ đầu tư của VinaCapital đang niêm yết trên sàn chứng khoán London, thông báo đầu tư 26,7 triệu USD (tương đương 620 tỷ đồng) để sở hữu 30% cổ phần Công ty cổ phần Y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc - chủ sở hữu bệnh viện đa khoa quốc tế cùng tên. Sau thương vụ, Bệnh viện Thu Cúc tăng vốn điều lệ lên 354 tỷ đồng và VinaCapital sẽ có một ghế trong hội đồng quản trị.
Bệnh viện Thu Cúc được thành lập năm 2011 tại Hà Nội, hiện có hơn 1.400 nhân viên, trong đó khoảng 230 bác sĩ. Bệnh viện này mới mở thêm một phòng khám đa khoa rộng hơn 5.000 m2 để phục vụ khám bệnh ngoại trú và khám sức khoẻ theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong thông báo đầu tư, bà Nguyễn Thu Cúc - người sáng lập bệnh viện cho rằng kinh nghiệm làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của VinaCapital có thể giúp công ty tối ưu hoá nguồn lực, cải thiện hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Mitsubishi UFJ & Finance - VietinBank Leasing
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ & Finance và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ cho 1 nhà đầu tư trong nước.
Về công ty nhận chuyển nhượng, Mitsubishi UFJ & Finance được thành lập từ năm 1971 tại Nhật Bản, là công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính thuộc sở hữu của Mitsubishi UFJ - cổ đông Nhật Bản đang sở hữu 19,73% vốn tại VieitinBank.
Tính đến cuối tháng 3/2020, Mitsubishi UFJ Lease & Finance có tổng tài sản là 58 tỷ USD, vốn chủ sở hữu là 7,8 tỷ USD. Công ty này có trụ sở tại Nhật Bản hoạt động toàn cầu với các chi nhánh tại châu Âu, Mỹ và một số nước thuộc khu vực châu Á.
VietinBank Leasing thành lập từ năm 1998, được VietinBank cấp 100% vốn điều lệ và có quyền tự chủ về tài chính. Hiện nay, VietinBank Leasing là công ty có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính với tổng giá trị vốn góp là 1.000 tỷ đồng.
SoftBank Ventures Asia, Gaw Capital - Propzy
Propzy - startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) Việt Nam tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2019) diễn ra ở Hà Nội là startup tiêu biểu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ 18 quỹ đầu tư lớn trong nước và trên thế giới. Vừa công bố gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A. Dẫn đầu vòng rót vốn lần này là Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia - quỹ chuyên đầu tư vào startup châu Á giai đoạn đầu của tập đoàn Nhật Bản SoftBank. Các nhà đầu tư khác bao gồm Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.
Hiện giá trị các giao dịch bất động sản, môi giới, thế chấp thông qua Propzy trong nửa đầu năm 2019 đã vượt quá tổng giá trị của năm 2018. Dự kiến, đến quý II/2020, Propzy sẽ bắt đầu có lãi, cũng như mở rộng sang các thị trường bất động sản khác, gồm: Hà Nội và các khu vực lân cận.
Dược phẩm Aska - Dược Hà Tây
Công ty dược phẩm từ Nhật Bản ASKA công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (Hataphar, HNX: DHT) thông qua hoàn tất đàm phán mua lại 24,9% cổ phần. Theo tờ trình về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, DHT cho biết ASKA đăng ký mua 5.281.463 cổ phiếu với mức giá dự kiến 70.000 đồng/cổ phiếu.
ASKA là hãng dược 100 năm tuổi của Nhật, ra đời từ năm 1920, chuyên về các sản phẩm cho nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu. Từ tháng 4/2020, công ty thành lập bộ phận kinh doanh quốc tế để bắt đầu đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển thông qua hoạt động ở thị trường nước ngoài. ASKA kỳ vọng sự kết hợp giữa năng lực công nghệ sản xuất và phát triển dược phẩm của mình với cấu trúc thương mại của DHT tại Việt Nam sẽ mang đến lợi ích cho cả hai và cho các cổ đông.
Hataphar được thành lập năm 1965, tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tây. Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu thuốc chữa bệnh, hóa chất nguyên liệu làm thuốc, dược liệu và trang thiết bị y tế.
Siam Cement Group - CTCP Bao bì Biên Hòa
Tập đoàn Siam Cement (SCG), thông qua Thai Containers Group thành viên hoạt động trong ngành bao bì, đóng gói của SCG, mua lại Bao bì Biên Hòa với giá 19,2 triệu USD (khoảng 450 tỷ đồng).
CTCP Bao bì Biên Hòa tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1968. Năm 2003, đơn vị này thực hiện chính sách cổ phần hóa, đổi tên là CTCP Bao bì Biên Hòa, đồng thời vẫn duy trì thương hiệu “SOVI” từ trước đó.
Kết thúc năm 2019, Bao bì Biên Hòa ghi nhận 1,704 tỷ đồng doanh thu (khoảng 73 triệu USD) giảm 4% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên 141 tỷ đồng (khoảng 6 triệu USD), gấp 2,3 lần năm trước.