6 Hiệp hội bao gồm: Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hôi nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực thực phẩm TPHM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lên các bộ ngành về các giải pháp phát triển nước mắm truyền thống.
Tại văn bản này, các Hiệp hội cho biết đã thống nhất đánh giá cao những động thái quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các bộ xử lý kịp thời sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm asen” và đồng tình với kết luận xử lý của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập về chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas)…
Về việc Vinastas đăng tải văn bản xin lỗi vào ngày 24/11, nhóm các nhà sản xuất nước mắm cho rằng “Qua nội dung văn bản xin lỗi, chúng tôi cho rằng Vinastas chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất của mình đó là: nhân danh Hội bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại cho những doanh nghiệp khác".
"Hành động này không chỉ lừa dối người tiêu dùng, đi ngược lại tên gọi của hội mà còn tạo nên một thị trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo thế mạnh cho doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm theo phương pháp truyền thống", các doanh nghiệp nêu ý kiến chung.
Các Hiệp hội này cũng cho rằng, văn bản xin lỗi của Vinastas đã không làm rõ danh tính của nhà tài trợ cũng như lý do vì sao chỉ tập trung kiểm tra chỉ tiêu asen mà không tìm kiếm các kim loại nặng khác, tại sao quy chuẩn Việt Nam chỉ nêu ngưỡng độc của asen vô cơ lại đi kiểm tra asen tổng rồi lấy đó làm căn cứ kết luận nước mắm cao đạm có asen tổng vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế.
“Văn bản này cũng không nêu trách nhiệm đền bù của Vinastas vì đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống”, văn bản nêu.
Nhóm các Hiệp hội kiến nghị Chính phủ làm rõ đơn vị chủ trì việc tài trợ cho Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy để tiến hành các hoạt động vừa qua dẫn đến sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm asen”.
“Việc công khai danh tính đơn vị chủ trì các hoạt động tài trợ cùng với lời xin lỗi của đơn vị chủ trì gây nên sự cố sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc “gắp lửa bỏ tay người”, sử dụng truyền thông và nhiều tổ chức khác nhau, gây tác động lớn đến người tiêu dùng như vừa qua”, văn bản nêu rõ.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội này cũng cho biết, sau kết luận của các Bộ, tuy tình hình đã tương đối ổn định nhưng hậu quả của sự kiện này vẫn kéo dài, nhất là ở những vùng nông thôn, ở các chợ nơi người dân không có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin.
“Báo giấy với những tờ quảng cáo đã phát hành và danh sách in trên giấy có tên các nhãn hàng nước mắm nhiễm asen theo kết luận của Vinastas vẫn đang lưu hành ở những vùng trên”, thông tin cho biết.
Tại văn bản này, nhóm các doanh nghiệp cũng cho biết sẽ sớm tự công bố tiêu chuẩn chung của nước mắm truyền thống và kiến nghị Thủ tướng sớm giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn soạn thảo và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm để có cơ sở phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm.
Ngoài ra, các Hiệp hội mắm truyền thống địa phương cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam nhằm liên kết các nhà sản xuất nước mắm truyền thống để giữ gìn và phát triển nước mắm.